Trang chủ
TRƯỜNG ĐẠI HỌC CÔNG NGHIỆP DỆT MAY HÀ NỘI
KHOA THỜI TRANG

Phương pháp thiết kế đồng phục

Ngày đăng: 02:40 - 08/12/2023 Lượt xem: 96

Tác giả: Nguyễn Thị Hồng Liên – Khoa thời trang

Đồng phục là một trong những loại trang phục phổ biến hiện nay, đặc biệt không thể thiếu trong bước khởi đầu hết sức quan trọng của quá trình xây dựng thương hiệu của một doanh nghiệp hay tổ chức. Việc thiết kế bộ đồng phục có thể nói là đơn giản nhưng thực tế cũng rất phức tạp. Bởi một bộ đồng phục thiết kế hoàn hảo phải thể hiện được thông điệp và làm nổi bật ý nghĩa thương hiệu, tạo nên tính liên kết giữa các thành viên trong tổ chức, chính vì vậy đòi hỏi người thiết kế phải có cái nhìn bao quát, hiểu về đặc trưng ngày nghề và thương hiệu kết hợp với xu hướng thiết kế thời đại cũng như thị hiếu thẩm mỹ chung của người tiêu dùng. Bài viết sau đề cập đến phương pháp, yêu cầu trong thiết kế đồng phục theo hướng tiếp cận về đào tạo để nhằm giúp các bạn sinh viên học chuyên ngành thiết kế thời trang hiểu rõ hơn về thiết kế đồng phục nhằm phục vụ cho chuyên môn sau này.

1. Khái niệm về đồng phục

Theo Từ điển Tiếng Việt “Đồng phục” là quần áo cùng màu, cùng màu sắc như nhau, được quy định cho mọi người trong một tổ chức, một ngành nào đó. Nhưng xét theo nghĩa Hán việt thì đồng phục có nghĩa là cùng trang phục, tức là nhiều người cùng mặc trang phục giống nhau, trang phục đó gọi là đồng phục.

Đồng phục là từ có nghĩa chỉ cụ thể về những loại trang phục được mặc giống nhau trong một nhóm người có thể vài người hoặc rất nhiều người để thể hiện họ là một tập thể đồng nhất cùng làm chung một công việc, hoặc họ làm các công việc khác nhau nhưng là cùng một ngành nghề.

Đồng phục là trang phục được may cùng một kiểu dáng, cùng màu sắc và cũng thường cùng chất liệu, được mặc bởi các thành viên trong một nhóm, tổ chức nào đó.

Như vậy đồng phục là trang phục giống nhau thể hiện là những người cùng trong một tổ chức đoàn thể cơ quan hay đơn vị sự nghiệp mà ở đó có những quy định cụ thể của từng ngành nghề. Đồng phục có thể giống nhau hoàn toàn (100%) hoặc không hoàn toàn do đặc thù từng ngành nghề. Đơn cử như trường hợp của 2 ngành vũ trang nhân dân là An ninh và Quốc phòng, tất cả các chiến sĩ đều mặc giống nhau hoàn toàn từ quần áo, giầy tất đến mũ. Ở cấp cao hơn thì có thêm những trang phục khác về kiểu dáng nhưng màu sắc vẫn phải giống nhau, có chăng là sự khác biệt về lon đeo trên cầu vai của mỗi chiến sĩ thể hiện cấp bậc từng người.

Đồng phục không cần giống nhau hoàn toàn là đồng phục của các khối dân sự. Trong đó người ta chỉ quy định chủ yếu là về màu sắc, kiểu dáng, chất liệu của quần và áo. Riêng giày và mũ có thể có hoặc không bắt buộc. Đó là đồng phục cơ quan, công sở, đồng phục của các trường học…

Vậy, đồng phục là những trang phục giống nhau được quy định sử dụng cho những cá nhân khác nhau của một tập thể trong cùng một không gian, môi trường học tập hay làm việc.

2. Ý nghĩa của đồng phục trong cuộc sống

Đồng phục là quần áo được trang bị cho các thành viên khi tham gia vào các hoạt động của một tổ chức  nào đó. Đồng phục thường được sử dụng trong các lực lượng vũ trang, cảnh sát, các dịch vụ khách hàng, trường học và nơi công sở. Đồng phục cũng có nghĩa là bình đẳng và không có bất kỳ sự khác biệt giữa các thành viên tổ chức. Đồng phục cũng thể hiện tình đoàn kết của tổ chức, điều này đã được thực hiện ngay từ những ngày của Đế chế La Mã đến ngày nay.

