Nguyễn Thị Hồng Liên
Đơn vị: Khoa thời trang
Email: liennth83@hict.edu.vn
TÓM TẮT
Chất liệu là một trong những yếu tố quan trọng nhất quyết định thành công của một bộ sưu tập thời trang. Không những đáp ứng các yếu tố về mặt thẩm mỹ cao, kỹ thuật thủ công tỉ mỉ, một bề mặt chất liệu còn phải mới mẻ, sáng tạo, thống nhất với tinh thần và ý tưởng bộ sưu tập, chúng ta có thể sử dụng các cách xử lí chất liệu nghệ thuật tạo hình độc đáo hay các kĩ thật trang trí thủ công để tạo thành sản phẩm thời trang có thể ứng dụng được. Để sinh viên có thể hiểu rõ hơn về các kĩ thuật trang trí trên chất liệu, bài viết đề cập đến một trong những phương pháp sáng tạo, đổi mới chất liệu trên bề mặt vải có sẵn, đó là các phương pháp như: thêu tay, vẽ, in và nhuộm thủ công. Với phạm vi bài viết chủ yếu giới thiệu đặc trưng của các kĩ thuật, cách nhận biết, phương pháp thực hiện, kĩ thuật thể hiện và hiệu quả thẩm mỹ bằng những lập luận, phân tích xúc tích, rõ ràng, dễ hiểu cùng hình ảnh minh hoạ sinh động, hấp dẫn. Không những vậy, bài viết thể hiện vai trò và ý nghĩa trong việc đưa các kĩ thuật trang trí thủ công trên vải vào công tác đào tạo chuyên ngành cho sinh viên thiết kế thời trang.
Từ khóa: Trang trí thủ công, kĩ thuật tạo hình trên vải, thêu tay, thêu tambour, batik, eco painting, nhuộm shibori
1. Đặt vấn đề
Thiết kế thời trang là một ngành đòi hỏi nghệ thuật thẩm mỹ, tư duy và tính sáng tạo cao. Ngoài sự đổi mới về kiểu dáng, kết cấu thì sự đổi mới, sáng tạo trên bề mặt chất liệu là một trong những yếu tố quyết định đến sự sáng tạo của một sản phẩm thời trang. Ngày nay, những thành tựu vượt bậc của khoa học kĩ thuật đã mang lại nhiều lợi ích cho cuộc sống xã hội cũng như tạo ra những bước ngoặt lớn trong nghệ thuật sáng tạo, đặc biệt tác động không nhỏ đến thiết kế thời trang. Nhưng bên cạnh sự tìm tòi và phát minh của khoa học về các loại chất liệu mới thông minh, thân thiện với con người và môi trường thì việc sử dụng những kĩ thuật trang trí thủ công vẫn là một xu hướng được các nhà thiết kế khuyến khích thực hiện bởi nhiều những lợi ích mà nó mang lại. Nếu như đối với những sản phẩm thời trang thông dụng nhà thiết kế có thể sử dụng các chất liệu vải sẵn có từ thị trường, trang trí trên bề mặt bằng máy móc nhằm thực hiện ý tưởng bộ sưu tập thời trang thì những sản phẩm thời trang cao cấp, mang tính trình diễn thì việc sáng tạo chất liệu có sẵn dựa trên khai thác các kĩ thuật trang trí thủ công giúp cho họ thể hiện được những nét riêng, cá tính, độc đáo đồng thời tôn vinh được những giá trị truyền thống, lịch sử và thể hiện được óc sáng tạo cũng như bàn tay khéo léo của con người. Khai thác các giá trị của nghệ thuật thủ công vẫn là xu hướng mạnh mẽ và được hầu hết các nhà thiết kế nổi tiếng thế giới hướng đến.
