Trang chủ
TRƯỜNG ĐẠI HỌC CÔNG NGHIỆP DỆT MAY HÀ NỘI
KHOA THỜI TRANG

Ứng dụng kỹ thuật số trong phát triển mẫu, may mẫu ảo

Ngày đăng: 01:27 - 20/06/2023 Lượt xem: 237
                                                          Trần Đức Tiến, Giảng viên Khoa Thời trang
 
 Trong những năm qua, dệt may Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ, kim ngạch xuất khẩu tăng đáng kể. Trước đây, hầu hết các doanh nghiệp chủ yếu là sản xuất gia công, giá trị gia tăng thấp. Tuy nhiên, hiện nay đã có một số doanh nghiệp chủ động chuyển sang phương thức sản xuất ODM, OBM nhằm tăng thêm phần giá trị gia tăng. Vì vậy trong qui trình tạo ra sản phẩm độc đáo nhưng lại mang nặng tính công nghiệp này đòi hỏi một sinh viên ngành Thiết kế thời trang ra trường sẽ phải tìm hiểu và bắt nhịp được chuỗi sản xuất sản phẩm thời trang tại các doanh nghiệp.
Trong chuỗi sản xuất ODM, OBM từ Xây dựng thương hiệu; Thiết kế; Nguồn cung cấp nguyên, phụ liệu; Cắt, may; Phân phối và marketing mỗi khâu đều có vị trí, vai trò riêng. Trong đó phát triển mẫu, dựng mẫu là một bước hết sức quan trọng trong quy trình thiết kế, cắt - may.

Việc ứng dụng công nghệ số vào thiết kế thời trang đã làm thay đổi hoàn toàn thiết kế thời trang truyền thống. Khác với thời trang truyền thống, thời trang kỹ thuật số chính là sản xuất số hóa giúp rút ngắn thời gian đưa “sản phẩm” ra thị trường, kéo theo một loạt các hao phí trong nhiều quy trình được loại bỏ. Quần áo kỹ thuật số không đòi hỏi nguyên phụ liệu có thực, không trải qua các công đoạn xử lý độc hại gây tác động đến môi trường, và cuối cùng, không bị vùi nén trong núi rác thải thời trang chờ được xử lý.

Quá trình phát triển mẫu, dựng mẫu theo phương pháp truyền thống cũng rất tốn kém. Với thiết kế thời trang kỹ thuật số, không qua giai đoạn phát triển mẫu, cắt, may thủ công. Từ phác thảo hình ảnh sẽ tạo ra được rập kết hợp tính chất vải và tiêu chuẩn kỹ thuật đã có thể tạo ra 1 sản phẩm mẫu đạt 90-100% mẫu thực. Tất cả các việc như tạo phom dáng, kết cấu, kết hợp màu sắc, chất liệu vải, người mẫu… đều được thực hiện và mô phỏng bằng các phần mềm công nghệ như Optitex, Lectra, Gerber Clo 3D, Marvelous Công nghệ này giúp rút ngắn quá trình thiết kế sản phẩm khoảng 1/3-1/5 thời gian làm mẫu thực. Tiết kiệm chi phí, rút ngắn thời gian làm mẫu, tái sử dụng nguồn nguyên phụ liệu để bảo về môi trường.
 
1. Một số khái niệm cơ bản
1.1. Rập
 Rập là khuôn mẫu của sản phẩm, được cắt trên giấy theo hình dáng của chi tiết trên sản phẩm, rập được đặt lên vải cắt ra bán thành phẩm, may ráp lại với nhau tạo thành sản phẩm, rập dùng để cắt vải với số lượng lớn và có thể tái sử dụng nhiều lần cho sản xuất.
1.2. Phát triển mẫu chính là việc thực hiện từ ý tưởng của nhà thiết kế (hình ảnh) thành bộ rập. Trong quá trình phát triển mẫu nhân viên thiết kế rập cần nghiên cứu phân tích hình ảnh, thiết kế rập theo đúng tiêu chuẩn (về form, kết cấu, thông số,…) đây cũng chính là đặc trưng thương hiệu của dòng sản phẩm.
1.3. Công nghệ kỹ thuật số
Công nghệ kỹ thuật số (Digital Technology) bao gồm tất cả các công cụ, thiết bị điện tử, hệ thống tự động, thiết bị công nghệ và tài nguyên tạo ra, xử lý hoặc lưu trữ thông tin trong các lĩnh vực khác nhau.
Các phương tiện truyền thông đa phương tiện, mạng xã hội, nền tảng thương mại điện tử, dịch vụ mua sắm, thanh toán trực tuyến, các trò chơi trực tuyến là những ứng dụng rõ nét. Bên cạnh đó, công nghệ kỹ thuật số còn gắn liền với sự phát triển phần cứng như các thiết bị di động (smartphone, tablet, laptop), hệ thống tự động hóa, robot, VR/VA...các hệ thống CAD, CAM, AI…
1.4. Người mẫu ảo
Người mẫu ảo không phải là người thật mà là một nhân vật được tạo ra giống với con người. Bằng sự phát triển của mô hình 3D và công nghệ AI Deepfake, các mô hình ảo đang nổi lên gần đây có ngoại hình rất giống người thật.
2. Điều kiện để phát triển mẫu, may mẫu ảo
- Bản phác thảo hình ảnh (hình ảnh mẫu)
- Tài liệu kỹ thuật
- Mẫu nguyên, phụ liệu
- Các hệ thống CAD/CAM (phần mềm thiết kế Gerber, Lectra, Optitex, phần mềm dựng mẫu ảo Clo 3D)
3. Các yếu tố ảnh hưởng đến quá trình phát triển mẫu
- Sự đầy đủ, chi tiết của bản phác thảo (hình ảnh mẫu)
- Các điều kiện về công nghệ: Cấu hình hệ thống CAD/CAM, máy tính, điều kiện, không gian, môi trường làm việc…
- Tay nghề, khả năng sáng tạo, tưởng tượng hình ảnh trong không gian 3 chiều, của nhân viên phát triển mẫu, may mẫu ảo.
4. Qui trình phát triển mẫu, may mẫu ảo trong thời trang kỹ thuật số
4.1. Qui trình phát triển mẫu, may mẫu truyền thống
 