Đồng phục được sử dụng phổ biến nhất ở các tổ chức  quân sự như cảnh sát và lực lượng vũ trang. Điều này  không chỉ giúp  họ dễ dàng được nhận biết nhiệm vụ mà họ đang thực hiện mà còn tạo được uy lực tác động làm thay đổi tâm trạng, tình cảm của những người  xung quanh làm cho công việc của họ được thuận lợi và dễ dàng hơn. Việc mặc đồng phục thường được thực hiện một cách bắt buộc ở  trường học, bệnh viện, nhà hàng và nơi công sở. Mục đích của các tổ chức này  một phần là muốn trang bị những bộ quần áo tiện ích với công việc cho từng thành viên  một phần là  yêu cầu mọi thành viên phải tuân theo một nội quy thống nhất của tổ chức. 

Cảm giác tự tin: Các ngành dịch vụ  tập trung vào việc chăm sóc khách hàng, như hệ thống siêu thị, khách sạn, ngân  hàng, bệnh viện…. thường yêu cầu  toàn bộ nhân viên có quan điểm thống nhất về thái độ sẵn sàng để phục vụ khách hàng, nên vai trò phục vụ rất quan trọng, khi nhân viên được trang bị đồng phục phù hợp không chỉ giúp họ tự tin hơn mà còn mang đến khách hàng cái nhìn thiện cảm. Điều này  giúp họ  tiết kiệm  rất nhiều thời gian và năng lượng trong việc xây dựng uy tín với khách hàng.

Cảm giác tự hào: Trong một số tổ chức doanh nghiệp, nhà trường, việc mặc đồng phục được xem như  một vinh dự. Mọi thành viên có khuynh hướng giữ gìn văn hóa doanh nghiệp, văn hóa của tốt hơn.

Tạo tinh thần đoàn kết nhóm: Nếu mọi thành viên mặc những bộ quần áo giống nhau thì họ sẽ gắn bó và chia sẻ kinh nghiệm với nhau nhiều hơn, họ không chỉ quan tâm đến sự phát triển của cá nhân mà còn quan tâm đến sự phát triển và thịnh vượng của tổ chức của một cơ quan.

Tạo cảm giác bình đẳng: Đồng phục mang  tất cả mọi người đến cùng một đẳng cấp, không có sự phân biệt giàu hay nghèo, tạo cảm giác bình đẳng giữa các thành viên.

3. Nguyên tắc chung trong thiết kế đồng phục

- Bảo đảm tính thống nhất trong từng cơ quan, tổ chức.

- Bảo đảm tính thẩm mỹ, phù hợp với giới tính, lứa tuổi của đại đa số và bản sắc văn hóa của dân tộc, đặc điểm của từng địa phương, đồng thời đảm bảo tính ổn định, thể hiện truyền thống của tổ chức hay doanh nghiệp.

- Bảo đảm tính ứng dụng: Phù hợp với điều kiện thời tiết, thuận tiện khi làm việc và tham gia các hoạt động khác.

- Bảo đảm tính vệ sinh: Vải có khả năng thông thoáng và hút ẩm cao hoặc giữ nhiệt tốt khiến ng­ười mặc thấy thoải mái, mát mẻ về mùa hè, ấm áp về mùa đông, thích hợp với các mùa khí hậu ở Việt Nam; Vải không phai màu, không làm kích thích da người, không ảnh hư­ởng tới sức khoẻ của ng­ười mặc.

- Bảo đảm tiết kiệm, phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội của từng địa phương, từng cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.

4. Yêu cầu sáng tác mẫu đồng phục

- Thiết kế trang phục hiện đại dựa trên khai thác những trang phục cơ bản (theo xu hướng mốt).

- Thiết kế đơn giản, dễ gia công, không quá rườm rà, phù hợp với tỷ lệ tự nhiên của cơ thể.

