Một trong các vị trí việc làm được nhiều sinh viên ngành công nghệ kỹ thuật điện, điện tử trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội (HTU) lựa chọn là: “Kỹ sư thiết kế, vận hành và bảo trì hệ thống phần cứng và phần mềm điều khiển máy móc, thiết bị tự động, hệ thống sản xuất tự động, đặc biệt là trong lĩnh vực dệt may“. Để trở thành một kỹ sư có năng lực này, sinh viên cần phải có niềm đam mê với lập trình, có tư duy logic được thể hiện trong nhóm các học phần Vi xử lý, vi điều khiển, điều khiển logic đặc biệt là lập trình điều khiển PLC (Programmable Logic Controller).
PLC đóng vai trò gì?
PLC được thiết kế để thay thế các hệ thống rơ le, công tắc tơ, nút nhấn… nhằm cung cấp một giải pháp linh hoạt điều chỉnh hoạt động của hệ thống điều khiển thay vì phải thay thế rơ le, công tắc tơ hiện có… Chương trình điều khiển bằng PLC được tải xuống nhanh chóng từ máy tính hoặc thiết bị lập trình, cho phép thay đổi logic điều khiển chỉ trong vài giây. PLC được ứng dụng hết sức phổ biến trong sản xuất công nghiệp để điều khiển các dây chuyền sản xuất dệt may, chế biến thực phẩm, gỗ, nhựa…; điều khiển hệ thống vận hành, băng tải vận chuyển; điều khiển các công trình toà nhà lớn: điều khiển thang máy, hệ thống cung cấp điện, nước...
Hình 1. Hệ thống tủ điện công nghiệp dùng PLC điều khiển
Hình 2. Hệ thống robot trong dây chuyền sản xuất thực phẩm được điều khiển bằng PLC
Sinh viên ngành Công nghệ kỹ thuật Điện-Điện tử tại HTU học lập trình PLC như thế nào?
Chương trình đào tạo kỹ năng lập trình PLC cho sinh viên đại học ngành Công nghệ kỹ thuật Điện-Điện tử: sinh viên được nghiên cứu lý thuyết, làm thí nghiệm lập trình điều khiển bằng PLC đối với các động cơ 1 pha, 3 pha không đồng bộ, động cơ bước, động servo… với các bài toán điều khiển cụ thể. Trong quá trình học tập, sinh viên được thực hành trên hệ thống PLC hiện đại, được sản xuất bởi các hãng nổi tiếng như Siemens, Mitsubishi và nhiều hãng khác. Việc thực hành trên những thiết bị thực tế sẽ giúp sinh viên tự tin và sẵn sàng đương đầu với các thách thức trong công việc sau này.
SV với nội dung thực hành PLC
Sinh viên được học PLC thông qua nghiên cứu khoa học: Các công trình nghiên cứu khoa học ứng dụng PLC cũng là lựa chọn hàng đầu của các bạn sinh viên ngành Công nghệ kỹ thuật Điện-Điện tử. Ý tưởng phát triển các hệ thống điều khiển bằng PLC luôn mang tính ứng dụng cao, được sinh viên ngành công nghệ kỹ thuật điện - điện tử, trường Đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội phát huy xuất sắc trong các báo cáo đồ án, khóa luận tốt nghiệp hay nghiên cứu khoa học của mình.
Môi trường học tập thân thiện: HTU tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên tiếp thu kiến thức, học tập theo nhóm và thảo luận với giảng viên khi nghiên cứu lý thuyết, thí nghiệm PLC. Bên cạnh đó, sự hỗ trợ của các bạn học cùng lớp và tinh thần đoàn kết giúp sinh viên cảm thấy tự tin và vui vẻ trong quá trình học tập.
Đội ngũ giảng viên giảng dạy học phần PLC có trình độ cao, 10 năm kinh nghiệm trong thực tiễn điều khiển bằng PLC
Ngành Công nghệ kỹ thuật Điện-Điện tử sở hữu một đội ngũ giảng viên giàu tính học thuật với 100% giảng viên có trình độ tiến sĩ và thạc sĩ, nhiều giảng viên có trên 10 năm kinh nghiệm trong đào tạo và nghiên cứu khoa học liên quan đến vi xử lý, vi điều khiển, PLC. Các công trình nghiên cứu khoa học được công bố trên các tạp chí ISI, Scopus của giảng viên ngành công nghệ kỹ thuật Điện-Điện tử là minh chứng cho khả năng truyền đạt kiến thức chuyên sâu và cập nhật về các công nghệ mới nhất trong lĩnh vực điều khiển tự động, hệ thống PLC cho sinh viên và bảo đảm rằng sinh viên sẽ tiếp cận được kiến thức thực tế và ứng dụng trong môi trường sản xuất thực tế.
Thiết bị may là đối tượng điều khiển để nghiên cứu lập trình PLC trên thiết bị thực
Thông tin về ngành Công nghệ kỹ thuật điện, điện tử
Tác giả: ThS. Bùi Thế Thành
Đơn vị: Khoa Cơ điện |