Nguyễn Thị Lê Nga
Ngành TKĐH - Khoa Thiết kế sáng tạo
Trường Đại Học Công Nghiệp Dệt May Hà Nội
Email:ngantl@hict.edu.vn
ĐẶT VẤN ĐỀ
Thôn Pang Cáng cách trung tâm huyện Văn Chấn – Yên Bái 12 km, thôn Pang Cáng nằm ở phía Tây xã Suối Giàng. Cách đây hơn 300 năm, tộc người H’Mông di cư từ phương Bắc đến, lập bản sinh sống trên mảnh đất xã Suối Giàng. Theo kết quả tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, trên địa bàn tỉnh Yên Bái có 107.049 người H’Mông (chiếm 13,03% dân số toàn tỉnh), được chia thành 04 nhóm: H’Mông Đu (H’Mông Đen), H’Mông Đơ (H’Mông Trắng), H’Mông Si (H’Mông Đỏ), H’Mông Lềnh (H’Mông Hoa). Pang Cáng với đa phần là người dân tộc H’Mông (H’Mông Si) - những con người nổi tiếng cần cù, chịu khó, văn hoá truyền thống độc đáo, đặc sắc vẽ sáp ong và thêu, cùng những đồi chè Shan tuyết cổ thụ hàng trăm năm tuổi, đã trở thành thương hiệu của vùng đất nơi đây.
Có thể nói, nghệ thuật tạo hình hoa văn bằng sáp ong trên vải của người H”Mông (H’Mông Si) là một thành tố quan trọng của đời sống văn hóa tộc người, ra đời và hoàn thiện cùng với quá trình hình thành bản sắc văn hóa trong lịch sử. Nó thể hiện ở cả hai phương diện: nội dung và hình thức. Nó gắn với đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào. Người H’Mông (H’Mông Si) tại nơi đây đã sáng tạo ra nghệ thuật tạo hình hoa văn bằng sáp ong mang đậm sắc thái tộc người. Mỗi loại hình họa tiết hoa văn, mỗi cách thể hiện đều thể hiện những triết lý sống cao đẹp của cộng đồng, thể hiện óc sáng tạo. Đây chính là hình thức nghệ thuật bắt nguồn từ cuộc sống lao động, sản xuất, chiến đấu của tộc người, từ tư duy nghệ thuật và được mạch nguồn của môi trường tự nhiên, môi trường lao động, môi trường xã hội, môi trường văn hóa tộc người ươm mầm và nuôi dưỡng. Những họa tiết hoa văn được tạo ra từ kỹ thuật vẽ bằng sáp ong trên vải của người H’Mông (H’Mông Si) thực sự là những câu chuyện kể về thế giới quan, thiên nhiên vùng sơn cước đầy sống động. Do quá trình trao truyền nghề, quá trình sáng tạo họa tiết hoa văn của mỗi người phụ nữ H’Mông mà hoa văn cứ tiếp nối như một dòng chảy xuyên suốt lịch sử tồn tại của tộc người miền sơn cước Thôn Pang Cáng, xã Suối Giàng, tỉnh Yên Bái.
Theo truyền thống văn hóa của người H’Mông thì hầu hết nữ giới từ khi còn là thiếu niên đều học vẽ hoa văn trên vải, khi đến tuổi trưởng thành đều có khả năng sử dụng thuần thục nghệ thuật này, trước tiên là phục vụ nhu cầu y phục của chính bản thân, gia đình và hôn lễ cá nhân, sau đó là tạo các vật dụng để biếu, tặng, trao đổi. Nghề vẽ sáp ong đã được ghi nhận như một di sản văn hóa, cần được lưu giữ và bảo tồn, giữ vững và giới thiệu rộng rãi để người dân được tiếp cận và biết đến. Ngoài các nghệ nhân tạo hình hoa văn bằng sáp ong hiện vẫn truyền dạy cho các thế hệ kế cận trong quá trình thực hành di sản như: truyền dạy dệt vải, truyền dạy kĩ thuật tạo hình các hoa văn, phương pháp nhuộm chàm và quy trình tạo ra các sản phẩm có hoa văn trên vải để bảo tồn. Các cấp, các ngành, các chủ thể văn hóa, các tổ chức, cá nhân có liên quan cùng cùng chung tay vào cuộc để cùng nâng cao ý thức, chung tay, tự nguyện bảo vệ, phát huy giá trị di sản, đảm bảo di sản duy trì được những giá trị nguyên gốc trong quá trình vận động, phát triển của xu hướng mới hiện nay.

(Hình 1: Cổng Thôn Pang Cáng
Nguồn ảnh: Tác giả chụp)
PHẦN NỘI DUNG
1. HOA VĂN HỌA TIẾT VẼ SÁP ONG
Theo Nghệ nhân Trang Thị Dở (90 tuổi, sống tại Thôn Giàng B, xã Suối Giàng) có chia sẻ:“nghề vẽ sáp ong được ông bà, bố mẹ bà được truyền từ đời nọ qua đời kia, vì thế bản thân bà cũng được tiếp nối truyền thống như vậy, các họa tiết hoa văn cũng do bà tự sáng tác dựa vào các họa tiết hoa văn của các đời trước truyền lại”.


