Gương mặt “vàng” của Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội

Ngày đăng: 05:02 - 27/09/2019 Lượt xem: 3.314

Từng học tại ngôi trường hàng đầu của tỉnh Thái Nguyên với điểm tốt nghiệp ở mức tốt. Tuy nhiên, Phan Việt Anh – Sinh viên lớp ĐHM6- K1 lại lựa chọn trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội (HTU) để thực hiện giấc mơ của mình. Với Việt Anh, được gia đình hậu thuẫn không phải chỉ là “nền móng” giúp em có thể thực hiện ước mơ, mà em nhận ra được tương lai của công việc sau này trong ngành Dệt May.
 
Bảng thành tích… “khủng”
 
Từng theo học tại trường THPT Chu Văn An (Thái Nguyên), ngôi trường có bề dày thành tích đứng thứ nhì của tỉnh, chỉ xếp sau THPT chuyên Thái Nguyên, Việt Anh từng mơ ước sau này trở thành Kỹ sư Cơ khí. Một chàng trai từng có ước mơ theo ngành cơ khí lại thay đổi 180 độ sang học Công nghệ May tại HTU khiến nhiều bạn bè không khỏi bất ngờ. Việt Anh tâm sự, em rất thích theo học ngành cơ khí, nhưng được một người bác đang công tác trong một DN FDI lớn của ngành Dệt May tư vấn về tiềm năng của ngành sau này, cũng một phần được ba mẹ động viên, nên sau kỳ thi THPT Quốc gia, Việt Anh đã có những đắn đo giữa trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội và Đại học Công nghiệp Hà Nội. Nhưng khi tìm hiểu kỹ hơn về bề dày, cũng như chương trình đào tạo của 02 trường, em đã quyết định đăng ký vào HTU để trở thành sinh viên Đại học khóa đầu tiên của HTU với số điểm thi khối A năm đó đạt 21,5 điểm.
 
Được biết, trong suốt quá trình học Việt Anh đã sở hữu “bảng vàng” thành tích, từng có những công trình nghiên cứu khoa học từ những năm học THCS. Việt Anh kể, năm lớp 9 em từng cùng thầy giáo dạy bộ môn Sinh – Hoá thực hiện nghiên cứu về chất lượng nước rễ cây bèo tây và được đánh giá rất cao. Cũng từ nền tảng đó, lên học THPT em tiếp tục nghiên cứu và thực hiện đề tài cách âm cho các công trình, nhà hàng từ chất liệu xốp được đặt vào giữa 2 bức tường. Theo Việt Anh, đây là một chất liệu tương đối dễ tìm với giá thành tương đối rẻ. Năm đó, đề tài khoa học của Việt Anh đã đạt giải Nhì kỳ thi kiến thức liên môn Quốc gia.
 
Cũng trong 12 năm học, Việt Anh luôn nằm trong top học sinh khá giỏi của lớp, của trường. Những tưởng với nền móng ấy, Việt Anh sẽ lựa chọn những ngôi trường nằm “top” đầu của cả nước để theo học, nhưng em lại lựa chọn ngành Công nghệ May theo tư vấn của gia đình, gạt bỏ lại những hoài bão của tuổi trẻ, lựa chọn theo “lý trí” từ chính sự động viên, khích lệ của gia đình. Với gia đình em, ngành Dệt May còn rất nhiều vùng đất để cho em khai phá.
 
3 năm theo học tại HTU, Việt Anh luôn là gương mặt xuất sắc của trường, năm nào em cũng là sinh viên xuất sắc, và luôn nằm trong nhóm những sinh viên đạt học bổng của trường. Ngay năm đầu Đại học, Việt Anh đã đạt học bổng loại Khá, và nâng thành tích ấy lên loại Giỏi vào năm thứ 2. Thậm chí, bận học là thế, Việt Anh vẫn tích cực tham gia các kỳ thi Olympic do Nhà trường tổ chức. Giải Nhì môn Tin học đại cương, Giải Nhất môn Thiết kế trang phục… là những thành tích “đáng nể” mà Việt Anh đang sở hữu.
 
Có chỗ dựa từ gia đình, nhưng Việt Anh lại không ỷ lại. Em luôn ý thức được công việc của mình sau này và có định hướng rõ ràng trong những năm học Đại học. Với nhiều sinh viên, hầu hết đều đợi gia đình chu cấp hay lựa chọn thuê phòng trọ để ở. Nhưng với tính cách cần kiệm của mình, Việt Anh lại lựa chọn ký túc xá của trường để ở cùng bạn, với mức giá chỉ có 3 triệu/phòng/kỳ. Nếu chia theo đầu người trong phòng với khoảng 6 sinh viên, mỗi người chỉ mất hơn 500 nghìn đồng tiền trọ cho 1 kỳ học. Việt Anh nói, việc ở ký túc xá an ninh vừa tốt, giá thành lại rẻ, mà em có thể cùng bạn bè ôn lại kiến thức, làm bài tập nhóm, hay thực hành cho các môn học.
 
