Duyệt đề xuất đề tài nghiên cứu cấp Tập đoàn của TS. Bùi Anh Tuấn

Ngày đăng: 02:39 - 14/12/2018 Lượt xem: 1.665
TRƯỜNG ĐẠI HỌC CÔNG NGHIỆP DỆT MAY HÀ NỘI DUYỆT ĐỀ XUẤT ĐỀ TÀI NGHIÊN CỨU KHOA HỌC CẤP TẬP ĐOÀN “NGHIÊN CỨU, CHẾ TẠO THIẾT BỊ NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG ĐIỆN NĂNG TÍCH HỢP CHO CÁC NHÀ MÁY DỆT MAY DẠNG PHÂN TÁN”.

         Ngày 12/12/2018, Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội tổ chức duyệt đề xuất đề tài nghiên cứu khoa học cấp Tập đoàn. Tên đề tài: “Nghiên cứu, chế tạo thiết bị nâng cao chất lượng điện năng tích hợp cho các nhà máy dệt may dạng phân tán” do TS. Bùi Anh Tuấn – Khoa Cơ Điện làm chủ nhiệm. 
 
Toàn cảnh Hội đồng duyệt đề tài
         Hội đồng duyệt đề tài gồm có: TS. Hoàng Xuân Hiệp – Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng, Chủ tịch hội đồng và các Ủy viên gồm có: Cô Nguyễn Thị Thu Hường – Phó bí thư Đảng ủy, Phó hiệu trưởng; TS. Tạ Văn Cánh – Phó trưởng khoa Kinh tế; ThS. Phan Đức Khánh - Phó trưởng khoa Cơ Điện; ThS. Nguyễn Thị Lan Hương – Phó trưởng bộ môn Điện; ThS. Vũ Văn Thảo – Giảng viên Khoa Cơ Điện; ThS. Nguyễn Thái Cường - Giảng viên Khoa Cơ Điện; Ths. Nguyễn Thị Kim Dung – Chuyên viên Phòng Đào tạo.
TS. Bùi Anh Tuấn báo cáo đề xuất đề tài nghiên cứu
         Tại buổi duyệt đề tài, TS. Bùi Anh Tuấn đã thay mặt nhóm thực hiện đề tài trình bày báo cáo tóm tắt nội dung đề tài. Trong báo cáo, nhóm tác giả đã chỉ rõ kết quả nghiên cứu thực tế sử dụng điện năng các nhà máy dệt, may và đặc biệt hướng nghiên cứu này đã được khảo sát tại Trường Đại học công nghiệp Dệt May Hà Nội. Nhóm thực hiện đã chỉ ra các thiết bị máy móc, thiết bị chiếu sáng, các dây chuyền tại trung tâm sản xuất dịch vụ được sử dụng chưa hiệu quả như: tổn thất điện năng lớn, tuổi thọ thiết bị máy móc giảm do ảnh hưởng của chất lượng điện năng xấu (như điện áp thấp, hệ số công suất thấp, độ không đối xứng của điện áp, xuất hiện sóng hài bậc cao, nhấp nháy điện áp,…). Chất lượng điện năng xấu, ngoài việc gây ra tổn thất công suất tác dụng, tổn thất điện năng và sự hư hỏng thiết bị tăng còn gây ra các vấn đề sức khỏe cho người lao động cũng như sự phát thải khí thải độc hại ra môi trường.

         Từ những khảo sát thực tế tại một số doanh nghiệp dệt may, để cải thiện chất lượng điện năng, nhóm đã đề xuất giải pháp chế tạo thiết bị nâng cao điện năng tích hợp các tính năng như: bù trơn công suất phản kháng tốc độ cao kết hợp điều chỉnh điện áp và lọc sóng hài thụ động. Qua thực tế quá trình áp dụng tại Công ty Cổ phần sản xuất nhãn dệt, nhãn in ngành may Kim Hoa - Vạn Phúc - Hà Đông đã cho thấy những hiệu quả rõ rệt như: các thiết bị, dây duyển sản xuất được nâng cao hiệu suất sử dụng, tuổi thọ tăng lên và đặc biệt đã tiết kiệm được lượng tiêu thụ điện từ 5-12%/tháng, đem lại nhiều hiệu quả kinh tế cho doanh nghiệp.

         Sau phần trình bày, chủ nhiệm đề tài nhận được nhiều đóng góp từ hội đồng. Hội đồng đánh giá cao tính cấp thiết và định hướng nghiên cứu của tác giả. Hướng nghiên cứu đề tài sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cho nhà trường và các doanh nghiệp dệt may khi áp dụng. Bên cạnh đó, còn có một số ý kiến gợi mở như: tác giả cần làm rõ sự khác biệt khi dùng các thiết bị nâng cao chất lượng điện năng với thông thường; đề cập đến hiệu quả kinh tế mà đề tài mang lại; xây dựng hướng dẫn sử dụng thiết bị  khi chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp; tập trung giải quyết các bài toán tiết kiệm năng lượng trong các nhà máy sợi và dệt .
TS. Hoàng Xuân Hiệp phát biểu kết luận
         Phát biểu kết luận Hội đồng duyệt đề tài, TS. Hoàng Xuân Hiệp nhận xét, với mục tiêu, đối tượng và phạm vi nghiên cứu đề tài “Nghiên cứu, chế tạo thiết bị nâng cao chất lượng điện năng tích hợp cho các nhà máy dệt may dạng phân tán” được giá là đề tài cấp Tập đoàn Dệt May Việt Nam. Hướng nghiên cứu đã thể hiện được sự chủ động của trường trước các đòi hỏi, yêu cầu của Tập đoàn. Ngoài ra, đối với ngành dệt may đề tài đã đáp ứng tiêu chuẩn “Sản phẩm xanh” của các thị trường lớn trên thế giới, đây sẽ là lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp. Chủ tịch hội đồng đề nghị đề tài cần nghiên cứu tại các công ty sợi dệt thuộc Tổng công ty Cổ phần Dệt May Nam Định để thể hiện rõ hơn tính hiệu quả của nghiên cứu.

         Kết thúc buổi duyệt, Hội đồng nhất trí đề xuất đề tài nghiên cứu cấp Tập Đoàn Dệt May Việt Nam.
Minh Đức - phòng TS&TT

Các bài viết khác

Khám phá ngành Kế toán
10/04/2024
1.295 lượt xem
Thông tin tuyển sinh năm 2024
20/02/2024
15.700 lượt xem
Lời thầy cô
20/11/2023
198 lượt xem
Tri ân người dẫn đường
17/11/2023
185 lượt xem
Ngày chủ nhật xanh 2023
28/10/2023
286 lượt xem
Tuyển sinh bổ sung năm 2023
11/09/2023
22.132 lượt xem

Liên kết website