Lễ khai giảng năm học 2023-2024 và Công bố quyết định, trao giấy chứng nhận kiểm định chất lượng hai chương trình đào tạo

Ngày đăng: 11:06 - 09/10/2023 Lượt xem: 717

Sáng ngày 9 tháng 10 năm 2023, Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội (HTU) long trọng tổ chức Lễ khai giảng năm học 2023 - 2024 và công bố Quyết định, trao chứng nhận kiểm định chất lượng chương trình đào tạo ngành Công nghệ may và Quản lý công nghiệp.
 

Toàn cảnh buổi lễ


Tới dự có PGS.TS Trần Xuân Nhĩ – Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT; PGS.TS Nguyễn Phương Nga – Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục, Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam; Ông Lê Tiến Trường – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT Vinatex, Chủ tịch Hội đồng trường HTU; Ông Nguyễn Song Hải- Phó Tổng Giám đốc Vinatex cùng Lãnh đạo các Ban chức năng của Tập đoàn. Về phía trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội, có TS. Hoàng Xuân Hiệp – Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Nhà trường cùng các thầy, cô trong Ban giám hiệu, lãnh đạo các Khoa/Phòng và đại diện sinh viên ưu tú.
 

TS. Hoàng Xuân Hiệp – Hiệu trưởng HTU


Phát biểu khai mạc Lễ khai giảng năm học 2023 – 2024, TS. Hoàng Xuân Hiệp – Hiệu trưởng HTU cho biết, ngay từ những năm đầu thành lập, HTU đã từng bước khẳng định uy tín và thương hiệu bằng chất lượng đào tạo, học kỹ năng tư duy đi đôi với thực hành chuyên môn, gắn đào tạo và nghiên cứu khoa học với thực tế doanh nghiệp và nhu cầu nhân lực của xã hội…

Trường có trên 83% giảng viên có trình độ Tiến sĩ, Thạc sĩ; 30% giảng viên đã có kinh nghiệm công tác tại doanh nghiệp từ 3-5 năm. Hai ngành đào tạo đại học chủ chốt của trường là Công nghệ May và Quản lý công nghiệp có từ 88-100% giảng viên có trình độ Tiến sĩ, Thạc sĩ. Nhà trường hiện có tổng số 319 phòng học lý thuyết, thực hành, thí nghiệm, xưởng thực tập sản xuất, được trang bị trên 3000 thiết bị hiện đại; Hệ thống chuyển đổi số đã được đầu tư để đồng bộ hóa các hoạt động quản trị trong nhà trường từ khâu tuyển sinh, tổ chức đào tạo; cải tiến 8 chương trình đào tạo đại học theo phương pháp CDIO; Trung tâm sản xuất dịch vụ với quy mô 500 nhân lực, nhiều thiết bị CAD/CAM, CNC, tự động hóa, kỹ thuật số, chuyên tổ chức sản xuất hàng xuất  khẩu cho thị trường Mỹ, châu Âu, Hàn Quốc… là hình mẫu cho đào tạo và nghiên cứu theo định hướng ứng dụng, góp phần đẩy mạnh công tác đào tạo sinh viên trong môi trường làm việc đạt chuẩn quốc tế…

“Với việc quyết liệt triển khai giá trị cốt lõi về chất lượng tại trường, tính đến tháng 9/2023, Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội đã có 22% chương trình đào tạo đạt kiểm định chất lượng, cao hơn 2% so với hệ thống giáo dục đại học cả nước. Toàn quốc hiện có 7/11 trường đại học đào tạo ngành Công nghệ May đạt chuẩn kiểm định chất lượng chương trình đào tạo, trong đó có 5/7 trường đạt chuẩn của Bộ GD&ĐT thì trường HTU đứng thứ hai về số tiêu chí đạt chuẩn là 92%. Cả nước có 6/14 trường đại học đào tạo ngành Quản lý Công nghiệp đạt chuẩn kiểm định chất lượng chương trình đào tạo, trong đó có 3/6 trường đạt chuẩn của Bộ GD&ĐT thì HTU đứng thứ nhất về số tiêu chí đạt chuẩn là 92%”- TS. Hoàng Xuân Hiệp nhấn mạnh.

Nhắn nhủ tới các tân sinh viên, Hiệu trưởng HTU cho biết, trong 4 năm học tập tại HTU, các em cần phải lập kế hoạch cuộc đời, không ngừng thử sức trong việc thảo luận với các thầy cô và bạn bè về các ý tưởng sáng tạo trong học tập, nghiên cứu khoa học và đặc biệt là trải nghiệm thực tiễn tại doanh nghiệp. Đồng thời, chủ động trang bị cho mình khả năng thích ứng cao với sự thay đổi, sẵn sàng đối diện với những thách thức, thậm chí những biến cố trong cuộc đời và tìm cách giải quyết chúng để khẳng định bản thân, sống có trách nhiệm, sống tự chủ và biết làm chủ cuộc đời mình; hãy tự làm giàu thêm hành trang của mình không chỉ bằng tri thức, kỹ năng chuyên môn, tiếng Anh, tin học theo chuẩn quốc tế mà còn bằng tình bạn, sự sẻ chia và các mối quan hệ xã hội.
 

