Trang chủ
TRƯỜNG ĐẠI HỌC CÔNG NGHIỆP DỆT MAY HÀ NỘI
PHÒNG ĐÀO TẠO

Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội chia sẻ mô hình doanh nghiệp trong nhà trường

Ngày đăng: 09:19 - 28/03/2023 Lượt xem: 728

Ngày 17/3/2023, tại trường Đại học Sao Đỏ, Câu lạc bộ (CLB) các trường Đại học, Cao đẳng thuộc Bộ Công thương đã tổ chức tọa đàm "Phát triển mô hình doanh nghiệp, mô hình đào tạo THPT tại các trường Đại học, Cao đẳng thuộc Bộ Công Thương".


Ông Đinh Văn Nhượng- Hiệu trưởng trường ĐH Sao Đỏ phát biểu khai mạc

Phát biểu khai mạc, NGND. TS. Đinh Văn Nhượng - Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng trường Đại học Sao Đỏ đã chia sẻ những lợi ích của mô hình doanh nghiệp, mô hình đào tạo THPT trong trường Đại học, Cao đẳng (ĐH, CĐ). Mô hình này giúp cho người học có thể tiếp cận sớm với thực tế sản xuất, công nghệ mới tại doanh nghiệp, giúp người học có được năng lực cần thiết theo nhu cầu của xã hội. Mô hình này cần được nhân rộng trong các trường ĐH, CĐ nhằm mở rộng cơ hội tiếp cận các lợi ích cho người học và xã hội.


Ông Nguyễn Quang Vinh – Phó hiệu trưởng trường ĐH CN Dệt May Hà Nội tham luận

Chia sẻ về mô hình doanh nghiệp trong nhà trường, ông Nguyễn Quang Vinh - Phó hiệu trưởng trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội đã giới thiệu quá trình hình thành và phát triển của Trung tâm Sản xuất dịch vụ (TTSXDV) của nhà trường. Trung tâm Sản xuất dịch vụ hoạt động như một doanh nghiệp loại vừa, tạo việc làm cho 400-500 lao động, chuyên sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm may mặc. Thị trường xuất khẩu là các khu vực, quốc gia lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản... Bên cạnh chức năng sản xuất, TTSXDV cũng là nơi cho 1500-3000 lượt sinh viên thực hành, thực tập mỗi năm ở tất cả các vị trí phù hợp với các chuyên ngành đào tạo: công nghệ may, cơ khí, điện, kế toán, marketing, quản lý đơn hàng... Sinh viên thực tập được hỗ trợ ăn ca và trả lương theo năng lực và sản phẩm thực tập. Ngoài ra, đây cũng là nơi để cán bộ, giảng viên của trường thực tế chuyên môn, nghiệp vụ và tiến hành nghiên cứu, thực nghiệm các đề tài khoa học. Bên cạnh những thuận lợi thì mô hình này cũng có những khó khăn như: Trung tâm không thể xuất nhập khẩu trực tiếp, thời gian đầu tư máy móc, thiết bị lâu, thuế giá trị gia tăng  không được khấu trừ... Ông Vinh cũng đề xuất các kiến nghị với các cơ quan quản lý để giải quyết những vướng mắc này.


Ông Nguyễn Văn Khả, GĐ trung tâm GD phổ thông trường ĐHCNTP TPHCM tham luận

Tại Tọa đàm, Ông Nguyễn Văn Khả, GĐ trung tâm GD phổ thông trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM chia sẻ mô hình THPT trong nhà trường. Mô hình được cấp phép áp dụng từ năm 2009 nhằm đào tạo đối tượng bổ túc văn hóa và Trường ĐHCN Thực phẩm TPHCM đã thành lập Trung tâm GD phổ thông để tổ chức đào tạo. Trung tâm này hoạt động theo cơ chế tự chủ hoàn toàn từ năm 2017. Người học tại Trung tâm có thể đảm bảo quyền lợi như học tại các trường THPT nhưng chương trình đào tạo có thể linh hoạt để hướng tới việc đào tạo các bậc cao hơn (trung cấp, cao đẳng, đại học). Trong thời gian học bậc THPT, người học được học xen kẽ các kỹ năng tin học, ngoại ngữ, giáo dục quốc phòng - an ninh và học trình độ trung cấp miễn phí (do trường ĐHCN Thực phẩm TPHCM liên kết với trường đào tạo trung cấp). Với phương pháp này, người học được tiếp cận sớm với môi trường đại học, có được các kỹ năng mà các trường THPT bình thường khác không thể làm được. Vì vậy, tỷ lệ bỏ học của sinh viên đã tham gia học chương trình THPT tại trung tâm rất thấp.
Sau phần chia sẻ về hai mô hình, đại diện các trường ĐH, CĐ đã trao đổi để hiểu rõ về các mô hình. Chủ trì phần tọa đàm trao đổi là đại diện ban chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) các trường ĐH, CĐ thuộc Bộ Công Thương và ĐH Sao Đỏ, gồm: PGS. TS Nguyễn Xuân Hoàn - Bí thư đảng ủy, Hiệu trưởng trường ĐH CN Thực phẩm TPHCM, Chủ tịch CLB, TS. Hoàng Xuân Hiệp - Bí thư Đảng ủy, hiệu trưởng trường ĐH Công nghiệp Dệt May Hà Nội, NGND. TS. Đinh Văn Nhượng - Bí thư Đảng ủy, hiệu trưởng trường ĐH Sao Đỏ.


Ông Nguyễn Xuân Hoàn – Hiệu trưởng trường ĐHCN Thực phẩm TP HCM phát biểu

Ông Nguyễn Xuân Hoàn cũng chia sẻ kinh nghiệm thành lập các công ty và viện nghiên cứu của trường ĐHCN Thực phẩm TP HCM. PGS.TS Phạm Văn Bổng, đại diện ĐH Công nghiệp Hà Nội đã chia sẻ kinh nghiệm vận hành mô hình Công ty cung ứng nhân lực của trường. Các đại biểu đều mong muốn học hỏi kinh nghiệm mô hình của trường ĐH Công nghiệp Dệt May Hà Nội và trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP HCM. Đồng thời, các đại biểu cũng mong muốn các trường thuộc Bộ Công Thương sẽ cùng liên kết, phối hợp để phát triển mô hình DN, mô hình trường THPT trong trường đại học nếu phù hợp với đặc thù của mỗi nhà trường.
 

Phùng Thị Hạnh – Phòng Đào tạo

© Bản quyền 2017 thuộc về Trường Đại học công nghiệp dệt may Hà Nội.
Online: 181 Tổng truy cập: 30.322.009