Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024 đã chính thức khai mạc, đánh dấu một sự kiện quan trọng trong lĩnh vực sáng tạo, nghệ thuật và văn hoá thủ đô. Với chủ đề “Giao lộ Sáng tạo”, Lễ hội không chỉ tôn vinh những giá trị truyền thống mà còn thúc đẩy tư duy đổi mới, kết nối và phát triển không gian sáng tạo của Hà Nội. Đêm ngày 11/11, show diễn thời trang mang chủ đề “Hà Nội chốn đi về” đã diễn ra tại Quảng trường Cách mạng Tháng Tám, Nhà hát Lớn - số 1 Phố Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Với chủ đề “Hà Nội chốn đi về”, các bạn sinh viên khoa Thời trang trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà đã tái hiện một Hà Nội đầy cảm xúc qua ngôn ngữ của thời trang. Đây không chỉ là một show diễn đơn thuần, mà còn là hành trình khám phá và kết nối những giá trị văn hóa sâu sắc của Thủ đô với dòng chảy sáng tạo đương đại. Qua sự sáng tạo của các NTK trẻ mang đến những giá trị mới đầy lôi cuốn đã tạo nên một đêm diễn thu hút sự tham gia của đông đảo khách mời là các đơn vị trường học, các chuyên gia thời trang, nhà thiết kế, sinh viên và người yêu thời trang...
Tại Lễ hội Thiết kế Sáng tạo 2024, các bạn sinh viên khoa Thời trang – trường đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội đã để lại dấu ấn mạnh mẽ qua bộ sưu tập “Giao Cảm”, mang đến một bữa tiệc thị giác đầy cảm xúc. Bộ sưu tập chính là Khúc giao mùa khi Hà Nội chuyển sang Thu, không gian như lắng đọng để thấm đẫm từng nhịp cảm xúc.
Bộ sưu tập được chia thành năm dòng thiết kế nhỏ, mỗi dòng như một mảnh ghép thể hiện cá tính và sắc thái độc đáo: “Dung nham” bùng nổ và mạnh mẽ, “Daruma Nhật Bản” mang hơi thở Á Đông sâu sắc, “Hải Lãng” hòa quyện vẻ đẹp của biển cả, “Đồng Kim dấu ấn” đậm chất truyền thống thủ công và “Mảnh ghép nổi loạn” tràn đầy năng lượng phá cách. Lấy chủ đề “Hà Nội – Chốn đi về”, show diễn không chỉ làm nổi bật vẻ đẹp văn hóa của Thủ đô mà còn gợi mở một Hà Nội vừa thân quen, vừa mới mẻ qua những góc nhìn sáng tạo, đầy sức sống. “Giao Cảm” không chỉ là một bộ sưu tập thời trang mà còn là bản giao hưởng văn hóa, truyền cảm hứng cho người xem về tình yêu Hà Nội và niềm tự hào dân tộc.
BST Dung nham của NTK trẻ Nguyễn Thị Nguyên
BST “Dung nham” của NTK trẻ Nguyễn Thị Nguyên ĐHTT - K5 với ý tưởng từ kỹ thuật tạo hình trên vải, mượn hình ảnh các hiện tượng tự nhiên như: Dung nham, trăng máu, lốc xoáy, thủy triều đỏ,… Từ đó sử dụng các kĩ thuật xếp ly, xếp nhún vải, đính kết, đắp phủ,… để tạo nên những bộ trang phục độc đáo, cá tính mạnh mẽ.
BST Búp bê Daruma Nhật Bản của NTK Nguyễn Thị Thắm
BST “Búp bê Daruma Nhật Bản” của NTK Nguyễn Thị Thắm ĐHTT - K3 với ý tưởng được nghiên cứu về búp bê Daruma Nhật Bản. BST với những chi tiết trang phục được đưa từ hình dáng búp bê Daruma đã được đơn giản, biến tấu để cho ra BST bắt mắt và kỳ công, với những nét tinh tế sáng tạo với những phom dáng khối phồng theo xu hướng đã được kết hợp ở tay, vai. Đặc biệt là sự phối hợp một cách tài tình giữa chất liệu và phụ trang để không làm lu mờ các họa tiết của búp bê.
BST Hải Lăng của NTK trẻ Nguyễn Thu Hiền và Nguyễn Thu Hà
BST “Hải Lãng” của NTK trẻ Nguyễn Thu Hiền - Nguyễn Thị Thu Hà sinh viên ĐHTT - K 7 với ý tưởng từ kĩ thuật tạo hình trên vải, mượn hình ảnh thiên nhiên Sóng. Từ đó, sử dụng kĩ thuật đính kết, đắp phủ,... để tạo nên những bộ trang phục sang trọng, tinh tế nhưng không kém phần độc đáo.
BST "Những mảnh ghép nổi loạn” của NTK Cúc Xuka
Ngoài những BST hướng tới lịch sử dân tộc, sinh viên HTU còn “chiêu đãi” người xem những màn trình diễn thời trang vô cùng bắt mắt và bùng nổ. BST "Những mảnh ghép nổi loạn” của NTK Cúc Xuka là sự hòa quyện giữa nghệ thuật và bền vững, nơi những mảnh vải vụn được tái sử dụng khéo léo để tạo ra nét đẹp độc đáo. Những mảnh ghép này không chỉ đơn thuần là vải; chúng là những kỷ niệm, cảm xúc, và là những câu chuyện chưa kể. Khi được kết nối lại với nhau, chúng tạo nên một tác phẩm sống động, thể hiện sức mạnh của sự khác biệt và sự táo bạo trong việc thể hiện bản thân.
BST “Đồng Kim dấu ấn” của NTK Vũ Thị Linh Chi
Và cuối cùng không thể thiếu những thiết kế mang đậm dấu ấn Việt Nam đó chính là BST “Đồng Kim dấu ấn” của NTK Vũ Thị Linh Chi. BST lấy cảm hứng từ nghệ thuật Đúc đồng, một trong những nghệ thuật truyền thống nổi tiếng văn hóa của nghệ thuật Việt Nam. Với gam màu chủ đạo là nâu, vang gold và đen, kết hợp với kỹ thuật trần bông và đính kết nhằm tái hiện lại họa tiết một cách trân thật nhất.
Với những hoạt động phong phú và ý nghĩa, Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2024 hứa hẹn là điểm đến lý tưởng cho những ai yêu thích văn hoá, nghệ thuật và sáng tạo. Sự kiện kéo dài trong nhiều ngày (Từ 9-17/11/2024), mang đến cơ hội không chỉ cho cộng đồng sáng tạo mà còn cho tất cả mọi người cùng nhau khám phá, trải nghiệm và trân trọng những giá trị của văn hoá Hà Nội.
Phòng TS&TT