Nguyễn Thị Lê Nga
Khoa Thời trang – Trường Đại Học Công Nghiệp Dệt May Hà Nội
Email:ngantl@hict.edu.vn
Tóm tắt:
Hiệu ứng tạo chất liệu bề mặt chữ là phương pháp tạo ra kiểu chữ có bề mặt thành nhiều dạng chất liệu như: kim loại (mạ vàng, nhũ bạc…), sơn, vải, bánh kẹo, hoa lá, quả, dây thừng, rơm..v.v…bằng cách sử dụng kỹ thuật hiệu ứng trong các phần mềm đồ họa. Chữ trong thiết kế đồ họa là phương tiện nghệ thuật mạnh mẽ, không chỉ mang lại giá trị truyền tải thông tin mà còn thể hiện tính thẩm mỹ thị giác. Trong các sản phẩm thiết kế đồ họa, tùy từng nội dung truyền thông hay quảng cáo, mà nhà thiết kế sẽ có cách sử dụng kiểu chữ phù hợp. Chữ trong thiết kế đồ họa được sáng tạo đa dạng các chất liệu, dựa trên các nguyên tắc về bố cục, nhịp điệu, màu sắc và kiểu dáng, những kết hợp hài hòa đó của các nhà thiết kế sẽ mang lại ấn tượng, điểm nhấn và thu hút người xem. Từ đó, có tác động tới thị giác của người xem, giúp cho việc truyền tải thông tin trong các sản phẩm thiết kế đồ họa đạt hiệu quả, đó chính là giá trị nghệ thuật mà hiệu ứng tạo chất liệu bề mặt chữ mang lại.
Từ khóa: Hiệu ứng chữ (text effect), chất liệu bề mặt chữ, nghệ thuật chữ (Typography), phông chữ (font).
1. Đặt vấn đề
Thiết kế đồ họa là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa nghệ thuật, công nghệ và truyền thông để truyền đạt ý tưởng và thông điệp, chính vì vậy cùng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật và công nghệ, những ứng dụng đổi mới này đã mang lại cho thiết kế đồ họa những công cụ tuyệt vời tạo ra những sản phẩm đồ họa tốt nhất. Đặc biệt, trong thời kì ảnh hưởng bởi xu thế công nghệ AI hiện nay. Ngôn ngữ thiết kế đồ họa bao gồm nhiều yếu tố: Màu sắc, bố cục, các yếu tố tạo hình khác (đường nét, mảng, không gian) và chữ. Trong đó chữ đóng vai trò rất quan trọng trên các sản phẩm đồ họa, bởi nó vừa có vai trò truyền tải thông tin, vừa mang giá trị nghệ thuật rất lớn. Việc tạo chất liệu cho chữ cũng chính là giúp đẩy sâu hơn về giá trị nghệ thuật mà các nhà thiết kế muốn gửi gắm trong các sản phẩm thiết kế đồ họa.
Mục đích của việc sử dụng hiệu ứng chữ trong thiết kế đồ họa nhằm tạo ra sự thu hút tới người xem vào các nội dung thông tin cần truyền tải trong các sản phẩm đồ họa mà các nhà thiết kế muốn hướng tới. Mổi biểu hiện của các kiểu chữ có cấu trúc, độ dày, đậm nhạt, hiệu ứng chất liệu khác nhau khi sử dụng phù hợp với nội dung sẽ tạo nên về hiệu quả liên tưởng, những cảm giác khác nhau. Đồng thời các biểu hiện đó cũng thể hiện ý đồ của nhà thiết kế, nhằm lột tả chất liệu của sản phẩm mà không cần phải có sự xuất hiện của hình ảnh sản phẩm đó, khi ứng dụng sẽ mang lại hiệu quả cho các sản phẩm thiết kế đồ họa.