- Không kết hợp quá nhiều màu sắc khác nhau, lòe loẹt hay rực rỡ, chất liệu không quá mỏng

- Trang phục thiết kế vừa vặn, không quá bó sát, không thiết kế quá hở hang, quá ngắn

- Lịch sự, nghiêm túc, tin cậy,

- Thiết kế phù hợp với mục đích sử dụng

- Tạo dựng được hình ảnh của công sở

5. Đặc điểm một số loại đồng phục theo các ngành, nghề

Đồng phục của lực lượng vũ trang:

- Thể hiện sự nghiêm trang, tính kỉ luật

- Thể hiện cho sức mạnh đoàn kết dân tộc

- Thể hiện sự khỏe khoắn, mạnh mẽ, ý chí chiến đấu

Đồng phục học sinh, sinh viên:

- Không phân biệt giai cấp, thể hiện tính tập thể cao, thông qua trang phục nhận biết hình ảnh của từng trường

- Phù hợp với đặc điểm môi trường sử dụng, thuận tiện, tự tin trong học tập.

- Đáp ứng nội quy, quy định trong môi trường học tập

- Giá thành phù hợp hoàn cảnh kinh tế chung của học sinh

Đồng phục nghề:

- Thể hiện đặc trưng ngành nghề, cơ quan, tổ chức

- Quảng bá hình ảnh của đơn vị

- Phù hợp tính vệ sinh công nghiệp

- Mang lại cảm giác tin cậy trong giao tiếp

5. Thiết kế đồng phục

Giai đoạn 1: Nghiên cứu

* Nghiên cứu thị trường

- Nghiên cứu khách hàng: sẽ cung cấp các thông tin về đặc điểm khách hàng và thái độ khách hàng. Người ta sẽ nghiên cứu về nhân khẩu học và tâm lý học để có thể có được các thông tin về khách hàng của mình: giới tính, lứa tuổi, tình trạng hôn nhân, nghề nghiệp, dân tộc, nơi cư trú hoặc: thói quen, thái độ, giá trị, động cơ thúc đẩy, ý thích, cá tính, hoạt động giải trí…

Hình 1. Bảng khách hàng mục tiêu (Nghiên cứu sáng tác đồng phục tiếp viên hàng không cho hãng hàng không ALITALIA)

- Nghiên cứu sản phẩm: Cung cấp thông tin về sản phẩm được ưa chuộng và những đặc điểm của nó. Khi một sản phẩm mới được giới thiệu hoặc cải tiến lại người ta cần đánh giá khả năng tồn tại của nó trên thị trường. Người ta có thể sử dụng cách phỏng vấn người tiêu dùng, gửi bảng câu hỏi, hoặc gửi sản phẩm để dùng thử. Một số công ty may đã từng thử nghiệm sản phẩm mới hàng năm trước khi tung ra thị trường. Một cách khác để nghiên cứu tìm kiếm thông tin về sản phẩm mới là lắng nghe ý kiến từ những đại diện bán hàng, những nhà bán lẻ…

Phân tích thị trường: Cung cấp thông tin về xu hướng chung của thị trường, sản phẩm của các đối thủ cạnh tranh, những đối thủ mới…

* Nghiên cứu xu hướng thời trang

- Nghiên cứu về kiểu dáng: Trước tiên các nhà thiết kế sẽ nghiên cứu kiểu dáng hiện có trên thị trường và sau đó tiên đoán xu hướng. Khi quyết định kiểu dáng cho một dòng sản phẩm, tất cả những kiểu dáng xuất hiện ở những năm trước đó và thời điểm hiện tại sẽ là vấn đề nghiên cứu đầu tiên của các nhà thiết kế. Để đảm bảo mẫu mã mới vẫn không tách rời khỏi xu hướng thời trang và đạt được tính ứng dụng cũng như đến được với đông đảo khách hàng thì kiểu dáng mới cho một dòng sản phẩm phải có tính khả thi, điều này phụ thuộc rất nhiều vào quá trình nghiên cứu kiểu dáng.

- Nghiên cứu màu sắc: Khi người ta tổng kết về màu sắc được sử dụng trong ngành may, đồ trang sức và trang trí nội thất, người ta thấy có những màu sắc chủ đạo nhất định xuất hiện trong  thời kỳ. Những màu sắc chủ đạo(staple colors)trong thời trang là: đen, trắng, đỏ, xanh đậm, màu be là những màu sắc chủ đạo xuất hiện liên tục trong các mùa thời trang. Những màu sắc khác được gọi là các màu thời trang(fashion colors) xuất hiện ít hơn so với màu chủ đạo. Những màu sắc này thường xuất hiện theo chu kỳ, lặp đi lặp lại với các sắc độ khác nhau. Việc theo dõi các màu thời trang xuất hiện rất thú vị. Nó không lặp lại y hệt mà luôn mang sắc độ khác. Với những người muốn kết hợp những màu thời trang của năm trước với năm sau thì có thể thất vọng vì thời gian thịnh hành của những màu sắc này rất ngắn. Do vậy có những khách hàng đã mua hết những sản phẩm hợp màu nhau trong một dòng sản phẩm để tránh thất vọng về sau này, khi họ muốn mặc kết hợp màu giữa các bộ phận của trang phục.