2. Nội dung
2.1. Trang trí thủ công và vai trò của nó đối với thiết kế
Trang trí thủ công là chỉ hoạt động làm đẹp cho một loại sản phẩm hoàn toàn được thực hiện bằng tay dưới sự hỗ trợ của công cụ đơn giản. Nói cách khác, những sản phẩm được trang trí thủ công là kết quả từ bàn tay của nghệ nhân thủ công. Chúng phô bày vẻ đẹp của sự khéo léo cùng kĩ thuật truyền thống; chúng không được tạo ra từ quá trình sản xuất máy móc hàng loạt do vậy mỗi sản phẩm lại mang giá trị riêng, độc bản và không hoàn toàn giống hệt nhau. Trong thời trang, trang trí thủ công chủ yếu là sử dụng để tạo hoạ tiết trên bề mặt chất liệu. Từ lịch sử trang phục cho thấy con người đã sử dụng các kĩ thuật trang trí thủ công truyền thống chủ yếu như là: dệt, thêu, vẽ, nhuộm, đính kết, ghép vải... Những kĩ thuật này có lịch sử phát triển lâu đời và được vận dụng phổ biến trong thiết kế trang phục từ xưa đến nay và đã trở thành một trong những nét văn hoá truyền thống đặc sắc và nổi tiếng của mỗi dân tộc.
Nghệ thuật thiết kế chất liệu là sự kết hợp tuyệt vời giữa các cách tạo hình thủ công với các kỹ thuật trang trí trên chất liệu như: thêu, vẽ, nhuộm, in vải, dệt và tạo ren... Đặc biệt ngày nay các nhà thiết kế còn sử dụng các phương tiện kỹ thuật, đồ họa và máy móc hiện đại để tạo nên chất liệu mới. Trang trí thủ công trên nền chất liệu vải đang được ứng dụng rất nhiều trong thiết kế đặc biệt là trong thời trang và nội thất bởi những tác phẩm mang tính thẩm mỹ cao và giá trị lao động nghệ thuật bền vững.
Trang trí thủ công thường được sử dụng kết hợp với những chất liệu thân thiện môi trường và gắn với nghệ thuật truyền thống, mang yếu tố địa phương. Những chủ đề, mô tuýp trang trí khai thác chủ yếu từ thiên nhiên, cuộc sống mang tính bình dị, gần gũi. Việc khai thác những kĩ thuật trang trí thủ công mang lại nhiều lợi ích:
- Làm tăng tính thẩm mỹ, sáng tạo, độc đáo cho các mẫu thiết kế hiện đại
- Thể hiện được ý tưởng thiết kế rõ ràng hơn
- Rèn luyện các kĩ năng trang trí nghệ thuật thủ công, rèn luyện kĩ năng tư duy thẩm mỹ, sự cẩn thận, tỷ mỉ, kiên nhẫn của nghệ nhân hay người nghệ sĩ, nhà thiết kế
- Gìn giữ, phát huy, quảng bá được những giá trị văn hoá tinh hoa của các dân tộc
- Bảo vệ môi trường, góp phần tạo ra những sản phẩm thiết kế bền vững
2.2. Những kĩ thuật trang trí thủ công trên chất liệu thời trang
2.2.1. Phương pháp thêu tay
Thêu còn được hiểu là nghề dệt trang trí trên vải hoặc dùng các vật liệu khác như kim để may họa tiết qua các sợi chỉ hoặc sợi len. Thêu cũng được kết hợp với một số vật liệu khác như các hạt ngọc trai, chuỗi hạt, kim sa,… để tạo hiệu ứng chất liệu khác nhau. Kĩ thuật thêu tay hiện nay vô cùng đa dạng không chỉ dừng lại ở những sản phẩm những sản phẩm truyền thống mà còn được ứng dụng vào rất nhiều lĩnh vực, từ những vật dụng thường ngày, gần gũi cho đến những tác phẩm nghệ thuật trình diễn cao cấp đắt tiền. Có nhiều kĩ thuật thêu tay khác nhau, mỗi kĩ thuật lại kèm theo dụng cụ và chất liệu thêu cũng như tạo những hiệu ứng khác nhau. Mỗi phương pháp mang lại hiệu quả thẩm mỹ riêng, phù hợp với nhiều phong cách thiết kế và nhu cầu khách hàng. Có thể kể đến những kĩ thuật thêu tay phổ biến như: Thêu lụa, thêu chữ thập, thêu ruy băng, thêu điêu khắc, thêu hardanger Nauy, thêu nổi 3D...