(Hình 2: Cụ bà Nghệ nhân Trang Thị Dở, 90 tuổi,
con gái của bà là Nghệ nhân Giàng Thị Ca -34 tuổi
chụp tại nhà nghệ nhân Giàng Thị Ca – Nguồn ảnh: tác giả chụp)Trong quá trình đi phỏng vấn, ngoài các Nghệ nhân, tác giả đã đến hai nhà dân trong Thôn để tìm hiểu thêm. Trong đó, có hộ gia đình không biết đến nghề vẽ sáp ong, trang phục chủ yếu của họ là trang phục được in họa tiết hoa văn công nghiệp hoặc có một vài bộ được thêu tay (là những bộ trang phục để sử dụng vào những ngày quan trọng hoặc các ngày lễ. Một hộ gia đình khác, theo cô chia sẻ, do nghề vẽ sáp ong khá vất vả và mất nhiều công đoạn, để tạo ra một trang phục như vậy khá lâu, hơn nữa ngày nay các trang phục được du nhập rất nhiều nơi về Thôn, nên cô không còn theo nghề nữa. Mà chỉ thêu tay vào trang phục khi cô muốn tự may trang phục cho mình. Như vậy, có thể thấy họa tiết hao văn vẽ bằng sáp ong tại Thôn Pang Cáng không còn nhiều nữa, các họa tiết đó cũng có những tên gọi không đồng nhất với nhau. Chỉ còn một số Nghệ nhân hiểu, lưu giữ và bảo tồn các cách vẽ họa tiết và nghề sáp ong này.
1.1. Ý nghĩa và bố cục của các họa tiết hoa văn
Theo nghiên cứu của tác giả qua một số tư liệu cùng các ghi nhận tại buổi phỏng vấn thực tế, các họa tiết hoa văn hình học được sử dụng nhiều khi vẽ bằng sáp ong, việc kết hợp các dạng hình học này đã tạo nên những mô-típ hoa văn thường được liên tưởng tới các loài động vật (như con ốc, con hến, con bướm, con chó, …) và thực vật (như cái cây, bông hoa, cái lá, …), các hoa văn thể hiện tính cách điệu khá rõ nét, cách trang trí thiên về đường cong nhiều hơn.

(Hình 3: Họa tiết hoa văn thường gặp tại Thôn Pang Cáng
– Nguồn ảnh: Tổng hợp của tác giả)

(Hình 4: Một số họa tiết hoa văn (Ốc – hến) của Nghệ nhân Giàng A Tếnh phục dựng và vẽ lại trên phần mềm máy tính – ảnh chụp tại nhà Ông, nguồn ảnh: tác giả chụp)
Mặt khác theo Nghệ nhân Giàng A Tếnh (60 tuổi sống tại Thôn Giàng B, xã Suối Giàng) chia sẻ “các họa tiết hoa văn của người H’Mông Si chính là khởi nguồn từ chữ viết của họ, thời xa xưa các đời trước của họ, người dân không biết chữ, và họ tự xem các họa tiết đó như là đại diện những “con chữ” để nói lên tiếng nói của mình. Cứ như thế, họ tiếp nối truyền thống, bảo tồn nó như dạng các “chữ viết” để hiểu và giao tiếp với nhau qua hình thức thể hiện truyền đạt ý tưởng từ các họa tiết hoa văn đó.” Nhìn chung, họa tiết hoa văn của người H’Mông Si ở tỉnh Thôn Pang Cáng khá đa dạng, tái hiện được phần nào cuộc sống xung quanh, có tính biểu đạt cao và chứa đựng những ý nghĩa xã hội nhất định. Có thể thấy, hệ thống hoa văn của người H’Mông Si khá phong phú nhưng mỗi loại hoa văn này lại có những biến cách riêng tùy vào sự khéo léo và óc sáng tạo của mỗi cá nhân trong quá trình thực hành để vượt lên sự thô sơ, tạo nên sự đa dạng, nhiều cách điệu, đạt trình độ biểu đạt thẩm mỹ cao. Từ một dạng hoa văn cơ bản, người Mông biết kết hợp nhiều kiểu với nhau tạo nên sự đa dạng trong hệ thống hoa văn và thể hiện tư duy sáng tạo của cộng đồng. Quan sát tổng thể, cách bố cục tạo hình hoa văn bằng sáp ong trên vải tại đây, tôi nhận thấy: sử dụng hình thức bố cục mảng, tạo thành các ô hình vuông, hình chữ nhật hoặc hình thoi trên bề mặt vải là chủ đạo, các họa tiết hoa văn nhỏ và rất nhỏ, nhiều nên trang trí tập trung, dày, các đường nét và hình họa thường chen chúc, luồn lách, ít gặp bố cục thoáng. Một đặc điểm nổi bật là bố cục đăng đối, cặp đôi, cặp bốn, lấy hoa văn chính làm trung gian, các mô típ hoa văn thay nhau làm hoa văn chính (hoa văn vệ tinh) đứng vào vị trí đăng đối trên từng đồ án, có những đường viền xung quanh to nhỏ khác nhau, thể hiện tư duy của người tạo hình và sự sinh động trên từng mảng hoa văn.
