Trang chủ

Kinh nghiệm thực hiện một đề tài nghiên cứu khoa học cho sinh viên trường Đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội

Ngày đăng: 04:13 - 05/04/2019 Lượt xem: 9.188
KINH NGHIỆM THỰC HIỆN MỘT ĐỀ TÀI NGHIÊN CỨU KHOA HỌC CHO SINH VIÊN TRƯỜNG ĐẠI HỌC CÔNG NGHIỆP DỆT MAY HÀ NỘI
Tác giả: TS. Tạ Văn Cánh
 
Nhằm thúc đẩy phong trào nghiên cứu khoa học trong nhà trường nói chung và nghiên cứu khoa học cho sinh viên khoa kinh tế nói riêng tôi đưa ra một số kinh nghiệm thực hiện một đề tài NCKH giúp sinh viên định hướng và thực hiện tốt đề tài của mình.
 
Nghiên cứu khoa học là quá trình đi tìm những cái mới, tìm ra những giải pháp mới hoặc cách tiếp cận mới để phục vụ công việc, con người. 
 
Từ khái niệm trên ta có thể chia quá trình nghiên cứu thành 3 giai đoạn chủ yếu.
Giai đoạn 1: Giai đoạn chuẩn bị, tìm kiếm tài liệu, lên ý tưởng.
Giai đoạn 2: Viết và hoàn thiện đề tài.
Giai đoan 3: Trình bày, báo cáo kết quả của đề tài.
 
1. GIAI ĐOẠN CHUẨN BỊ
 Chuẩn bị nghiên cứu bắt đầu từ xác định đề tài và kết thúc ở việc chuẩn bị lập kế hoạch tiến hành nghiên cứu. Đây là giai đoạn rất quan trọng giúp cho người nghiên cứu có được hướng đi phù hợp, đây cũng là bước đi khó nhất cần phải vượt qua.  
 
1.1.  Về lựa chọn đề tài nghiên cứu và xác định tên đề tài nghiên cứu
* Về lựa chọn đề tài nghiên cứu
     Việc xác định đề tài là một vấn đề không hề đơn giản tuy nhiên cũng không hoàn toàn quá khó, vấn đề mấu chốt là cần phải đọc nhiều tài liệu nhằm thu được những kiến thức liên quan. Điều quan trọng hơn cả là sự đam mê trong lĩnh vực nào đó khiến cho tác giả mong muốn tìm hiểu về nó mà chưa có đề tài nào thỏa mãn sự tìm hiểu đó. Ví dụ: Sinh viên đam mê về kinh doanh hàng thời trang, mong muốn tìm ra được cách thức tiếp cận khách hàng tốt nhất, hiệu quả nhất, do đó sinh viên chọn đề tài: Một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả tiếp cận khách hàng thời trang trên địa bàn Huyện Gia Lâm, Hà Nội.
 
  * Thế nào là một đề tài nghiên cứu được đánh giá tốt?
Một đề tài nghiên cứu thông thường được đánh giá tốt cần đáp ứng các yêu cầu cơ bản sau:
  - Có phạm vi giới hạn: đề tài cần giới hạn về không gian, thời gian nhằm dễ dàng kiểm soát và nghiên cứu được sâu hơn.
   - Đề tài phải có tính cấp thiết đối với thời điểm tiến hành nghiên cứu. Kết quả nghiên cứu phải có giá trị đóng góp vào giải quyết vấn đề mang tính thời sự của xã hội.  
- Có tính mới mẻ và độc đáo:  Kết quả nghiên cứu không trùng lặp với những kết quả, đề tài đã công bố trước đó. Hoặc có trùng lặp nhưng phương pháp nghiên cứu phải khác.
 