HTU nhận chứng nhận kiểm định chất lượng giáo dục cho 2 ngành Công nghệ May và Quản lý công nghiệp 
 

Trước sự chứng kiến của các quý vị đại biểu, toàn thể cán bộ, giảng viên, công nhân viên và sinh viên, Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội đã vinh dự được nhận Chứng nhận kiểm định chất lượng cho 02 chương trình đào tạo chính quy trình độ đại học ngành Công nghệ may và Quản lý công nghiệp từ Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục, Hiệp hội Các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam.

 

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ – Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT đánh giá cao tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm ngay của HTU

Phát biểu tại buổi lễ, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ – Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT chia sẻ, chúng ta đang trong môi trường của CMCN 4.0, có những ngành nghề ngày càng phát triển, những cũng có những ngành không đáp ứng được nhu cầu của xã hội sẽ tự động suy giảm và biến mất. Nhưng với ngành Dệt May, nhu cầu ăn – mặc – ở là một trong những nhu cầu tất yếu của xã hội, do đó ngoài việc phát triển trí tuệ con người, thì ngành thời trang sẽ luôn luôn tồn tại và phát triển gắn với chuyển đổi trong môi trường số, tích hợp các ứng dụng kỹ thuật trong sản xuất thời trang. Theo khảo sát khi kiểm định chất lượng 2 ngành, tỷ lệ sinh viên ra trường có việc ngay, có ngành tới 99%, với mức thu nhập bình quân từ 8 – 10 triệu đồng/tháng là một con số ấn tượng, và đây cũng là một yếu tố thuận lợi đối với Nhà trường trong công tác tuyển sinh, cũng như giúp sinh viên có nhận thức đúng đắn về định hướng công việc. Việc trao kiểm định chất lượng 2 ngành học quan trọng của Nhà trường cũng là sự khẳng định về chất lượng đào tạo, cam kết của nhà trường về đầu ra cho sinh viên, đây thực sự là một trong minh chứng thể hiện được những thành tích tốt của nhà trường trong đào tạo bậc Đại học, Cao đẳng.
 

Ông Lê Tiến Trường – Chủ tịch HĐQT Vinatex, Chủ tịch Hội đồng trường đánh trống khai giảng năm học 2023 – 2024 và phát biểu chỉ đạo
 

Chúc mừng thầy, trò nhà trường đón nhận chứng nhận kiểm định chất lượng chương trình đào tạo tại Lễ khai giảng, ông Lê Tiến Trường – Chủ tịch HĐQT Vinatex, Chủ tịch Hội đồng trường cho biết, năm học mới 2023 – 2024 được khai giảng trong bối cảnh ngành dệt may gặp nhiều khó khăn. Nhưng đây chỉ là khó khăn trong ngắn hạn, bởi xét về 12 tiêu chí căn bản nhất để đánh gia năng lực cạnh tranh của các quốc gia sản xuất – xuất khẩu dệt may thì Việt Nam vẫn đứng cao nhất trong top 5 các nước xuất khẩu dệt may. Do đó, về trung và dài hạn, Việt Nam vẫn là một cường quốc về dệt may bởi nhiều yếu tố như: chất lượng, kỹ thuật cao là thế mạnh của Việt Nam; ưu đãi thuế quan với EU sẽ về 0% vào năm 2026; Việt Nam có vị trí địa lý thuận lợi, là khu vực phát triển nhanh, tiền đề cho chuỗi cung ứng đặt tại Việt Nam để sản xuất; Chất lượng giáo dục, nguồn nhân lực cao hơn các quốc gia cạnh tranh như Bangladesh, Myanmar, Campuchia…
 

Đối với Việt Nam, trong thời gian tới, một trong những yếu tố cốt lõi là cần tăng nhanh nguồn nhân lực chất lượng Đại học, Cao đẳng để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao trong nền kinh tế số, trong đó tập trung phát triển mô hình sản xuất từ thiết kế thời trang đến sau bán hàng, làm việc từ xa trên nền tảng số. Ngoài ra, nguồn nhân lực cũng cần có kỹ năng tiếng Anh, làm việc trên môi trường số và quốc tế.

Với các em sinh viên Đại học khóa 8, chọn học lĩnh vực công nghiệp dệt may có thể chưa phải là 1 ngành nghề “trải sẵn hoa hồng”, nhưng chắc chắn đây sẽ là một lựa chọn đúng đắn khi cơ hội việc làm và dự địa phát triển của ngành còn phát triển tại Việt Nam trong 30 năm tới với trọng tâm là đổi mới nguồn nhân lực từ giản đơn sang lao động trí thức. Nếu trước đây tỷ lệ cán bộ kỹ thuật trong sản xuất chỉ khoảng 1% với ngành May thì mô hình mới cần ít nhất 5%. Đối với ngành Sợi, công nhân lao động thủ công sẽ giảm bởi sự thay thế bởi máy móc, tự động hóa, nhưng cán bộ kỹ thuật sẽ tăng cao.

