TS. Hoàng Xuân Hiệp, Hiệu trưởng trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội làm diễn giả tại Hội thảo khoa học

Ngày đăng: 11:01 - 16/04/2021 Lượt xem: 2.244
Ngày 15 tháng 4 năm 2021, TS. Hoàng Xuân Hiệp_Hiệu trưởng trường Đại học Công nghiệp Hà Nội đã tham luận tại Hội thảo khoa học Tổng kết 10 năm phát triển thị trường KHCN giai đoạn 2011-2020 do Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN tổ chức tại trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, nhằm tổng kết, đánh giá lại những thành tựu đạt được, những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm trong phát triển thị trường KH&CN giai đoạn 2011-2020, trên cơ sở đó đưa ra những định hướng lớn trong phát triển thị trường KH&CN giai đoạn 2021-2030.
 
Đồng chí Trần văn Tùng, Thứ trưởng Bộ KH&CN phát biểu tại hội thảo

Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Trần văn Tùng, Thứ trưởng Bộ KH&CN cho biết, trong những năm qua, thị trường KH&CN đã đạt được nhiều kết quả rất đáng khích lệ. Tốc độ gia tăng giá trị giao dịch công nghệ bình quân giai đoạn 2011-2020 là 22%. Hiện tại cả nước có hơn 800 tổ chức trung gian của thị trường KH&CN, 69 cơ sở ươm tạo (số liệu đến tháng 7-2020).
 
TS. Hoàng Xuân Hiệp, Hiệu trưởng trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội, trao đổi tại Hội thảo

Tham dự với vai trò diễn giả của tọa đàm, TS. Hoàng Xuân Hiệp_Hiệu trưởng trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội chia sẻ: ngành Dệt May Việt Nam trong 10 năm từ năm 2010-2020 phát triển rất mạnh. Kim ngạch xuất khẩu năm 2010 là 11,2 tỷ đã tăng lên 39,3 tỷ vào năm 2019 và dự kiến tăng đến 70-80 tỷ USD vào năm 2030. Tính đến năm 2018 cả nước có 12,031 doanh nghiệp dệt may, như vậy trung bình mỗi năm có 1087 doanh nghiệp mới. Theo đó, số lao động làm việc trong ngành cũng tăng lên từng năm, trung bình khoảng 97,000 lao động mới/năm. Năng suất lao động tính theo đầu người cũng tăng lên 1,8 lần trong vòng 10 năm qua, từ 10,700 usd/người vào năm 2010 đến 19,400usd/người vào năm 2018. Sở sĩ ngành Dệt May Việt Nam đạt được những thành quả như vậy là do: (1) Các doanh nghiệp dệt may đã chú trọng tập trung ứng dụng khoa học công nghệ bao gồm: đầu tư thiết bị, công nghệ hiện đại và thiết lập mô hình quản trị mới cho doanh nghiệp; (2) Các doanh nghiệp dệt may đã đầu tư nâng cao năng lực người lao động.
Tuy  nhiên, việc ứng dụng các thành tựu KHCN của ngành vẫn chưa được thực hiện đồng bộ theo chuỗi. Mỗi năm Việt Nam xuất khẩu 4 tỷ USD sợi, nhưng đồng thời nhập về 2,4 tỷ 
USD sợi và nhập khẩu vải đến 13,2 tỷ USD vào năm 2019. Điều này cho thấy chất lượng sợi của Việt Nam sản xuất chưa đáp ứng được yêu cầu sản xuất vải trong nước. Bên cạnh đó, công nghệ thiết kế sản phẩm may mặc của Việt Nam vẫn còn yếu, chưa đáp ứng cho phương thức sản xuất ODM, OBM. Hầu như, doanh nghiệp hết sức lúng túng khi muốn đầu tư công nghệ mới với hàng loạt vấn đề cần nghiên cứu như: Đầu tư công nghệ gì? Mang lại hiệu quả như nào? Cần kỹ năng gì để triển khai công nghệ? Làm thế nào để kết nối được các công nghệ khác nhau trong doanh nghiệp?,...
Để giải quyết các bất cập này của ngành thì theo TS. Hoàng Xuân Hiệp, Nhà nước cần hỗ trợ thành lập Trung tâm môi giới, chuyển giao công nghệ theo chuỗi và dành riêng cho ngành dệt may. Trung tâm này nên đặt ở các cơ sở đào tạo và nghiên cứu về dệt may với nhiệm vụ đánh giá chính xác nguồn cung – cầu khoa học công nghệ; thiết lập mạng lưới cung cầu công nghệ, xây dựng mạng lưới chuyên gia công nghệ sẵn sàng hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, chuyển giao công nghệ,...  Đồng thời, Nhà nước cần có các chính sách đồng bộ về thuế, tín dụng,... như giảm thuế hoặc chính sách ưu đãi về lãi suất vay để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư và ứng dụng các thành tựu của CMCN 4.0.

 
Các diễn giả của Hội thảo

Theo nhiều chuyên gia, trong giai đoạn tiếp theo, để phát triển thị trường KH&CN, cần tiếp tục hoàn thiện môi trường pháp lý, đẩy mạnh nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn cho phát triển thị trường KH&CN; phát triển các tổ chức trung gian, thúc đẩy phát triển nguồn cầu, nâng cao năng lực hấp thụ, làm chủ và đổi mới công nghệ của doanh nghiệp thị trường KH&CN. Đồng thời thúc đẩy phát triển nguồn cung, tăng cường hoạt động xúc tiến, liên thông, tiến tới đồng bộ hóa thị trường KH&CN với các thị trường hàng hóa, lao động và tài chính; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, truyền thông và hội nhập quốc tế về thị trường KH&CN; phát triển hạ tầng quốc gia của thị trường KH&CN.
Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội, với vai trò là đơn vị đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực chất lượng lớn cho ngành Dệt May Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động KHCN với mục tiêu nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ mới cho doanh nghiệp dệt may, đẩy mạnh thương mại hóa công nghệ cũng như thành lập các mô hình spin off trong trường.

                                                        Nguyễn Thị Thu Hằng_Phòng Đào tạo

Các bài viết khác

Thông tin tuyển sinh năm 2024
20/02/2024
9.435 lượt xem
Lời thầy cô
20/11/2023
166 lượt xem
Tri ân người dẫn đường
17/11/2023
156 lượt xem
Ngày chủ nhật xanh 2023
28/10/2023
254 lượt xem
Tuyển sinh bổ sung năm 2023
11/09/2023
19.195 lượt xem
Review các ngành đào tạo HTU năm 2023
25/07/2023
14.004 lượt xem

Liên kết website