* Về đặt tên đề tài
    Đây cũng là vấn đề khó, thường gây ra những tranh luận trong quá trình xét duyệt và thông qua. Tên đề tài, ít nhất cũng phải đảm bảo được hai yêu cầu sau đây:
Thứ nhất, phản ánh được nội hàm nghiên cứu, hay nói cách khác những từ khóa sẽ thể hiện nội dung nghiên cứu, tránh hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau hay hiểu mập mờ. Ví dụ: Một số giải pháp nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh tại các doanh nghiệp may thời trang trên địa bàn huyện Gia Lâm, Hà Nội. Ở đây từ khóa sẽ là hiệu quả sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp may thời trang, huyện Gia Lâm.
 Thứ hai, tên đề tài phải thống nhất với mục đích, nhiệm vụ, phạm vi và nội dung nghiên cứu đã được xác định và trình bày trong đề tài. Cũng với ví dụ trên, mục đích là tìm ra được giải pháp để nâng cao hiệu quả sản xuất, tại các doanh nghiệp thời trang trên địa bàn Gia Lâm 
 
 1.2. Thu thập tài liệu và đọc tài liệu, giới hạn phạm vi, mục tiêu nghiên cứu
 1.2.1. Thu thập tài liệu thực tế
a) Tầm quan trọng
Thu thập các tài liệu có ý nghĩa to lớn, nó giúp cho người nghiên cứu chứng minh cho giả thuyết khoa học đã đưa ra, đồng thời là cơ sở để khẳng định mình không làm trùng với các đề tài trước đó, thêm nữa đây cũng là tiền đề phát triển đề tài dựa trên các nghiên cứu trước đó.
b) Các nguồn tài liệu thực tế
Người nghiên cứu cần thu thập các thông tin qua nguồn tài liệu thực tế sau:
- Tình hình xã hội, các báo cáo thống kê.
- Cơ sở lý thuyết có liên quan đến nội dung và đối tượng nghiên cứu.
- Thành tựu lý thuyết đã đạt được và kết quả nghiên cứu trước đã được công bố có liên quan đến chủ đề nghiên cứu.
- Quan sát từ phía cá nhân, thông qua các trao đổi, phỏng vấn.
 c) Các hình thức thu thập tài liệu
Để thu thập thông tin, người nghiên cứu thường sử dụng các hình thức: thu thập tài liệu từ các nguồn chứa nó (tạp chí, báo cáo khoa học, tác phẩm khoa học, tài liệu lưu trữ, số liệu thống kê, thông tin đại chúng), phỏng vấn, tiến hành quan sát, tiến hành thực nghiệm...
Được chia thành hai mảng dữ liệu chính:
Dữ liệu thứ cấp: bao gồm thu thập từ các nguồn tài liệu đã công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng như: website, báo cáo, tạp chí v.v
Dữ liệu sơ cấp: dữ liệu được thu thập trực tiếp từ nguồn, bao gồm phỏng vấn trực tiếp, quan sát trực tiếp v.v.
Lưu ý: Những yêu cầu đối với tài liệu
Tài liệu thu thập phải phù hợp với yêu cầu của đề tài, làm cơ sở lý thyết cho đề tài. Tài liệu phải xác định tính chân thực, phục vụ cho chứng minh vấn đề nghiên cứu. Tài liệu cần thu thập ở những địa chỉ tin cậy, được kiểm duyệt về nội dung.
 
1.3. Xây dựng Đề cương/thuyết minh nghiên cứu
    Từ những công tác chuẩn bị nêu trên, bước tiếp theo là việc thiết kế Đề cương nghiên cứu. Đề cương phải toát ra được những công việc chính mà người nghiên cứu sẽ thực hiện, dự kiến các bước đi và nội dung của đề tài và các bước tiến hành để trình cấp quyết định phê duyệt. Các nội dung nghiên cứu phải được trình bày rõ ràng, đầy đủ trong một đề cương. Nội dung của đề cương nghiên cứu thường bao gồm các nội dung sau đây:
1. Tên đề tài
2. Lĩnh vực nghiên cứu
3. Thời gian thực hiện
4. Thành viên tham gia
5. Giảng viên hướng dẫn
6. Tổng quan tình hình nghiên cứu trong và ngoài nước
7. Tính cấp thiết của đề tài
8. Mục tiêu nghiên cứu
9. Cách tiếp cận và phương pháp nghiên cứu
10. Nội dung nghiên cứu
11. Dự kiến kết quả đạt được
12. Kinh phí thực hiện
 Bước tiếp theo là xây dựng dàn ý, cấu trúc đề tài để tiến hành triển khai, thông thường đề tài được chia làm 3 chương.
 
