Ngày 08/12/2019, tại Khách sạn Hoa Lư Thành phố Ninh Bình Tỉnh Ninh Bình, trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội kết hợp với Công ty Cổ phần May Xuất Khẩu Ninh Bình tổ chức Lễ báo cáo cuối khóa và bế giảng cho 2 lớp Kỹ năng mềm dành cho Tổ trưởng tổ sản xuất.
Ảnh 1. Toàn cảnh Lễ báo cáo cuối khóa và bế giảng lớp Kỹ năng mềm dành cho Tổ trưởng tổ sản xuất
Tham dự buổi Báo cáo cuối khóa và bế giảng, về phía Công ty Cổ phần May Xuất Khẩu Ninh Bình có bà Phạm Thị Lan Hương - Giám đốc Công ty; bà Hoàng Thị Hiên, Phó Giám đốc. Về phía công ty Cổ phần May Xuất Khẩu Ninh Bình 2 có bà Hoàng Thị Hòa, Giám đốc. Về phía trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội có Thầy Tạ Văn Cánh, Phó Trưởng khoa Kinh tế và cô Đinh Thị Thủy – Phó Bộ môn Quản trị kinh doanh khoa Kinh tế, giảng viên lớp học.
Ảnh 2.Thầy Tạ Văn Cánh - Phó Khoa Kinh tế phát biểu
Phát biểu tại buổi Báo cáo cuối khóa, Thầy Tạ Văn Cánh, phó Phó Khoa Kinh tế cho biết thành công của bất cứ một cán bộ quản lý nào là sự kết hợp của cả kỹ năng cứng và kỹ năng mềm. Kỹ năng cứng chính là kiến thức chuyên môn còn kỹ năng mềm là cách thức giao tiếp ứng xử với cong người, là kỹ năng phối hợp, giải quyết xung đột và giải quyết vấn đề. Trong thực tế, kỹ năng chuyên môn được đào tạo và rèn luyện thường xuyên nên kỹ năng chuyên môn của đội ngũ cán bộ quản lý tổ khá tốt nhưng kỹ năng mềm về giao tiếp ứng xử, giải quyết vấn đề còn yếu và thiếu. Quán triệt chỉ đạo của Ban giám hiệu nhà trường và kỳ vọng của công ty, khoa Kinh tế chúng tôi đã phân công và quán triệt tới thầy/ cô giảng dạy lớp Kỹ năng mềm phải tăng cường cho học viên thực hành, ứng dụng vào các tình huống thực tế của công việc, đồng thời tư vấn cho từng nhóm học viên cách lĩnh hội kiến thức và kỹ năng phù hợp để mỗi học viên là các tổ trưởng, tổ phó chuyền may vận dụng hiệu quả nhất các kỹ năng mềm cho bản thân trong công quá trình quản lý và điều hành tổ.
Ảnh 3. Bà Phạm Thị Lan Hương, Giám đốc công ty Cổ phần May Xuất Khẩu Ninh Bình phát biểu
Trong buổi Báo cáo cuối khóa Bà Phạm Thị Lan Hương, Giám đốc công ty Cổ phần May Xuất Khẩu Ninh Bình cám ơn sự quan tâm chỉ đạo của Ban giám hiệu, sự ân cần, chuyên nghiệp của các thầy/cô đã truyền ngọn lửa nhiệt huyết cho học viên để tất cả các học viên trong lớp đều hứng thú với tiết học và phản hồi tích cực sau các tiết học kỹ năng mềm. Sau một tuần học, một số đồng chí tổ trưởng, tổ phó chuyền may đã bớt rụt rè khi đứng trước đám đông, biết cách giao tiếp với cấp trên, với đồng nghiệp và với cấp dưới một cách tự tin, rõ ràng. Với chương trình đào tạo bài bản, giảng viên dày dặn kinh nghiệm, Ban lãnh đạo công ty tin tưởng sau khóa học học viên ứng dụng được tốt các kỹ năng mềm được học vào trong công việc, trong cuộc sống gia đình.
Ảnh 4. Giảng viên lớp học – cô Đinh Thị Thủy phát biểu, giới thiệu Ban giám khảo và phổ biến hình thức, tiêu chí đánh giá báo cáo
Thay mặt các giảng viên bộ môn, Cô Đinh Thị Thủy gửi lời cảm ơn Ban lãnh đạo công ty đã rất quan tâm và tạo điều kiện cho giảng viên có đủ thiết bị, đồ dùng dạy học, tạo điều kiện cho anh chị em học viên tích cực và yên tâm tham gia lớp học để lớp học có đủ 100% thời lượng khóa học. Tiếp đó, cô Đinh Thị Thủy giới thiệu thành phần Ban giám khảo, phổ biến hình thức và tiêu chí đánh giá báo cáo cuối khóa, cách thức tổ chức thảo luận và trình bày báo cáo cuối khóa cho 10 nhóm học viên của 2 lớp.
