Cùng với sự phát triển mạnh mẽ truyền thông đa phương tiện từ trực tuyến đến truyền thống và len lỏi vào đời sống, tinh thần và xã hội, các công việc liên quan đến thiết kế đồ họa – truyền thông đa phương tiện đang được những nhà quảng cáo, những chủ doanh nghiệp trọng dụng, luôn nằm trong top tìm kiếm việc làm. Trong đó thiết kế đồ họa chính là nền tảng của thiết kế đa phương tiện. Khi bắt đầu học thiết kế, thiết kế đồ họa sẽ là bước khởi đầu lý tưởng, sau một thời gian học chuyên sâu lên mọi lĩnh vực.
Hãy cùng trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội tìm hiểu thêm về mảng Thiết kế truyền thông đa phương tiện nhé!
1/Thiết kế truyền thông đa phương tiện (Multimedia) là gì?
Truyền thông đa phương tiện (Multimedia) là ngành ứng dụng công nghệ thông tin trong thiết kế sáng tạo và phát triển các sản phẩm mỹ thuật ứng dụng với nhiều lĩnh vực khác nhau trong cuộc sống. Trong đó, truyền thông đóng vai trò trong việc tham gia trực tiếp vào việc lên kế hoạch.
Thiết kế truyền thông đa phương tiện là ngành học tích hợp kiến thức giữa báo chí truyền thông và sử dụng công nghệ thông tin nhằm sáng tạo, phát triển các ứng dụng đa phương tiện trong mọi lĩnh vực đời sống.
Công việc của thiết kế truyền thông đa phương tiện bao gồm: Biên tập âm thanh, xử lý âm thanh hình ảnh, viết kịch bản, sử dụng các kiến thức tư duy sáng tạo và công cụ phần mềm thiết kế đồ họa 2D, 3D trên các thiết bị máy tính, để tạo ra các sản phẩm truyền thông thị giác có giá trị nghệ thuật, ứng dụng cao và phù hợp với mục đích truyền thông hiện đại của đa số khách hàng và các doanh nghiệp
2/Để làm được các sản phẩm thiết kế truyền thông đa phương tiện cần được học những gì?
Truyền thông đa phương tiện là sự kết hợp giữa các yếu tố: truyền thông, công nghệ và nghệ thuật. Vì thế, khi theo học tại Ngành Thiết kế Đồ họa của Trường Đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội (HTU) các sinh viên sẽ được trang bị các kiến thức Thiết kế đồ họa chuyên sâu về mỹ thuật, tư duy thiết kế, các nguyên lý thiết kế, thiết kế minh họa kỹ thuật số và các phần mềm đồ họa, đó chính là nền tảng rất quan trọng của thiết kế truyền thông đa phương tiện.
Các bạn sẽ được tiếp cận với những kiến thức cơ bản về công nghệ đa phương tiện, về kỹ thuật chuyên môn và cảm quan sáng tạo tác phẩm ấn tượng, khả năng lập kế hoạch, lên khung ý tưởng cho các chiến dịch truyền thông và quảng cáo, thiết kế ra những sản phẩm mang tính ứng dụng trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Cụ thể, các bạn sẽ được học chuyên sâu về hình họa và bố cục màu, là một trong những yếu tố nền tảng mỹ thuật, từ đó các bạn sẽ vận dụng để tạo nên các sản phẩm hài hòa hơn về tỉ lệ cũng như phối màu. Sau đó, các bạn sẽ được học về tư duy thiết kế, nguyên lý thị giác để hiểu và nắm vững các nguyên lý trong thiết kế ứng dụng với từng hình thức sản phẩm khác nhau. Bên cạnh đó, sinh viên sẽ được trau dồi kỹ năng viết kịch bản phim, thiết kế đồ họa chuyển động, xử lý biên tập âm thanh, chỉnh sửa hình ảnh, vận dụng kỹ thuật 3D, 2D để thiết kế ấn phẩm truyền thông, quảng cáo. Ngoài ra, sinh viên được đào tạo thêm về kỹ xảo điện ảnh, dựng video, phim hoạt hình, trò chơi, website,... đáp ứng được yêu cầu của nền công nghiệp sáng tạo, giải trí hiện đại. Từ đó, thỏa sức sáng tạo để xây dựng các ý tưởng và triển khai thiết kế: minh hoạ kỹ thuật số, thiết kế đồ hoạ - designer, thiết kế quảng cáo, truyền thông sản phẩm đáp ứng các yêu cầu theo nhu cầu khách hàng và doanh nghiệp trên thị trường.
Buổi học bố cục màu và bài tập của SV HTU
Thiết kế đồ họa trong truyển thông đa phương tiện. Ảnh minh họa
(Nguồn ảnh viettimes.vn)
3/ Học Truyền thông đa phương tiện (Multimedia) ra trường làm gì?
Thiết kế Truyền thông đa phương tiện có tính ứng dụng cao, vì vậy phạm vi công việc của nhóm ngành này vô cùng đa dạng. Sinh viên ra trường có thể làm việc ở các doanh nghiệp, cơ quan trong lĩnh vực truyền thông, quảng cáo giải trí, kinh doanh, giáo dục, v.vv.. với các vị trí cụ thể sau:
-
Giám đốc/chuyên viên sáng tạo nội dung;
-
Giám đốc/chuyên viên truyền thông;
-
Chuyên viên quảng cáo & quan hệ công chúng;
-
Phóng viên hoặc biên tập viên truyền hình, phát thanh, tạp chí, báoin;
-
Chuyên gia nghiên cứu mảng truyền thông đa phương tiện;
-
Phụ trách các startup/agency (khởi nghiệp/đại lý) liên quan đến truyền thông, sản xuất sản phẩm truyền thông;
-
CEO của các doanh nghiệp khởi nghiệp về lĩnh vực truyền thông đa phương tiện do bản thân sáng lập;
-
Hoặc có thể thực hiện những công việc nghiên cứu tại các trung tâm, đơn vị liên quan đến lĩnh vực Multimedia
4/ Mức lương của ngành truyền thông đa phương tiện
Thu nhập là yếu tố rất được quan tâm khi lựa chọn ngành nghề truyền thông đa phương tiện. Hiện trên thị trường việc làm, ngành truyền thông đa phương tiện rất được săn đón với mức thu nhập được cho khá hấp dẫn.
Theo khảo sát của TopCV, con số này rơi vào khoảng 8,000.000 - 25,000.000 VNĐ/tháng, tùy vào năng lực, kinh nghiệm và vị trí công tác của mỗi người. Cụ thể:
- Sinh viên mới ra trường: Mức lương tham khảo từ 8,000.0000 - 12,000.000 VNĐ/tháng.
- Người đã có kinh nghiệm làm việc từ 1- 2 năm: Mức lương tham khảo 10,000.000 - 15,000.000 VNĐ/tháng
- Người có kinh nghiệm từ 3 năm trở lên: Mức lương tham khảo từ 15,000.000 - 20,000.000 VNĐ/tháng hoặc cao hơn đối với người có năng lực vượt trội.
Trên đây là một số những thông tin mà chúng tôi muốn chia sẻ cho bạn để hiểu về Thiết kế Truyền thông đa phương tiện. Mong rằng qua bài viết này, bạn sẽ có thể hiểu về Truyền thông đa phương tiện là gì cũng như sau khi ra trường sẽ làm gì. Dựa vào những đặc thù, tính chất công việc, năng lực và tố chất của của bản thân, các bạn có thể đưa ra lựa chọn phù hợp nhất nhé!
Nguyễn Thị Lê Nga - Ngành Thiết kế đồ họa, Khoa Thời trang