Nguyễn Thị Thanh Huệ - Khoa Thời trang
huentt@hict.edu.vn
Tóm tắt: Patchwork (Chắp vá) là kỹ thuật sử dụng các mảnh vải khác nhau, từ màu sắc đến chất liệu, để tạo ra một sản phẩm mới có phong cách riêng biệt. Các mảnh vá của thiết kế được cắt ghép rất cẩn thận, tạo nên sự hài hòa trên cả mảnh vải lớn.
Nguồn gốc của kỹ thuật này đến từ tầng lớp lao động ngày xưa. Họ đã tận dụng những mảnh vải cũ để chắp vá lên các loại quần áo bị sờn, rách,... Mãi đến những năm 1960s, nhờ văn hóa hippie, kỹ thuật này mới được các nhà thiết kế thời trang đưa vào các bộ sưu tập của mình. Phong cách này cho phép tận dụng những loại vải thừa, những chất liệu đã có sẵn để tạo ra một sản phẩm mới, vừa tiết kiệm chi phí mà đồng thời lại thân thiện với môi trường. Hiện nay, ngoài thiết kế thời trang, patchwork được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau như trong thiết kế nội thất, trong tranh nghệ thuật,… Việc tạo nên dòng thời trang độc đáo như 1 tác phẩm nghệ thuật từ những mảnh vải thừa sau sản xuất có giá trị rất lớn về mặt tinh thần và góp một phần nhỏ trong công cuộc bảo vệ môi trường. Vì thế đây được đánh giá như một tác phẩm nghệ thuật trừu tượng độc đáo đậm nét truyền thống.
Từ khóa: patchwork, phong cách chắp vá, nghệ thuật ghép vải vụn.
1. Đặt vấn đề
Hẳn đối với giới yêu thích thời trang đường phố và các xu hướng hiện tại – “Patchwork” không còn là một từ quá xa lạ. “Chắp vá” mang lại những màu sắc mới mẻ cùng với sự pha trộn về bề mặt chất liệu, màu sắc. Patchwork – Kỹ thuật chắp vá những mảnh vải khác nhau, từ màu sắc đến chất liệu, để tạo ra một sản phẩm mới có phong cách riêng biệt đang được ưa chuộng, không chỉ trên thế giới mà còn tại Việt Nam. “Chắp vá” không quá xa lạ với người Việt. Có thể thấy kỹ thuật này được sử dụng để tạo nên những tấm chăn hay khăn trải bàn nhiều màu sắc trong những gia đình Việt vào những năm 80, 90. Chúng được làm bởi đôi bàn tay khéo léo của người bà, người mẹ bằng việc tận dụng vải thừa, vải từ quần áo cũ bị hư rách. Những phần còn nguyên lành sẽ được xử lý sau đó may ghép lại với nhau để thành món đồ có công dụng mới. Điều đó khiến cho những sản phẩm “Chắp vá” không chỉ mang vẻ đẹp thủ công mà còn mang ý nghĩa về mặt tinh thần, nhắc lại tuổi thơ của biết bao người Việt. Ngày nay, khi xu hướng ưa chuộng đồ thủ công lên ngôi cũng như làn gió “tái chế” đang thúc đẩy sự thay đổi về mặt tư duy và thiết kế của ngành thời trang thế giới, thì patchwork đã và đang trở lại với thời trang Việt Nam. Thời trang chắp vá quyến rũ vì mỗi một sản phẩm đều là độc bản - mỗi lần đặt may là một lần ghép vải. Vì không có mảnh vải vụn nào giống hệt nhau về kích cỡ hay sắc độ nên sẽ không có hai sản phẩm giống hệt nhau. Vì vậy patchwork trở thành biểu tượng cho sự sáng tạo và cá nhân hóa trong thời trang.
2. Giới thiệu về patchwork
2.1. Patchwork là gì?
Trong tiếng anh, patchwork có ý nghĩa là mảnh ghép từ các miếng vải được chắp vá lại với nhau tạo nên thiết kế như: túi xách, quần áo, váy,... Chính vì điều này, có thể nhận thấy đặc trưng của xu hướng chắp vá là sự kết nối các sắc màu với nhau, hay sự đa dạng về chất liệu như lụa, tweed,...tạo nên những thiết kế mới lạ độc đáo [1]
Patchwork là một loại thủ công may vá, trong đó các mảnh vải nhỏ được khâu lại với nhau để tạo thành một tấm vải lớn hơn. Patchwork có thể được sử dụng để tạo ra nhiều loại sản phẩm khác nhau, bao gồm quần áo, chăn, gối, túi xách và nhiều thứ khác. Đặc biệt, phong cách Patchwork là một xu hướng độc đáo trong thế giới thời trang, đặc trưng bởi việc kết hợp các miếng vải khác nhau để tạo ra một thiết kế độc đáo trên quần áo, túi xách, hoặc phụ kiện. Đây không chỉ là một phong cách, mà còn là một nghệ thuật sáng tạo, nơi mỗi miếng vải đều là một câu chuyện riêng, kể lên về sự đa dạng và sự sáng tạo trong ngành thời trang.