2. Nội dung
2.1. Tổng quan về chữ trong thiết kế đồ họa
Chữ viết được hình thành và phát triển trong suốt quá trình phát triển của loài người, "phát minh ra chữ viết cùng với sự ra đời thời kỳ đồ đồng ở cuối thời kỳ đồ đá mới, thiên niên kỷ thứ 4 TCN. Hệ thống chữ viết đầu tiên của loài người ra đời cuối thiên niên kỷ thứ 3 TCN tại vùng Sumer (Lưỡng Hà)" [2]. "Việc tạo ra chữ viết không phải là việc dễ dàng và phải trải qua hàng nghìn năm mới xuất hiện hệ thống chữ viết đầu tiên. Chính vì vậy, tổ tiên của chúng ta đã bắt đầu từ việc “chuyển giao dữ liệu” thông qua các hình vẽ đơn giản" [5].
Từ khi ra đời đến nay, chữ đã đóng góp to lớn trong sự phát triển của xã hội, nó là yếu tố tạo hình nghệ thuật trong các sản phẩm thiết kế quảng cáo và truyền tải thông tin trong xã hội. Chữ đã góp phần nhận diện, nâng cao tính thẩm mỹ thị giác trong các sản phẩm thiết kế đồ họa. Và ngày nay chữ đã trở thành môn học bắt buộc cho những sinh viên ngành mỹ thuật ứng dụng, môn “Nghệ thuật chữ” (Typography). Chữ có hai chức năng cơ bản đó là truyền tải thông tin (truyền thông) và thẩm mỹ (nghệ thuật chữ). Hai chức năng đó luôn song hành cùng nhau trong các sản phẩm thiết kế đồ họa. "Bất kể dưới hình thức nào, nghệ thuật thương mại (com-mercial art) đều đã xuất hiện từ thời đại của những bức vẽ hang động. Thiết kế đồ họa thực sự là một phát minh hiện đại dựa trên một tập hợp quy tắc. Những quy tắc đó xuất phát từ nghệ thuật chữ (Typography)" [1]. Trong quá trình thiết kế sản phẩm truyền thông hiện đại các nhà thiết kế thường lấy chữ làm đối tượng khai thác, khiến các con chữ không chỉ là công cụ truyền đạt thông tin thông thường mà luôn sáng tạo. "Nghệ thuật chữ (Typography) bằng những kỹ thuật và thủ pháp nghệ thuật khác nhau không chỉ tạo ra sự lôi cuốn bắt mắt và sự tập trung thị giác cao (lực thị giác) mà còn tạo ra những câu truyện bằng những con chữ thông qua sự sáng tạo về tạo hình chữ, có bố cục và mầu sắc hấp dẫn, dắt người xem dõi theo nội dung và chủ đề mà tác giả đã thiết kế. Ngoài ra, nó còn ẩn chứa cả tình cảm, ý tưởng, tính xã hội, không gian và thời gian sâu sắc…". Typography xuất hiện ở Đông Âu từ Thế kỷ XV, người phát minh ra những con chữ đầu tiên đó là Jonannnees Gutenberg (CHLB Đức) [3].
Trước khi xuất hiện các phần mềm đồ họa, chữ được các nhà thiết kế sáng tạo chủ yếu vẽ bằng tay, các hiệu ứng cũng chỉ dừng lại ở dạng tạo các kiểu chữ đơn giản, hoặc là các dạng chữ có khối. Cùng với sự phát triển của công nghệ, các phần mềm thiết kế đồ họa ra đời và truyền thông hiện đại phát triển, các nhà thiết kế được thỏa sức sáng tạo và ngày càng thăng hoa. Nghệ thuật chữ (Typography) ngày càng phát triển, các kiểu chữ cứ thế được đa dạng từ cấu trúc, màu sắc cho đến chất liệu. Xu hướng tạo bề mặt của chữ thành các chất liệu giống với các sản phẩm, đồ dùng, vật dụng trong đời sống con người; nhằm mục đích để tạo thêm sự ấn tượng, điểm nhấn cho các con chữ đó, mang lại cảm giác thú vị, thu hút người xem. Tạo nên hiệu quả về truyền tải thông tin, thẩm mỹ và cả về lợi ích kinh tế.
