Giải pháp thúc đẩy cơ hội việc làm của sinh viên tốt nghiệp trường Đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến 2030
TS Hoàng Xuân Hiệp
Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội
1- Bối cảnh kinh tế, xã hội tác động đến cơ hội việc làm của sinh viên đại học
Tạo việc làm tốt cho sinh viên tốt nghiệp là mong muốn của tất cả các trường đại học và đó cũng là cơ sở vững chắc để các cơ sở giáo dục đại học phát triển bền vững trong tương lai. Có nhiều tiêu chí để xác định thế nào là một việc làm tốt cho sinh viên như: số lượng cơ hội việc làm, thu nhập từ việc làm, vị thế việc làm, khả năng phát triển trong công việc…nhưng có thể nói rằng thu nhập là chỉ tiêu có tính tổng hợp cao và được nhiều sinh viên, gia đình, xã hội cũng như nhà trường quan tâm nhiều nhất. Mặt khác đây cũng là một chỉ tiêu được xác định trong Nghị quyết đại hội đảng toàn quốc lần thứ XIII nên có thể lượng hóa được và sử dụng để đối sánh khi đánh giá thu nhập của sinh viên tốt nghiệp.
Vậy thu nhập như thế nào thì được coi là một việc làm tốt trong bối cảnh hiện nay và trong tương lai đối với sinh viên tốt nghiệp đại học. Theo số liệu của Tổng cục thống kê năm 2019 thì thu nhập trung bình của người lao động có trình độ đại học trở lên là 9.229.000 đồng/người/tháng, gấp 1,6 lần so với người lao động phổ thông (5.777.800 đồng/người/tháng) [6]. Thu nhập bình quân của một số lĩnh vực liên quan đến các ngành đào tạo của trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội thể hiện ở bảng sau:
Bảng 1: Thu nhập bình quân của người lao động năm 2019
TT |
Ngành kinh tế |
Thu nhập bình quân năm 2019
(đồng/người/tháng) |
1 |
Công nghiệp chế biến chế tạo |
6.643.000 |
2 |
Sản xuất sợi, dệt, nhuộm |
8.618.000 |
3 |
Sản xuất may |
7.437.000 |
4 |
Bán buôn, bán lẻ |
6.916.000 |
5 |
Vận tải, kho bãi |
8.283.000 |
Nguồn: Tổng hợp từ [5], [6]
Như vậy, mức thu nhập của lĩnh vực dịch vụ vận tải, thương mại cao hơn bình quân chung của lĩnh vực chế biến chế tạo. Bên cạnh đó, có thể thấy rằng trong nhóm ngành chế biến chế tạo giai đoạn tới đây, ngành dệt may vẫn là một ngành có sức hấp dẫn nhất định so với các lĩnh vực khác.
Xét dưới góc độ thu nhập, có thể thấy rằng việc làm tốt là việc làm giúp một người có thu nhập đủ khả năng chi trả chi phí để nuôi thêm được một người, tiến dần tới nuôi thêm được 2-3 người. Giả thiết rằng mức chi tiêu cho một người bằng mức giảm trừ gia cảnh là 3.600.000 đồng/người/tháng, lạm phát tối đa là 4%/năm và mức tăng thu nhập bình quân là 5%/năm. Như vậy, nếu xét theo mục tiêu đề ra trong Nghị quyết đại hội XIII của Đảng thì một việc làm tốt phải có thu nhập ước tính như sau:
Bảng 2: Ước thu nhập để một người nuôi thêm được một người
giai đoạn 2025-2045
TT |
Chỉ tiêu |
ĐVT |
2020 |
2025 |
2030 |
2045 |
1 |
Mức thu nhập theo mục tiêu của Đại hội XIII |
USD/
người/năm |
|
Thu nhập vượt qua mức trung bình thấp
4.700–5.000 |
Thu nhập trung bình cao
|
Thu nhập cao |
2 |
Mức thu nhập bình quân đầu người theo chuẩn mới quy đổi theo phân loại năm 2020 của WB |
USD/
người/năm |
3521 |
1.036-4.045
|
4.046-12.535 |
12.536
trở lên
|
3 |
Mức thu nhập bình quân ước tính của người lao động có trình độ đại học |
đồng/
người/tháng |
9.469.000 |
12.085.000
tương
đương
6.305 USD/năm |
14.424.000
tương đương
8.047 USD/năm |
32.065.000
tương đương
16.730 USD/năm |
4 |
Tổng chi tiêu trung bình cho cuộc sống của 2 người |
đồng/
tháng |
7.488.000 |
9.110.000 |
11.084.000 |
19.962.000 |
5 |
Tổng chi tiêu cho cuộc sống của 2 người tại khu vực thành thị |
đồng/
tháng |
8.028.000 |
9.767.000 |
11.883.000 |
21.401.000
|
6 |
Tổng chi tiêu cho cuộc sống của 2 người tại khu vực nông thôn |
đồng/
tháng |
5.148.000 |
6.263.000 |
7.620.000 |
13.724.000 |
Nguồn: Tổng hợp từ [3], [5], [9]
Số liệu cho thấy với mức thu nhập trung bình như nêu tại mục 3 bảng 2 thì một người có trình độ đại học, sau khi chi tiêu cho cuộc sống với tiêu chí nuôi thêm được một người sẽ còn tiết kiệm được 2.975.000 đồng/tháng (24,6% thu nhập/tháng) vào năm 2025 để chi tiêu cho mục đích khác. Với chiến lược chuyển dần về nông thôn thì có thể thấy rằng một người có trình độ đại học đi làm vào năm 2025 có thu nhập xấp xỉ nuôi được thêm 3 người nữa nếu 3 người đó đều sống ở vùng nông thôn. Thậm chí, nếu gia đình người lao động sống ở thành thị thì với mức thu nhập năm 2025, người lao động có trình độ đại học vẫn có thể tiết kiệm được 2.318.000 đồng/tháng (19,2% thu nhập/tháng) để sử dụng cho mục đích khác.