Với HTU, mục tiêu của Nhà trường là sinh viên tốt nghiệp có việc làm, có thu nhập cao và có thể làm chủ các doanh nghiệp trong ngành may mặc. Do đó, ngay từ bây giờ, các em sinh viên cần trang bị 7 thói quen: (1) Liên tục học cái mới, làm mới mình; (2) Chủ động; (3) Bắt đầu bất cứ công việc nào để có mục đích cụ thể; (4) Biết sắp xếp thứ tự ưu tiên; (5) Suy nghĩ win – win/ Lợi người – Lợi ta; (6) Hiểu mình – hiểu người – được mọi người hiểu; (7) Hòa đồng, hoạt động nhóm, tập thể. Những yếu tố này cần được rèn luyện và duy trì để các em trở thành những người làm việc hiệu quả trong môi trường doanh nghiệp.

Với HTU, mô hình trường công lập tự chủ là một mô hình tương đối “đặc biệt”, hoạt động theo các quy chuẩn của trường công lập nhưng tự chủ hoàn toàn về tài chính. Do đó, việc liên tục đổi mới, nhất là chương trình và nội dung đào tạo là một trong những yếu tố then chốt để thu hút người học. Việc 2 chương trình đào tạo được công nhận chất lượng giáo dục là sự khẳng định cam kết của nhà trường với người học và xã hội, là sự nỗ lực của toàn thể cán bộ, giảng viên nhà trường ngay sau khi nhà trường được trao chứng nhận về kiểm định chất lượng trong năm học 2022-2023. Bên cạnh đó, HTU cần xây dựng cho sinh viên được trải nghiệm thật mô hình sản xuất thông qua trung tâm sản xuất dịch vụ của Nhà trường để các em được trải nghiệm thực tiễn đang diễn ra tại DN chứ không chỉ là “cầu nối” trang bị cho các em sinh viên giữa nhà trường và doanh nghiệp.
 

Ông Nguyễn Song Hải – Phó TGĐ Vinatex trao danh hiệu Chiến sỹ thi đua cấp Tập đoàn và Bằng khen Tổng Giám đốc cho các tập thể, cá nhân…

TS. Hoàng Xuân Hiệp trao quà tặng vinh danh thủ khoa đầu vào năm 2023

Cũng trong dịp này, Lãnh đạo Tập đoàn Dệt May Việt Nam đã trao danh hiệu Chiến sỹ thi đua cấp Tập đoàn và Bằng khen Tổng Giám đốc cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong năm học 2022 – 2023; Vinatex tài trợ quỹ học bổng doanh nghiệp cho HTU với số tiền 276 triệu đồng. Nhiều doanh nghiệp trong Tập đoàn cũng tài trợ quỹ học bổng của nhà trường với số tiền hàng trăm triệu đồng như: Công đoàn Dệt May Việt Nam, Tổng Công ty CP Dệt May Hòa Thọ, CTCP Tổng Công ty May Đáp Cầu, Tổng Công ty May 10 – CTCP, Nhà máy Sợi Vinatex Nam Định…

Trong không khí tưng bừng, phấn khởi của Lễ khai giảng năm học mới Th.s Đào Thị Hằng–  Phó trưởng khoa Kinh tế , đại diện cho hơn 300 cán bộ, giảng viên, công nhân viên và tân sinh viên La Thị Kim Anh,đại diện gần 5000 sinh viên đã lên phát biểu và hứa quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ giảng dạy và học tập năm học 2023-2024.
 

Th.s Đào Thị Hằng - phó trưởng khoa Kinh tế

Tân sinh viên La Thị Kim Anh phát biểu tại buổi lễ

Lễ khai giảng năm học 2023 - 2024 và công bố Quyết định, trao chứng nhận kiểm định chất lượng chương trình đào tạo ngành Công nghệ may và Quản lý công nghiệp kết thúc trong niềm vui và phấn khởi của cán bộ, giảng viên và sinh viên HTU. Việc đạt kiểm định chất lượng chương trình đào tạo đã mang lại nhiều lợi ích cho nhà trường, người học và xã hội. Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội tiếp tục xây dựng lộ trình đánh giá các chương trình đào tạo tiếp theo và chuẩn bị các điều kiện để tiến tới đánh giá chất lượng chương trình đào tạo theo chuẩn quốc tế nhằm liên tục duy trì, cải tiến và phát triển văn hóa chất lượng trong bối cảnh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh giai đoạn 2024-2030.
 


 

Lãnh đạo Hiệp hội các trường ĐH, CĐ, Tập đoàn Dệt May Việt Nam và các doanh nghiệp chúc mừng Nhà trường

 

Một số hình ảnh khác


 




 

Phòng Tuyển sinh và Truyền thông

Các bài viết khác

Khám phá ngành Kế toán
10/04/2024
1.187 lượt xem
Thông tin tuyển sinh năm 2024
20/02/2024
14.691 lượt xem
Lời thầy cô
20/11/2023
188 lượt xem
Tri ân người dẫn đường
17/11/2023
178 lượt xem
Ngày chủ nhật xanh 2023
28/10/2023
280 lượt xem
Tuyển sinh bổ sung năm 2023
11/09/2023
21.647 lượt xem

Liên kết website