Hiện nay, thiết bị dệt trong các nhà máy dệt khá đa dạng với nhiều chủng loại, được nhập từ nhiều nước khác nhau. Tuy nhiên, ngành dệt nước ta lại chưa có cuốn sổ tay Công nghệ Dệt (Handbook of weaving) khiến việc tra cứu thông tin, cập nhật các kiến thức mới về công nghệ và thiết bị dệt của các doanh nghiệp, nhất là người trực tiếp sử dụng và vận hành thiết bị, đang gặp nhiều khó khăn.
Xuất phát từ thực tiễn trên, Th.s Vũ Đức Tân – Phó trưởng khoa Sợi Dệt - trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội đã đề xuất nâng cấp cuốn sổ tay công nghệ Sợi, Dệt mà Ông cùng các cộng sự đang nghiên cứu và biên soạn thành đề tài cấp Tập đoàn với tên gọi: “Nghiên cứu biên soạn sổ tay công nghệ dệt” với mục đích phục vụ tra cứu, cập nhật thông tin và góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng thiết bị trong các doanh nghiệp Dệt của Việt Nam“
Toàn cảnh Hội đồng nhà trường họp đề xuất đề tài nghiên cứu
cấp Tập đoàn Dệt May Việt Nam
Trong phần trình bày đề xuất, Th.s Vũ Đức Tân cho biết, đề tài hướng đến 2 mục tiêu, bao gồm:
- Mục tiêu tổng quát: Biên soạn cuốn sổ tay công nghệ Dệt phục vụ việc tra cứu, cập nhật thông tin góp phần khai thác triệt để khả năng công nghệ nhằm nâng cao hiệu quả của thiết bị dệt đã được đầu tư.
- Mục tiêu cụ thể: Biên soạn cuốn sổ tay công nghệ Dệt bao gồm các phần kiến thức liên quan đến thiết bị công nghiệp dệt, thiết kế nhà máy và kiểm tra kỹ thuật trong nhà máy Dệt.
Th.s Vũ Đức Tân trình bày đề xuất
Sau khi nghe phần đề xuất, Hội đồng nhà trường nhận xét về bản chất đây chỉ là cuốn sổ tay tra cứu, chủ yếu là liệt kê các thiết bị mới nhất và biên soạn chúng vào cuốn sổ tay tra cứu. Hội đồng gợi ý tác giả không nên đăng ký dưới dạng đề tài khoa học mà có thể đăng ký làm thành cuốn “sổ tay công nghệ dệt ” phục vụ tra cứu, cập nhật thông tin và góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng thiết bị trong các doanh nghiệp Dệt của Việt Nam.
Quốc Khánh – Phòng Tuyển sinh và Truyền thông