2.2. Nguồn gốc của phong cách chắp vá
Khác với nhiều phong cách thời trang được khởi xướng bởi giới quý tộc, phong cách patchwork lại có khởi nguồn bình dân. Đây là xu hướng trở nên nổi bật và tạo nên làn sóng mạnh mẽ những năm về trước, khi nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn. Phong cách patchwork hưng thịnh vào những thập niên khó khăn, ví dụ thập niên 1930 của Đại khủng hoảng, hoặc thập niên 1940 của Thế chiến II. Túng thiếu tiền bạc lẫn vật liệu may đồ, các gia đình phải chắp vá trang phục để sống qua ngày. Họ chắp vá các mảnh vải, màu sắc khác nhau, họa tiết khác nhau để tạo ra những bộ trang phục che nắng và chống rét. Những mảnh vải này thường được lấy từ quần áo cũ và được tái sử dụng để tiết kiệm nguồn lực [2].
Hình 1. Đầm flapper đặc trưng của thập niên 1920 với patchwork
Nguồn Ảnh: Victoria & Albert Museum
Tiếp theo, vào thập niên 1960, Patchwork trở thành xu hướng của dân hippie, nhóm người theo đuổi phong cách tự do và phóng khoáng. Họ sử dụng Patchwork để tạo ra những bộ trang phục mang tính biểu tượng, thể hiện sự cá nhân hóa trong thời trang. Họ sử dụng Patchwork để chắp vá bất kỳ loại trang phục nào, từ quần jeans cho đến áo khoác, tạo nên một phong cách riêng biệt và phóng khoáng. Patchwork trở thành biểu tượng của sự tự do và biểu đạt bản thân trong thời trang của dân hippie. Chính vì vậy, không quá ngạc nhiên khi Patchwork và phong cách Hippie khá tương đồng với nhau.
Hình 2. Phong cách Patchwork theo chủ nghĩa nghệ thuật
Nguồn ảnh
Qua đến thập niên 1970. Những người hippie từ bỏ nền văn hóa Tây phương, tìm về với văn hóa Đông phương giàu sự cổ kính và tín ngưỡng thần linh. Những chiếc áo kaftan phom rộng. Khăn in họa tiết hoa sặc sỡ. Quần harem bằng chất liệu vải mỏng nhẹ. Những chất liệu vải và họa tiết ngoại lai được mix vào trang phục của dân hippie bằng đường lối patchwork.
Hình 3. Đặc trưng phong cách patchwork
Nguồn ảnh pinterest
Cho dù thời trang patchwork không thật sự biến mất, nhưng nó có một khoảng lặng nhất định vào thập niên 1980. Sau đó trở lại mãnh liệt vào thập niên 1990, khi giới trẻ nổi loạn hơn và xuống đường đòi quyền bình đẳng giới cho cộng đồng LGBTQ. Lúc này, không còn sự lãng mạn của giới hippie, phong cách patchwork của thập niên 1990 mang vẻ hầm hố của thời trang grunge.
Hình 4. Marc Jacobs và các thiết kế phong cách patchwork thập niên 1990
Nguồn ảnh [2]
Trong thế kỷ 21, phong cách chắp vá tiếp tục được nhắc đến, đặc biệt khi các nhà thiết kế muốn tạo cảm giác lãng mạn, thủ công. Chắp vá vẫn là một phong cách được yêu thích, thường xuyên xuất hiện trong các bộ sưu tập của các nhà thiết kế. Tại Việt Nam nhiều nhà thiết kế đã đưa phong cách chắp vá vào bộ sưu tập của mình. Tác giả Nguyễn Khai Tâm với mong muốn tận dụng những nguyên liệu có sẵn, đem lại sức sống mới cho những tấm vải bỏ đi, nhà thiết kế đã tạo ra vải mới từ chỉ thừa, vải vụn, các hoa văn được khâu tay, đắp nổi tạo bề mặt, tôn vinh sáng tạo từ thủ công [3].
