Chiều ngày 21/5/2025, trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội đã tổ chức buổi tọa đàm khoa học với chủ đề “Ứng dụng Trí tuệ Nhân tạo trong ngành Dệt May: Thúc đẩy năng suất và chuyển đổi số”. Tọa đàm này là dịp gặp gỡ, trao đổi học thuật ý nghĩa giữa các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành, cán bộ quản lý, giảng viên và sinh viên về vai trò, tiềm năng cũng như các giải pháp ứng dụng công nghệ AI trong phát triển ngành Dệt May Việt Nam.

Tham dự buổi tọa đàm về phía Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia có Ông Hà Minh Hiệp – Quyền Chủ tịch Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia, Ông Lê Minh Tâm – Giám đốc Trung tâm Đào tạo Nghiệp vụ Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng.
Về phía trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội có TS. Hoàng Xuân Hiệp -Hiệu trưởng; TS. Nguyễn Văn Đức –Phó Hiệu trưởng, TS. Nguyễn Thu Phượng – Phó Hiệu trưởng cùng đông đảo các cán bộ, giảng viên và sinh viên của trường.
.jpg)
Tiến sĩ Hoàng Xuân Hiệp – Hiệu trưởng HTU phát biểu tại buổi Tọa đàm
Mở đầu buổi tọa đàm, Tiến sĩ Hoàng Xuân Hiệp – Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội đã có bài phát biểu sâu sắc, định hướng chiến lược cho toàn ngành và gợi mở nhiều suy nghĩ cho các chuyên gia, nhà quản lý, giảng viên và sinh viên tham dự. Ông nhấn mạnh: “Trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu, với sự bùng nổ của các công nghệ tiên tiến như Trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT), dữ liệu lớn (Big Data), và tự động hóa thông minh, ngành Dệt May Việt Nam đang đứng trước những cơ hội phát triển đột phá, đồng thời cũng phải đối mặt với những thách thức chưa từng có. Ngành Dệt May không thể đứng ngoài làn sóng đổi mới đó. Việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào các khâu của chuỗi giá trị – từ thiết kế, sản xuất, quản lý chất lượng, đến quản trị chuỗi cung ứng – không chỉ là lựa chọn, mà là một yêu cầu tất yếu nếu chúng ta muốn nâng cao năng suất, tối ưu hóa sản xuất và giữ vững vị thế cạnh tranh trong chuỗi giá trị toàn cầu. Bên cạnh đó, các yêu cầu ngày càng cao về phát triển bền vững, kinh tế tuần hoàn, giảm phát thải khí nhà kính đang đặt ra áp lực chuyển đổi mạnh mẽ cho ngành. Trong bối cảnh đó, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh không thể tách rời mà phải được thực hiện song song và đồng bộ, lấy nguồn nhân lực chất lượng cao làm trung tâm. Với vai trò là cơ sở đào tạo đại học trọng điểm trong lĩnh vực Dệt May, Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội luôn nỗ lực đổi mới chương trình, cập nhật công nghệ, xây dựng đội ngũ giảng viên và liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp để đào tạo ra những thế hệ sinh viên không chỉ giỏi chuyên môn, mà còn làm chủ công nghệ, thích ứng nhanh với thị trường lao động trong thời đại số. Tôi tin rằng buổi tọa đàm hôm nay sẽ là diễn đàn hữu ích để các chuyên gia, nhà quản lý, giảng viên và sinh viên cùng nhau chia sẻ tri thức, trao đổi kinh nghiệm và đề xuất những giải pháp thiết thực nhằm thúc đẩy ứng dụng AI trong ngành Dệt May, góp phần xây dựng ngành công nghiệp Dệt May Việt Nam hiện đại, xanh và thông minh.”
Tại buổi tọa đàm, các tham luận chuyên sâu được trình bày bởi các chuyên gia đầu ngành đã mang đến cái nhìn toàn diện về xu hướng phát triển của ngành Dệt May trong bối cảnh ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số và phát triển bền vững.
.jpg)
ThS. Lê Minh Tâm – Giám đốc Trung tâm đào tạo Nghiệp vụ tiêu chuẩn đo lường chất lượng trình bày bài tham luận Tổng quan về Năng suất chất lượng
TS. Hà Minh Hiệp – Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc Gia và ThS. Lê Minh Tâm – Giám đốc Trung tâm đào tạo nghiệp vụ Tiêu chuẩn, Đo lường, Chất lượng tham luận với chủ đề: “Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) thúc đẩy năng suất trong doanh nghiệp Dệt May”. Trong phần tham luận mở đầu, 02 diễn giả đã tham luận rất trực quan, giàu giá trị thông tin về năng suất và ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI. Bài tham luận đã nhấn mạnh vai trò ngày càng quan trọng của trí tuệ nhân tạo trong việc đổi mới công nghệ và nâng cao năng suất lao động trong ngành công nghiệp dệt may – một trong những ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. TS. Hà Minh Hiệp nhấn mạnh rằng, để AI thực sự phát huy hiệu quả trong doanh nghiệp Dệt May, cần sự đầu tư bài bản vào hạ tầng công nghệ, đồng thời xây dựng đội ngũ nhân lực có khả năng sử dụng và vận hành các công nghệ mới, hiểu về AI, hiểu về cách thức kiểm soát và kiểm chứng thông tin.

