SV ngành Quản lý công nghiệp và Hành trình quản trị công nghệ hiện đại trong doanh nghiệp

Ngày đăng: 02:42 - 23/07/2024 Lượt xem: 163
Trong thời đại công nghiệp 4.0, công nghệ đóng vai trò then chốt trong việc tối ưu hóa hoạt động sản xuất và quản lý doanh nghiệp. Sinh viên ngành Quản lý công nghiệp tại Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội không chỉ được trang bị kiến thức lý thuyết mà còn có cơ hội thực hành, trải nghiệm với những công nghệ quản trị hiện đại nhất, mở ra cánh cửa đến với những cơ hội nghề nghiệp rộng mở.
 
THỰC HÀNH VỚI PHẦN MỀM HOẠCH ĐỊNH CÁC NGUỒN LỰC DOANH NGHIỆP ERP
 
ERP (Enterprise Resource Planning) là hệ thống phần mềm quản lý tích hợp các quy trình kinh doanh chính yếu trong doanh nghiệp như kế toán, nhân sự, sản xuất, và bán hàng. Sinh viên ngành Quản lý công nghiệp sẽ được tiếp cận và thực hành với phần mềm ERP, giúp họ hiểu rõ cách thức vận hành của các quy trình này, từ đó nâng cao kỹ năng quản lý và điều hành.



Sinh viên ngành Quản lý công nghiệp tại trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội được trải nghiệm và thực hành học phần Ứng dụng ERP trong quản trị doanh nghiệp với thời lượng 3 tín chỉ thực hành.  Phần mềm TRE do Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG phát triển và chuyển giao công nghệ cho Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội. Đây là một giải pháp quản trị doanh nghiệp toàn diện, đặc biệt phù hợp cho ngành dệt may. TRE giúp các doanh nghiệp tối ưu hóa quy trình sản xuất và quản lý nguồn lực, từ nhân sự, nguyên vật liệu đến tài chính và bán hàng. Việc ứng dụng ERP trong quản lý các nguồn lực giúp tăng năng suất lao động, quản lý hiệu quả các quy trình, giảm thiểu sai sót và lãng phí; giảm chi phí, tối ưu hóa việc sử dụng nguồn lực và nguyên vật liệu, từ đó giảm chi phí sản xuất; giúp các nhà quản lý ra quyết định nhanh chóng và hiệu quả với các dữ liệu phân tích theo thời gian thực.



Qua quá trình thực hành và trải nghiệm các nghiệp vụ với các dữ liệu thực tế từ quá trình tiếp nhận đơn hàng đến nhập liệu, chiết xuất kết quả đầu ra, sinh viên ngành Quản lý công nghiệp đã hiểu rõ các chức năng và phân hệ của phần mềm TRE như: Tối ưu hóa quản lý nhân sự, nguyên vật liệu đầu vào và tài chính; hỗ trợ quản lý sản xuất từ kế hoạch đến thực thi, giảm thiểu rủi ro và nâng cao năng suất; cung cấp dữ liệu theo thời gian thực, hỗ trợ ra quyết định nhanh chóng và chính xác; dự báo các nguy cơ tiềm ẩn trong sản xuất và kinh doanh, giúp doanh nghiệp ứng phó kịp thời với các thay đổi của thị trường. Đồng thời, sinh viên được rèn luyện phẩm chất kiên nhẫn và cẩn thận; tư duy hệ thống và nắm bắt được sự vận hành của thông tin và hệ thống thông tin trong một doanh nghiệp sản xuất hàng may mặc để sau này các em tự tin trở thành nhân viên thống kê, nhập liệu đơn hàng tại các doanh nghiệp hoặc có thể thành thạo, thích ứng nhanh tại các vị trí việc làm liên quan đến quản lý đơn hàng, quản lý sản xuất, quản lý vật tư và quản lý nhân sự. Việc được học, thực hành, trải nghiệm các dữ liệu thực tế của một doanh nghiệp xuất khẩu bằng phần mềm ERP là một lợi thế và điểm riêng có trong việc đáp ứng các yêu cầu về cơ sở vật chất, về công nghệ, phần cứng và phần mềm tại trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội. Điều này góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực Quản lý đơn hàng Merchandising tại Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội.