Từ mức thu nhập ở bảng 1 và bảng 2 có thể thấy rằng những ngành mà trường đại học công nghiệp dệt may Hà Nội tập trung đào tạo nên là những ngành đạt được mức thu nhập từ trung bình của xã hội trở lên. Tuy vậy, thu nhập của người lao động có trình độ đại học cũng khác nhau khá lớn ở vị trí công tác và kinh nghiệm làm việc, số liệu tại báo cáo khảo sát việc làm năm 2019 của Tổng cục thống kê cho thấy người có chuyên môn kỹ thuật bậc cao có thu nhập trung bình là 9.144.000 đồng/người/tháng, trong khi nhân viên chỉ có mức thu nhập 6.653.000 đồng/người/tháng, thấp hơn 27,2% so với người có chuyên môn kỹ thuật bậc cao. Trong bối cảnh kinh tế xã hội như trên thì có thể ước thu nhập trung bình của sinh viên trình độ đại học, mới ra trường dưới 12 tháng khoảng 7-9 triệu đồng/người/tháng đối với khối ngành sản xuất công nghiệp, bán buôn, bán lẻ và khoảng 8-10 triệu đồng/người/tháng đối với ngành vận tải, kho bãi trong bối cảnh Việt Nam hiện nay sẽ được xem là tốt. Mức thu nhập này sẽ tăng dần theo mức tăng 5% cho giai đoạn 2021-2030 và đây là mức thu nhập đủ để có thể đảm bảo cuộc sống cho sinh viên đại học sau tốt nghiệp. Mặt khác, mức thu nhập nêu trên cũng có thể xem là “chuẩn đầu ra”, là mục tiêu để lựa chọn các ngành sẽ mở ngành mới, lựa chọn vị trí việc làm, nâng cao chất lượng đào tạo để sinh viên ra trường đáp ứng được mức thu nhập nêu trên.
Bên cạnh yếu tố về thu nhập nêu trên, định hướng phát triển khoa học công nghệ giai đoạn 2021 – 2030 của đất nước cũng tác động lớn đến việc làm của sinh viên. Định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030 trong Nghị quyết đại hội XIII của Đảng nêu rõ “Thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng mạnh mẽ thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội”. Với định hướng như trên, tất cả các ngành kinh tế sẽ dần từng bước tiến hành chuyển đổi số và sinh viên ra trường muốn có việc làm tốt thì phải có khả năng thích ứng với quá trình chuyển đổi số này của các doanh nghiệp.
Trong các yếu tố tác động đến việc làm của sinh viên thì định hướng đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo cũng là yếu tố có tác động rất mạnh. Nghị quyết 29-NQ/TW năm 2013 của đảng đã đề ra định hướng đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo trong đó nêu rõ quan điểm là “Chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học. Học đi đôi với hành; lý luận gắn với thực tiễn; giáo dục nhà trường kết hợp với giáo dục gia đình và giáo dục xã hội”. Định hướng này cho thấy rằng các cơ sở giáo dục có trách nhiệm phát triển năng lực cho người học phù hợp với nhu cầu năng lực làm việc tại doanh nghiệp chứ không chỉ đơn thuần là trang bị kiến thức. Đây là yếu tố có thể được thực hiện khá thuận lợi tại trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội vì trường đã xây dựng chiến lược theo định hướng của một trường đại học ứng dụng, gắn chặt với nhu cầu của các doanh nghiệp.