Chương I: Cơ sở lý luận của vấn đề nghiên cứu.
Chương II: Thực trạng của vấn đề nghiên cứu.
Chương III: Những giải pháp đề xuất để giải quyết các tồn tại đã được chỉ ra ở chương 2  
    Dàn ý có tính chất tạm thời, được sửa đổi và từng bước hoàn chỉnh trong quá trình nghiên cứu. Dàn ý cần được trình bày cụ thể tới mục, các tiểu mục. Dàn ý thực hiện càng chi tiết và hợp lý thì việc thu thập tài liệu và sắp xếp dữ kiện càng dễ dàng.
 
1.4. Xử lý, phân bổ tài liệu, luận cứ, luận chứng
    Trong nghiên cứu khoa học, người nghiên cứu sử dụng nhiều phương pháp khác nhau để thu thập dữ kiện liên quan đến đề tài nghiên cứu. Các dữ kiện thu thập chưa thể sử dụng ngay được mà phải qua quá trình sàng lọc, phân tích, xử lý. Các dữ kiện này gọi chung là dữ liệu nghiên cứu.
Công việc sàng lọc tài liệu. Chỉ nên bắt tay vào sàng lọc tài liệu khi có khối lượng tài liệu nhất định. Sàng lọc tài liệu gồm các công việc như sau:
- Phân loại tài liệu: Công việc này nhằm phân loại các tài liệu thu được, phân loại theo dữ liệu phỏng vấn, dữ liệu từ phiếu khảo sát, dữ liệu từ các nguồn khác.
- Chọn lọc tài liệu, tư liệu, số liệu: nghiên cứu mối liên hệ giữa các tài liệu, tư liệu, số liệu. So sánh, đối chiếu, chọn lọc những tài liệu, tư liệu, số liệu quan trọng, thiết thực, có độ tin cậy cao.
- Sắp xếp tài liệu, tư liệu, số liệu: Sau khi quy thành các nhóm tài liệu, số liệu, tiến hành lập dàn ý, sắp xếp cụ thể từng nội dung của từng vấn đề đi theo một logic nhất định, chọn các vấn đề cần đi sâu phân tích.
 Xử lý tài liệu. Đây là giai đoạn cơ bản, quyết định chất lượng của đề tài, vì các tư liệu, số liệu được xử lý đúng đắn, chính xác có ý nghĩa trong việc xác định được những tồn tại, những vướng mắc nhằm tìm ra được giải pháp tối ưu.  
    Trong quá trình phân tích và xử lý thông tin cần chú ý:
- Tôn trọng tính khách quan của sự kiện, con số, người nghiên cứu không được chủ quan áp đặt theo ý đồ của mình.
- Cần xác định những hạn chế của đề tài, không nên vội vã kết luận, bởi vì nghiên cứu chỉ tập trung vào lĩnh vực hẹp không thể bao quát được toàn bộ vấn đề. Chính vì vậy cần phải xác định những hạn chế để dành cho những nghiên cứu tiếp theo.
  
2. GIAI ĐOẠN VIẾT VÀ HOÀN THIỆN ĐỀ TÀI
    Sau khi cấu trúc của đề tài đã được xây dựng, người nghiên cứu tiến hành hoàn thiện đề tài. Về bản chất, đây là phần thêm da thêm thịt để diễn giải bản chất thuộc đối tượng nghiên cứu mà mình cần chứng minh để đề xuất giải pháp phù hợp.
Việc viết báo cáo tổng kết đề tài thông thường phải tiến hành nhiều lần LẶP LẠI:
- Viết bản nháp theo đề cương chi tiết trên cơ sở tổng hợp các tài liệu, tư liệu, số liệu thu được và đã được xử lý.
- Sửa chữa bản thảo theo sự góp ý của người hướng dẫn và các chuyên gia.
- Viết sạch bản báo cáo tổng kết đề tài rồi trình bày tại cấp cơ sở.
- Sửa chữa theo sự góp ý cấp cơ sở.
- Tiếp thu, sửa chữa để bảo vệ ở hội đồng bảo vệ cấp cao hơn
- Sửa chữa lần cuối cùng, viết hoàn chỉnh văn bản báo cáo tổng kết đề tài. 
 