Bởi vậy, việc ứng dụng các hiệu ứng để tạo chất liệu bề mặt cho chữ trong các sản phẩm thiết kế đồ họa là phương pháp sáng tạo hiệu quả trong giai đoạn hiện nay, khi mà các công cụ AI dần trở nên phổ biến và trở thành một trong những xu thế công nghệ bùng nổ hỗ trợ thêm cho các nhà thiết kế đồ họa. Thực tế, đã có nhiều vị trí công việc bị thay thế bởi AI, nhưng đối với các vị trí yêu cầu sáng tạo cao như thiết kế đồ họa, các công cụ AI vẫn phụ thuộc nhiều vào sự sáng tạo của con người để biến ý tưởng thành hiện thực.
2.2. Ứng dụng hiệu ứng tạo chất liệu bề mặt chữ trong thiết kế đồ họa
2.2.1. Một số hiệu ứng chất liệu chữ:
Hiệu ứng chất liệu chữ hiện nay rất phong phú đa dạng, tùy từng vào nội dung muốn truyền tải và các ý tưởng sáng tạo mà các nhà thiết kế sẽ tạo ra các chất liệu phù hợp, dưới đây tác giả chỉ đề cập đến một số hiệu ứng chất liệu chữ được các nhà thiết kế sử dụng hiện nay trong rất nhiều các hiệu ứng chất liệu khác đã có:
Hiệu ứng chữ lửa cháy: Sử dụng hiệu ứng chữ lửa cháy không chỉ mang lại sư ấn tượng, sáng tạo cho các thiết kế mà, hình ảnh lửa cháy còn thể hiện sự bùng cháy, mạnh mẽ, nóng bỏng, nó có tác động mạnh đến thị giác của người xem. Hiệu ứng này thường sẽ phù hợp để sử dụng tạo cho chữ trong những nội dung quảng cáo phim hành động, hoặc để quảng cáo những sản phẩm thể hiện sự cay nóng hay một chiến dịch nào đó "rực lửa"..v.v…
Hình 1a, 1b: Hiệu ứng chữ lửa cháy [6, 7]
Hiệu ứng chữ kim loại (vàng - bạc): Hiệu ứng chữ kim loại cũng là một phần của hiệu ứng kim loại, đây là một trong những hiệu ứng chữ nhằm tạo sự bắt mắt và thu hút người nhìn. Hiệu ứng chữ kim loại xuất hiện từ lâu trong thiết kế, mang lại sự ấn tượng, sáng tạo để tạo chữ có những tính chất nổi bật phim (video)..v.v… của kim loại như màu sắc, độ sáng, tính ánh kim,… được ứng dụng vào hầu hết các ấn phẩm như baner, poster…v.v quảng cáo các sản phẩm về công nghệ hoặc với mục đích tạo nên một thiết kế đẹp, độc đáo và đầy sự uy quyền.
Hình 2a, 2b: Hiệu ứng chữ chất liệu kim loại (mạ vàng, bạc…) [8, 9]
Hiệu ứng chữ chất liệu "sơn nước": Với mẫu hiệu ứng chữ này, có thể tạo nên những khối sơn 3D nhiều màu sắc ấn tượng. Màu sơn không chỉ mang lại vẻ đẹp cho chữ trong các thiết kế, nó tác động rất lớn đến tinh thần của người sử dụng. Màu Sơn nước đầy màu sắc cho nên nó có thể dùng để tạo điểm nhấn mà không cần phải xử lý thêm lớp màu trong quá trình thực hiện kỹ thuật tạo hiệu ứng.
Hình 3: Hiệu ứng chữ chất liệu "sơn nước" [10]
Hiệu ứng chữ có bề mặt hình ảnh hoa, cỏ: Thiên nhiên luôn là những hình ảnh mang lại sự thư giãn, dễ chịu và lãng mạn. Nó cũng là nguồn cảm hứng để sáng tạo ra những chữ có hiệu ứng hoa lá, ngoài vẻ đẹp mang lại nó sẽ đưa lại cho các sản phẩm thiết kế sự mềm mại, dịu dàng. Thường dạng hiệu ứng chữ này sẽ phù hợp với những sản phẩm có chủ đề về bảo vệ môi trường, những sản phẩm xanh hoặc các sản phẩm mỹ phẩm.