Về cơ bản, việc tạo hình hoa văn trên vải của người H’Mông Si (ở cả ba kỹ thuật: thêu, vẽ sáp ong và ghép vải) cũng chỉ có 5 màu cơ bản: chàm sẫm thành đen, đỏ, vàng, trắng, xanh lơ. Nếu xét riêng về màu sắc của nghệ thuật tạo hình hoa văn bằng sáp ong thì chỉ có hai màu cơ bản là màu trắng (nhuộm chàm nhiều chuyển thành xanh lơ nhạt) và màu vàng trên nền chàm tối. Xét về tổng thể của một bố cục trang trí hoa văn trên một khuôn vải nhất định thì màu xanh lơ nhạt của vải in sáp ong trở thành màu trung gian, dung hòa các màu đậm của vải ghép, chỉ thêu và màu chàm tối của nền vải nhuộm. Bởi thế mà màu sắc, đường nét, mô típ của hoa văn có sự chuyển động khá phong phú, mát mắt mà vẫn tạo điểm nhấn được cho các sản phẩm. Bảng màu của người H’Mông Si so các tộc người Tày, Thái, Mường thì không nhiều hơn nhưng từ sự kết hợp tinh tế của các kỹ thuật tạo hình hoa văn và phối hợp màu sắc đã làm cho người xem cảm thấy các sản phẩm của người H’Mông Si luôn nổi bật hơn về màu sắc.
1.2. Các loại hình họa tiết và tên của các họa tiết
Theo nghiên cứu của tác giả ở một số nguồn tài liệu, được biết họa tiết hoa văn hình dích dắc có người cho đó là hình núi, người lại cho rằng đó là hình hàng rào. Họa tiết hoa văn nhiều chấm tròn song song thì có người cho rằng đó là hình hạt gạo, có người lại cho rằng đó là hình hạt đậu tương, …. Như vậy, sở dĩ tên gọi các loại họa tiết hoa văn được giải thích khác nhau là do cách quan sát, liên hệ với thực tế môi trường sống của mỗi người. Riêng các loại họa tiết hoa văn như: hình con ốc, chó nằm ngủ, một số loại hoa, lá cây, một số vật dụng (chân ghế, lưỡi cày, then cửa, …) là thống nhất về tên gọi ở các nhóm H’Mông và các khu vực sinh sống khác nhau. Trong đó, qua chia sẻ của Nghệ nhân Giàng A Tếnh, “họa tiết hoa văn của người H’Mông Si tại Thôn Pang Cáng, Suối Giàng chủ yếu họa tiết hình con ốc và con ngao. Nó cũng cho người xem cảm giác như những hình xoáy của vũ trụ, thế nhưng tất cả cũng là họa tiết được xây dựng và bảo tồn trên cơ sở là “con chữ” của họ.”
Qua tìm hiểu tại buổi thực tế, cùng các tài liệu nghiên cứu mà tác giả cập nhật được, họa tiết hoa văn của người H’Mông Si tại thôn Pang Cáng có các nhóm họa tiết sau:
Nhóm họa tiết hoa văn hình học:
Hoa văn đường gấp khúc song song (nar kơ): thường được dùng để vẽ viền mép xung quanh, xác định một khung hình (một ô) hoa văn trên váy, áo và phần tiếp giáp giữa các ô với nhau.
Hoa văn đường thẳng song song (cêr nđangx): được vẽ ở phần giữa của thân váy và sát cạp váy.
Hoa văn hình vuông (xơ luz ntâuz): đây là những ô vuông lớn bao bọc các mảng hoa văn vẽ sáp ong bên trong, cũng để xác định từng ô trước khi trang trí các mảng hoa văn bên trong.
Hoa văn hình tam giác (xơ blei pê câu): được sử dụng để trang trí bên trong một khuôn hình hoặc nối các khuôn hình với nhau cũng có khi là lồng các hình tam giác vào nhau hoặc cũng có khi vẽ hai hình tam giác quay đỉnh vào nhau để liên tưởng đến hoa văn hình con bướm.
Hoa văn hình chấm tròn (xơ khênh): là các chấm tròn to nhỏ khác nhau, phổ biến hơn là các chấm tròn nhỏ thể hiện trong các ô hoa văn lớn. Được sử dụng nhiều khi trang trí ở vai áo và thân trên của váy.
Hoa văn hình dấu nhân (xơ ư công chi kang): có người cho đó là hình con tằm, hình vết chân chuột, thường được trang trí ở phần thân váy.
Hoa văn hình răng cưa, có hai loại: răng cưa to (ná cơ) và răng cưa bé (lu), hoa văn này thường sử dụng để trang trí đường viền bên trong ô vuông, bao xung quanh phần trang trí các hoa văn nhỏ bên trong. Hoa văn này thường xuất hiện ở quanh thân váy và vai áo, đồng bào cho rằng đó là hình rặng núi.
Nhóm họa tiết hoa văn hình động vật:
Hoa văn hình con ốc (cư rong hoặc plớ cư): hoa văn này được vẽ trang trí ở phần thân váy, gần sát cạp váy hoặc là những hình xoáy vuông góc 4 cạnh hoặc 8 cạnh thể hiện trên áo dài tay nữ mặc trong lễ hội, cưới xin hoặc lúc chết. Hoa văn này còn được trang trí trên dây thắt lưng sử dụng trong lễ hội và khăn gối đầu dành cho người chết.