Hình 1. Thêu truyền thống trên lụa [1]
Hình 2. Thêu trên quần jeans. Nguồn: pinterest.com
Hình 3. Thêu điêu khắc [1]
Hình 4. Thêu chữ thập trên các sản phẩm thổ cẩm các dân tộc [1]
Hình 5. Thêu hardanger (Nauy) [1]
Hình 6. Thêu ruy băng [1]
Hình 7. Thêu nổi 3D [1]
Hiện nay, các nhà thiết kế khi ứng dụng kĩ thuật thêu tay trên tác phẩm hiện đại, để tạo sự sáng tạo, độc đáo, nhà thiết kế thường kết hợp nhiều phương pháp thêu khách nhau, sử dụng kết hợp với những vật liệu trên nhiều loại vải. Bằng khả năng sáng tạo, kết hợp linh hoạt các phương pháp thêu khác nhau có thể tạo ra sự đa dạng và phong phú của các sản phẩm. Vật liệu dùng thêu thường thấy là chỉ cotton, chỉ tơ, sợi kim tuyến, sợi len, ruy băng,v.v.. cùng với sử dụng phương pháp và mô tuýp linh hoạt tạo ra những sản phẩm thời trang ấn tượng, không chỉ là chi tiết trang trí trên trang phục mà còn tạo ra những tác phẩm nghệ thuật độc đáo, ấn tượng.
Bộ sưu tập No.10 - Em Hoa của nhà thiết kế Nguyễn Công Trí mang đến người yêu thời trang góc nhìn vô cùng mới mẻ và khác lạ từ thế giới sáng tạo bất tận của nhà thiết kế couture hàng đầu Việt Nam. Các thiết kế oversize (ngoại khổ) đơn sắc mang khuynh hướng tối giản chỉ thực sự thăng hoa khi các người mẫu quay lưng lại, trưng trổ trọn vẹn những đoá hoa khổng lồ đính kết trên phần thân sau, được chế tác hoàn toàn thủ công bằng kĩ thuật thêu tay [4].
Hình 8. BST “Em Hoa” khoe hương sắc tại Tuần lễ thời trang Tokyo 2017 [4]
Tiếp đến là bộ sưu tập “Chuyện tình cao nguyên đá” của nhà thiết kế Vũ Việt Hà Bộ sưu tập được thiết kế với những họa tiết hoa ban được thêu tay tỉ mỉ như gợi nên cảnh tượng những nam thanh, nữ tú xúng xính áo quần nô nức tại các bản làng kéo nhau về phố núi. Trên nền vải lanh đặc trưng, cùng tông màu chàm đậm, nhà thiết kế đã kết hợp với chất liệu lụa thêu tay tạo cho trang phục sự kích thích về thị giác [9].
Hình 9. Bộ sưu tập “chuyện tình cao nguyên đá” của NTK Vũ Việt Hà [9]
2.2.2. Phương pháp đính kết Tambour Embroidery
Tambour Embroidery (còn được biết đến với tên gọi Ari) là một kỹ thuật thêu đính kết được cho là có nguồn gốc từ Ấn Độ và đưa đến Châu Âu vào thế kỷ 18. Đây là kỹ thuật sử dụng kim và đầu móc để tạo hình móc xích hoặc đính hạt trên vải, tạo nên các họa tiết mang tính nghệ thuật. Kỹ thuật Tambour Embroidery từng rất thịnh hành ở vùng Lunéville của Pháp vào thế kỷ 18, 19 và vẫn còn được sử dụng cho đến ngày nay, nhất là với thời trang Haute Couture bởi các nhà mốt như Chanel, Dior, Elie Saab…Mặc dù hiện nay, với sự phát triển của công nghệ, công đoạn thêu đính kết đã trở nên dễ dàng và nhanh hơn nhưng các thương hiệu lớn vẫn lựa chọn thêu tay nhằm kiểm soát tốt nhất chất lượng và hiệu ứng thị giác của sản phẩm [3]. Những sản phẩm thời trang ứng dụng kĩ thuật này thường tạo cảm giác sang trọng, xa xỉ bởi chất liệu cũng như công sức của người nghệ nhân, gía trị sản phẩm phụ thuộc vào vật liệu được sử dụng, có thể sử dụng từ hạt nhựa, đá nhân tạo cho đến các chất liệu vàng, bạc, đá quý, kim cương... Kỹ thuật thêu Tambour ngày nay có những công dụng, đặc điểm khác biệt ở từng vùng lãnh thổ.
