• Đăng ký tuyển sinh
  • Tư vấn tuyển sinh
  • Chia sẻ giải pháp hỗ trợ ngành dệt-may và da-giày nâng cao năng lực cạnh tranh

    Ngày đăng: 08:46 - 13/04/2025 Lượt xem: 67
    Ngày 12/4, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Trường đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội phối hợp Hiệp hội Dệt may Việt Nam và Câu lạc bộ Khoa học Dệt, May, Da-Giày Việt Nam (VIATAL) tổ chức Hội nghị khoa học toàn quốc về dệt, may, da-giày lần thứ tư năm 2025 (NSCTEX 2025).

    CLB khoa học Dệt, May, Da - Giầy Việt Nam (VIATAL) thành lập tháng 10/2018 với mục tiêu tạo môi trường để các nhà khoa học, đồng nghiệp giao lưu, trao đổi thông tin, kiến thức khoa học công nghệ nhằm góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giảng dạy, NCKH, định hướng nghề nghiệp trong lĩnh vực Dệt, May, Da - Giầy.

    Quang cảnh hội nghị

    Hội nghị NSCTEX2025 thu hút 89 công trình tham dự, 54 công trình có hàm lượng khoa học đăng trong Kỷ yếu của hội nghị xuất bản có chỉ số ISBN và 10 công trình khoa học xuất sắc được chấp nhận đăng trong Tạp chí Khoa học và Công nghệ các trường đại học kỹ thuật, phân ban JST: Engineering and Technology for Sustainable Development, ISSN 2734-9381, DOI: https://doi.org/10.51316/jst.etsd.

    Các công trình khoa học của hội nghị đến từ các đơn vị: Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội, Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh, Đại học Sư phạm kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh, Đại học Sư phạm kỹ thuật Hưng Yên, Đại học Công nghiệp Hà Nội, Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh, Đại học Công nghệ TP. Hồ Chí Minh, Đại học Văn Hiến, Đại học Văn Lang.

    Phát biểu khai mạc hội nghị, Tiến sĩ Hoàng Xuân Hiệp, Hiệu trưởng Trường đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội cho biết: Nền kinh tế Việt Nam đang bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình phát triển của dân tộc với tốc độ tăng trưởng GDP giai đoạn 2025-2030 được Chính phủ đề ra là 8% trong năm 2025 và từ 10% trở lên từ năm 2026 đến 2030.

    Trong bối cảnh đó, ngành dệt-may và da-giày đã góp phần đáng kể vào nhịp độ phát triển kinh tế của đất nước khi ngay trong năm 2024, kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt-may đã đạt 44 tỷ USD, tăng 11,6% so năm 2023, đóng góp gần 11% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, thặng dư thương mại đạt xấp xỉ 21,5 tỷ USD, đồng nghĩa với việc gần 49% giá trị kim ngạch xuất khẩu dệt-may được tạo ra tại Việt Nam.

    Cùng với đó, ngành da-giày đã đạt kim ngạch xuất khẩu 27 tỷ USD trong năm 2024, tăng 11,45% so năm 2023. Với đà tăng trưởng mạnh mẽ của năm 2024 cộng với các chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế mạnh mẽ của Việt Nam thì ngành dệt-may và da-giày đang hướng tới mục tiêu xuất khẩu từ 77-80 tỷ USD trong năm 2025 và 108-110 tỷ USD vào năm 2030.

     
    Tiến sĩ Hoàng Xuân Hiệp, Hiệu trưởng trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội trình bày công trình nghiên cứu
     
    Cơ hội để ngành dệt-may và da-giày phát triển hết sức rộng mở nhưng vấn đề đặt ra với hai ngành này là phải đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng giải được bài toán “Làm thế nào để có thể tăng trưởng mạnh theo chiều sâu, nâng cao năng suất và giá trị gia tăng của người Việt Nam đóng góp vào giá trị của sản phẩm”.

    Thực tế đã chứng minh rằng: Để có thể giải quyết được các vấn đề rất lớn của ngành dệt-may và da-giày như đã nêu trên thì cần phải có sự tham gia đồng bộ của Nhà nước, nhà khoa học và doanh nghiệp (dệt, may, da-giày).

    Tại hội nghị, các nhà khoa học đã trình bày nhiều công trình nghiên cứu, đề tài khoa học công phu và nghiêm túc, mang tính sáng tạo và ứng dụng cao về những vấn đề quan trọng, cấp thiết của ngành dệt-may và da-giày trong bối cảnh hiện nay. Đó là vấn đề vật liệu và công nghệ sợi, dệt, nhuộm, da-giày; công nghệ và thiết bị may, thời trang; kinh doanh và phát triển bền vững dệt-may, da-giày.

    Điển hình, công trình nghiên cứu “Giải pháp ứng dụng hộ chiếu số sản phẩm cho ngành dệt may Việt Nam đáp ứng yêu cầu của các thị trường nhập khẩu dệt-may lớn” (Tiến sĩ Hoàng Xuân Hiệp, Hiệu trưởng Trường đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội); “Ứng dụng vật liệu bền vững kết hợp với công nghệ số trong phát triển sản phẩm dệt-may” (Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Mai Hương, Trường đại học Bách Khoa, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh); “Ứng dụng sợi gai dầu trong ngành dệt may Việt Nam: Giải pháp bền vững cho vật liệu tương lai” (Tiến sĩ Nguyễn Văn Giang, Trường đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh)…

    Phần thảo luận tại Hội nghị này được chủ trì bởi PGS, TS. Vũ Thị Hồng Khanh - Tổng thư ký CLB VIATAL và PGS, TS. Phan Thị Thanh Thảo - Chủ nhiệm CLB VIATAL. Hội nghị nhận được nhiều câu hỏi đến từ các đại biểu, các phóng viên tác nghiệp tại chỗ.
    PGS, TS. Vũ Thị Hồng Khanh - Tổng thư ký CLB VIATAL (phía tay phải) , PGS, TS. Phan Thị Thanh Thảo - Chủ nhiệm CLB VIATAL (phía tay trái) và Chị Nguyễn Thị Tuyết Mai, Phó Chủ tịch Hiệp Hội Dệt May cùng TS Hoàng Xuân Hiệp, Hiệu trưởng HTU

    Tại hội nghị, các nhà khoa học và đại biểu cũng trao đổi, thảo luận về những vấn đề mới liên quan công tác đào tạo nhân lực, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ trong bối cảnh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh. Hội nghị cũng mở ra cơ hội tìm kiếm sự hợp tác giữa các trường đại học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp nhằm giải quyết các khó khăn cho ngành dệt-may, da-giày trong việc ứng dụng khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, năng suất và giá trị gia tăng trong giai đoạn phát triển mới.
     

     

    Các bài viết khác

    Liên kết website