Trang chủ
TRƯỜNG ĐẠI HỌC CÔNG NGHIỆP DỆT MAY HÀ NỘI
KHOA THỜI TRANG

Thiết kế rập 3D trên mannequin theo kỹ thuật draping

Ngày đăng: 09:37 - 20/03/2023 Lượt xem: 1.381
Lê Thái Sơn - Khoa Thời trang
Tóm tắt: Draping đóng vai trò quan trọng trong thiết kế thời trang; là kỹ thuật dựng mẫu/rập, sử dụng vải mộc, định vị và ghim vải trực tiếp lên mannequin (ma-nơ-canh) để phát triển cấu trúc của mẫu trang phục được thiết kế. Lấy cơ sở là những mẫu rập cơ bản, cấu trúc trang phục có thể được linh hoạt thay đổi trên mannequin bởi nhà thiết kế, những mẫu thiết kế sáng tạo và đa dạng ra đời chính ở công đoạn này. Kỹ thuật thiết kế rập 3D trên mannequin là thiết kế trực tiếp lên mannequin thật mà không sử dụng công thức phức tạp. Sử dụng kỹ thuật phủ vải trực tiếp lên mannequin thật sau đó trải phẳng chuyển đổi sang rập phẳng 2D hoàn thiện. Bài viết giới thiệu quy trình thiết kế  rập 3D trên mannequin và ứng dụng vào thiết kế một sản phẩm đầm thời trang. Với quy trình thiết kế này có thể ứng dụng vào giảng dạy và thực tiễn sản xuất.

Từ khóa: Kỹ thuật thiết kế rập, Draping, Thiết kế mẫu trên mannequin

1. Đặt vấn đề
Tại các nước phát triển và đứng đầu về ngành thời trang như Pháp, Anh, Ý, … kỹ thuật dựng rập 3D trên mannequin được các nhà thiết kế sử dụng như bước đầu tiên trong quá trình thực hiện một sản phẩm thiết kế; kỹ thuật này còn được xem là kỹ thuật truyền thống từ những ngày đầu xuất hiện ngành công nghiệp thời trang hiện đại trên thế giới.

Tại Việt Nam, kỹ thuật này được biết đến trong khoảng hơn 10 năm trở lại đây nhờ sự hợp tác với các trường thời trang Châu Âu của một số trường Đại học Việt Nam trong chương trình đào tạo ngành thời trang. Từ năm 2008, ngành thời trang tại trường Đại học Công nghiệp Dệt may nói riêng và Việt Nam nói chung đã bắt đầu từ việc trau dồi kiến thức thời trang cũng như kỹ thuật dựng rập 3D từ các nhà thiết kế thời trang tại viện mẫu thời trang Fadin và các nhà thiết kế làm việc trong các công ty, thương hiệu thời trang. Đến nay, kỹ thuật dựng rập 3D không còn xa lạ với người học thiết kế thời trang, học viên được đào tạo bài bản để đáp ứng thị trường kịp thời. Tuy nhiên muốn nắm bắt được với xu hướng thiết kế thời trang trên thế giới thì các kỹ thuật mới trong thiết kế thời trang là vấn đề rất được quan tâm.

Thiết kế theo phương pháp 3D được chia theo hai hướng đó là thiết kế trực tiếp lên mannequin thật: sử dụng kỹ thuật phủ vải trực tiếp lên mannequin thật sau đó trải phẳng chuyển đổi sang rập phẳng 2D hoàn thiện. Thiết kế trang phục trên phần mềm mô phỏng 3D: sử dụng rập đã thiết kế trên phần mềm theo phương pháp trải phẳng 2D để mặc lên người mẫu ảo sau đó tiến hành chỉnh sửa mẫu cho vừa vặn thông qua chỉnh sửa rập hoặc chỉnh sửa thông số người mẫu ảo để có rập 2D hoàn chỉnh [1]. Nội dung bài viết này, tác giả đề cập theo hướng sử dụng kỹ thuật phủ vải trực tiếp lên mannequin. Đối với sinh viên ngành thời trang, kỹ thuật draping là một kỹ thuật rất quan trọng cho các bạn sinh viên để có thể thoả sức sáng tạo và làm lên những sản phẩm theo ý tưởng của mình, những sẩn phẩm có kết cấu khó và phức tạp nhưng vẫn đảm bảo đúng phom dáng mà không mất nhiều thời gian chỉnh sửa mẫu như phương pháp thiết kế truyền thống trên mặt phẳng (kỹ thuật thiết kế 2D).