Hình 10. Thêu đính Tambour [3]
2.2.3. Phương pháp vẽ lên vải
Tương tự phương pháp vẽ thông thường chỉ có điều phương pháp này dùng các chất màu vẽ trên vải để trang trí, làm mới cho các sản phẩm cũ. Có rất nhiều loại màu được áp dụng trong phương pháp vẽ lên vải chủ yếu sử dụng là màu vẽ chuyên dụng trên vải hoặc màu acrylic. Tuỳ loại chất liệu vải và hình thức trang trí có thể chọn loại màu vẽ vải phù hợp.
Màu vẽ vải chuyên dụng cần dung môi đặc biệt là keo vậy nên ưu điểm của loại màu này là dễ dàng vẽ lên vải, dù chồng nhiều lớp màu vẽ có độ mềm, dẻo nhất định. Vải trông sẽ mềm mại, tự nhiên và phù hợp hầu hết các loại vải. Nó có độ bền cao và có thể giặt vải tuy nhiên tránh vò hay chà xát mạnh. Phù hợp vẽ trên những chất liệu vải mềm, mỏng.
Hình 11. Vẽ trên lụa [1]
Loại thứ 02 có thể sử dụng màu acrylic. Acrylic là loại màu thường dùng để vẽ trên các chất liệu, đặc tính giống màu nước. Bảng màu acrylic đa dạng và thông dụng với nhiều tông màu khác nhau, có nhiều ưu điểm cạnh tranh về giá, không cầu kì trong pha chế và sử dụng có thể pha với nước, không phai màu, giữ được lâu, không độc hại, an toàn cho sức khỏe người dùng. Tuy nhiên, khi sử dụng màu acrylic để vẽ phù hợp với những loại vải dày hoặc cứng như: kaki, canvas, vải denim, thô... bởi khi khô màu thường sẽ cứng do vậy phù hợp vẽ trên các sản phẩm như đồ jeans, phụ trang giày, túi...
Hình 12. Mẫu thời trang vẽ bằng màu acrylic [nguồn pinterest.com]
Có nhiều kĩ thuật vẽ trên vải tương tự như vẽ hội hoạ, tuỳ thuộc phong cách và chất liệu vải. Có thể kể đến một số kĩ thuật vẽ đang được sử dụng:
- Kĩ thuật vẽ phủ: Là kỹ thuật cơ bản nhất khi vẽ trên vải, cách vẽ gần như vẽ sơn dầu nhưng khi sử dụng chất liệu acrylic vẽ nhanh khô hơn nên thao tác vẽ của người học phải nhanh tay hơn. Kĩ thuật này do vẽ chồng nhiều lớp, độ che phủ lớn nên thường sẽ gây cảm giác cứng cho sản phẩm thời trang, vì vậy phù hợp với chất liệu vải cứng và dày
Hình 13. Kĩ thuật vẽ phủ [1]
- Kĩ thuật vẽ loang: Các bước tiến hành giống như vẽ phủ nhưng khác phần kỹ thuật dùng bút và sử dụng màu. Kỹ thuật này yêu cầu dùng bút lông mềm, màu pha thêm với Bin/vec ni trầm cho lỏng để tạo độ loang khi cần. Phương pháp này phù hợp với những chất liệu mềm mỏng, nhẹ.
Hình 14. Kĩ thuật vẽ loang [1]
- Kỹ thuật đi nét: dụng cụ sử dụng có thể bằng kim tiêm số 18 hoặc bút nét vẽ vải: vẽ những chi tiết và nét nhỏ hoặc bo nét, vẽ những hoạ tiết chủ yếu bằng nét. Phương pháp này phù hợp với nhiều chất liệu nhưng màu sắc hạn chế thường chỉ có màu của nét và không thể hiện được mảng màu đậm nhạt.
Hình 15. Kĩ thuật đi nét [1]
2.3..4. Phương pháp nhuộm shibori (Nhật Bản)
Shibori, một trong kỹ thuật nhuộm cổ xưa nhất của Nhật Bản, thịnh hành vào thời Edo khi mà thời kì đó tầng lớp bình dân không được phép mặc tơ lụa. Kỹ thuật nhuộm tuyệt vời này của Nhật Bản cũng là nguồn cảm hứng sâu sắc cho Tây phương trong việc tạo nên hoa văn trên vải denim và phát triển nó thành kĩ thuật nhuộm hiện đại như tie dye, dip dye.