2- Nhu cầu việc làm những ngành trường đang đào tạo
Trước hết, có thể thấy rằng những ngành mà trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội đang đào tạo phục vụ cho ngành dệt may là những ngành mà nhu cầu tuyển dụng rất lớn. Số liệu thể hiện trong hình dưới đây:
Hình 1: 10 lĩnh vực kinh doanh có số lượng doanh nghiệp thiếu hụt nhân sự nhiều nhất năm 2019
Nguồn: [8]
Số liệu tại hình 1 cho thấy ngành dệt may, da giày đứng thứ 6 trong số 10 lĩnh vực kinh doanh thiếu nhân sự nhất và có tới 83% doanh nghiệp dệt may, da giày thiếu nhân sự trong nửa đầu năm 2019 khi mà chưa bị tác động của đại dịch covid-19. Con số này hiện tại chắc chắn sẽ lớn hơn do yêu cầu dãn cách để phòng dịch của Chính phủ, đặc biệt là với khu vực phía Nam. Nhu cầu việc làm đối với sinh viên từng ngành đào tạo của trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội như sau:
Nhu cầu vị trí việc làm trong lĩnh vực may công nghiệp: Do tác động của dịch covid-19 làm các nhà mua hàng của nhiều thương hiệu bình dân (chiếm 60% đơn hàng) đẩy mạnh phương thức OEM, cắt ngắn các khâu trung gian trong chuỗi cung ứng, giảm thiểu tiếp xúc trực tiếp với quá nhiều đối tác trong chuỗi. Với phương thức này, các nhà mua hàng có xu hướng chuyển toàn bộ các khâu thiết kế mẫu mỏng, phát triển mẫu, chuẩn bị nguyên phụ liệu, sản xuất, xuất khẩu về các nước cung ứng như Việt Nam. Như vậy các vị trí việc làm trong giai đoạn 2021-2025 của ngành công nghệ may được chú trọng là thiết kế mẫu mỏng, phát triển mẫu, chuẩn bị nguyên phụ liệu, quản lý đơn hàng. Đây cũng là những vị trí việc làm mà mức thu nhập theo khảo sát trong giai đoạn 2015-2020 của trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội đối với cựu sinh viên đều đạt từ 8-12 triệu/người/tháng sau 12 tháng tốt nghiệp và trên 12 triệu/người/tháng sau 24 tháng tốt nghiệp. Theo khảo sát, riêng nhu cầu nhân lực thiết kế mẫu mỏng, phát triển mẫu chiếm 1-1,5% nhân lực trong doanh nghiệp may tùy phương thức sản xuất và quy mô doanh nghiệp. Đối với ngành may, với mức độ tăng bình quân 34.000 nhân lực/năm trong giai đoạn 2021-2025 thì ước tính nhu cầu nhân lực nêu trên trong giai đoạn này là 340 - 500 người/năm [4], [7].
Bên cạnh các vị trí việc làm mới nêu trên, trong doanh nghiệp may còn có nhu cầu khá lớn với nhiều vị trí việc làm khác để đưa các công nghệ của CMCN 4.0 vào nhà máy may. Các vị trí việc làm cụ thể đó là thiết kế, chế tạo dưỡng cho máy lập trình; thiết kế dây chuyền may sử dụng công nghệ số; kiểm soát chất lượng thông minh, giác sơ đồ bằng phần mềm 2D. Theo số liệu khảo sát thì các vị trí việc làm này có cơ cấu 0,7-1,0% nhân lực trong doanh nghiệp may. Với mức độ tăng bình quân 34.000 nhân lực/năm trong giai đoạn 2021-2025 thì ước tính nhu cầu nhân lực nêu trên trong giai đoạn này là 238 - 340 người/năm. Mức thu nhập theo khảo sát của sinh viên tốt nghiệp sau 12 tháng đều đạt mức trên 10 triệu đồng/người/tháng.
Vị trí việc làm thiết kế thời trang cũng là một trong những vị trí có nhu cầu khá cao để phục vụ nhu cầu chuyển đổi phương thức sản xuất từ CMT, FOB hiện nay sang phương thức sản xuất ODM trong giai đoạn 2021-2030, đặc biệt là giai đoạn 2025-2030 khi các doanh nghiệp dệt may chịu sức ép ngày càng lớn về đảm bảo thu nhập cho người lao động, nhất là nhân lực có trình độ đại học. Các vị trí việc làm của nhân lực thiết kế thời trang sẽ chia ra thành nhân lực sáng tác mẫu, thiết kế mẫu 3D bằng phần mềm chuyên dụng như Illustrator, Clo3D; nhân lực sáng tạo chất liệu thời trang mới trên vật liệu có sẵn thông qua các phần mềm chuyên dụng; nhân lực tổ chức sản xuất hàng loạt các sản phẩm thời trang được cá nhân hóa. Theo số liệu của Tổng cục thống kê vào năm 2019 thì chỉ có 11,5% doanh nghiệp may, tương đương với 994 doanh nghiệp (có quy mô vốn từ 50 tỷ trở lên), đây là những doanh nghiệp có đủ tiềm lực chuyển đổi từ phương thức sản xuất CMT, FOB sang phương thức ODM cho thị trường nước ngoài. Số lao động của doanh nghiệp may có vốn trên 50 tỷ dự báo là 1.200.000 người vào năm 2030. Tùy theo quy mô doanh nghiệp và quy mô sản xuất theo phương thức ODM mà nhân lực thiết kế thời trang chiếm tỷ trọng từ 0,2% - 0,3% cơ cấu nhân lực. Như vậy số nhân lực thiết kế thời trang cần thiết là 2400 – 3600 người tính đến năm 2030, nhu cầu mỗi năm cần từ 240 – 360 cử nhân thiết kế thời trang trong giai đoạn 2021-2030. Khảo sát thu nhập thực tế của ngành thiết kế thời trang ở trình độ cao đẳng trong giai đoạn 2015-2020 cho thấy sau 12 tháng, 70%-75% sinh viên có thu nhập từ 8 triệu-12 triệu/người/tháng.