Hình 4a, 4b: Hiệu ứng chữ có bề mặt hình ảnh hoa, lá [11, 12]
Hiệu ứng chữ có bề mặt hình ảnh thực phẩm: Thực phẩm là một trong những sản phẩm xuất hiện trong đời sống hàng ngày. Những sản phẩm này ngoài cách thể hiện là sử dụng các hình ảnh chụp trực tiếp, thì việc sử dụng hiệu ứng để tạo nên những "con chữ" có bề mặt là chính hình ảnh sản phẩm đó sẽ tạo nên sự ấn tượng và hấp dẫn. Mang lại mùi vị thị giác cho người xem, mà không cần phải xử lý quá nhiều bước kỹ thuật trong thiết kế.
Hình 5: Hiệu ứng chữ có bề mặt hình ảnh thực phẩm [13]
Để tạo hiệu ứng chất liệu cho chữ, hiện nay có rất nhiều phần mềm có thể thực hiện kỹ thuật đó như: Adobe Photoshop, Adobe Illustrator, Adobe Premiere…, trong đó phần mềm thông dụng nhất là Adobe Photoshop, bên cạnh việc thực hành bằng các công cụ dễ hiểu, nó được hỗ trợ đầy đủ các tính năng cũng như giúp các nhà thiết kế dễ dàng cập nhật các chất liệu (material), đồng thời có nhiều tư liệu để tham khảo hơn. Nên các nhà thiết kế vẫn ưu tiên lựa chọn phần mềm Photoshop để tạo hiệu ứng cho chữ. Việc sử dụng hiệu ứng tạo chất liệu để thay đổi bề mặt chữ mang lại sự ấn tượng, cũng chính là điểm nhấn trong một số sản phẩm thiết kế đồ họa, ngoài ra nó còn có thể tạo nên sự bắt mắt và chuyên nghiệp trong bài trình chiếu, phục vụ rất nhiều cho nhu cầu sử dụng của đại đa số người dùng. Có thể thấy, nhờ công cụ hiệu ứng chữ (text effect) trong các phần mềm đồ họa, mà các nhà thiết kế thỏa sức thay đổi chất liệu chữ. Khi chữ được hóa thân thành nhiều chất liệu khác nhau, chữ sẽ trở nên ấn tượng hơn, lúc đó chữ có thể trở thành hình ảnh, mang lại lực thị giác khá lớn, dẫn đến sự thu hút cho người xem, tạo nên hiệu quả cho mục đích sử dụng của các nhà thiết kế.
2.2.2. Các loại hình sản phẩm thiết kế đồ họa có ứng dụng hiệu ứng tạo chất liệu bề mặt chữ:
Sản phẩm thiết kế đồ họa bao gồm 8 lĩnh vực: Thiết kế bộ nhận diện thương hiệu; Thiết kế đồ họa quảng cáo và marketing; thiết kế giao diện người dùng; Thiết kế đồ họa cho các ấn phẩm xuất bản; Thiết kế đồ họa không gian; Thiết kế đồ họa chuyển động, thiết kế bao bì; thiết kế hình ảnh minh họa. Trong đó đều có sự góp mặt của yếu tố chữ, bởi chữ là một phần để truyền tải tới người xem về các nội dung về sản phẩm được nhắc đến, truyền thông hoặc quảng cáo trong đó. Nhưng, việc ứng dụng hiệu ứng tạo chất liệu bề mặt chữ, chỉ được các nhà thiết kế sử dụng tùy vào mục đích phù hợp khác nhau, trong đó có một số loại hình sản phẩm thiết kế thường gặp các ứng dụng đó như:
a. Thiết kế áp phích (poster):
Thiết kế áp phích (poster) là một loại ấn phẩm truyền thông, được kết hợp giữa lĩnh vực thiết kế và in ấn, nhằm mục đích truyền tải thông điệp của doanh nghiệp đến với khách hàng thông qua hình ảnh. Theo nghiên cứu và cập nhật hình ảnh các sản phẩm thiết kế quảng cáo bằng hình thức áp phích (poster) vẫn là sản phẩm thiết kế đồ họa hiệu quả trên thị trường hiện nay. Đặc biệt với xu hướng truyền thông quảng cáo online, càng làm cho các hiệu ứng chữ dễ dàng nổi bật hơn khi xuất hiện online so với in ấn. Cho nên các nhà thiết kế thường chọn ứng dụng hiệu ứng tạo chất liệu (text effect) chữ nhiều hơn trong thiết kế áp phích (poster).