Hoa văn hình con bướm (nả bâu): thực chất đây là hoa văn hình học nhưng với cách xếp biến thể tạo thành, thông thường loại hoa văn này chỉ gồm hai hình tam giác ghép quay đỉnh vào nhau để tạo thành con bướm chứ không uốn cong theo hình dáng của con bướm như hoa văn thêu. Loại hoa văn này thường xuất hiện trên những đường viền xung quanh phần in sáp ong trên vai áo.
Hoa văn hình con hến (cang zê): loại hoa văn chỉ sử dụng khi vẽ bằng sáp ong, được thể hiện là hình lục giác, trong có 03 chấm tròn nhỏ, trang trí phổ biến trên vai áo.
Nhóm họa tiết hoa văn hình thực vật:
Hoa văn hình hạt gạo (nu mov): đây là những dải chấm tròn nhỏ liên tiếp xuất hiện ở phần in sáp ong trên thân váy.
Hoa văn hình hạt đậu tương (xảy tảu): loại hoa văn này được thể hiện là 03 chấm tròn nhỏ, thường được trang trí là hoa văn nhỏ bên trong một ô vuông lớn.
Hoa văn hình quả trám (lun tau): là loại hoa văn được trang trí phổ biến ở tay áo và thân trên của váy, bên trong mỗi ô vuông họa tiết.
Hoa văn hình bông hoa (plớ pằng): là hoa văn có một chấm tròn ở giữa và năm đến tám chấm hình cánh xung quanh, xuất hiện nhiều ở trên thân váy, vai áo, chủ yếu dùng trong hoa văn vẽ sáp ong.
Hoa văn hình hoa đào (pằng dí đùa): là loại hoa văn có hình chấm tròn ở giữa to hơn và xung quanh là các cánh hoa được trang trí dày hơn các loại hoa trên. Đây là hoa văn điển hình, được trang trí trên nhiều sản phẩm như: cổ cáo, vai áo, thân váy, địu trẻ em, …
Hoa văn hình hoa cỏ (pằng su): là loại hoa văn hình hoa nhỏ nhất, thể hiện bằng những chấm tròn nhỏ li ti trong các khuôn hình trên thân váy.
Hoa văn hình lá cây thông (blông sôu): được thể hiện là những hình tam giác lồng vào nhau, thường được trang trí trên sát cạp váy và vai áo.
Hoa văn hình lá cây dương sỉ (blông sua): là những hình chữ "V" xếp liên tiếp nhau và đường vạch chằng chịt theo gân lá, thường được trang trí trên thân váy và vai áo.
Hoa văn biểu tượng:
Hoa văn hình mặt trăng (hli): là loại hoa văn hình chấm tròn khá to và độc lập trong các khuôn hình, được thể hiện trên tay áo và vai áo.
Hoa văn hình mặt trời (nuz): có hình tròn ở giữa và từ 5 đến 17 tia sáng tỏa ra xung quanh, thường được trang trí ở tay áo và vai áo.
Hoa văn hình chữ "thập" (tô khau li): là hình hai đường thẳng cắt nhau vuông góc từ đơn giản đến phức tạp. Hoa văn hình chữ "thập" được sử dụng khá nhiều trên các mảng hoa văn trang trí trên thân váy, tay và vai áo của các nhóm.
Hoa văn đường dích dắc (hồi văn), (chư xông hay chứ háu lềnh): đó là những hình gấp khúc, được lặp đi lặp lại bằng những đoạn thẳng ngắn bằng nhau và độ gập khúc cũng bằng nhau. Đây là loại hoa văn đơn giản, nó thường được kết hợp với một vài hoa văn đơn giản khác để tạo nên những hoa văn mới trên thân váy, vai áo.
Hoa văn hình đồng tiền có lỗ ở tâm (tau nha hoặc pằng tau): là hoa văn hình vuông, thủng lỗ ở giữa, thường được sử dụng để trang trí ở thân váy và vai áo.
Như vậy, hệ thống họa tiết hoa văn của người H’Mông khá phong phú nhưng mỗi loại hoa văn này lại có những biến cách riêng tùy vào sự khéo léo và óc sáng tạo của mỗi cá nhân trong quá trình thực hành để vượt lên sự thô sơ, tạo nên sự đa dạng, nhiều cách điệu, đạt trình độ biểu đạt thẩm mỹ cao. Từ một dạng hoa văn cơ bản, người H’Mông biết kết hợp nhiều kiểu với nhau tạo nên sự đa dạng trong hệ thống hoa văn và thể hiện tư duy sáng tạo của cộng đồng.
2. CHẤT LIỆU SỬ DỤNG VẼ SÁP ONG
Theo Nghệ nhân Giàng Thị Nhà (Chủ tịch Hội phụ nữ xã Suối Giàng) đã chia sẻ “vẽ sáp ong là sử dụng sáp ong được đun chảy và vẽ tạo hình lên vải lanh, sau khi vẽ xong hoa văn đem miếng vải cho vào nồi nước đun sôi, đảo đều tay để sáp ong bong hết ra, chỉ để lại những nét hoa văn đẹp trên nền vải. Sau đó, vải được nhuộm chàm và đem phơi khô mới tiếp tục các công đoạn khác, như thêu chỉ màu và khâu thành bộ quần áo hoàn chỉnh”. Vì vậy, sẽ cần phải chuẩn bị các chất liệu sau đây.