Nguyên lý nhuộm shibori dựa trên nguyên tắc ngăn chất màu ngấm vào vải để tạo hoạ tiết bằng cách buộc, thắt nút vải trước khi đem nhuộm. Để hiệu quả thì chất liệu nhuộm và chất liệu vải trong phương pháp này là những vật liệu có nguồn gốc từ thiên nhiên thân thiện với môi trường và con người.
Phương pháp nhuộm tạo hoạ tiết này mang lại hiệu quả vô cùng đa dạng, mang tính chất độc đáo riêng biệt cho mỗi sản phẩm. Hoạ tiết đạt được hiệu quả thẩm mỹ tuỳ thuộc vào cách thắt nút, vị trí buộc/thắt, chất liệu nhuộm, và chất liệu vải, thời gian nhuộm...
Ở Việt Nam một số dân tộc thiểu số cũng có phương pháp nhuộm chàm tạo hoạ tiết tương tự cách nhuộm shibori
Hình 16. Nhuộm shibori [1]
Hình 17. Nhuộm chàm tạo hoạ tiết của các dân tộc khu vực Đông Bắc và Tây Bắc Bộ Việt Nam
2.2.5. Nhuộm batik/nhuộm vẽ sáp ong
Nghệ thuật Batik đã xuất hiện từ hơn 2500 năm trước ở Viễn Đông, Trung Đông, Trung Á, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia,… Dù không phải là nơi sản sinh ra Batik nhưng Indonesia được coi là quốc gia của Batik, nơi mà nghệ thuật Batik đạt đến đỉnh cao. Vải Batik được coi là một sản phẩm thương hiệu quốc gia Indonesia trên thế giới.
Để có một sản phẩm Batik, người nghệ nhân bắt đầu bằng việc vẽ các họa tiết bằng sáp ong pha trộn với nhiều sắc độ khác nhau. Các họa tiết, hoa văn trên nền vải lúc đầu được vẽ hoàn toàn bằng tay và sử dụng những cây bút gọi là canting. Sau này, người ta sử dụng bản khắc (bằng đồng), khuôn in và các công cụ khác để phủ sáp ong thành những hình đã định trước. Tuy nhiên, phương pháp vẽ bằng tay vẫn được sử dụng phổ biến vì nó mang phong cách riêng của mỗi nghệ nhân. Kết thúc công đoạn nhuộm, vải đã vẽ hoa văn sẽ được hong khô. Tiếp theo, người ta nhúng chất dung môi để hòa tan hết sáp, hoặc dùng bàn là để là gián tiếp qua giấy báo hoặc khăn giấy để thu sáp. Khi không còn sáp, nền vải sẽ hiện ra những gam màu và dòng hoa văn đặc trưng của nghệ thuật Batik.
Hình 19. Vải nhuộm batik [1]
Hình 20. Kĩ thuật vẽ batik của Indonesia (trái) và kĩ thuật vẽ sáp ong của người H’mong – Sapa, Việt Nam (phải) [1]
2.2.6. Nhuộm eco printing (nhuộm tự nhiên)
Eco Printing là một hình thức nhuộm tự nhiên trong đó màu sắc từ nguyên liệu thực vật được chuyển sang giấy hoặc vải thông qua hấp hoặc đun sôi. Eco leaf printing lần đầu tiên được tạo ra bởi nghệ sĩ và giáo viên sợi người Ấn Độ - Flint.
Phương pháp này được sử dụng trên nền chất liệu từ thiên nhiên, và yêu cầu màu sắc của vải được nhuộm từ màu của vải mộc hoặc vải trắng thì hiệu quả nhuộm mới đảm bảo. Đây là phương pháp nhuộm hoàn toàn thân thiện với môi trường và mang lại cảm giác gần gũi, thân thiện, mộc mạc và phù hợp phong cách phóng khoáng.