 Sơ đồ 1: Qui trình phát triển mẫu, may mẫu truyền thống
4.2. Qui trình phát triển mẫu, dựng mẫu ảo
 

Sơ đồ 2: Qui trình phát triển mẫu, may mẫu ảo
Bước 1: Chuẩn bị mẫu phác thảo, rập cơ bản
- Mẫu phác thảo đầy đủ các thông tin
- Rập cơ bản cỡ trung bình

 
Bước 2: Phát triển rập
- Xác định chính xác các vị trí và các điểm cần dịch chuyển trên mẫu mới.
- Điều chỉnh lại các số đo. Từ rập cơ bản đã có, tiến hành so sánh số đo ban đầu với các số đo muốn chỉnh sửa.
- Thực hiện chuyển đổi rập. Tùy theo yêu cầu thay đổi của từng chi tiết, tiến hành chọn vị trí chuyển đổi rập
- Xuất file AAMA
 
 

 
Bước 3: May mẫu ảo
- Nhập file AAMA
- Chọn người mẫu ảo (Avatar) có số đo phù hợp (chỉnh sửa số đo Avatar nếu cần)
- Thể hiện qui cách may
- Add chất liệu, phụ liệu
- Mặc mẫu trên Avatar
 
  

 
  
Bước 4: Chỉnh sửa rập (nếu có)
- Đánh giá theo các yêu cầu nếu cần chỉnh sửa rập thì chỉnh sửa trực tiếp trên Clo 3D. Ghi chú thông tin chỉnh sửa
- Xuất lại file ZPRJ sang PDF
 
Bước 5: Xuất file ảnh, video catwalk
  • Render ảnh theo yêu cầu
  • Đi catwalk và xuất video
 
 
  
Với hai quy trình trên ta có thể thấy sự khác biệt. Trong TKTT truyền thống chúng ta chỉ quan sát hình ảnh sản phẩm những bản vẽ 2D, để ra được sản phẩm thật phải qua quá trình thiết kế, cắt, may mất rất nhiều thời gian, phải chuẩn bị, tìm kiếm đúng nguyên phụ liệu, Khi có sản phẩm thật qúa trình thử sửa, điều chỉnh mẫu có thể diễn ra nhiều lần sẽ tốn thời gian, phát sinh chi phí. Ngược lại khi ứng dụng công nghệ số toàn bộ quá trình phát triển mẫu, dựng mẫu hoàn toàn thực hiện trên máy tính với các phần mềm Optitex, Lectra, Gerber Clo 3D, Marvelous. Hình ảnh sản phẩm 3D rất chân thực, mô phỏng được chất liệu, quy cách đường may, phom dáng sản phẩm giống như mẫu thật điều này giúp tiết kiệm được nhiều thời gian, chi phí.

Thời trang kỹ thuật số còn đang thúc đẩy xu hướng tiêu dùng bền vững, giảm thiểu việc sản xuất thừa thãi hàng may mặc, qua đó góp phần bảo vệ môi trường, “xanh hóa’ ngành thời trang. Bởi vậy, việc ứng dụng kỹ thuật số trong thiết kế thời trang là hết sức cần thiết trong giai đoạn hiện nay, nhất là việc ứng dụng này sẽ phù hợp với định hướng phát triển ngành dệt may giai đoạn 2020 – 2030 trong bối cảnh CMCN 4.0.

Tài liệu tham khảo:

1. CLO 3D và Marvelous Designer Manual (clo3d.com)
2. https://fgd.iuh.edu.vn/tai-lieu-hoc-tap/80-lenh-can-ban-hay-dung-trong-phan-mem-clo-3d/
3. https://www.youtube.com/@CLO3D

© Bản quyền 2017 thuộc về Trường Đại học công nghiệp dệt may Hà Nội.
Online: 48 Tổng truy cập: 18.737.096