Dưới đây là hình ảnh minh họa poster quảng cáo phim Harry Potter với hiệu ứng chữ mạ vàng và logo giao diện game với hiệu ứng mạ bạc, được các nhà thiết kế sử dụng để làm điểm nhấn của cụm chữ và logo. Có thể nhìn thấy chữ đã được tạo chất liệu bề mặt ứng dụng trong sản phẩm rất hiệu quả. Nó mang lại sự thích thú và thu hút hơn cho sản phẩm.
Hình 6a, 6b: Áp phích (poster) phim Harry Potter sử dụng hiệu ứng chữ kim loại mạ vàng và mạ bạc [14, 15]
b. Thiết kế banner quảng cáo:
Banner là thuật ngữ dùng để chỉ những biển hiệu, biển quảng cáo thương hiệu được sử dụng ở ngoài trời, trên website hoặc trên mạng xã hội. Banner là một ấn phẩm truyền thông cho một sản phẩm, dịch vụ, sự kiện với mục đích thu hút người xem, khiến họ quan tâm, kích thích và tạo ra nhu cầu sử dụng. Cũng giống sản phẩm poster, chữ trong banner cũng được các nhà thiết kế sử dụng hiệu ứng chất liệu để tạo nên điểm nhấn. Dưới đây là hình ảnh banner quảng cáo sản phẩm thời trang sử dụng hiệu ứng tạo chất liệu đường chỉ khâu và hoa cho bề mặt chữ.
Hình 7: Sản phẩm thiết kế banner quảng cáo sản phẩm thời trang sử dụng hiệu ứng tạo chất liệu đường chỉ khâu và hoa cho bề mặt chữ [16, 17]
b. Thiết kế bìa sách:
Ngày nay, độc giả ngày càng có nhiều sự lựa chọn trong việc mua sách. Trên thị trường xuất hiện rất nhiều đầu sách, cho nên người đọc thường sẽ chỉ dành thời gian lướt qua để xem chúng. Vì vậy, nếu không phải là sách quá nổi tiếng thì việc bìa sách đẹo, ấn tượng, thu hút và dễ nhìn sẽ kích thích cảm xúc tò mò để đọc nó. Một bìa sách được đánh giá là tốt khi nó gây được thiện cảm và thu hút người muốn thưởng thức quyển sách đó. Đó chính là yếu tố chính tạo nên sự thành công trong việc tạo thu hút tới độc giả. Ngoài hình ảnh xuất hiện trên bìa sách, thì thông tin và văn bản là yếu tố không thể thiếu. Trong đó, font chữ cho một bìa sách đóng góp 60% việc gây ấn tượng với độc giả. Vì vậy, hãy lựa chọn phông chữ cho tiêu đề sách sao cho phù hợp và hàm chứa được ý nghĩa biểu đạt cho tác phẩm. Với bìa sách dễ thương bạn có thể sử dụng phông chữ dễ thương, phông chữ sang trong dành cho bìa sách về kiến thức nghệ thuật,…
Hình 8: Bìa sách sử dụng hiệu ứng và thiết kế tạo chất liệu cho chữ [18]
Hình 9: Ảnh trang sách minh họa bài tốt nghiệp của SV khoa Thời trang
c. Phim quảng cáo:
Với xu thế phát triển hiện nay, phim quảng cáo là hình thức đồ họa hiệu quả để quảng bá và truyền thông các sản phẩm, thương hiệu trên mạng xã hội và truyền hình. Vì vậy, yếu tố thẩm mỹ cũng các hiệu ứng kỹ xảo được các nhà thiết kế sử dụng để ứng dụng vào làm phim cũng được nâng cao. Chữ được các nhà thiết kế tạo ra một cách ấn tượng và phù hợp, bằng việc tạo chất liệu cho chữ để khi chiếu lên, sẽ tạo ra hiệu ứng ánh sáng đẹp. Dưới đây là hình ảnh chụp lại đoạn phim quảng cáo của 2 hãng sữa Care và Vinamilk:
Hình 10: Phim quảng cáo sữa của hãng Care và Vinamilk
(Nguồn ảnh chụp màn hình)
2.2.3. Quy trình thực hiện tạo hiệu ứng chất liệu chữ:
Mỗi một phần mềm sẽ có các bước thực hiện các kỹ thuật xử lý hiệu ứng tạo chất liệu chữ khác nhau, tuy nhiên tất cả đều cùng một quy trình chung như sau:
Bước 1: Lên ý tưởng thực hiện, lựa chọn chất liệu muốn ứng dụng vào chữ phù hợp với các sản phẩm.
Bước 2: Chọn công cụ phần mềm phù hợp và thuận tiện sử dụng, khuyến khích sử dụng phần mềm thông dụng tạo hiệu ứng chữ (Phần mềm adobe Photoshop), sử dụng các công cụ tạo ra các bước kỹ thuật đổ màu, nhân layer và tạo hiệu ứng chữ theo chất liệu lựa chọn. (Tham khảo thêm tại mục [4]).
Bước 3: Áp chất liệu và tính toán tỉ lệ chữ phù hợp với sản phẩm thiết kế đồ họa.
Bước 4: Lưu file đã xử lý hiệu ứng chữ, ứng dụng sắp xếp vào bố cục của sản phẩm cần dùng.
3. Kết luận
Thông qua các sản phẩm thiết kế đồ họa đã được các nhà thiết kế tạo nên mà tác giả nêu trên, có thể thấy sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa nghệ thuật, công nghệ và truyền thông để truyền đạt ý tưởng và thông điệp rất hiệu quả. Đặc biệt, việc tạo chất liệu cho chữ cũng đã giúp đẩy sâu hơn về giá trị nghệ thuật mà các nhà thiết kế muốn gửi gắm trong các sản phẩm thiết kế đồ họa. Sử dụng hiệu ứng chữ trong thiết kế đồ họa đã tạo ra sự thu hút tới người xem vào các nội dung thông tin cần truyền tải trong các sản phẩm đồ họa.
Hiệu ứng chất liệu chữ, được tạo nên bởi rất nhiều phần mềm đa dạng. Tuy nhiên, phần mềm photoshop được sử dụng thông dụng và dễ dàng hơn với các bước tạo hiệu ứng chữ (text effect). Với xu thế phát triển hiện nay, các sản phẩm thiết kế đồ họa ngày càng được các nhà thiết kế trau chuốt hơn về mặt thị giác, để đạt hiệu quả để quảng bá và truyền thông các sản phẩm, thương hiệu trên mạng xã hội và truyền hình. Yếu tố thẩm mỹ ngày càng được người tiêu dùng chú trọng, dễ dàng tác động tới tâm lý của họ. Việc sử dụng các hiệu ứng kỹ xảo được các nhà thiết kế sử dụng để ứng dụng vào đa phần tất cả các sản phẩm đồ họa, tuy nhiên tùy vào từng nội dung truyền tải hay sản phẩm cần quảng cáo mà nhà thiết kế sẽ tạo ra các chất liệu khác nhau. Những hiệu ứng đó đã mang lại giá trị hiệu quả cả về mặt truyền tải thông tin và nghệ thuật trong các sản phẩm thiết kế đồ họa. Từ đó đã chứng minh phương pháp của các nhà thiết kế sử dụng là hiệu quả, góp phần mang lại lợi ích kinh tế cho doanh nghiệp.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Tova Rabinowitz (2015), Khám phá Typography, được dịch bởi nhóm dịch Trường