Giấc mơ mang tên “merchandiser”
 
Trong thời gian học, Việt Anh cùng các bạn đều được Nhà trường bố trí thực hành tại Trung tâm sản xuất dịch vụ của trường để “học luôn luôn đi cùng với hành” các môn học như: thiết kế mẫu, giác sơ đồ, thậm chí là công việc của một CN may… Việt Anh thổ lộ: “Trong quá trình học, chương trình đào tạo của trường em thấy khá ổn. Ngoài học lý thuyết, chúng em còn được đi thực hành, thực tập tại Trung tâm sản xuất dịch vụ của trường để rèn luyện thêm chuyên môn nghiệp vụ, nhờ đó giúp em vững vàng hơn trong quá trình học, cũng như không “nao núng” khi ra trường và biết được giấc mơ của mình bắt đầu từ đâu và sẽ thực hiện nó như nào”.
 
Vừa học vừa hành, những ngày hè được về bên gia đình, Việt Anh lại chẳng nghỉ ngơi như những bạn khác. Em đăng ký làm thêm tại một số DN lớn trong ngành Dệt May đóng trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên như May Chiến Thắng, TNG để có thêm kinh nghiệm. Thậm chí em không ngại trở thành một CN may thời vụ, chỉ để tích luỹ thêm kiến thức, kinh nghiệm từ thực tiễn.
 
Tôi hỏi em, nhiều người cho rằng, Công nghệ May chỉ phù hợp với những bạn nữ, liệu rằng em có gặp khó khăn, trở ngại gì hay không? Em cười lớn và nói: “Em thấy mình không gặp bất cứ trở ngại gì. Còn nếu nghĩ rằng Công nghệ May chỉ phù hợp với các bạn nữ thì anh cũng giống như em những ngày đầu và nhiều người chưa hiểu rõ. Ngành May thực sự rất rộng và được chia ra nhiều vị trí việc làm, có rất nhiều lĩnh vực trong ngành May mà phụ nữ thường không có lợi thế của nam giới như QA, QC, quản lý sản xuất, khai thác các phần mềm chuyên ngành, nghiên cứu cải tiến cữ, gá, dưỡng… Những công việc này nam giới thường phù hợp hơn vì tính chất công việc phải thường xuyên di chuyển”.  Tôi hỏi em, dự định sau khi ra trường sẽ làm công việc gì để có thể phát huy kiến thức, chuyên môn trong 4 năm học Đại học? Chẳng mảy may suy nghĩ, Việt Anh liền trả lời: “Em thích nhất là được trở thành Merchandiser hoặc nghiên cứu về mảng kỹ thuật công nghệ.”
 
Ánh mắt tự tin, giọng nói mạch lạc, dứt khoát, Việt Anh cho biết, để thực hiện giấc mơ ấy, em cũng đã xin ba mẹ cho đi học thêm khóa đào tạo Tiếng Anh chuyên ngành về thương mại để sau này có thể thực hiện được ước mơ của mình. 3 năm theo học tại HTU, Việt Anh đã có thể định hướng rõ ràng cho công việc sau này, từ đó để lấy động lực rèn luyện, phấn đấu.
 
Với con đường mình đã chọn, Việt Anh biết rằng lựa chọn merchandiser là đang thử thách bản thân mình rất lớn. Merchandiser là vị trí việc làm đòi hỏi kiến thức, kỹ năng liên môn, liên ngành và thành thạo tiếng Anh chuyên ngành cả 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết, đồng thời nhiều doanh nghiệp còn đòi hỏi kinh nghiệm trong nghề. Tôi hỏi em, nếu như giấc mơ ấy chưa thành hiện thực, em có sẵn sàng làm ở những vị trí khác hay DN nhỏ, để rèn luyện bản thân một vài năm sau khi ra trường, rồi chờ đợi khi có công việc phù hợp hay không? Việt Anh cho biết: “Em có chứ, bởi SV khi mới ra trường như chúng em, đâu phải ai cũng có cơ hội để làm việc tại 1 DN lớn với vị trí mong muốn ngay. Nhưng em không nản chí đâu, bởi em biết tương lai của mình từ ngày em quyết định theo học tại HTU, cũng như tương lai của ngành trong những năm tới. Nhất định em sẽ trở thành một merchandiser thật giỏi trong tương lai.”
                                                                             
                                                                              Nguồn: Tạp chí Dệt May&Thời trang số 9/2019

          
 

Các bài viết khác

THÔNG BÁO TUYỂN DỤNG GIẢNG VIÊN
13/12/2024
194 lượt xem
Thông báo tuyển sinh bổ sung năm 2024
18/08/2024
3.843 lượt xem
Kế toán tiền lương
25/07/2024
242 lượt xem
Tuyển sinh Đại học, Cao đẳng
09/07/2024
2.223 lượt xem

Liên kết website