Vải lanh: Vải được sử dụng để vẽ sáp ong chỉ dùng được vải lanh, hoặc có thể là vải thô. Bởi sáp ong chỉ bám vào chất liệu vải có độ ma sát cao. Qua tìm hiểu thêm, học viên được biết “cây lanh” hay còn gọi là cây gai dầu, cây lanh mèo, cây gai mèo (tiếng Mông gọi là chaoz mangx). Cây lanh được trồng phổ biến ở khu vực cư trú của đồng bào trên địa bàn tỉnh Yên Bái, cây lanh từ lâu đời đã trở nên quen thuộc trong đời sống tộc người, đó không chỉ là thứ vật liệu để may mặc mà cây lanh, sợi lanh đã đi vào thế giới tâm linh, tình cảm, trở thành biểu tượng gắn bó lứa đôi, sự bền chặt của cuộc đời mỗi người, là sợi dây dẫn đường cho linh hồn người chết về với tổ tiên.
Sau khi trải qua các công đoạn như: thu hái, phơi đập, tước sợi và dệt sợi, thì người phụ nữ H’Mông sẽ dệt vào tạo được các thước vải, khổ vải của thường rộng khoảng 20 đến 40cm. Cứ 12 sợi được tính thành 1 chùm, để may váy, áo cho trẻ em, đồng bào thường dệt thành 5 chùm, để may cho người lớn phải dệt khoảng 8 chùm, cho những người cao to thì dệt khoảng 10 đến 12 chùm. Để dệt một tấm vải dài từ 10 đến 12m, rộng 40cm, người phụ nữ H’Mông phải mất 20 đến 22 giờ liên tục. Tuy nhiên, do chỉ có thể dệt trong lúc rảnh rỗi nên trung bình một tháng mỗi người chỉ dệt được một mảnh dài khoảng 12m. Trung bình mỗi mùa, một người phụ nữ Mông có kỹ năng bình thường có thể dệt được khoảng 48 đến 60m vải. Tiến đến họ sẽ làm trắng vải, để làm trắng vải, người ta hòa tro vào chảo nước, quấy đều, nhúng tấm vải vào rồi đem hong khô, khi khô lại đem nhúng và hong khô, cứ làm đi làm lại như thế trong 4 đến 5 ngày, mỗi ngày nhúng 3 đến 4 lần. Sau cùng đem đi giặt với tro bếp rồi phơi khô. Sau khi khô được lăn cho bóng, mịn, mềm. Cách lăn vải cũng tương tự như lăn sợi, trung bình một người có thể lăn được khoảng 100m vải một ngày. Sau đó, họ sẽ sử dùng sáp ong để vẽ tạo hình lên các tấm vải theo kích thước khác nhau để thêu và sử dụng làm các bộ phận kết cấu của một bộ trang phục hoành chỉnh.

(Hình 5: vải lanh để chuẩn bị vẽ phác thảo lên trước khi vẽ sáp ong
Nguồn: Ảnh tổng hợp của tác giả)
Sáp ong: Ong là một loài côn trùng, có tổ chức cao, sống theo đàn, mỗi đàn đều có ong thợ, ong chúa và ong non và có sự phân công công việc rõ ràng. Ong thường tìm kiếm nơi an toàn, khô ráo, sạch sẽ để xây dựng tổ, tổ thường được làm trên rừng, trên núi hay trên các tảng đá lớn, những nơi có sức hút của các loài hoa, thức ăn, nước uống. Nguyên liệu của tổ ong thường là bột gỗ trộn với nước dãi ong. Ong dùng râu của mình để đo các khung viền của tổ (tạo thành các hình lục lăng mà ta vẫn thường thấy). Qua chia sẻ của Nghệ nhân Trang Thị Dở (90 tuổi, sống tại Thôn Giàng B, xã Suối Giàng) cùng các tài liệu mà tôi đã nghiên cứu thêm, được biết sáp ong là một chất sáp tự nhiên được ong mật sản sinh ra. Sáp có dạng hình "vảy", được hình thành bởi tám tuyến phản chiếu sản sinh sáp trong phân đoạn bụng từ 4 đến 7 của ong thợ. Sáp ong không bao giờ hỏng, có thể nung nóng và sử dụng lại, được ứng dụng và là nguyên liệu chính để vẽ của người dân nơi đây. Màu sắc biến đổi từ gần trắng đến nâu nhạt, nhưng thường là màu vàng, tùy thuộc vào độ thuần khiết, khu vực và loại hoa do ong thu thập. Sau khi đã vắt lấy mật, phần sáp được khai thác để sử dụng làm mực vẽ trong nghệ thuật tạo hình hoa văn trên vải. Sáp ong là phần còn lại của tổ ong sau khi đã vắt lấy mật, người ta lấy sáp từ rừng về cho vào túi vải lanh, đun nước sôi lên, nhúng túi sáp vào đun chừng 15 đến 20 phút thì vớt ra, vắt trong một chậu nước lạnh. Sau đó, đun lại nồi nước cũ, nhúng túi vào rồi vắt, làm đi làm lại như vậy 4 đến 5 lần. Sáp ở trong chậu nước lạnh sẽ nổi lên, vớt lấy sáp đó đem đun nhỏ lửa cho đến khi nào cô lại, để nguội sẽ đóng thành bánh sáp để sử dụng lâu dài. Sáp này được tạo ra là sáp màu vàng (chia mú). Đến nay, người H’Mông (H’Mông Si) tại nơi đây chủ yếu sử dụng sáp màu vàng (chia mú) để làm mực vẽ. Sáp ong được nấu chảy, lúc này trở thành "mực vẽ", khi sử dụng, người H’Mông (H’Mông Si) cho sáp vào một chảo gang nhỏ, đường kính khoảng 10cm, có tay cầm, đun nhỏ lửa để sáp tan chảy dần ra, khoắng đều sáp lên, khi sáp tan chảy ra tới khoảng 60 đến 65 độ là có thể dùng.