- Nghiên cứu xu hướng chọn chất liệu và phụ liệu: Phụ thuộc vào dáng sản phẩm, độ dài độ rộng và chi tiết của sản phẩm mà người ta lựa chọn chất liệu và phụ liệu.

- Nghiên cứu hoạ tiết: Những chi  tiết của sản phẩm cũng là những yếu tố quyết định sự thành công cho một bộ trang phục. Sự ăn nhập về đường nét, màu sắc và tiểu tiết cũng như chất liệu là tiêu chí cho những mẫu hoạ tiết của trang phục. Sự đóng góp của hoa văn hoạ tiết trên trang phục sẽ làm trang phục tinh tế hơn, chiều sâu hơn và có hồn hơn.

Giai đoạn 2: Thiết kế

* Tìm nguồn cảm hứng hoặc chủ đề

 Cảm hứng từ thiên nhiên, màu sắc, lịch sử, dân tộc… hoặc cụ thể là logo thương hiệu hoặc đặc trưng của tổ chức.

 

Hình 2. Các nôi dung nghiên cứu ý tưởng (Sáng tác đồng phục tiếp viên hàng không cho hãng hàng không ALITALIA- Nguyễn Thị Hiền, ĐHTT-K2)



Hình 3. Bảng cảm hứng (moodboard) (Sáng tác đồng phục tiếp viên hàng không cho hãng hàng không ALITALIA- Nguyễn Thị Hiền ĐHTT-K2)

* Vẽ phác họa

Một số nhà thiết kế dùng bản vẽ phác để thể hiện ý tưởng của mình. Họ có thể dùng dáng người có sẵn để phác hoạ thêm vào đó hình ảnh của sản phẩm, hoặc họ có thể phác hoạ kiểu dáng sản phẩm dựa trên dáng người ở tờ giấy khác. Mẫu phác hoạ cần thể hiện rõ ý tưởng, phom dáng, tỷ lệ, kết cấu, màu sắc và chi tiết trang phục

Hình 4. Phác hoạ bộ sưu tập (Sáng tác đồng phục tiếp viên hàng không cho hãng hàng không ALITALIA- Nguyễn Thị Hiền ĐHTT-K2)

*Lựa chọn nguyên phụ liệu

Trong bản vẽ của các nhà thiết kế nhất thiết phải có mẫu nguyên phụ liệu sẽ dùng cho sản phẩm. Mẫu nguyên liệu này phải được đội ngũ chịu trách nhiệm phát triển sản phẩm xem xét và cân nhắc. Nếu chưa có mẫu nguyên liệu thật thì một bản sao mẫu có thể được chấp nhận.

Giai đoạn 3: Chế thử mẫu

*Tạo mẫu mỏng

Tại thời điểm này của quá trình thiết kế, dòng sản phẩm bao gồm những mẫu vẽ phác và những mẫu vải + phụ liệu sẽ được sử dụng để tạo thành sản phẩm. Chúng ta sẽ tìm hiểu giai đoạn tiếp theo, tức là việc người ta phát triển mẫu cứng dựa vào mẫu vẽ phác, vải mẫu và bảng chi tiết sản phẩm. Sau khi đã có mẫu cứng, người ta sẽ chế thử mẫu đầu tiên. Sau đó mẫu thử này sẽ được kiểm tra và chỉnh sửa lại. Mẫu được thiết kế có thể dùng nhiều cách khác nhau. Người ta có thể dùng cách tạo mẫu mỏng truyền thống tức là việc thiết kế mẫu mỏng trên giấy bìa, hoặc có thể theo xu hướng mới là thiết kế trên giấy cứng (giống vỏ của các file tài liệu). Hoặc các nhà thiết kế cũng có thể sử dụng phần mềm PDS để tạo mẫu với sự trợ giúp của máy tính. Ngoài ra nếu nhà thiết kế đã sử dụng cách draping tức là dùng vải ghim trực tiếp lên ma nơ canh để tạo mẫu thì ở giai đoạn này cũng cần phải tiến hành việc chuyển mẫu thiết kế đó thành mẫu mỏng.

