Nhân dịp kỷ niệm 58 năm ngày thành lập trường (19/01/1967-19/01/2025), trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội (HTU) tự hào nhìn lại hành trình phát triển, ghi dấu những nỗ lực đổi mới, sáng tạo không ngừng nghỉ để trở thành một trong những trường đại học hàng đầu tại Việt Nam trong lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu khoa học về dệt may.
Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội tiền thân là trường đào tạo, bồi dưỡng Kỹ thuật Nghiệp vụ May mặc được thành lập theo Quyết định số 27/NT ngày 19/01/1967 của Bộ trưởng Bộ Nội thương. Năm 2015 đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong lịch sử phát triển của Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội khi trường chính thức được nâng cấp từ trường cao đẳng lên đại học theo Quyết định 769/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 04/6/2015. Đây là sự vươn mình mạnh mẽ của HTU từ đào tạo nghề lên đào tạo đại học với tư duy giáo dục sâu sắc hơn và rộng lớn hơn.
1.Từ trường chuyên ngành đến tư duy đào tạo đa ngành
HTU được thành lập với nhiệm vụ đào tạo kỹ sư, kỹ thuật viên và cán bộ quản lý phục vụ cho ngành công nghiệp dệt may Việt Nam. Trong nhiều thập kỷ, trường đã khẳng định vai trò quan trọng trong việc cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, góp phần nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm của ngành dệt may.
HTU không ngừng mở rộng quy mô, từ trường chuyên ngành đến tư duy đào tạo đa ngành
Trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) và xu hướng chuyển đổi xanh trở thành động lực phát triển toàn cầu, việc chỉ tập trung vào đào tạo một số ngành quá sâu nhưng hẹp sẽ không đủ để cung cấp được nhân lực đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số và chuyển đổi xanh cho doanh nghiệp; vì vậy, trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội đã đổi mới tư duy, vươn mình phát triển theo hướng kết hợp đa dạng hóa ngành đào tạo với phát huy thế mạnh của các ngành truyền thống. Từ hai ngành đào tạo trong những năm đầu với khoảng 300 người học, đến nay nhà trường đã phát triển với 11 ngành đào tạo, quy mô 4000 sinh viên/năm. Bên cạnh các khối ngành truyền thống như Công nghệ Dệt May, Thiết kế thời trang, HTU đã mở rộng sang các lĩnh vực mới, đáp ứng xu thế phát triển hiện đại như: Thiết kế đồ họa, Marketing, Merchandiser, Thương mại điện tử, Quản lý công nghiệp, Quản trị kinh doanh, Công nghệ kỹ thuật cơ khí, và Công nghệ kỹ thuật điện, điện tử. Sự đa dạng hóa này không chỉ giúp mở rộng quy mô đào tạo mà còn giúp nhà trường giảm thiểu tác động từ sự biến động nhanh của thế giới VUCA (biến động, bất định, phức tạp và mơ hồ), đồng thời kiến tạo cơ cấu nguồn nhân lực tối ưu phục vụ phát triển bền vững của đất nước trong giai đoạn chuyển đổi số, chuyển đổi xanh.
2.Cơ sở vật chất tích hợp công nghệ hiện đại, phục vụ toàn diện cho sự phát triển của thế hệ nhân lực 4.0
Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội không chỉ nổi bật với chất lượng đào tạo mà còn được biết đến với hệ thống cơ sở vật chất hiện đại, đáp ứng tối đa nhu cầu học tập, nghiên cứu và thực hành của sinh viên. Với những đầu tư mạnh mẽ và chiến lược phát triển dài hạn, HTU đã xây dựng một môi trường học tập tiên tiến, tích hợp công nghệ hiện đại, phục vụ toàn diện cho sự phát triển của thế hệ nhân lực 4.0.
Phòng học, phần mềm được đầu tư phục vụ cho sự phát triển của thế hệ nhân lực 4.0
Tại HTU, sinh viên được tiếp cận với mô hình quản trị doanh nghiệp đạt chuẩn quốc tế tại Trung tâm sản xuất dịch vụ, hệ thống vận hành nhà máy thông minh qua phần mềm quản lý nguồn lực doanh nghiệp (ERP), và mô hình sản xuất tinh gọn thông minh (Lean 4.0) tại phòng học quản trị dây chuyền thông minh. Nhà trường cũng đầu tư các phòng thí nghiệm điện – điện tử, PLC và tự động hóa để sinh viên có thể học tập và rèn luyện các kỹ năng thiết kế, chế tạo, và bảo trì thiết bị tự động hóa phục vụ sản xuất công nghiệp. Ngành thiết kế thời trang được hỗ trợ bởi phần mềm Clo3D, giúp sinh viên thiết kế 3D và trình diễn thời trang ảo. Sinh viên khối ngành Marketing, Thương mại điện tử được tiếp xúc với các phần mềm phổ biến trong ngành như Google Ads, Facebook Business Manager, Canva, và các công cụ SEO, được học cách sử dụng các nền tảng phổ biến như Shopee, Lazada, Amazon, eBay để thực hiện các hoạt động kinh doanh trực tuyến.