Hình 5. Tác phẩm đoạt giải Nhất cuộc thi Designed by VietNam
Nguồn ảnh [3]
Quần áo jeans chắp vá đang là xu hướng phủ sóng khắp đường phố thời trang
Hình 6. Quần áo jeans chắp vá
Nguồn ảnh [4]
2.3. Ứng dụng phong cách chắp vá trong cuộc sống hiện đại
2.3.1. Thiết kế nội thất
Xu hướng patchwork (chắp vá) không chỉ được ứng dụng trong thời trang, ngày nay chúng còn được mang vào nội thất với đặc trưng phóng khoáng, sáng tạo và tinh tế. Chắp vá” ở đây không phải là sự lắp ghép lộn xộn trong việc thiết kế mà là sử dụng những mảng màu, những giấy dán tường khác nhau sắp xếp thành một trật tự độc đáo cho bức tường. Chúng khác với những kiệt tác cổ điển ở tính cá nhân, vẻ ngoài khác thường và được dùng như một vật trang trí cho phòng trẻ em, phòng ngủ, nhà bếp, khăn trải bàn, rèm cửa và thảm.
Hình 7. Chắp vá trong thiết kế nội thất
Nguồn ảnh pinterest
2.3.3. Trong tranh nghệ thuật
Mặc dù thực tế là các bức tranh làm bằng bút lông và sơn dầu vẫn có nhu cầu liên tục, nhưng gần đây tại nhiều ngôi nhà và căn hộ, bạn có thể tìm thấy các tác phẩm nghệ thuật được làm từ các mảnh vải bằng kỹ thuật chắp vá.
Hình 8. Chắp vá trong tranh ghép vải
Nguồn ảnh [5]
2.3.4. Phụ kiện thời trang
Hình 9. Chắp vá trong phụ kiện thời trang
Nguồn ảnh [5]
2.4. Sự khác biệt giữa patchwork và quilting
Patchwork và quilting là chắp vá. Tuy nhiên, có một sự khác biệt giữa chúng. Patchwork bao gồm việc kết nối các mảng dệt nhiều màu hoặc vải dệt kim dệt kim thành một mảnh duy nhất. Thông thường, chắp vá được thực hiện trong một lớp.
Quilting không chỉ bao gồm kỹ thuật chắp vá mà còn cả thêu, đính và đặc điểm chính của chần bông là nhiều loại mũi khâu khác nhau. Quilting cũng được phân biệt bởi khối lượng và lớp của nó. Bề mặt chần bông của sản phẩm được trang trí bằng các kiểu may khác nhau. Patchwork được coi là một kỹ thuật may riêng biệt và chần bông là sự kết hợp của nhiều kỹ thuật cùng một lúc. Nói cách khác, chắp vá khác với chần bông ở một tiêu điểm hẹp hơn. Bản chất của chắp vá là tạo ra một bức tranh đẹp từ nhiều mảnh khác nhau, có thể khác nhau về hình dạng, kích thước và màu sắc. Chắp vá chỉ là một thành phần của quilting. Trong quilting, các miếng vá cũng tạo ra hoa văn hoặc vật trang trí, nhưng ngoài ra, nó có thể chứa hình thêu, các mũi khâu, có thể tự trang trí, tạo ra những hoa văn lạ mắt. Đó là các mũi khâu kết nối tất cả các lớp của sản phẩm. Quilting - khâu, chần bông [6].
3. Phương pháp thực hiện kĩ thuật chắp vá
3.1. Chọn và chuẩn bị vải
Loại vải tốt nhất để sử dụng là cotton hoặc vải pha có thành phần cotton cao vì loại vải này có ưu điểm ít bai giãn, dễ cắt, dễ may và rất dễ thực hiện cho người mới bắt đầu. Nhược điểm của vải cotton có độ co nhiều trong quá trình giặt. Linen dễ may, ít co, bền. Vải lanh nhăn nhiều và khó là. Lụa, nhờ kết cấu tinh tế, độ bóng tự nhiên và độ sáng của màu sắc. Tuy nhiên, nó bị co rút nhiều khi giặt và tiếp xúc với nhiệt độ cao, khó cắt và may. Len hiếm khi được sử dụng để may vải chắp vá, tuy nhiên, nó có một số ưu điểm: vải hút ẩm, ấm áp thích hợp để làm ga trải giường, gối, quần áo. Vải len dày không bị nhàu nát, các sản phẩm len giữ được hình dạng hoàn hảo. Các mảnh len có thể được nối từ đầu đến cuối bằng đường may ngoằn ngoèo do máy tạo ra. Các loại vải nhân tạo và vải pha trông thanh lịch, không nhăn và giặt tốt, nhưng khả năng thấm hút kém. Vải viscose rất khó may: do cấu trúc di động nên vải trượt, ngoài ra còn bị nhăn và co rút khi giặt.