Vị trí việc làm kỹ sư công nghệ sợi dệt cũng được nhiều doanh nghiệp sợi dệt hết sức quan tâm. Trong giai đoạn 2015-2019, nhân lực sợi dệt tăng bình quân 18.080 nhân lực/năm, do doanh nghiệp sợi hầu hết sử dụng công nghệ truyền thống, chỉ có một số ít doanh nghiệp sợi thực hiện chuyển đổi số nên định biên cho doanh nghiệp sợi vẫn khoảng 90-100 lao động/1 vạn cọc sợi trong đó cần 5-10 kỹ sư sợi, dệt (chiếm 5-10% cơ cấu định biên). Trong giai đoạn 2021-2030, dự báo các doanh nghiệp sợi dệt sẽ chuyển dần sang đầu tư các công nghệ số trong sản xuất sợi, dệt, vì vậy đối với doanh nghiệp sợi thì định biên nhân sự giảm xuống chỉ còn 30-50 nhân sự/1 vạn cọc tùy mức độ đầu tư nhưng nhân lực có trình độ đại học vẫn cần 5-10 người để vận hành nhà máy,l trong đó có 2-4 kỹ sư sợi dệt (chiếm 6%-8% định biên). Căn cứ vào quy mô tăng trưởng của ngành sợi dệt thì dự báo số nhân lực sợi dệt sẽ tăng ở mức 8000 nhân lực/năm trong giai đoạn 2021-2030, như vậy kỹ sư sợi dệt cần ít nhất 500 nhân sự/năm. Vị trí việc làm của kỹ sư sợi dệt sẽ chủ yếu là thiết kế đơn công nghệ, xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật và tiêu chuẩn chất lượng, phụ trách phòng thí nghiệm với công nghệ của CMCN 4.0, quản lý kỹ thuật và chất lượng trong nhà máy sợi dệt bằng công nghệ cảm biến và RFID, trưởng công đoạn sản xuất với thiết bị sợi dệt được số hóa cao. Khảo sát thu nhập thực tế của cử nhân sợi dệt ở trình độ cao đẳng trong giai đoạn 2018-2020 cho thấy sau 12 tháng, chỉ 20% sinh viên có mức thu nhập từ 8-12 triệu/tháng, sau 24 tháng thì 70%-75% sinh viên có thu nhập từ 8 triệu-12 triệu/người/tháng. Tuy vậy, có 15% sinh viên tốt nghiệp sau 24 tháng có mức thu nhập trên 12 triệu/người/tháng.
Đối với sinh viên ngành quản lý công nghiệp thì như trên đã phân tích, nhu cầu nhân lực cho vị trí quản lý đơn hàng, quản lý nhà máy dệt may ứng dụng công nghệ số ngày càng nhiều. Khảo sát định biên nhân sự của cán bộ quản lý đơn hàng trong doanh nghiệp giao động trong khoảng từ 0,5% đến 1,5% tùy theo tính chất là sản xuất theo phương thức CMT, FOB hay ODM. Với xu thế chuyển dần sang phương thức sản xuất ODM thì với mức tăng nhân lực của doanh nghiệp may dự báo là 34.000 lao động/năm trong giai đoạn 2021-2030 thì nhu cầu nhân lực này sẽ ở mức 170 – 510 người/năm. Mức thu nhập hiện tại của đội ngũ này tại doanh nghiệp dệt may đều đạt từ 10-15 triệu/tháng đối với người không thạo tiếng Anh. Đối với vị trí việc làm quản lý đơn hàng mà có khả năng sử dụng tiếng Anh trong chuyên môn thì thu nhập đều ở mức 15 triệu – 20 triệu/người/tháng.
Vị trí việc làm marketing và vị trí việc làm kế toán là hai vị trí việc làm có nhu cầu rất lớn trong xã hội. Nhu cầu của hai ngành khá phổ biến này được thể hiện trong hình sau:
Hình 2: 10 ngành nghề mà các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng
nhiều nhất năm 2019
Nguồn: [7]
Số liệu tại hình 2 cho thấy ngành marketing đứng thứ 4, ngành kế toán đứng thứ 8 trong số các ngành mà nhiều doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lớn nhất. Đối với vị trí việc làm marketing, do tác động của dịch covid-19 mà phương thức mua sắm qua các kênh thương mại điện tử, mạng xã hội đã thúc đẩy vị trí việc làm Internet marketing đối với nhiều ngành hàng trong đó có ngành hàng về thời trang, thu nhập của nhân viên marketing theo khảo sát của Trung tâm dịch vụ việc làm TP Hồ Chí Minh năm 2020 đạt 10 triệu-15 triệu/người/tháng.
Đối với nhân sự ngành kế toán thì vị trí việc làm cũng hết sức đa dạng và các vị trí việc làm được đánh giá là hấp dẫn trong lĩnh vực kế toán như: kế toán tổng hợp, kế toán thuế...Khảo sát của công ty cổ phần JobOKO toàn cầu, chuyên tư vấn việc làm vào năm 2020 cho thấy mức thu nhập của nhân viên kế toán như sau: Kế toán tổng hợp: 9,1 - 12,6 triệu đồng/tháng, cao nhất 30 triệu/tháng; Kế toán thuế: 9 - 12,5 triệu đồng/tháng, cao nhất là 30 triệu/tháng. Như vậy, nếu tập trung đào tạo lĩnh vực marketing và kế toán nhưng bổ sung thêm cho sinh viên tham gia vào một thị trường ngách là ngành dệt may thì cơ hội việc làm của sinh viên sẽ được mở rộng hơn.