  

TIẾP CẬN VỚI PHẦN MỀM QUẢN LÝ MẪU, QUẢN LÝ SẢN XUẤT
 
Trong ngành dệt may, việc quản lý mẫu là một khâu vô cùng quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng sản phẩm và tiến độ sản xuất. Sinh viên sẽ được học cách sử dụng các phần mềm quản lý mẫu, từ khâu nhập thông tin mẫu, danh mục nguyên phụ liệu, định mức, may mẫu, kiểm mẫu, theo dõi tiến độ mẫu và nhận comment mẫu từ khách hàng để nâng cao chất lượng phát triển mẫu tại các doanh nghiệp gia công xuất khẩu.



Ngoài ra, sinh viên còn được giới thiệu và tiếp cận một số phần mềm quản lý sản xuất và theo dõi toàn bộ quy trình sản xuất từ nguyên vật liệu đầu vào đến sản phẩm hoàn chỉnh. Sinh viên sẽ được thực hành với các phần mềm này để hiểu rõ cách tối ưu hóa quy trình sản xuất, giảm thiểu lãng phí và nâng cao hiệu suất làm việc. Điều này không chỉ giúp sinh viên nắm vững lý thuyết mà còn chuẩn bị tốt cho công việc thực tế sau này.




Trong quá trình thực hành doanh nghiệp, thực tế nghề nghiệp và thực tập cuối khoa tại doanh nghiệp dệt may, sinh viên còn được tiếp cận với các ứng dụng thông minh trong quản lý thiết bị bằng QR code (Công ty cổ phần may Bắc Giang LGG); ứng dụng cân bằng chuyền và quản lý kho thông minh (Công ty cổ phần đầu tư và thương mại TNG); phần mềm quản trị số (Hệ thống các nhà máy sợi của Tập đoàn Dệt May Việt Nam); phần mềm phát triển mẫu và quản lý sản xuất Fast React (Công ty cổ phần quốc tế Phong Phú)…





 HÀNH TRÌNH QUẢN TRỊ CÔNG NGHỆ HIỆN ĐẠI
Sinh Viên ngành Quản lý công nghiệp còn được các giảng viên bộ môn chia sẻ về các ứng dụng thiết bị kỹ thuật số trong dây chuyền may để rút ngắn thời gian chuyển đổi mã hàng; bán thành phẩm được gắn các thẻ sử dụng công nghệ RFID để các thiết bị may kỹ  thuật số trong dây chuyền nhận dạng bán thành phẩm sắp vào chuyền về tính chất nguyên liệu, tính chất của chỉ…và tự động điều chỉnh thiết bị theo yêu cầu may mà không cần có sự can thiệp của kỹ  thuật viên cơ điện để chỉnh máy. Việc sử dụng cảm biến và phần mềm trong công nghiệp 4.0 tạo điều kiện cho quá trình chuyển đổi sản phẩm nhanh và hiệu quả hơn. (Học phần Quản lý sản xuất theo Lean và JIT).