TS Hà Minh Hiệp Quyền Chủ tịch Ủy ban Đo lường tiêu chuẩn chất lượng Quốc gia trình bày bài tham luận về AI và tác động của AI đến năng suất
Tiếp theo là phần trình bày của TS. Nguyễn Thu Phượng với tham luận: “Nâng cao chất lượng sinh viên tốt nghiệp đáp ứng yêu cầu doanh nghiệp Dệt May trong bối cảnh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh”. Diễn giả nhấn mạnh vào mô hình đào tạo tích hợp công nghệ và kỹ năng mềm, giúp sinh viên thích ứng với xu hướng tự động hóa và phát triển bền vững đồng thời khẳng định chất lượng đào tạo của nhà trường thông qua các chỉ tiêu về việc làm đúng chuyên ngành và mức thu nhập cao.
.jpg)
TS. Nguyễn Thu Phượng trình bày bài tham luận
Tọa đàm đã thu hút sự tham gia tích cực của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý và đại diện doanh nghiệp, tạo nên không khí trao đổi học thuật sôi nổi, mang tính thực tiễn cao. Các câu hỏi thảo luận tập trung vào những vấn đề liên quan đến ứng dụng AI nhằm thúc đẩy năng suất chất lượng ngành dệt may, phát triển nguồn nhân lực cho ngành dệt may trong bối cảnh chuyển đổi xanh và chuyển đổi số. Các diễn giả không chỉ phân tích rõ các trở ngại và rào cản trong ứng dụng AI vào các doanh nghiệp may vừa và nhỏ mà còn thảo luận giải pháp đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ yêu cầu của công nghiệp 4.0. Việc làm mới tư duy học tập cho sinh viên trong đó kỹ năng tư duy sáng tạo kết hợp với công nghệ, kỹ năng tự học và tích hợp các kỹ năng mềm, tư duy phản biện và năng lực thích ứng được xem là chìa khóa để hình thành lực lượng lao động có khả năng làm chủ các dây chuyền thông minh và sản xuất bền vững trong tương lai gần.
Các câu hỏi từ giảng viên và sinh viên cho thấy sự quan tâm sâu sắc đến các vấn đề đổi mới công nghệ và ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong các doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa, cơ hội việc làm trong kỷ nguyên AI, cũng như trách nhiệm của thế hệ trẻ trong phát triển ngành Dệt May Việt Nam.
.jpg)
Tọa đàm bàn tròn trao đổi về AI và ứng dụng của AI trong tăng năng suất ngành dệt may
Sinh viên HTU tích cực đặt câu hỏi cho các diễn giả phiên tọa đàm bàn tròn
Sinh viên Nguyễn Ngọc Anh DHQL1_K7 đặt câu hỏi cho các diễn giả
Buổi tọa đàm không chỉ là sự kiện chuyên môn mà còn là diễn đàn kết nối trí tuệ, nơi các nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp và cơ sở đào tạo cùng nhau chia sẻ tầm nhìn và giải pháp trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 và xu hướng phát triển bền vững. Các nội dung trình bày và thảo luận đã giúp nâng cao nhận thức toàn diện về vai trò then chốt của trí tuệ nhân tạo (AI) trong việc tái định hình chuỗi giá trị sản xuất, quản lý và đào tạo nguồn nhân lực ngành Dệt May. Đặc biệt, sự kiện tạo điều kiện để sinh viên – lực lượng lao động tương lai – được tiếp cận trực tiếp với những xu thế công nghệ mới, từ đó khơi dậy tinh thần học tập chủ động, đổi mới tư duy nghề nghiệp và hình thành năng lực thích ứng cao với môi trường làm việc số hóa, tự động hóa. Đây cũng là dịp để các cơ sở giáo dục đại học nhìn lại định hướng đào tạo, tăng cường gắn kết thực tiễn và định hình lại chương trình nhằm sát với nhu cầu thực tế của thị trường lao động.
Tọa đàm khép lại với không khí phấn khởi và nhiều kỳ vọng về một tương lai số hóa và xanh hóa của ngành Dệt May Việt Nam. Những ý kiến đóng góp tâm huyết từ các chuyên gia, nhà quản lý và doanh nghiệp đã góp phần định hình bức tranh phát triển chiến lược cho toàn ngành, trong đó lấy AI làm công cụ đột phá và đào tạo làm nền tảng bền vững. TS. Hoàng Xuân Hiệp – Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội – một lần nữa khẳng định cam kết: HTU sẽ tiếp tục giữ vai trò trung tâm đào tạo, nghiên cứu và kết nối tri thức, đồng hành cùng doanh nghiệp trong hành trình đổi mới sáng tạo, hướng đến xây dựng ngành Dệt May hiện đại, thông minh và thân thiện với môi trường. Tinh thần hợp tác, đổi mới và chia sẻ được hun đúc tại tọa đàm chính là nền móng cho những bước đi mạnh mẽ, hiệu quả và bền vững trong tương lai.
Đinh Thị Thủy, Khoa Kinh tế