THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ
Mã ngành: 7340122
Thương mại điện tử đang là xu hướng của thời đại toàn cầu hóa, ngành học hot trong kỷ nguyên số và là cơn “sốt” của các bạn học sinh chuẩn bị vào Đại học.
Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn biến nhanh chưa từng có, với sự hội tụ của nhiều ngành công nghệ đột phá dựa trên nền tảng số hóa, tích hợp với công nghệ thông minh. Tác động của cách mạng công nghiệp 4.0 đã thay đổi cách thức tìm kiếm và mua sắm hàng hóa của người tiêu dùng, với sự trợ giúp của điện thoại thông minh và các trang mạng xã hội như Facebook, Twitter. Đặc biệt, sự xuất hiện của dịch COVID-19 càng đẩy nhanh tốc độ dịch chuyển từ mua bán trực tiếp sang online.
(Nguồn: Thương mại điện tử Việt Nam năm 2022)
Theo Sách trắng Thương mại điện tử Việt Nam của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, tốc độ tăng trưởng quy mô thương mại điện tử của Việt Nam trong 5 năm qua liên tục ở mức cao, có năm lên tới 25-30%... Cuộc khảo sát thương mại điện tử hàng năm của cơ quan này cũng cho thấy nhu cầu mua sắm trực tuyến ngày càng tăng khi có tới 74,8% người dùng internet cho biết họ đã tham gia mua sắm trực tuyến, đây cũng là động lực thúc đẩy các doanh nghiệp tăng cường chuyển đổi số, kéo theo nhu cầu nhân lực thương mại điện tử tăng mạnh. Tuy nhiên nguồn nhân lực thương mại điện tử hiện nay thực sự đang thiếu hụt cả về số lượng và chất lượng, bởi đa số các ứng viên trong lĩnh vực này chưa được đào tạo bài bản, chuyên sâu.
(Nguồn: Sách trắng về TMĐT năm 2021)
Gần đây nhất, khảo sát cho thấy, có tới 64% doanh nghiệp cho biết sẽ ưu tiên tuyển dụng nhân sự được đào tạo về công nghệ thông tin và thương mại điện tử. Như vậy có thể khẳng định Thương mại điện tử đang là ngành học xu hướng, không lo khó kiếm việc làm.
Đứng trước nhu cầu thiếu hụt về nguồn nhân lực được đào tạo bài bản, cùng với đó là đội ngũ giảng viên có trình độ cao đã từng tham gia xây dựng và giảng dạy ngành Thương mại điện tử cho các trường đại học, năm 2023 trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội chính thức triển khai ngành Thương mại điện tử.
Vậy ngành Thương mại điện tử là gì? Học những gì? Ra trường làm gì? Hãy cùng tìm hiểu rõ thông tin về ngành học này để sẵn sàng cho hành trình chinh phục tri thức và lộ trình nghề nghiệp trong tương lai các bạn nhé!
1. Thương mại điện tử là gì?
Thương mại điện tử (E-Commerce) là hình thức kinh doanh trực tuyến sử dụng nền tảng công nghệ thông tin với sự hỗ trợ của Internet để thực hiện các giao dịch mua bán, trao đổi, thanh toán trực tuyến.
2.Ngành thương mại điện tử đào tạo những gì?
- Các kiến về quản trị doanh nghiệp để tổ chức, điều hành và quản trị doanh nghiệp như: Tổng quan thương mại điện tử, Digital Marketing, Quản trị dự án TMĐT, Khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, Quản trị sàn giao dịch điện tử, Quản trị quan hệ khách hàng...