Đại học FPT
[2] https://moingay1cuonsach.com.vn/chu-va-nghe-thuat-chu-trong-thiet-ke
[3] https://dohoafx.com/tap-chi-do-hoa/typography
[4] https://nhatphuc.com/text-effect-photoshop-tutorials[5]
[5] https://baomoi.com/luoc-su-chu-viet-c36851508.epi
[6] Unknown (2015), Tạo chữ lửa cháy trong Photoshop, http://www.dayhocdohoa.com/2015/02/tao-chu-lua-chay-trong-photoshop.html [cập nhật ngày 04/02/2015]
[7] Nhật Minh (2019), Tạo hiệu ứng chữ lửa cháy siêu thực bằng Photoshop, https://quantrimang.com/cong-nghe/tao-hieu-ung-chu-lua-chay-bang-photoshop-162662 [cập nhật ngày 30/03/2019]
[8] TainguyenPSD (2016), Share psd hiệu ứng chữ mạ vàng 3D, https://tainguyenpsd.com/psd-hieu-ung-chu/share-psd-hieu-ung-chu-ma-vang-3d-r369.html [cập nhật 09/2016]
[9] người chia sẻ (2015), Hướng dẫn tạo hiệu ứng chữ Harry Potter cực phong cách, https://forum.vietdesigner.net/threads/huong-dan-tao-hieu-ung-chu-harry-potter-cuc-phong-cach.86916/ [cập nhật ngày 26/5/2015]
[10] Photo360 (2023), Tạo hiệu ứng chữ sơn nhiều màu 3D trực tuyến, https://ephoto360.com/tao-hieu-ung-chu-son-nhieu-mau-3d-truc-tuyen-989.html [cập nhật ngày 09/03/2023]
[11] Rose (2023), How to Create a Bold Floral Text Effect Quickly in Adobe Photoshop, https://design.tutsplus.com/tutorials/bold-floral-text-effect--cms-28328 [cập nhật ngày 14/2/2023]
[12] vietdesigner (2011), Cách tạp text với hiệu ứng cỏ, https://vietdesigner.net/2011/12/text-voi-hieu-ung-co/ [cập nhật ngày 02/12/2011]
[13] Rose (2017), How to Create an Ice-Cream Scoop Text Effect in Adobe Photoshop, https://design.tutsplus.com/tutorials/ice-cream-scoop-text-effect--cms-28953 [cập nhật ngày 13/06/2017]
[14] Pgdphurieng.edu.vn (2023), Bộ Sưu Tập Hình Ảnh Harry Potter Siêu Độc – Hơn 999+ Bức Ảnh Full 4K, https://pgdphurieng.edu.vn/bo-suu-tap-hinh-anh-harry-potter-sieu-doc-hon-999-buc-anh-full-4k/ [cập nhật ngày 28/11/2023]
[15] Lam Anh (2018), Tuần này xem gì: Ôn lại Harry Potter trước khi ra rạp xem Fantastic Beast, https://laodong.vn/van-hoa-giai-tri/tuan-nay-xem-gi-on-lai-harry-potter-truoc-khi-ra-rap-xem-fantastic-beast-642934.ldo [cập nhật ngày 23/11/2018]
[16] youthvietnam.vn (2016), 05 bước thiết kế banner sản phẩm thu hút lượt truy cập, https://youthvietnam.vn/banner-san-pham/ [cập nhật 12/2016]
[17] innhanhsieuviet (2016), In ấn phẩm quảng cáo, https://innhanhsieuviet.com/in-an-pham-quang-cao/ [cập nhật 06/2016]
[18] admin (2020), 16 mẹo mà Designer phải biết để tạo nên một bìa sách hay, http://ahay.vn/tin-tuc/16-meo-ma-designer-phai-biet-de-tao-nen-mot-bia-sach-hay/215