2. Giới thiệu thiết kế rập 3D trên mannequin theo kỹ thuật draping

2.1. Khái niệm
Fashion Draping là kỹ thuật dựng rập 3D trên mannequin; là kỹ thuật thiết kế rập thời trang mà không cần dùng công thức phức tạp như kỹ thuật rập 2D [2].

2.2. Lợi ích khi học draping

Ngày nay kỹ thuật draping càng được phổ biến và trở thành một môn học thu hút số đông các tín đồ yêu thích thời trang vì tính nhanh gọn, chính xác và hiệu quả cao; môn học này nổi lên như một chìa khóa tạo nên sự khác biệt làm nên phong cách của một nhà thiết kế thời trang. Nhờ có draping, nhà thiết kế thời trang có thể dễ dàng hiểu và sáng tạo không ngừng đem lại những mẫu trang phục thiết kế ấn tượng, vừa vặn với cơ thể mà không cần phải nhớ các công thức như phương pháp thiết kế truyền thống (thiết kế 2D)

Nhờ có draping, các nhà thiết kế có thể sáng tạo, phát triển những mẫu thiết kế theo phong cách cá nhân. Phương pháp và kỹ thuật dựng rập 3D này còn giúp dễ dàng xác định phom dáng của mẫu.

Kỹ thuật draping giúp thực hiện một mẫu thiết kế theo đúng với ý tưởng ban đầu của nhà thiết kế nên được ưa chuộng bởi các nhà thiết kế thời trang nổi tiếng trên thế giới. Với kỹ thuật draping này, nhà thiết kế có thể làm chủ toàn bộ mẫu thiết kế của mình, sáng tạo được đa dạng những kiểu dáng mới, hoàn chỉnh và chuẩn xác nhất sau khi hoàn thành sản phẩm. Về bản chất kỹ thuật draping là để phục vụ cho việc tạo ra những sản phẩm thời trang có yêu cầu kỹ thuật cao.

Vì vậy, học draping chính là học các quy trình, phương pháp và cách thức định vị, phủ và ghim vải trên mannequin. Mục đích của việc làm này là giúp người học có thể hình dung và may sản phẩm theo đúng cấu trúc.

2.3. Điều kiện để thực hiện kỹ thuật draping
Tình hình mannequin trong nước đến thời điểm này vẫn chưa có, chủ yếu sử dụng các mannequin có xuất xứ từ Trung Quốc. Qua tiến hành đo thông số các mannequin này, tác giả nhận thấy có sự tương đồng với kích thước cơ thể người Việt Nam. Do đó, bài viết chọn mannequin size S, size M và size L có xuất xứ từ Trung Quốc để tiến hành phủ mẫu vải.

Vật liệu: vải phủ là vải mộc 100% cotton.

 

Hình 1. Mannequin và vải phủ mẫu
2.4. Cách thức thực hiện
Cách thức thực hiện kỹ thuật draping là dựng mẫu, ốp vải mộc, ghim mẫu trên chính mannequin rồi tạo hình, tạo khối, cắt gọt mẫu trực tiếp, lên phom dáng trang phục trước khi chuyển sang rập phẳng 2D để may hoàn thiện... Vải mộc dùng để draping có thể dễ dàng giúp người thiết kế giải quyết những vấn đề gặp phải khi tạo khối, lên phom dáng cho trang phục trước khi chuyển sang công đoạn rập phẳng 2D. Vải này cần được lựa chọn sao cho có những đặc điểm (ví dụ như độ dày, độ nặng của vải…) tương tự và gần giống với mẫu vải được bạn chọn để may sau cùng lên mẫu thật.; bởi trong quá trình thực hiện, nhà thiết kế có thể dễ dàng vẽ, viết trực tiếp lên vải mộc. Bên cạnh đó, với giá thành thấp, chất liệu vải mộc giúp giảm thiểu chi phí trong quá trình thiết kế.
 