Vị trí việc làm tiếp theo có nhu cầu lớn và mức thu nhập khá cao trong số sinh viên khảo sát trong giai đoạn vừa qua là kỹ sư bảo trì thiết bị sợi, thiết bị may ứng dụng kỹ thuật số bằng công nghệ bảo trì dự báo; kỹ sư thiết kế, chế tạo cữ. Đây là sản phẩm đào tạo của ngành Công nghệ kỹ thuật cơ khí và công nghệ kỹ thuật điện, điện tử. Kết quả khảo sát cho thấy tỷ lệ kỹ sư bảo trì, chế tạo cữ trong các doanh nghiệp may chiếm khoảng 0,5-1%; trong doanh nghiệp sợi, dệt, nhuộm ứng dụng công nghệ số chiếm khoảng 5%-10%. Như vậy, với mức tăng 34.000 nhân lực may hằng năm giai đoạn 2021-2030 thì mỗi năm sẽ cần 170-340 kỹ sư bảo trì thiết bị cho ngành may; với mức tăng 8.000 nhân lực cho sợi, dệt, nhuộm/năm thì kỹ sư bảo trì cần 400-800 người/năm. Mức thu nhập của nhân sự này theo khảo sát giai đoạn 2015-2020 đối với vị trí việc làm thiết kế và chế tạo cữ thì đạt mức 10 triệu – 14 triệu/người/tháng. Đối với vị trí kỹ sư bảo trì thiết bị công nghệ thì mức thu nhập từ 10 triệu – 12 triệu/người/tháng.
3- Thực trạng việc làm những ngành trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội đang đào tạo
Trong giai đoạn 2021-2025, sinh viên đại học của trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội sẽ chiếm trên 90% sinh viên trong trường, vì vậy việc làm của sinh viên đại học là một trong những nội dung hết sức quan trọng mà Nhà trường đặc biệt quan tâm trong thời gian tới. Thống kê tổng thể về việc làm của sinh viên đại học khóa 1 cho thấy tổng số sinh viên tốt nghiệp đại học khóa 1 là 408 Em ngành công nghệ may (ĐHM), công nghệ sợi dệt (ĐHSD) và quản lý công nghiệp (ĐHQL). Sau 2 tháng tốt nghiệp thì sinh viên làm việc tại 199 doanh nghiệp khác nhau trong đó có 41 doanh nghiệp tuyển được 2 Em trở lên, doanh nghiệp tuyển được nhiều nhất là 19 Em (Công ty CP Quốc tế Phong Phú), Công ty Smartshirt Hưng Yên (10 Em), Texhong Ngân Long (8 Em), Tổng công ty May 10 (7 Em), 158 DN chỉ tuyển được 1 Em. Thực trạng việc làm của sinh viên đại học có đối sánh với trình độ cao đẳng trong giai đoạn 2015-2020 được thể hiện trong bảng sau:
Bảng 3. Thống kê tỷ lệ có việc làm ĐH khóa 1 sau 2 tháng tốt nghiệp
Đối tượng
Thông tin kết
quả khảo sát |
ĐHM-K1 |
ĐHQL-K1 |
ĐHSD-K1 |
Tỷ lệ chung ĐH-K1 |
Tỷ lệ chung
CĐ-K13 |
Đối sánh ĐH với CĐ |
Tỷ lệ có việc làm |
88.3% |
90.0% |
78.6% |
87.5% |
64.4% |
+ 23.1% |
Có việc làm đúng ngành ĐT |
87.9% |
93.3% |
60.0% |
86.3% |
74.4% |
+ 11.9% |
Nguồn: [7]
Số liệu tại bảng 3 cho thấy tỷ lệ có việc làm của sinh viên đại học khóa 1 đúng ngành đào tạo chiếm hơn 86,3% vào cao hơn trình độ cao đẳng tới 11,9% chỉ sau 2 tháng tốt nghiệp. Đây là tỷ lệ có việc làm đúng chuyên môn rất cao; ngành có tỷ lệ việc làm đúng chuyên môn cao nhất là ngành quản lý công nghiệp, thấp nhất là ngành công nghệ sợi dệt.
Bên cạnh tỷ lệ có việc làm cao, vị trí việc làm của sinh viên đại học khóa 1 sau 2 tháng tốt nghiệp (năm 2020) cũng khá tốt, thể hiện trong bảng sau:
Bảng 4: Kết quả khảo sát vị trí việc làm sau 2 tháng tốt nghiệp của
sinh viên đại học khoá 1
Đối tượng
Thông tin
kết quả khảo sát |
ĐHM-K1 |
ĐHQL-K1 |
ĐHSD-K1 |
Tỷ lệ chung ĐH-K1 |
Tỷ lệ chung
CĐ-K13 |
Đối sánh ĐH với CĐ |
Có chức danh quản lý |
3.8% |
10.0% |
6.7% |
5.2% |
3.2% |
+ 2.0% |
Vị trí kỹ thuật |
79.1% |
90.0% |
70.0% |
80.2% |
48.4% |
+ 31.8% |
Sản xuất trực tiếp, nhân viên văn phòng... |
17.2% |
0.0% |
23.3% |
14.6% |
48.4% |
- 33.8% |
Nguồn: [7]
Số liệu tại bảng 4 cho thấy có tới 80,2% sinh viên đại học khóa 1 được doanh nghiệp giao nhiệm vụ ở vị trí quản lý, kỹ thuật viên trong nhà máy, cao hơn 31,8% so với trình độ cao đẳng trước đây. Các Em được giao vị trí quản lý sau 2 tháng cũng đạt 5,2%, cao hơn trình độ cao đẳng tới 2%.