(Hình 6: Miếng “bánh” sáp ong. Nguồn ảnh: Ảnh tổng hợp của tác giả)
Nhuộm chàm: Nguyên liệu nhuộm vải chủ yếu là cây chàm, một loại cây tự nhiên mọc trong rừng. Để thuận tiện cho việc thu hoạch, nhiều gia đình đã mang cây chàm về trồng trên nương. Loại cây này cho ra màu chàm đẹp mắt, an toàn cho da. Sau khi cắt, cây chàm được rửa sạch và ngâm trong nước từ 3 ngày đến 1 tuần cho đến khi mục, tạo thành một dung dịch màu xanh đen, thích hợp cho nhuộm. Để có được vải màu chàm đậm, quá trình nhuộm cần thực hiện nhiều lần, có thể kéo dài đến hàng tháng. Người H' Mông thường chọn những ngày nắng để nhuộm. Sau khi dệt xong và nhuộm đạt màu chàm, phụ nữ H' Mông sử dụng kỹ thuật vẽ sáp ong độc đáo để tạo hoa văn. Trang phục của nam giới thường đơn giản, chủ yếu là màu chàm, với vải lanh nguyên bản, thiên về sự thoải mái. Ngược lại, trang phục của phụ nữ thường rực rỡ, với họa tiết và gam màu đối lập, thu hút ánh nhìn.

(Hình 7: Phụ nữ H'Mông nhuộm chàm và phơi. Nguồn ảnh: [13])
3. KỸ THUẬT VẼ SÁP ONG
3.1. Các bước thực hiện quy trình vẽ sáp ong
Bước 1: Chuẩn bị vải lanh, vẽ phác thảo

(Hình 8: Phác thảo lên vải, nguồn ảnh: Ảnh tổng hợp của tác giả)
Bước 2: Nhóm bếp và dùng các dụng cụ đun chảy sáp ong
(Hình 9: Nhóm bếp và các dụng cụ để đun chảy sáp ong
- nguồn ảnh: Ảnh tổng hợp của tác giả)
Bước 3: Thực hiện vẽ sáp ong
Tạo hình hoa văn bằng sáp ong từ cây bút có ngòi bằng đồng. Các loại bút này đều có tay cầm bằng tre hoặc gỗ và hai lá đồng, ở giữa hai lá đồng có một ô trống nhỏ là nơi chứa sáp ong, ngòi thường là hình tam giác hoặc hình tròn với nhiều kích cỡ khác nhau. Khi sáp ong đã được nấu chảy, người vẽ ngồi bên bếp lửa, trải vải ra mặt phẳng và nhẵn, một đầu để phần đã vẽ xong, một đầu cuộn vải để tiếp tục vẽ, vẽ đến đâu mở vải đến đấy, đầu kia cuộn lại, khi vẽ dùng bút chấm vào chảo sáp ong đang nóng đặt trên than hồng, nhúng bút vào chảo rồi vẽ lên nền vải mộc (thường là vải lanh trắng) với những họa tiết.

(Hình 10: Dùng bút vẽ chuyên dụng nhúng sáp ong vẽ lên vải
nguồn ảnh: Ảnh tổng hợp của tác giả)
Khi vẽ, chỉ cần đặt bút vào bát sáp ong đã được đun nóng, điều chỉnh lượng sáp ong sao cho vừa đủ để vẽ. Khi vẽ cần cân đối để lượng sáp có thể chảy đều, không bị loang nét vẽ, cho đến khi hết sáp thì chấm lần tiếp theo. Để có hình vẽ, người dân không cần có đồ án trước mặt và làm theo mà họ được tiếp xúc từ nhỏ và được thực hành thường xuyên nên họ tự có sự sắp xếp trong đầu và óc sáng tạo nghệ thuật riêng để vẽ. Sáp ong sẽ dính lại trên vải. Ở bước này cần chú ý để các nét được mảnh, đều và không dính vào nhau, kỹ thuật cầm bút đòi hỏi phải khéo léo và đúng cách. Hơn nữa, nhúng lượng sáp ong vào bút cũng phải thật chính xác, bởi nếu lượng sáp ong nhiều quá sẽ trào và nét hỏng, nếu lượng sáp ong ít quá – họa tiết hoa văn tạo hình khi thành phẩm sẽ không hiện rõ nét. Lửa cũng cần điều chỉnh vừa phải, vì sáp cháy quá sẽ bị khét và cho ra màu nâu đen, hoặc có thể cháy.

