Dệt may là ngành có kim ngạch xuất khẩu liên tục tăng trong 20 năm qua nhưng lại đang đối mặt với nhiều thách thức của thời cuộc. Để tồn tại và phát triển, ngành dệt may buộc phải thay đổi để cạnh tranh với các quốc gia khác.
Chiều 30/11, tại TP.HCM, Trung tâm Quatest 3 – Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng phối hợp cùng trường ĐH Công nghiệp Dệt may Hà Nội tổ chức hội thảo “Xu hướng nghiên cứu nâng cao năng suất ngành dệt may nhằm cải thiện năng lực cạnh tranh trong bối cảnh chuyển đối số và phát triển bền vững”.
Tại Hội thảo, các chuyên gia đã nhìn nhận, đánh giá sự phát triển và thay đổi của ngành dệt may trong suốt thời gian qua. Cụ thể, dệt may là một trong những ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, đứng top 3 trong các nước xuất khẩu dệt may lớn nhất thế giới, cũng là ngành đóng góp lớn trong giải quyết việc làm và kim ngạch xuất khẩu.
TS. Hoàng Xuân Hiệp, Hiệu trưởng trường ĐH Công nghiệp Dệt may Hà Nội cho biết, dệt may là ngành có kim ngạch xuất khẩu liên tục tăng trong suốt 20 năm. Mỗi năm, tốc độ tăng trưởng bình quân của ngành là 17,2%. Năm 2020 kim ngạch xuất khẩu đạt 35,3 tỷ USD, năm 2021 đạt 40,5 tỷ USD, năm 2022 đạt 44,4 tỷ USD. Dệt may cũng là ngành có số lượng doanh nghiệp phát triển nhanh nhất, từ 5.854 doanh nghiệp năm 2010 lên 13.801 doanh nghiệp trong năm 2021. Trong đó, 89,2% số doanh nghiệp hiện này có quy mô dưới 200 lao động.
Theo TS. Hoàng Xuân Hiệp, doanh nghiệp ngành dệt may có thể lựa chọn công nghệ để tận dụng tốt nhân lực có tuổi trên 50.
Theo TS. Hoàng Xuân Hiệp, công cụ cạnh tranh của doanh nghiệp dệt may Việt Nam là nâng cao năng suất, chất lượng, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa và thời trang hóa ngành dệt may. Từ năm 2010-2021, năng suất lao động Việt Nam tăng 2,09 lần, lao động giảm từ 93.000 ng/tỷ USD xuống 44.581 ng/tỷ USD.
Thời gian tới, doanh nghiệp Việt sẽ cần thêm công cụ là xanh hóa dệt may. Các nước châu Âu đã có quy định rất rõ ràng về tỷ lệ tái chế sản phẩm… Liệu các sản phẩm dệt may, xơ sợi của Việt Nam đã “xanh”? Đây sẽ là vấn đề cần nghiên cứu sâu để ngành dệt may Việt Nam tiếp cận thị trường thế giới.
Phát biểu tại hội thảo, TS. Hà Minh Hiệp, Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cũng nhận định, năng suất tính theo giá trị gia tăng của ngành dệt may còn thấp. Đặc biệt, trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, xu thể chuyển đổi nhanh của chuỗi cung ứng toàn cầu sang chuỗi cung ứng xanh, bền vững thì việc cạnh tranh giữa các quốc gia ngày càng gay gắt.
TS. Hà Minh Hiệp – Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cho rằng, năng suất lao động tính theo giá trị gia tăng của ngành dệt may chưa cao.
Trong khi đó, các loại hình, tiêu chuẩn, nhãn môi trường/ sinh thái cấp cho sản phẩm trong chuỗi cung ứng, nguyên liệu (bông, sợi…), quá trình sản xuất và sản phẩm đang được các quốc gia phát triển áp dụng hiện nay theo tiêu chuẩn phát triển bền vững. Vì vậy, doanh nghiệp dệt may Việt Nam cần phải đổi mới sản phẩm, quy trình, marketing để phù hợp với thời cuộc và tiếp cận được khách hàng hiện nay.
TS. Phạm Minh Hiền, chuyên gia Tổ chức nghiên cứu khoa học và công nghiệp Úc (Csiro) cũng cho rằng: Người tiêu dùng và các ngành công nghiệp ngày càng tăng tập trung vào tính bền vững và thực hành thời trang tuần hoàn. Nhiều năm qua, dệt may được cho là ngành có lượng phát thải khí nhà kính lớn. Theo the Global Fashion Agenda, lượng phát thải khí nhà kính của ngành thời trang dự kiến sẽ tăng 50% vào năm 2030, là ngành tiêu thụ 4% lượng nước sạch toàn cầu (đứng thứ 2 trong số các ngành công nghiệp), chiếm 8 – 10% lượng khí thải nhà kính trên toàn cầu.
TS. Phạm Minh Hiền nhận định: Dệt may được cho là ngành có lượng phát thải khí nhà kính rất lớn trong nhiều năm qua.
Không chỉ thời trang mà nhiều ngành nghề khác hiện đang chịu tác động của 5 xu hướng chính: Tính bền vững và thời trang tuần hoàn, bến động thương mại địa chính trị, số hóa Công nghiệp 4.0, người tiêu dùng chuyên nghiệp với khả năng tùy chỉnh hàng loạt, vật liệu tiên tiến. Vì vậy, mô hình thời trang bền vững ra đời trong yêu cầu cấp thiết phải chung tay bảo vệ môi trường, tiết kiệm nguồn tài nguyên.
Theo khảo sát người tiêu dùng Mỹ năm 2022 của diễn đàn kinh tế thế giới, người tiêu dùng ở các thế hệ đều sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho sản phẩm thân thiện với môi trường. Gần 30% cho rằng họ sẽ dừng mua sản phẩm từ các hãng ko đảm bảo về vấn đề đạo đức và bền vững. Con số này cao hơn hẳn khảo sát tương tự hồi năm 2020.
Áp dụng nền kinh tế tuần hoàn không chỉ tác động tích cực đến môi trường mà còn mang lại cơ hội cho các nguồn doanh thu mới và nâng cao uy tín thương hiệu trong thị trường ngày càng phát triển của các sản phẩm bền vững. Thị trường cho thời trang tuần hoàn có thể lên tới 569 tỷ AUD đến 2030.
Các chuyên gia và đại diện doanh nghiệp tham dự hội thảo.
Để đáp ứng yêu cầu của thời cuộc, các chuyên gia và đại diện doanh nghiệp đều thống nhất rằng: ngành dệt may Việt Nam buộc phải thay đổi để thích ứng. Trong đó, việc đổi mới công nghệ là yếu tố cần thiết để nâng cao năng suất lao động, nâng sức cạnh tranh và đổi mới sản phẩm.
Đại diện một công ty sản xuất thảm len nhìn nhận: Ngành dệt may hiện không còn hấp dẫn nguồn nhân lực như trước. Nhân lực cũng có thể dịch chuyển sang những ngành nghề khác, chỉ có đổi mới công nghệ, máy móc mới tăng năng suất chất lượng, duy trì hoạt động của công ty.
Theo https://tcvn.gov.vn/