 3. GIAI ĐOẠN TRÌNH BÀY, BÁO CÁO MỘT NGHIÊN CỨU
    Trình bày ở đây được hiểu là khâu công bố, báo cáo kết quả nghiên cứu cuối cùng tới hội đồng nghiệm thu và cơ quan liên quan. Hiện nay, phần lớn các nghiên cứu đều được báo cáo trên PowerPoint. Đây là một thuận lợi đối với người làm nghiên cứu. Phần kết quả nộp sẽ được in ra từ phần mềm Mircrosoft Word và có thể cả từ Microsoft Excel.
 
3. 1. Việc chuẩn bị bảo vệ đề tài nghiên cứu bao gồm
+ Phải hoàn thiện toàn bộ đề tài nghiên cứu thể hiện bằng văn bản đúng với các yêu cầu về nội dung và hình thức trình bày báo cáo tổng kết đề tài, luận văn, luận án của nhà trường.
+ Viết bản đề cương báo cáo tổng kết đề tài, luận văn, luận án theo tinh thần và dạng của bảng tóm tắt kết quả nghiên cứu đề tài, luận văn, luận án nhưng cô đọng và rút ngắn hơn.
+ Chuẩn bị các tài liệu minh hoạ cho báo cáo.
+ Chuẩn bị các câu trả lời căn cứ theo tinh thần các nhận xét của phản biện và của những người trong và ngoài hội đồng.  
 
3.2. Báo cáo kết quả nghiên cứu
    Kết thúc, đề tài khoa học được đem ra hội đồng khoa học nghiệm thu hoặc đem ra bảo vệ tại hội đồng chấm. Đề tài được nghiệm thu, hay bảo vệ thành công, cần được đưa vào ứng dụng trong thực tế.    
    Trình bày báo cáo trước hội đồng phải ngắn gọn, đơn giản rõ ràng, dễ hiểu và đầy đủ lượng thông tin cần thiết, quan trọng, chủ yếu về: tính cấp thiết của đề tài, mục đích, nhiệm vụ, đối tượng phạm vi, phương pháp nghiên cứu, những kết quả đạt được, những đóng góp mới, những kết luận, khuyến nghị và tiếp tục nghiên cứu đề tài. 
Khi báo cáo kết quả nghiên cứu cần lưu ý:
    + Dành thời gian cho việc làm sáng tỏ các kết quả khoa học mới vừa thu thập được bằng ngôn ngữ có tính thuyết phục để chứng minh với sự hỗ trợ của các tài liệu minh hoạ. Chú ý đến sự liên kiết giữa mục tiêu và kết quả.
    + Các sơ đồ, biểu bảng, tranh ảnh, mẫu vật và các phương tiện cần thiết khác phải được sắp xếp theo thứ tự tương ứng với việc trình bày vấn đề và tiện cho việc sử dụng. Đôi khi để minh hoạ, có thể sử dụng máy tính, máy chiếu hình, máy ghi âm hoặc máy chiếu phim, hoặc các phương tiện khác. Tuy nhiên cần bố trí sao cho để mọi người tham dự có thể nhìn rõ.
    + Khi trả lời những câu hỏi và ý kiến nhận xét của các phản biện, các thành viên của hội đồng, người bảo vệ chỉ cần đề cập thẳng vào bản chất của vấn đề, của sự việc, phải thận trọng và tỏ ra lịch thiệp trong quan hệ với những người phát biểu nhận xét về báo cáo của mình, ngay cả khi có những nhận xét mang tính chất phê phán mạnh mẽ. Bản thân phải thể hiện tính khiêm tốn và tự tin trong việc tự đánh giá kết quả khoa học của mình, bởi nghiên cứu sâu nên có rất nhiều điều chưa thể khai thác hết được.
    + Người nghiên cứu nên thiết kế các slides đủ để nói những vấn đề nêu trên. Tùy vào quy mô của đề tài, song thông thường, người trình diễn PowerPoint nên để khoảng 1 phút/ slide, trung bình 15 slides là hợp lý.
Chúc các bạn thành công!
 
© Bản quyền 2017 thuộc về Trường Đại học công nghiệp dệt may Hà Nội.
Online: 78 Tổng truy cập: 18.790.806