- Các kiến thức và kỹ năng về Thương mại điện tử 4.0 để tổ chức, điều hành doanh nghiệp kinh doanh trên mạng Internet như: Xây dựng và triển khai ứng dụng TMĐT, Marketing điện tử; Thực hiện các hoạt động TMĐT cho doanh nghiệp như: Quảng cáo trực tuyến, tìm kiếm tập khách hàng tiềm năng và chăm sóc khách hàng, Xây dựng quản lý các website TMĐT, triển khai các hoạt động marketing trên Social media...Thực hiện các hoạt động bán hàng xuyên biên giới trên các sàn TMĐT thế giới như: Amazon, eBay, Alibaba. Thiết lập và quản lý các Website, Fanpage về TMĐT của doanh nghiệp.
- Các kiến thức và kỹ năng bổ trợ về công nghệ thông tin, ngoại ngữ, làm việc nhóm để thuần thục các chuyên môn quản trị, đảm bảo an toàn và quản trị rủi ro cho toàn bộ các kênh bán hàng trực tuyến của doanh nghiệp
Ngoài được cung cấp các kiến thức ở trên, sinh viên trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội được định hướng liên quan tới nhóm hàng may mặc, nhóm hàng phổ biến nhất trong các giao dịch trực tuyến, đồng thời chiếm tỷ trọng lớn bậc nhất trong cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam. Với thế mạnh là thành viên của Mạng lưới các cơ sở đào tạo Thương mại điện tử, có quan hệ chặt chẽ với Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam và các doanh nghiệp thương mại điện tử, Nhà trường nhận được nhiều sự hỗ trợ từ các doanh nghiệp, giúp sinh viên được học tập, thực tập trong điều kiện tốt nhất, gắn liền với môi trường nghề nghiệp.
Với những kiến thức và kỹ năng được học sẽ giúp sinh viên:
- Phát triển tư duy sáng tạo, định hướng kinh doanh online, xây dựng ý tưởng khởi nghiệp.
- Khả năng tự phát triển ý tưởng kinh doanh thương mại điện tử trên nền tảng ứng dụng công nghệ số như: thiết bị điện tử thông minh, di động…
- Tiếp thị sản phẩm, dịch vụ bằng Digital Marketing trên nền tảng Internet thông qua website, mạng xã hội Facebook, Google, Youtube, tiktok...
- Quản trị đơn hàng, quan hệ khách hàng, kinh doanh online.
- Thiết kế hệ thống, sáng tạo và triển khai ý tưởng kinh doanh ứng dụng công nghệ số.
3. Vị trí việc làm
- Chuyên viên hoặc nhà quản lý tại các công ty cung cấp giải pháp TMĐT;
- Chuyên viên hoặc nhà quản lý bộ phận quản trị chiến lược, chính sách, kế hoạch kinh doanh và quản trị dự án TMĐT;
- Chuyên viên hoặc nhà quản lý hệ thống thông tin của doanh nghiệp ứng dụng TMĐT;
- Chuyên viên hoặc nhà quản lý hoạt động tác nghiệp TMĐT (marketing và quan hệ khách hàng, mua hàng, kho bảo quản hàng, bán hàng và thanh toán điện tử, …) trong doanh nghiệp;
- Chuyên viên làm việc ở các bộ phận chức năng khác (tài chính, thống kê, nhân sự…) của doanh nghiệp;
- Chuyên viên làm việc ở các bộ phận cung cấp dịch vụ công trực tuyến của cơ quan nhà nước và tổ chức phi chính phủ.
- Chủ doanh nghiệp nhỏ kinh doanh trực tuyến;
- Giảng viên tại các trường đại học, nghiên cứu viên tại các viện nghiên cứu.
4. Phương thức xét tuyển ngành Thương mại điện tử
- Phương thức 1: Xét kết quả học tập THPT theo điểm năm lớp 11+HK1 lớp 12 của các môn trong tổ hợp xét tuyển hoặc điểm năm lớp 12 của các môn trong tổ hợp xét tuyển
- Phương thức 2: Xét điểm thi tốt nghiệp năm 2023
- Phương thức 3: Xét điểm thi ĐGNL của ĐHQGHN
- Phương thức 4: Xét tuyển thẳng theo phương án riêng