Hình 20. Kĩ thuật nhuộm eco printing [1]
Hình 21. Bộ sưu tập của Dior 2020, được khai thác từ kĩ thuật nhuộm Eco printing [1]
3. Kết luận
Việc giới thiệu và đưa các kĩ thuật trang trí thủ công vào giảng dạy cho sinh viên ngành thiết kế thời trang tại các trường đại học rất phù hợp trong giai đoạn hiện nay. Khi mà vấn đề môi trường đang được quan tâm đặc biệt là đối với ngành thời trang, Thời trang bền vững (sustainable fashion) được giới chuyên môn dự đoán sẽ trở thành xu hướng quan trọng cho nền thời trang trong tương lai. Bởi việc ứng dụng các kĩ thuật trang trí thủ công trong thiết kế các sản phẩm thời trang sẽ là những gợi ý về ý tưởng trang trí, giúp sinh viên làm mới các sản phẩm thời trang, giúp chúng mang hình thức mới kéo dài thời gian sử dụng của 01 sản phẩm thời trang, hạn chế thời trang nhanh. Không những thế, thông qua việc tìm hiểu, thực hiện các kĩ thuật trang trí thủ công giúp sinh viên hiểu rõ hơn về bảo vệ môi trường, hiểu biết về lịch sử phát triển của kĩ thuật trang trí trên các sản phẩm thời trang, biết gìn giữ phát huy văn hoá thủ công truyền thống. Sinh viên có thể thiết kế và ứng dụng các phương pháp trang trí thủ công để hoàn thiện các sản phẩm thời trang có cơ hội thử nghiệm các ý tưởng của bản than. Cách làm này làm tăng hứng khởi học tập, làm việc theo nhóm, tương tác trong lớp học, rèn luyện kĩ năng chuyên môn, sự khéo léo và đặc biệt nâng cao óc sáng tạo, tư duy thẩm mỹ trong thiết kế.
Các kĩ thuật trang trí thủ công sử dụng chủ yếu các vật liệu thân thiện môi trường, không có tác động của máy móc công nghiệp độc hại nên không gây tác hại đến môi trường, tạo ra những sản phẩm thời trang xanh. “Thời trang bền vững” là mục tiêu quan trọng để mỗi sinh viên ngành thời trang phải thích ứng để thay đổi và đi xa hơn nữa vì một thế giới hội nhập và phát triển bền vững.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Nguyễn Thị Hồng Liên, Đề cương bài giảng tạo hình trên vải (2022), Trường Đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội, lưu hành nội bộ.
[2] Fashion and the Arts and Crafts Movement, trang European Fashion Heritage Asociation, ngày 23/02/2020. https://fashionheritage.eu/fashion-and-the-arts-and-crafts-movement/
[3] Nghệ thuật thêu và đính kết truyền thống Ấn Độ, trang Face Fashion Design Academy, ngày 26/04/2023.https://facefashiondesignacademy.com/portfolio-item/master-class-tambour-embroidery-art-nghe-thuat-theu-va-dinh-ket-truyen-thong-an-do/
[4] Q.N (2017), Hoa của Nguyễn Công Trí 'tỏa hương' sàn thời trang Tokyo, trang Tuổi trẻ.vn, ngày 22/03/2017. https://tuoitre.vn/em-hoa-cua-nguyen-cong-tri-toa-huong-tren-san-dien-thoi-trang-tokyo-1284752.htm
[5] How arts and crafts influenced fashion, trang Victoria and Albert Museum, London. https://www.vam.ac.uk/articles/how-arts-and-crafts-influenced-fashion
[6] Phương Nguyễn (2019), Á quân The Face Quỳnh Anh ấn tượng với áo dài thổ cẩm Tây Bắc, trang Vietnamnet.vn, ngày 20/09/2019. https://vietnamnet.vn/a-quan-the-face-quynh-anh-an-tuong-voi-ao-dai-tho-cam-tay-bac-569441.html
Câu hỏi:
1. Kể tên 03 có phương pháp trang trí thủ công được đề cập trong bài viết?
2. Phương pháp vẽ trên vải dùng loại màu gì?
3. Kể tên 03 kĩ thuật thêu tay?
4.Kĩ thuật thêu đính tambour nổi tiếng nhất ở quốc gia nào?
5. Ứng dụng các kĩ thuật trang trí thủ công mang lại lợi ích nào đối với đào tạo ngành thời trang? (kể tên 03 lợi ích)
6. Kĩ thuật nhuộm batik có ở Việt nam không?