Ngày 23 tháng 10 năm 2024, tại Hà Nội, hội thảo “Ngành Dệt May Việt Nam: Tầm Nhìn 2045 – Nơi Tăng Trưởng Xanh Gặp Năng Suất” đã diễn ra thành công tốt đẹp, thu hút sự tham gia của nhiều đại biểu và doanh nghiệp trong ngành dệt may. Sự kiện do trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội (HTU), Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex), Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia (STAMEQ) và Tổ chức Năng suất Châu Á (APO) phối hợp tổ chức, đã mang đến những cái nhìn toàn diện về các xu hướng lớn và các kịch bản tăng trưởng tương lai của ngành dệt may Việt Nam.
Toàn cảnh Hội thảo
TS. Hoàng Xuân Hiệp, Hiệu trưởng trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội phát biểu khai mạc Hội thảo
Mở đầu hội thảo, TS. Hoàng Xuân Hiệp, Hiệu trưởng trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội đã có bài phát biểu khai mạc, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo để nâng cao năng suất và phát triển bền vững của ngành dệt may Việt Nam. TS. Hiệp chia sẻ: thị trường dệt may thế giới có dấu hiệu phục hồi tốt trong năm 2024, nhưng vẫn ở mức thấp hơn nhiều so với năm 2022. Thêm vào đó, xu hướng thị trường liên tục biến động, tạo áp lực cạnh tranh lớn cho các nước xuất khẩu, trong đó có Việt Nam. Trong bối cảnh đó, ngành dệt may Việt Nam đang phải cạnh tranh với những đối thủ xuất khẩu có nhiều lợi thế, như Bangladesh, Campuchia, Myanmar…Điều này buộc doanh nghiệp dệt may trong nước phải tăng sức cạnh tranh để duy trì và mở rộng thị phần. Trước thách thức này, các doanh nghiệp dệt may trong nước cần tập trung triển khai một số giải pháp: (1) Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, tự động hóa trong sản xuất; (2) Đầu tư vào công nghệ xanh, tiết kiệm năng lượng, giảm thiểu phát thải để tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường; (3) Nghiên cứu và dự báo các xu hướng thị trường để xây dựng chiến lược phát triển phù hợp...
Tiếp theo chương trình, TS. Nông Ngọc Duy – Nhà khoa học nghiên cứu cao cấp, Trưởng nhóm – CSIRO, Trường Đại học Griffith, Úc đã đưa ra các xu hướng lớn và các kịch bản tăng trưởng của ngành dệt may Việt Nam dựa trên các nghiên cứu thực tiễn và thông tin thu thập từ các cuộc phỏng vấn và hội thảo với các bên liên quan.
TS. Nông Ngọc Duy – Nhà khoa học nghiên cứu cao cấp, Trưởng nhóm – CSIRO, Trường Đại học Griffith, Úc trình bày tại hội thảo
PGS. TS. Nguyễn Phi Lê, Giám đốc Viện Nghiên cứu Quốc tế về AI – Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội đã trình bày khả năng ứng dụng hiệu quả và dễ dàng của AI trong nhiều khâu của ngành dệt may: Dự đoán xu hướng thời trang, Hiệu chỉnh trang phục, Quản lý chất lượng, Quản lý logistics, Tối ưu hóa kinh doanh và marketing.
PGS. TS. Nguyễn Phi Lê, Giám đốc Viện Nghiên cứu Quốc tế về AI – Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội, trình bày tại Hội thảo
Tại Hội thảo, ThS. Mai Sỹ Thanh, trường Đại học Điện lực cũng có bài trình bày rất thú vị và hữu ích về hiện trạng chuyển đổi năng lượng tái tạo trong ngành dệt may và các cơ hội cho ngành tiết kiệm năng lượng. Điều này sẽ giúp các doanh nghiệp Dệt May không chỉ tiết kiệm chi phí mà còn giảm phát thải CO2, tăng khả năng cạnh tranh, đáp ứng được yêu cầu của thị trường về sản xuất xanh và trách nhiệm xã hội.
Hội thảo là cơ hội để các chuyên gia, các nhà khoa học, các doanh nghiệp chia sẻ, thảo luận những vấn đề công nghệ, đổi mới sáng tạo, “xanh hóa”, bền vững mà doanh nghiệp dệt may Việt Nam cần hướng tới.
Thu Hằng – Phòng Đào tạo