(Hình 11: Hoàn thiện bước vẽ sáp ong
nguồn ảnh: Ảnh tổng hợp của tác giả)
Sau đó, đem vải đi nhuộm chàm, những chỗ có vẽ sáp ong nước chàm sẽ không ngấm vào, cứ để thế phơi khô, rồi lại nhuộm cho đến khi có màu sẫm. Khi đã có được sản phẩm vừa ý, mang phơi thật khô rồi luộc trong nước sôi, lớp sáp sẽ tan hết ra, để lại những họa tiết trắng xanh (hoặc vàng nếu tô màu) trên nền vải nhuộm màu chàm.

(Hình 12: Sản phẩm tranh vẽ sáp ong hoàn thiện
nguồn ảnh: Ảnh tổng hợp của tác giả)
4. MỘT SỐ SẢN PHẨM ỨNG DỤNG
Nghệ thuật tạo hình họa tiết hoa văn bằng sáp ong trên vải được người H’Mông Si thể hiện trên nhiều sản phẩm khác nhau như: váy, áo, gối, địu, tạp dề, đai váy sử dụng trong đời sống thường nhật của cộng đồng. Ngày nay, nghệ thuật này rất được khách du lịch ưa chuộng trong các sản phẩm thủ công như: balo, túi các loại, khăn trải bàn, rèm, gối, chăn, tranh, khắc lên đá, gỗ...
Bởi vậy, không gian văn hóa có liên quan đến di sản là khá rộng, thể hiện ở nhiều mức độ không gian khác nhau, trong những thời điểm cụ thể khác nhau, xuyên suốt đời sống sinh hoạt của cộng đồng, gắn với những thời điểm quan trọng trong chu kỳ cuộc đời mỗi con người, từ khi sắp sinh, sinh ra (cái địu), trong đám cưới (các sản phẩm mà người con gái phải có để tặng cha mẹ đẻ và mang theo tặng gia đình nhà chồng) đến bộ y phục mà người chết phải có để mặc khi sang thế giới bên kia. Ngoài ra, từ những bộ y phục thường ngày đến những bộ y phục diện trong ngày lễ, ngày hội hay khi tham dự các nghi lễ: hỏi - cưới, tang ma, các nghi lễ của gia đình, dòng họ, cộng đồng, đất nước, .... đều mang trong đó nghệ thuật tạo hình độc đáo này. Dù cách thức trang trí ít hay nhiều, hoa văn trang trí đơn giản hay phức tạp thì nghệ thuật tạo hình hoa văn bằng sáp ong vẫn luôn hiện diện trong mọi mặt của đời sống cộng động, đặc biệt là trong ứng xử với người đã chết thì việc thực hành và đảm bảo tình truyền thống của nghệ thuật này luôn được coi trọng và không hề biến dạng. Việc thực hành và truyền dạy được cộng đồng tự nguyện bảo lưu và trao truyền từ đời này qua đời khác, đó được coi như một món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống của cộng đồng người H’Mông Si.
Có thể nói, với vai trò của mình, nghệ thuật tạo hình hoa văn bằng sáp ong trên vải gắn với nhiều sản phẩm tinh thần được tạo ra trong quá trình thực hành di sản, từ tiếng nói, chữ viết; ngữ văn dân gian đến nghệ thuật trình diễn, tập quán xã hội, nghề thủ công truyền thống, đặc biệt là tri thức dân gian. Sản phẩm của nghệ thuật tạo hình này là kết tinh phản ánh quá trình lịch sử tộc người, văn hóa tộc người, trình độ thẩm mĩ cũng như thế giới quan, nhân sinh quan tộc người rất rõ nét.

(Hình 10: Một số sản phẩm ứng dụng họa tiết hoa văn bằng sáp ong và thêu,
nguồn ảnh: Tác giả chụp)
PHẦN KẾT LUẬN
Chuyến đi thực tế đã khép lại, với rất nhiều kiến thức được chia sẻ cũng như thông qua buổi trải nghiệm, tác giả đã phần nào thấy những giá trị quan trọng của các sản phẩm làng nghề truyền thống, đặc biệt là những nghề đã bắt đầu có dấu hiệu bị mai một. Nghề vẽ sáp ong, thật xa lạ đối với chúng ta là những người dân tộc Kinh – bởi không dùng những sản phẩm thường xuyên như họ, những người dân tộc nói chung và người dân H’Mông Si nói riêng.