Một thông số quan trọng nữa để đánh giá thực trạng việc làm của sinh viên là mức độ đáp ứng của sinh viên đại học khóa 1 với vị trí việc làm được phân công tại doanh nghiệp. Số liệu này được thể hiện ở bảng sau:
Bảng 5: Kết quả khảo sát thời gian đáp ứng công việc tại DN của
sinh viên đại học khoá 1
Nội dung |
ĐHM-K1 |
ĐHQL-K1 |
ĐHSD-K1 |
SL |
% |
SL |
% |
SL |
% |
Đáp ứng ngay |
56 |
23.4% |
7 |
12% |
11 |
36.7% |
Trong 1 tháng |
128 |
53.6% |
34 |
56% |
13 |
43.3% |
Trên 3 tháng |
55 |
23.0% |
19 |
32% |
6 |
20.0% |
Nguồn: [7]
Số liệu tại bảng 5 cho thấy sinh viên đại học khóa 1 đáp ứng công việc được giao ngay sau 1 tháng chiếm từ 68% đến 80%, số còn lại có thể đáp ứng công việc được giao sau 3 tháng. Đây là một tỷ lệ khá cao thể hiện chất lượng đào tạo đã đáp ứng tương đối với các vị trí việc làm tại doanh nghiệp theo đúng định hướng ứng dụng.
Mức thu nhập bình quân của sinh viên đại học khóa 1 sau 2 tháng tốt nghiệp hết sức khả quan, sinh viên có thu nhập cao nhất là 30 triệu/tháng thuộc về ngành Quản lý công nghiệp chuyên ngành Merchandiser; thu nhập cao nhất của ngành công nghệ Sợi dệt là 15 triệu/tháng và thu nhập cao nhất của ngành công nghệ may là 13 triệu/tháng. Mức thu nhập của sinh viên đại học khóa 1 cao hơn 7,7% so với sinh viên cao đẳng xét cùng thời điểm tốt nghiệp sau 2-3 tháng thể hiện sự vượt trội của sinh viên đại học khóa 1 so với sinh viên cao đẳng về khả năng đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp liên quan đến khâu thiết kế, quản trị và thiết lập hệ thống cho doanh nghiệp dệt may.
Để có thể tạo điều kiện về việc làm cho sinh viên sau tốt nghiệp, hằng năm, nhà trường đã tổ chức ít nhất là một ngày hội việc làm vào tháng 4 – tháng 5 để tạo điều kiện cho sinh viên tốt nghiệp tiếp xúc trực tiếp và gián tiếp với doanh nghiệp tuyển dụng. Số doanh nghiệp tham gia ngày hội việc làm trong giai đoạn 2016-2020 được thể hiện trong bảng sau:
Bảng 6: Thống kê số lượng DN tham gia ngày hội việc làm
Năm |
Số lượng DN tham gia |
Tổng số vị trí việc làm |
Số lượng tuyển dụng |
2016 |
11 |
13 |
474 |
2017 |
21 |
35 |
1250 |
2018 |
21 |
91 |
4191 |
2019 |
31 |
163 |
19596 |
2020 |
22 |
86 |
2161 |
Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo tổng kết năm học giai đoạn 2016-2020
Số liệu tại bảng 6 cho thấy cả số lượng doanh nghiệp tham gia, số vị trí việc làm và số lượng cần tuyển dụng đều có xu hướng tăng dần trong giai đoạn 2016-2020, bên cạnh đó số lượng cần tuyển dụng rất lớn so với sinh viên tốt nghiệp, đặc biệt là các vị trí cán bộ quản lý, kỹ thuật ở cấp cơ sở, cấp trung. Như vậy, có thể thấy rằng phương thức tổ chức ngày hội việc làm là một trong những phương thức tốt để kết nối sinh viên với nhà tuyển dụng.
4- Nhu cầu thị trường lao động ngoài ngành dệt may và định hướng mở ngành trong giai đoạn 2021-2022
4.1 Nhu cầu thị trường lao động trong ngành Thương mại điện tử
Đối với lĩnh vực thương mại điện tử (TMĐT), Chính phủ đã ban hành kế hoạch số 1563/QĐ-TTg năm 2016 phê duyệt kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT giai đoạn 2016-2020 trong đó nêu rõ một số mục tiêu quan trọng đến năm 2020 như: (1) 30% dân số tham gia mua sắm trực tuyến, với giá trị mua hàng trực tuyến đạt trung bình 350 USD/người/năm; (2) doanh số thương mại điện tử B2C tăng 20%/năm, đạt 10 tỷ USD, chiếm 5% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước; (3) 50% doanh nghiệp có trang thông tin điện tử, cập nhật thường xuyên thông tin giới thiệu và bán sản phẩm của doanh nghiệp; (4) 80% doanh nghiệp thực hiện đặt hàng hoặc nhận đơn đặt hàng thông qua các ứng dụng thương mại điện tử.