* Tạo mẫu chế thử

Sau khi tạo mẫu mỏng, chi tiết sẽ được gửi sang phòng chế thử mẫu, kèm với mẫu vải đã chọn hoặc mẫu vải thay thế khi chưa có vải chính. Dựa vào mẫu mỏng đã thiết kế, người ta sẽ tiến hành may mẫu chế thử bằng cách cắt, may sản phẩm. Bảng chi tiết kỹ thuật của sản phẩm sẽ được gửi kèm theo sang phòng chế thử và sẽ có những thông tin rất chi tiết về cách thức cắt vải và may sản phẩm, ví dụ nếu sử dụng vải kẻ thì cầu vai cắt ngang kẻ, thân và tay áo cắt dọc kẻ, hoặc nếu sản xuất đồ bơi thì chi tiết nào cắt thiên dọc vải, chi tiết nào cắt thiên ngang vải…

Người may mẫu là người sử dụng thành thạo các loại máy móc chuyên dùng như những máy móc được trang bị trong xưởng sản xuất.

* Duyệt mẫu chế thử

Sau khi may mẫu chế thử việc tiếp theo rất quan trọng là thử mẫu và kiểm tra mẫu. Một số công ty có thể có sử dụng người mẫu cho công việc này.

Khi mẫu chế thử đã may xong, sẽ có buổi duyệt mẫu lần nữa, người mẫu sẽ mặc thử sản phẩm và sẽ có rất nhiều ý kiến được đưa ra từ phía những nhà thiết kế, trợ giúp thiết kế. Ngoài ra công ty còn có thể mời tham gia buổi duyệt mẫu này những kỹ sư công nghiệp để xem xét và trình bày những khó khăn có thể gặp phải khi đưa mẫu vào sản xuất công nghiệp. Lúc này mẫu chế thử sẽ được xem xét kỹ càng, và nhóm tham gia duyệt mẫu sẽ quyết định sẽ chế thử lại mẫu, chỉnh sửa lại thiết kế rồi chế thử lại, hoặc nếu cân nhắc thấy khó có thể làm lại mẫu chế thử thì sẽ xóa mẫu thiết kế này khỏi bộ sưu tập (dòng sản phẩm).

Sau khi hoàn thành mẫu chế thử, còn phải làm thêm một số bước kiểm tra: giặt thử sản phẩm bằng máy giặt và máy sấy gia dụng thông thường. Bước kiểm tra này giúp thu thập thông tin về những chú ý khi sử dụng  sản phẩm này, để công ty có cơ sở đặt làm mác sử dụng cho sản phẩm.

- Quan hệ với các màu khác trong dòng: có màu nào khác trong dòng sản phẩm dẫn đến cạnh tranh lẫn nhau không, hoặc có quá khác với những màu còn lại dẫn đến sự lạc lõng của sản phẩm.

- Nguyên liệu và phụ liệu: Có vấn đề gì khi sử dụng loại vải này không, vải quá mới, nhăn, thấm… Vải đã được kiểm tra kỹ lưỡng chưa, nhà sản xuất có thể cung cấp đúng hạn không v.v...

Cuối buổi họp, sẽ có một vài kiểu dáng bị loại khỏi dòng sản phẩm, một vài kiểu dáng phải sửa lại. Những mẫu phải sửa này sẽ phải làm lại mẫu mỏng và mẫu chế thử sau đó sẽ được duyệt lại. Như vậy dòng sản phẩm sẽ nhiều lần được cân nhắc, “mài bóng” lại với một hy vọng là mọi kiểu dáng sẽ đều được bán chạy trên thị trường.

Trên đây là một số những kiến thức cũng như phương pháp gợi ý cơ bản để thiết kế, sáng tác đồng phục hiệu quả. Tuy nhiên trong thực tế thiết kế, sản xuất sẽ có những sự thay đổi, điều chỉnh các bước nghiên cứu, thực hiện tuỳ thuộc vào nhu cầu thị trường, đặc trưng sản xuất của từng doanh nghiệp cũng như yêu cầu khách hàng và chủng loại đồng phục.
 
Tài liệu tham khảo:

1. Nguyễn Thị Hồng Liên, Sáng tác mẫu thời trang (2023), NXB Giáo dục


© Bản quyền 2017 thuộc về Trường Đại học công nghiệp dệt may Hà Nội.
Online: 86 Tổng truy cập: 18.736.746