Các phòng học khu C được lắp đặt điều hòa trong năm 2024
Để đáp ứng nhu cầu của người học, nhất là nhu cầu của thế hệ sinh viên gen Z, năm 2024 Nhà trường đã nâng cấp trạm biến áp lên 630 KVA và lắp đặt 100 điều hòa nhiệt độ cho các phòng học khu C; Hiện nay, nhà trường cũng đang triển khai lắp bình nóng lạnh cho toàn bộ hơn 100 phòng ở tại khu KTX trong năm 2025.
3. Sự vươn mình mạnh mẽ của công tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ theo hướng ứng dụng các thành tựu của CMCN 4.0, chuyển đổi xanh.
Hình ảnh Hội thảo đề tài cấp Nhà nước do HTU chủ trì
Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội từng được biết đến chủ yếu là một cơ sở đào tạo nhân lực kỹ thuật cho ngành dệt may. Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập và phát triển, khi vai trò của nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ trở thành yếu tố cốt lõi để nâng cao chất lượng đào tạo và đáp ứng yêu cầu thực tiễn, HTU đã thực hiện một cuộc chuyển mình mạnh mẽ trong công tác nghiên cứu ứng dụng. Từ một trường có nền tảng nghiên cứu khoa học còn non trẻ, HTU đã vươn lên trở thành một đơn vị tiên phong trong nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, đóng góp hết sức tích cực vào sự phát triển của ngành công nghiệp dệt may với 3 đề tài cấp Nhà nước, 31 đề tài cấp Bộ và 12 đề tài theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp. Các nghiên cứu khoa học của HTU tập trung vào các lĩnh vực nghiên cứu có tính ứng dụng cao, đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số và phát triển bền vững như trí tuệ nhân tạo, kiểm soát chất lượng 4.0, Marketing số và thương mại điện tử, Chuyển đổi xanh. Kết quả đề tài các cấp đã mang lại nhiều thành quả quan trọng trong việc phát triển công nghệ sản xuất, nâng cao năng suất và kiểm soát chất lượng, nhiều nghiên cứu đã được ứng dụng trực tiếp trong doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, hiệu quả sản xuất và tiết giảm chi phí.
Hình ảnh chuyển giao công nghệ của HTU cho Tổng công ty Cổ phần May Bắc Giang LGG
4. Mô hình tự chủ -Bước vươn mình chiến lược
Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội là một trong những trường đại học công lập tiên phong áp dụng mô hình tự chủ tại Việt Nam từ những năm 2015 đến nay. Để duy trì và phát triển mô hình tự chủ, Nhà trường đã triển khai các chiến lược đồng bộ bao gồm đa dạng hóa nguồn thu kết hợp với đầu tư mạnh mẽ về cơ sở vật chất, phát triển chương trình đào tạo gắn với nhu cầu của doanh nghiệp và tăng cường hợp tác với các đối tác. Với chiến lược quản trị đại học tiên tiến, hiệu quả, sự đầu tư mạnh mẽ vào đội ngũ giảng viên, chất lượng đào tạo và cơ sở vật chất hiện đại, đến nay HTU đã tự chủ hoàn toàn về học thuật, bộ máy tổ chức và đứng trong tốp 6,6% các cơ sở sự nghiệp tự chủ tài chính tốt nhất cả nước khi tự chủ 100% chi thường xuyên và một phần chi đầu tư, đảm bảo vị thế phát triển vững chắc trong hệ thống giáo dục đại học.
Hơn nửa thế kỷ, hành trình 58 năm của HTU đã đánh dấu một chặng đường phát triển đầy tự hào, với những thành tựu vượt bậc và dấu ấn đậm nét trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học. Thành công của nhà trường là minh chứng rõ ràng cho sự đoàn kết, nỗ lực và tầm nhìn chiến lược của tập thể lãnh đạo, giảng viên, sinh viên và cựu sinh viên qua nhiều thế hệ. Chặng đường phía trước sẽ có vô vàn cơ hội và thách thức, song với truyền thống kiên định, đổi mới và tinh thần vươn lên mạnh mẽ, HTU chắc chắn sẽ tiếp tục ghi dấu trên hành trình xây dựng và phát triển, đóng góp ngày càng nhiều hơn vào sự nghiệp giáo dục và phát triển đất nước.
HTU – 58 năm, một hành trình đáng tự hào và là nền tảng vững chắc cho những bước tiến xa hơn trong tương lai!
Phòng Tuyển sinh và Truyền thông