Thực tế thực hiện trong giai đoạn 2016-2020 cho thấy về quy mô thị trường TMĐT, với điểm xuất phát thấp khoảng 4 tỷ USD vào năm 2015 nhưng nhờ tốc độ tăng trưởng trung bình trong 3 năm liên tiếp cao nên quy mô thị trường TMĐT năm 2018 lên tới khoảng 8,06 tỷ USD. Thị trường này bao gồm bán lẻ trực tuyến, du lịch trực tuyến, tiếp thị trực tuyến, giải trí trực tuyến và mua bán trực tuyến các dịch vụ và sản phẩm số hóa khác. Theo báo cáo của Cục TMĐT và kinh tế số của Bộ Công Thương, do tác động của dịch covid-19 nên tốc độ tăng trưởng thị trường TMĐT vào năm 2020 ở mức tương đối cao là 18% với quy mô thị trường đạt 11,8 tỷ USD, chiếm 5,5% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước, vượt mục tiêu đề ra trong quyết định số 1563/QĐ-TTg. Theo dự báo của Hiệp hội TMĐT Việt Nam, quy mô thị trường TMĐT tại Việt Nam sẽ tăng lên 52 tỷ USD vào năm 2025, như vậy nguồn nhân lực TMĐT để phục vụ nhu cầu tăng trưởng này sẽ rất lớn [1]
Về nhân lực TMĐT: Theo khảo sát của Hiệp hội TMĐT Việt Nam thì tính đến năm 2020, chỉ có 23% doanh nghiệp Việt Nam có cán bộ chuyên trách phụ trách TMĐT, như vậy với mục tiêu 50% doanh nghiệp có trang thông tin điện tử, cập nhật thường xuyên thông tin giới thiệu và bán sản phẩm của doanh nghiệp như kế hoạch 1563/QĐ-TTg thì tính đến năm 2020, 27% doanh nghiệp đang hoạt động (219.115 doanh nghiệp), mỗi doanh nghiệp biên chế 1 người thì lượng thiếu hụt nhân lực TMĐT đến 2020 đã là 219.115 người. Với các doanh nghiệp trong nước, qua báo cáo khảo sát nhu cầu nhân sự của 15 đơn vị của Bộ Công Thương thì 100% các đơn vị được khảo sát có nhu cầu và kế hoạch tuyển dụng nhân sự thuộc lĩnh vực TMĐT hàng năm (trong giai đoạn 2020 – 2024), tăng dần từ 10 – 50 người/1 năm [1]. Về thu nhập của nhân lực TMĐT thì theo khảo sát của JobOKO vào năm 2020, thông thường một chuyên viên thương mại điện tử có mức lương khoảng 7 - 10 triệu/tháng nếu có 2 - 3 năm kinh nghiệm, 12-15 triệu/tháng nếu có trên 5 năm kinh nghiệm.
Về nguồn cung nhân lực TMĐT thì hiện tại trong nước có 10 trường đại học đào tạo ngành TMĐT chính quy trình độ đại học với chỉ tiêu tuyển sinh là 830 sinh viên/năm, điểm chuẩn của những ngành này năm 2020 giao động từ 21 điểm đến 26,25 điểm, là điểm chuẩn khá cao.
Như vậy có thể kết luận rằng nhu cầu nhân lực TMĐT giai đoạn 2021-2025 rất lớn, là điểm chuẩn đầu vào ngành TMĐT khá cao chứng tỏ nhu cầu học ngành TMĐT là rất lớn và Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội nên cân nhắc mở thêm ngành đào tạo này.
4.2 Nhu cầu thị trường lao động trong ngành Logistics và Quản trị chuỗi cung ứng
Logistics là một ngành quan trọng của nền kinh tế và quy mô thị trường chiếm tới hơn 20% GDP. Nhận thức được tầm quan trọng của ngành này, năm 2017, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 200/QĐ-TTg phê duyệt chương trình hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025. Trong quyết định nêu rõ mục tiêu “ Đến năm 2025, tỷ trọng đóng góp của ngành dịch vụ logistics vào GDP đạt 8%-10%, tốc độ tăng trưởng dịch vụ đạt 15%-20%, tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics đạt 50%-60%, chi phí logistics giảm xuống tương đương 16%-20% GDP, xếp hạng theo chỉ số năng lực quốc gia về logistics (LPI) trên thế giới đạt thứ 50 trở lên“ và trong phần chương trình hành động của Quyết định có đề cập đến một nhiệm vụ hết sức quan trọng là “Đẩy mạnh đào tạo về logistics ở cấp đại học“.
Theo báo cáo của Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA), hiện nay có hơn 3.000 doanh nghiệp tham gia cung cấp dịch vụ logistics tại Việt Nam trong đó có 89% doanh nghiệp trong nước và 11% doanh nghiệp nước ngoài, thu hút khoảng 1 triệu lao động tham gia vào lĩnh vực này vào năm 2020, bên cạnh đó, để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng 15%-20%/năm như chủ trương của Chính phủ thì các doanh nghiệp logistics cần tuyển ít nhất là 25.000 lao động/năm trong giai đoạn 2021-2025. Thực trạng nhân lực logistics hiện tại cho thấy chỉ có 4% nhân lực thông thạo tiếng Anh nghiệp vụ (khoảng 40.000 người), 30% các doanh nghiệp phải đào tạo lại nhân viên. Trong khi đó, nhu cầu sử dụng nhân lực đến năm 2025 là 1,2 triệu người trong đó cần khoảng 300.000 nhân viên thông thạo chuyên môn, tin học và tiếng Anh đáp ứng yêu cầu trong điều kiện Cách mạng công nghiệp 4.0, các nhân lực này chắc chắn phải được đào tạo ở trình độ đại học. Theo số liệu công bố của First Alliances - một trong những công ty tư vấn nhân sự lớn nhất tại Việt Nam thì thu nhập của nhân viên Logistics luôn từ 11,5 triệu/người/tháng trở lên tùy theo kinh nghiệm công tác.