Vải phải được giặt, phơi khô, là phẳng, một số loại vải nhăn, mỏng cần ép mex cho phẳng. Sử dụng kéo cắt vải theo mẫu, không nên xé vải, điều này sẽ dẫn đến hiện tượng mép vải bị bung, bai vênh. Khi chọn vải cần cân nhắc đến màu sắc và độ lớn nhỏ của hoa văn trên vải. Để kết hợp màu sắc có thể chọn các màu tương phản với nhau (ví dụ như đỏ và xanh lá cây, …) hoặc chọn các màu tương đồng với nhau (cùng gam màu hoa văn khác nhau hoặc mức độ sáng tối khác nhau). Khi chọn độ lớn của hoa văn, không nên chọn tất cả các vải có hoa văn đều lớn như vậy tác phẩm trông không hài hòa. Cũng không nên chọn tất cả các vải có hoa văn nhỏ vì khi nhìn xa các hoa văn này trông như loại vải trơn. Vì vậy nên chọn vải có các loại hoa văn lớn nhỏ khác nhau. Ví dụ, có thể chọn vải hoa văn lớn (như là tâm điểm) và kết hợp với các vải có hoa văn nhỏ khác.
Hình 12. Các loại vải
Nguồn ảnh [7]
3.2. Cắt vải
Chìa khóa thành công trong việc lắp ráp vải chắp vá là độ chính xác cao của đường cắt. Việc cắt được thực hiện bằng cách sử dụng các mẫu bìa cứng để sang dấu lên vải. Thông thường là những hình dạng hình học đơn giản nhất như hình vuông, tam giác, hình chữ nhật….
Hình 13. Mẫu bìa cứng và cắt vải
Nguồn ảnh [8]
3.3. May các miếng vải nhỏ với nhau tạo thành miếng vải ghép lớn
Đặt các miếng vải theo ý tưởng thiết kế, tiến hành may theo đường phấn sang dấu. Nếu kích thước miếng vải lớn, để đảm bảo độ chính xác có thể dùng ghim để ghim (ghim vuông góc với đường may). Các miếng vải nhỏ được may với nhau để tạo ra một tấm vải lớn. Khi may các miếng vải, điều cần thiết là các hình dạng vải được cắt ra càng chính xác càng tốt. Đường may này rất quan trọng, nó quyết định sự chính các của các mảnh vải khi ghép lại với nhau để tạo thành một cái mảnh vải có kích thước lớn và dễ dàng tạo ra những sản phẩm thời trang đắt giá. Là rẽ đường may sang hai bên hoặc lật hết sang một bên tùy thuộc vào loại vải.
Hình 14. May các mảnh vải vào nhau
Nguồn ảnh [7]
4. Kết luận
Thời trang Patchwork không chỉ là một xu hướng mà còn là một tuyên ngôn về sự sáng tạo và cá nhân hóa trong ngành thời trang. Việc kết hợp các miếng vải đa dạng không chỉ tạo ra những kiểu thiết kế độc đáo mà còn thể hiện sự đa chiều và phong cách cá nhân của người mặc. Patchwork không chỉ là việc làm thủ công tinh tế mà còn là cách để kể chuyện về sự đa dạng, lịch sử và nghệ thuật. Hãy để trang phục của các bạn trở thành một tác phẩm nghệ thuật độc nhất vô nhị, phản ánh cá nhân và cái nhìn vui nhộn của các bạn về thế giới. Patchwork không chỉ là một xu hướng thời trang, mà còn là một cách thể hiện cá nhân và sáng tạo trong việc tự tạo ra một trang phục độc đáo, mang dấu ấn riêng. Hãy thỏa sức khám phá và thể hiện phong cách của các bạn thông qua những mảnh chắp vá đầy màu sắc và ý nghĩa
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Victoria & Albert Museum, Patchwork fashions, đăng trên trang điện tử Bảo tàng https://www.vam.ac.uk/articles/patchwork-fashions
2. Do Queenanie N (2021), patchwork: phong cách chắp vá, đăng trên Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam, https://bazaarvietnam.vn/vocabulary/patchwork-la-gi-va-cach-phoi-do-thoi-trang-dep/
3. Nguyễn Khai Tâm (2023), Ratla Xuân, đăng trên trang điện tử Tuần lễ Thiết kế Việt Nam – VietNam Design Week (VNDW) tại https://vietnamdesignweek.com/2023/submission/01/
4. Tô Thị Bích Trâm (2023), Patchwork là gì? Điểm đặc biệt và thu hút của phong cách patchwork https://5sfashion.vn/tin-tuc/patchwork-la-gi
5. Sản phẩm của sinh viên khoa thời trang – Trường ĐHCN Dệt May Hà Nội
6. Hysa (2020), Tên của may từ mảnh vải là gì. Những loại chắp vá tồn tại? Kỹ thuật "Túp lều gỗ", 11/5/2024, https://hysa.ru/vi/kak-nazyvaetsya-shite-iz-kusochkov-tkani-kakie-vidy-pechvorka/
7. Pinter
8. Sona Books (2020), The the Complete Beginner'S Guide to Quilting and Patchwork, United Kingdom