Hình 2. Hình ảnh mẫu thời trang thiết kế theo kỹ thuật draping
Nguồn [3]
     
3. Phương pháp thực hiện
  • Quy trình thiết kế mẫu theo kỹ thuật draping:

Sơ đồ quy trình thiết kế mẫu theo kỹ thuật draping
  • Phương pháp từng bước thiết kế mẫu theo kỹ thuật draping như sau
  • B1: Định vị các đường trục trên mannequin
Dán các đường định vị trên mannequin (Vòng ngực, vòng eo, vòng mông, sườn trái, sườn phải, trục trước, trục sau, vai sao cho đúng vị trí trên mannequin)
Hình 3. Các đường dẫn trên mannequin
  • B2: Phân tích hình ảnh mẫu
Phân tích mô tả chính xác đặc điểm trên mẫu về phom dáng, kết cấu, tỷ lệ, các vị trí xếp ly, mở chiết…
Hình 4. Hình ảnh mẫu draping
Nguồn [3]
B3: Tính toán tỉ lệ trên mẫu cần draping
Từ hình ảnh mẫu chia tỉ lệ trên mẫu sao cho đúng tỉ lệ
Chia hình ảnh mẫu ra thành các đoạn khác nhau
Chọn vị trí eo là “a” (hình 5), các vị trí chia theo tỉ lệ
Hình 5. Chia tỷ lệ theo mẫu           
B4: Định vị các đường tạo kiểu
Dán các đường tạo kiểu sao cho đúng tỉ lệ với hình ảnh mẫu đã chia tỉ lệ ở bước 3

 
Hình 6. Các đường tạo kiểu trên mannequin
  • B5: Phủ vải theo các đường kết cấu trên mannequin
Lưu ý: sự liên kết giữa thân trước và thân sau ở đường sườn
 
Hình 7. Phủ vải trên mannequin
  • B6: Chuyển mẫu sang rập 2D
Sử dụng vải đắp phủ trên mannequin trải phẳng ra giấy và sao vào mẫu mỏng. Khi sao mẫu phải đánh dấu các vị trí mở ly, chiết….
  • B7: May mẫu thử
Sau khi sao mẫu xong cắt vải may chế thử mẫu xem mẫu may lên có đảm bảo đúng phom dáng, kết cấu so với hình ảnh mẫu.
Qua quy trình thiết kế trên chúng ta thấy được các ưu điểm của quá trình thiết kế mẫu theo kỹ thuật Draping là ít phải chỉnh sửa hơn so với phương pháp truyền thống vì trong quá trình thiết kế phải thiết kế trực tiếp trên mannequin để đảm bảo đúng phom dáng. Và một ưu điểm nữa của phương pháp này là thiết kế được những mẫu khó và phức tạp mà khi thiết kế bằng phương pháp truyền thống không thực hiện được. Tuy nhiên đối với phương pháp này đòi hỏi người làm mẫu mất nhiều thời gian hơn và đòi hỏi phải tỉ mỉ, chi tiết và cẩn thận hơn.

4. Kết luận

Kỹ thuật thiết kế rập 3D trên mannequin theo kỹ thuật draping là một phương pháp thiết kế hiện đại. Kỹ thuật thiết kế này có những điểm vượt trội sau:

Tính trực quan: có thể chỉnh sửa kiểu mẫu ở ngay khâu thiết kế rập trước khi qua khâu may. Sự chính xác và mức độ hoàn chỉnh của sản phẩm gần như đạt kết quả tốt nhất, ít chỉnh sửa. Ngược lại trong khi thiết kế bằng phương pháp 2D, ta không thể nhận biết được sản phẩm cuối cùng, chủ yếu là do kinh nghiệm, nên sẽ có nhiều lần chỉnh lại rập và may mẫu lại.

Sự khơi gợi cảm hứng sáng tác: sẽ có nhiều ý tưởng mới so với ý tưởng ban đầu, đồng thời giúp việc thiết kế trở nên dễ dàng, trực quan và đầy cảm hứng. Thiết kế trên không gian 3 chiều dễ tưởng tượng hơn khi thiết kế trên mặt phẳng 2 chiều.
Độ vừa vặn: Sản phẩm ôm sát, chuyển động theo những đường cong của mannequin với độ chính xác rất cao. Kỹ thuật này cho ra đời những kiểu dáng độc đáo, hoàn chỉnh và chuẩn xác nhất sau khi hoàn thành sản phẩm. Giá trị và chất lượng sản phẩm được nâng cao.


TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1]. Nguyễn Thị Mộng Hiền, Thiết lập công thức thiết kế rập áo, váy cơ sở nữ Việt Nam theo phương pháp phủ mẫu trên mannequin, Tạp Chí Khoa Học Giáo Dục Kỹ Thuật Số 50 (11/2018) Trường Đại Học Sư Phạm Kỹ Thuật TP. Hồ Chí Minh.
[2]. Helen Armstrong, Draping for Apparel Design, New York, Second Edition, 2000.
[3]. https://www.pinterest.com/
© Bản quyền 2017 thuộc về Trường Đại học công nghiệp dệt may Hà Nội.
Online: 62 Tổng truy cập: 18.730.069