Đây là di sản văn hóa phi vật thể có tính đại diện, hội tụ nhiều giá trị văn hóa đặc trưng, là sản phẩm sở hữu chung của đồng bào, mang những giá trị rất riêng của văn hóa Mông, góp phần không nhỏ vào tín hiệu quan trọng đầu tiên giúp nhận biết tộc người. Mỗi nét hoa văn, mỗi kiểu kết hợp, mỗi cách tư duy, thực hành đều thể hiện những quan niệm của cộng đồng về thế giới quan, nhân sinh quan, thể hiện những cách ứng xử đẹp của con người với con người, con người với thiên nhiên, với cuộc sống, với lịch sử, với thế giới tâm linh. Mang lại giá trị lịch sử to lớn, nó phản ánh quá trình lịch sử của tộc người rất rõ nét. Mỗi loại hình hoa văn, mỗi cách thể hiện đều mang những ý nghĩa riêng của nó, gắn với lịch sử di cư, lịch sử cư trú, lịch sử xã hội, lịch sử kinh tế - văn hóa của tộc người. Đồng thời, nghiên cứu mỗi loại hoa văn cũng như cách thức thể hiện và ý nghĩa của nó đều cho ta thấy được phần nào bức tranh nhiều màu sắc của lịch sử xã hội tộc người. Qua nghiên cứu hệ thống hoa văn được tạo hình bằng sáp ong cũng như cách thể hiện và ý nghĩa của chúng trên mỗi sản phẩm giúp các nhà nghiên cứu có thêm tri thức khoa học xã hội và nhân văn về đời sống vật chất, tinh thần, các hoạt động kinh tế và quá trình lịch sử của cộng đồng tộc người Mông nói chung. Mang lại giá trị khoa học độc đáo, được biểu hiện qua cách thức thể hiện, kết hợp, giải thích của mỗi "nghệ nhân" tạo hình với sự đa dạng trong mỗi loại hoa văn. Mỗi tác phẩm nghệ thuật đều thể hiện sự biến hóa độc đáo của người "họa sĩ" với sự sáng tạo riêng, mang tính khoa học mà vẫn không mất đi cái gốc, cái truyền thống của di sản, phản ánh sự đa dạng văn hóa trong cái chung, cái thống nhất và óc sáng tạo của tộc người. Và không thể không nhắc đến giá trị nghệ thuật của tạo hình hoa văn bằng sáp ong trên vải của người mang lại, nó có sức lan tỏa trong một không gian và thời gian rộng lớn. Di sản mang vẻ đẹp từ khuôn hình được tạo cho đến ý nghĩa nhân sinh, mục đích làm cho người ta chiêm nhiệm, suy ngẫm bằng các giác quan, từ đó khâm phục, ngưỡng mộ, ưa chuộng. Trong lịch sử phát triển loài người, con người sáng tạo các loại hình nghệ thuật để làm phong phú hơn cuộc sống, giúp con người thêm tự tin tồn tại và phát triển. Vì vậy, sáng tạo nghệ thuật là quy luật tất yếu và là nhu cầu không thể thiếu của con người.
Qua đây, có thể thấy nghề vẽ sáp ong đã được ghi nhận như một di sản văn hóa, cần được lưu giữ và bảo tồn, giữ vững và giới thiệu rộng rãi để người dân được tiếp cận và biết đến. Ngoài các nghệ nhân tạo hình hoa văn bằng sáp ong hiện vẫn truyền dạy cho các thế hệ kế cận trong quá trình thực hành di sản như: truyền dạy dệt vải, truyền dạy kĩ thuật tạo hình các hoa văn, phương pháp nhuộm chàm và quy trình tạo ra các sản phẩm có hoa văn trên vải để bảo tồn. Các cấp, các ngành, các chủ thể văn hóa, các tổ chức, cá nhân có liên quan cùng cùng chung tay vào cuộc để cùng nâng cao ý thức, chung tay, tự nguyện bảo vệ, phát huy giá trị di sản, đảm bảo di sản duy trì được những giá trị nguyên gốc trong quá trình vận động, phát triển của xu hướng mới hiện nay. Góp phần xác định loại hình, chủ thể văn hóa, nhận diện và xác định giá trị di sản, sức sống của di sản và đề xuất với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban nhân dân tỉnh lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Tài liệu tiếng Việt
1. Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Mù Cang Chải(1957-2007) - Lịch sử Đảng bộ huyện Mù Cang Chải, tháng 6 năm 2007.
2. Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Trạm Tấu (1964-1999), – Lịch sử Đảng bộ huyện Trạm Tấu, tập I xuất bản năm 2000.
3. Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Văn Chấn (1954-2007), Lịch sử Đảng bộ huyện Văn Chấn , tập II xuất bản năm 2007.
4. Ban Dân vận tỉnh Yên Bái (2005)- Đặc trưng văn hóa dân tộc tỉnh Yên Bái
5. Bộ Văn hóa - Thông tin, Vụ Văn hóa Dân tộc (2005)., Bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc H’mông (Kỷ yếu hội thảo khoa học), Hà Nội.
6. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (2010), Văn hoá vùng dân tộc thiểu số Việt Nam, NXB Văn hoá - Thông Tin, Hà Nội.
7. Chu Thái Sơn - Văn hóa tộc người H’Mông, NXB QĐND.
8. Diệp Trung Bình (1999), Hoa văn trên vải dân tộc H’mông, NXB Văn hóa dân tộc.
9. Hoàng Lương (2005), Văn hóa các dân tộc Tây Bắc Việt Nam, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội,.
10. Phòng Quản lý Di tích và Danh thắng - Trung tâm Quản lý Di tích và Phát triển Du lịch tỉnh Yên Bái, tài liệu ghi chép thực địa tại của các huyện: Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn, tỉnh Yên Bái trong thời gian từ tháng 02 năm 2022 đến tháng 06 năm 2023.
Tài liệu internet:
11. https://tinbds.com/yen-bai/van-chan/xa-suoi-giang
12.https://balothocam.com/blogs/news/ve-sap-ong-va-nhuom-cham-nghe-thuat-ki-cong-va-tinh-te-cua-nguoi-h-m
13.https://baodantoc.vn/ky-cong-nghe-nhuom-cham-truyen-thong-cua-dong-bao-mong-o-lai-chau-1699858464383.htm