Trong bối cảnh nhu cầu nhân lực logistics ở trình độ đại học cần lớn như trên nhưng tính đến tháng 08/2020, trong số 286 trường đại học trên cả nước, chỉ có 30 trường đại học tuyển sinh và đào tạo ngành/ hoặc chuyên ngành logistics với tổng chỉ tiêu cho ngành/ chuyên ngành này khoảng 3000 [2].
Như vậy, có thể thấy rằng nhu cầu nhân lực trình độ đại học đối với ngành Logistics và Quản trị chuỗi cung ứng rất lớn, bên cạnh đó ngành này cũng là một ngành có liên kết rất chặt chẽ với ngành dệt may để hình thành chuỗi giá trị của ngành dệt may. Bên cạnh đó, số trường đại học đào tạo nguồn nhân lực này đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp còn hạn chế, vì vậy rất cần thiết nghiên cứu mở mới ngành này ngay trong giai đoạn 2021-2022.
5- Giải pháp thúc đẩy cơ hội việc làm tốt cho sinh viên đại học giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030
Với yêu cầu phát triển nghề nghiệp đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030 và thực trạng việc làm của sinh viên đại học như nêu trên, trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội cần tập trung thực hiện những giải pháp trọng tâm như sau để đảm bảo việc làm ngày càng tốt hơn cho sinh viên, cũng là để đảm bảo cho sự phát triển bền vững của nhà trường trong tương lai:
- Tập trung nâng cao chất lượng đào tạo đối với các vị trí việc làm như nêu tại mục 2 để sinh viên ra trường có thể đáp ứng được ngay với yêu cầu của doanh nghiệp; mặt khác, đây cũng là những vị trí việc làm mang lại thu nhập vượt trên mức thu nhập bình quân của xã hội theo từng giai đoạn nêu tại mục 1. Khi thực hiện giải pháp này, trong giai đoạn trước mắt, cần chú trọng đến những ngành đào tạo chưa có sinh viên tốt nghiệp, chưa có thương hiệu để xây dựng thương hiệu tốt ngay từ đầu cho những ngành này.
- Tăng cường kết nối giữa sinh viên đang học với các doanh nghiệp ngay từ giai đoạn thực tập chuyên môn, làm các nghiên cứu khoa học về doanh nghiệp, thực tập tốt nghiệp để sinh viên có cơ hội tiếp xúc với nhà tuyển dụng ngay từ trong quá trình học. Bên cạnh đó, nhà trường cũng sẽ thúc đẩy việc tài trợ học bổng của doanh nghiệp cho sinh viên cam kết làm việc tại doanh nghiệp sau khi tốt nghiệp nhằm gắn kết sinh viên với các vị trí việc làm xác định ngay từ trong quá trình học.
- Tiếp tục duy trì tổ chức ngày hội việc làm hằng năm để các doanh nghiệp được tiếp xúc trực tiếp với sinh viên tốt nghiệp. Trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay, hình thức tổ chức ngày hội việc làm sẽ được đa dạng hóa theo hình thức cả trực tiếp và trực tuyến nhằm mở rộng cơ hội việc làm cho sinh viên.
- Nhà trường nghiên cứu mở thêm các ngành đào tạo mà xã hội có nhu cầu cao, phù hợp với sinh viên đầu vào của trường và nhà trường có tiềm năng đào tạo những ngành mới này có chất lượng tốt ngay từ đầu như nêu tại mục 4 ở trên. Đây là giải pháp cần được thực hiện nhanh nhưng thận trọng để đảm bảo đa dạng hóa các ngành nghề đào tạo có vị trí việc làm tốt cho sinh viên trong tương lai.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
-
Bộ Công Thương (2020), Báo cáo Thương mại điện tử Việt Nam 2020, Hà Nội.
-
Bộ Công Thương (2020), Báo cáo Logistics Việt Nam 2020, Hà Nội.
-
Đại hội XIII của đảng (2021), Nghị quyết đại hội đảng lần thứ XIII, Hà Nội.
-
Hoàng Xuân Hiệp (2016), Nghiên cứu, xây dựng và đề xuất tiêu chí của nguồn nhân lực (Kiến thức, kỹ năng, thái độ) phù hợp với phương thức sản xuất ODM tại các doanh nghiệp may, Báo cáo tổng kết nhiệm vụ nghiên cứu khoa học cấp Bộ, Hà Nội.
-
Tổng cục thống kê (2020), Niên giám thống kê 2020, Hà Nội;
-
Tổng cục thống kê (2020), Báo cáo điều tra lao động việc làm 2019, Hà Nội;
-
Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội (2020), Báo cáo tổng kết đào tạo đại học khóa 1, Hà Nội.
-
Vietnamworks (2020), Thị trường tuyển dụng trực tuyến tại Việt Nam 2019, Hà Nội.
-
WB (2020), Phân loại các quốc gia theo mức thu nhập GDP đầu người giai đoạn 2021-2022, https://blogs.worldbank.org/opendata/new-world-bank-country-classifications-income-level-2021-2022