Trang chủ
TRƯỜNG ĐẠI HỌC CÔNG NGHIỆP DỆT MAY HÀ NỘI
PHÒNG ĐÀO TẠO

Từng bước hiện thực hóa mục tiêu mở rộng thị trường đào tạo đại học tại miền Trung của HTU

Ngày đăng: 11:18 - 21/04/2023 Lượt xem: 311
Để thực hiện chiến lược phát triển và mở rộng thị trường đào tạo nhân lực phục vụ ngành dệt may tại khu vực miền Trung, ngày 19/4/2023, lãnh đạo trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội (Trường) đã gặp gỡ và làm việc với một số  doanh nghiệp dệt may và trường Cao đẳng Thương mại tại Đà Nẵng.

Khu vực Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng là nơi tập trung các doanh nghiệp dệt may lớn của ngành như Tổng Công ty cổ phần Dệt May Hòa Thọ, Công ty cổ phần Dệt May Huế, Công ty cổ phần Sợi Phú Bài,... Đây cũng là khu vực được Chính phủ định hướng thu hút đầu tư theo “Chiến lược phát triển ngành Dệt May và Da Giầy Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035”. Cùng với định hướng thu hút đầu tư thì phát triển nguồn nhân lực là điều kiện cần thiết để đảm bảo thực hiện chiến lược phát triển của ngành dệt may trong tương lai.

Tại buổi làm việc với các doanh nghiệp dệt may miền Trung, đại diện lãnh đạo Tổng công ty cổ phần Dệt May Hòa Thọ, Công ty cổ phần Dệt May Huế và Trường đã cùng nhau chia sẻ nhu cầu và bàn bạc về kế hoạch đào tạo nhân lực phục vụ cho sự phát triển của các doanh nghiệp.

Toàn cảnh buổi làm việc giữa Trường và các DN dệt may miền Trung
Chia sẻ tại buổi làm việc, ông Nguyễn Tiến Hậu - Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Dệt May Huế cho biết nhu cầu đào tạo kỹ sư Công nghệ may và Công nghệ sợi, dệt của Công ty trong thời gian tới. Ông Hậu cũng mong muốn thời gian tổ chức các lớp học có người lao động của doanh nghiệp tham gia nên linh hoạt để người học có thể cân đối hài hòa việc học tập và làm việc. Dệt May Huế cũng sẽ có những hỗ trợ đối với người lao động tham gia các khóa đào tạo do Trường tổ chức.

Bà Trần Tường Anh (thứ 2 từ bên phải)– Phó TGĐ Tổng CT CP Dệt May Hòa Thọ chia sẻ
Đồng thuận với ông Hậu, bà Trần Tường Anh – Phó tổng giám đốc Tổng Công ty cổ phần Dệt May Hòa Thọ cũng chia sẻ nhu cầu đào tạo phục vụ sự phát triển lâu dài của Tổng Công ty. Bà Tường Anh cũng chia sẻ quan điểm đầu tư cho nhân lực là sự đầu tư lâu dài, chưa nhìn thấy kết quả trong ngắn hạn nhưng mang lại lợi ích lâu dài cho doanh nghiệp. Bà cũng bày tỏ sự nhất trí với kế hoạch đào tạo kỹ sư Công nghệ may, Công nghệ sợi, dệt tại khu vực miền Trung của Trường. Bà cho biết lãnh đạo Hòa Thọ hết sức ủng hộ và tạo điều kiện tối đa như hỗ trợ cơ sở vật chất, vật tư, địa điểm và cán bộ hướng dẫn thực hành, thực tập... để tổ chức thành công các khóa học tại khu vực Đà Nẵng. Bà cũng thông tin phía Hòa Thọ sẽ nỗ lực để cử người lao động của doanh nghiệp tham gia lớp do Trường tuyển sinh và đào tạo.

Ông Hoàng Xuân Hiệp (bên trái) chia sẻ dự kiến đào tạo của HTU tại miền Trung
Ông Hoàng Xuân Hiệp – Hiệu trưởng nhà trường đã cảm ơn những hỗ trợ của các doanh nghiệp dệt may nói chung và Dệt May Hòa Thọ, Dệt May Huế nói riêng đối với công tác đào tạo của Trường. Ông Hiệp cũng mong muốn các doanh nghiệp sẽ tiếp tục đồng hành cùng Trường trong thời gian tới, đặc biệt là kế hoạch mở rộng thị trường đào tạo đại học tại miền trung trong năm 2023.

Cùng trong chuyến công tác, Trường cũng có buổi làm việc cùng Trường Cao đẳng Thương mại (Đà Nẵng). Đại diện lãnh đạo hai trường đã cùng nhau thảo luận về kế hoạch liên kết đào tạo đại học vừa làm vừa học ngành Công nghệ may và Công nghệ sợi, dệt tại Đà Nẵng.

Làm việc giữa Trường ĐHCN Dệt May HN và Trường Cao đẳng Thương mại (Đà Nẵng)
Tại buổi làm việc, ông Hoàng Xuân Hiệp bày tỏ sự trân trọng những hỗ trợ của trường Cao đẳng Thương mại với trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội từ những năm 2016 khi tổ chức đào tạo lớp Giám đốc xí nghiệp Dệt May tại trường Cao đẳng Thương mại. Với định hướng mở rộng thị trường đào tạo đại học tại miền Trung, ông Hiệp đề xuất hợp tác đặt lớp đào tạo vừa làm vừa học tại trường Cao đẳng Thương mại từ năm 2023.

Ông Võ Hồng Sơn – Hiệu trưởng trường Cao đẳng Thương mại (ngồi giữa) phát biểu
Ông Võ Hồng Sơn – Hiệu trưởng trường Cao đẳng Thương mại chia sẻ sự sẵn sàng hợp tác của trường Cao đẳng Thương mại. Ông Sơn khẳng định với cơ sở vật chất hiện có, Cao đẳng Thương mại sẽ đáp ứng tốt các điều kiện học tập cho các môn học lý thuyết, thực hành tin học... Ngoài ra, Cao đẳng Thương mại còn có hệ thống ký túc xá phục vụ cho việc ăn ở của các sinh viên từ xa đến. Ông Sơn cũng cho biết các giảng viên của trường còn có thể tham gia cùng giảng dạy các môn học phù hợp với chuyên môn được đào tạo.

Với những kết quả thảo luận khả quan cùng các doanh nghiệp dệt may miền trung và trường Cao đẳng Thương mại, hy vọng trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội sớm hoàn thành mục tiêu mở rộng thị trường đào tạo đại học tại miền Trung.
Phùng Thị Hạnh – Phòng Đào tạo

© Bản quyền 2017 thuộc về Trường Đại học công nghiệp dệt may Hà Nội.
Online: 195 Tổng truy cập: 32.787.833