Đối với học phần Quản lý bảo trì thiết bị dệt may, sinh viên được tiếp cận với công nghệ mới trong bảo trì tự động. Việc sử dụng các thuật toán dự báo trong công nghiệp 4.0 giúp cho quá trình bảo trì thiết bị được thực hiện tự động, giảm thời gian sửa chữa thiết bị, giúp nâng cao năng suất  lao động. Các công nghệ này sẽ giúp phân tích một số lượng lớn dữ liệu do các cảm biến thu thập được, từ đó có thể xác định được các vấn đề tiềm tàng dẫn đến việc phải ngừng máy trước khi chúng xảy ra. Căn cứ vào vấn đề được phát hiện, kỹ thuật viên bảo trì có thể có sự chuẩn bị trước để giảm thiểu thời gian phải ngừng máy, giúp nâng cao năng suất lao động. Bên cạnh đó, việc bảo trì nhờ dữ liệu lớn và kỹ thuật phân tích tổng thể trong công nghiệp 4.0 như trên đã nâng cao tính minh bạch của quá trình bảo trì, đóng  góp tích cực vào việc nâng cao hiệu suất của các công cụ trong lean cũng như thúc đẩy quá trình cải tiến liên tục.




Với học phần Quản lý chất lượng trong doanh nghiệp may, sinh viên được giới thiệu phần mềm quản lý chất lượng và các ứng dụng công nghệ trong quản lý chất lượng sản phẩm. Chất lượng sản phẩm được kiểm soát tốt hơn nhờ ứng dụng hệ thống cảm biến theo thời  gian thực và trí tuệ nhân tạo: Kiểm soát chất lượng được định hướng theo dữ liệu thu thập sẽ trợ giúp cho quá trình tự kiểm  tra, cácdữ liệu được cung cấp và cập nhật theo bối cảnh thực và khả năng theo vết sản phẩm một cách chi tiết cùng hệ thống camera dò khuyết tập bề mặt được kết  nối với hệ thống quản lý chất lượng sẽ giúp phân tích chi tiết về lỗi bề mặt, tạo báo cáo tự động về lỗi, giúp giảm tỷ lệ lỗi một cách đáng  kể.



Thông qua việc thực hành với các phần mềm quản trị hiện đại, sinh viên ngành Quản lý công nghiệp sẽ được trang bị những kỹ năng cần thiết để trở thành những nhà quản lý xuất sắc. Sinh viên Quản lý công nghiệp HTU học cách lập kế hoạch, triển khai và giám sát các dự án sản xuất, đảm bảo tiến độ và chất lượng, co khả năng sử dụng phần mềm phân tích dữ liệu giúp sinh viên đưa ra các quyết định quản lý dựa trên số liệu thực tế, tăng tính chính xác và hiệu quả. Kỹ năng giao tiếp và đàm phán được rèn luyện thông qua các bài tập với dữ liệu thực cùng với các ứng dụng thông minh, giúp sinh viên tự tin trong việc làm việc với các đối tác và khách hàng.

 
Hành trình học tập của sinh viên ngành Quản lý công nghiệp tại Trường Đại học Công nghiệp dệt may Hà Nội không chỉ dừng lại ở kiến thức lý thuyết mà còn mở rộng đến việc thực hành với các phần mềm quản trị hiện đại. Điều này không chỉ giúp sinh viên nắm vững kiến thức mà còn trang bị cho họ những kỹ năng thực tiễn, sẵn sàng đón nhận những cơ hội nghề nghiệp đầy thách thức và triển vọng trong tương lai.

Hãy nắm bắt cơ hội, đăng ký ngay hôm nay và trở thành các nhà quản lý xuất sắc và hiệu quả trong tương lai cùng với ngành đào tạo Quản lý công nghiệp HTU!
----------------------------------------------------------
Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội; Lệ Chi- Gia Lâm- Hà Nội
Website: hict.edu.vn
Fanpage: https://www.facebook.com/tshict
Đăng ký xét tuyển tại link: https://tsnh.hict.edu.vn/
Điện thoại: 02436922552; 0917966488
 
Đinh Thị Thủy, Khoa Kinh tế.

Các bài viết khác

Thông báo tuyển sinh bổ sung năm 2024
18/08/2024
3.543 lượt xem
Kế toán tiền lương
25/07/2024
123 lượt xem
Tuyển sinh Đại học, Cao đẳng
09/07/2024
2.098 lượt xem

Liên kết website