Ảnh 5. Hội đồng giám khảo
Lớp học được chia thành 10 nhóm, mỗi nhóm tối đa 8 thành viên được bốc thăm ngẫu nhiên 1 tình huống bất kỳ liên quan đến các phát sinh xảy ra trong quá trình quản lý điều hành tổ sản xuất. Mỗi nhóm sẽ làm việc cá nhân trong thời gian 10 phút để mỗi học viên có thời gian suy nghĩ, đưa ra cách nhìn nhận vấn đề và hướng xử lý tình huống. Sau đó, nhóm trưởng mỗi nhóm sẽ tổ chức làm việc nhóm theo kỹ thuật Khăn chải bàn để thảo luận, thống nhất ý kiến, hình thức thể hiện tình huống trong vòng 30 phút. Hết thời gian, các nhóm nộp biên bản thảo luận và kết quả thảo luận về Ban tổ chức để tiến hành đánh giá.
Ảnh 6.1 Các nhóm tổ chức làm việc cá nhân
Ảnh 6.2. Các nhóm thảo luận tình huống
Ban tổ chức tiến hành bốc thăm để xác định thứ tự trình bày của 8 nhóm, mỗi nhóm có thời gian 10-15 phút trình bày kết quả thảo luận của nhóm và có thời gian 3 đến 5 phút nghe nhận xét và trả lời chất vấn của Ban giám khảo. Nhóm học viên có ý thức và tinh thần trách nhiệm cao, sáng tạo trong lựa chọn hình thức trình bày kết quả thảo luận. Có nhóm học viên còn tổ chức đóng vai để thể hiện cụ thể tình huống một cách kịch tính và xử lý khá mềm mỏng, linh hoạt và sát thực với thực tế doanh nghiệp và đặc thù của người lao động trong doanh nghiệp. Ban giám khảo đánh giá cao tinh thần nghiêm túc, ý tưởng sáng tạo, sự tự tin của các nhóm học viên trong quá trình báo cáo đồng thời đưa ra những nhận xét hết sức công tâm, mang tính xây dựng để giúp các học viên hoàn thiện bản thân, vận dụng linh hoạt trong thực tế quản lý điều hành tổ sản xuất.
Ảnh 7.1 Một số hình ảnh buổi báo cáo
Ảnh 7.2 Một số hình ảnh buổi báo cáo
Ảnh 7.3 Một số hình ảnh buổi báo cáo
Ảnh 7.4 Một số hình ảnh buổi báo cáo
Buổi báo cáo cuối khóa được tổ chức trong bầu không khí nghiêm túc, khẩn trương và chuyên nghiệp, các nhóm học viên rất cầu thị trong tiếp thu ý kiến nhận xét của Ban giám khảo và thể hiện quyết tâm cao độ trong thay đổi nếp nghĩ, vận dụng và rèn luyện kỹ năng mềm thường xuyên trong thực tế sản xuất và cuộc sống gia đình để góp phần cải thiện bầu không khí làm việc, thúc đẩy năng suất, chất lượng và giữ chân người lao động cho công ty.
Ảnh 8. Bà Phạm Thị Lan Hương phát biểu tổng kết buổi báo cáo cuối khóa
Bà Phạm Thị Lan Hương vô cùng xúc động và tự hào về đội ngũ lao động của công ty khi chứng kiến sự trưởng thành, chuyên nghiệp và cầu thị của họ. Thay mặt ban lãnh đạo công ty, bà kêu gọi mọi học viên hãy nhớ thật kỹ, thật lâu và vận dụng thường xuyên các kiến thức quý báu mà quý thầy cô đến từ Trường Đại học Công nghiệp Dệt May truyền đạt, các học viên hãy là những người thầy mẫu mực để dạy lại những kiến thức đã học cho đồng nghiệp, cho cấp dưới để mỗi người lao động trong công ty vừa hồng vừa chuyên, góp phần cho sự thắng lợi của công ty trong thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh của công ty. Một lần nữa, bà Phạm Thị Lan Hương gửi lời cảm ơn tới Ban giám hiệu, Quý thầy cô và đặc biệt là cô Đinh Thị Thủy – Giảng viên khoa Kinh tế đã rất tâm huyết và biết cách truyền lửa cho các học viên và bà rất mong muốn được hợp tác với trường thực hiện nhiều các khóa học bổ ích khác cho đội ngũ kỹ thuật, cơ điện và bộ phận lao động trực tiếp của công ty.
Buổi báo cáo cuối khóa Kỹ năng mềm dành cho 02 lớp tổ trưởng tổ sản xuất của Công ty cổ phần May XK Ninh Bình được tổ chức long trọng tai Khách sạn Hoa Lư và thành công tốt đẹp. Ban giám khảo đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng và thể hiện kỹ năng mềm của các học viên. Kính chúc cho Công ty cổ phần May XK Ninh Bình phát triển và thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, chúc cho sự hợp tác của Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội và công ty cổ phần May xuất khẩu Ninh Bình ngày một bền chặt, hiệu quả và toàn diện.
Đinh Thị Thủy – Khoa Kinh tế