Trang chủ
TRƯỜNG ĐẠI HỌC CÔNG NGHIỆP DỆT MAY HÀ NỘI
PHÒNG ĐÀO TẠO

Trường Đại học CN DM Hà Nội được Bộ Khoa học và Công nghệ giao đề tài nghiên cứu khoa học cấp quốc gia thực hiện từ năm 2024

Ngày đăng: 08:57 - 17/01/2024 Lượt xem: 201

Trong bối cảnh có sự phát triển nhanh chóng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0), xu thế chuyển đổi nhanh của chuỗi cung ứng toàn cầu sang chuỗi cung ứng xanh, bền vững thì có thể nhận thấy một trong nhiều nguyên nhân làm cho năng suất của ngành dệt may chưa cao là việc ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo vào ngành dệt may còn hạn chế. Bên cạnh đó, các đối thủ cạnh tranh chính của ngành dệt may Việt Nam tại các thị trường trọng điểm như Mỹ, EU…là Bangladesh, Myanma, Campuchia…đều cạnh tranh chủ yếu với ngành dệt may Việt Nam bằng giá sản xuất thấp do nhân công rẻ hơn hoặc các nước này vẫn được hướng chính sách giảm thuế do đang là các nước kém phát  triển. Nếu ngành dệt may Việt Nam cũng  hạ giá để cạnh tranh thì sẽ lỗ vốn do chi phí lao động của Việt Nam cao hơn từ 1,5-3,5 lần so với các quốc gia nêu trên. Như vậy, nếu muốn ngành dệt may phát triển bền vững thì về mặt kinh tế, ngành phải có năng suất cao hơn so với các quốc gia cạnh tranh thông qua nhiều giải  pháp trong đó có ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KHCN & ĐMST). Nhận thức được vai trò của KHCN & ĐMST trong việc thúc đẩy năng suất và phát triển bền vững cho ngành dệt may Việt Nam, TS. Hoàng Xuân Hiệp, Hiệu trưởng đã chỉ đạo nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội thực hiện đề tài “Nghiên cứu, triển khai một số giải  pháp về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo để tăng năng suất và phát triển bền vững cho ngành dệt may Việt Nam”.

Hội đồng tư vấn tuyển chọn thực hiện nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia được Bộ trưởng Bộ KH&CN thành lập do TS. Ngô Quý Việt làm chủ tịch đã họp và đánh giá rất cao đề tài NCKH của trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội.

Sau phiên họp của Hội đồng tư vấn tuyển chọn, đề tài “Nghiên cứu, triển khai một số giải  pháp về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo để tăng năng suất và phát triển bền vững cho ngành dệt may Việt Nam” đã được phê duyệt theo Quyết định số 3057/QĐ-BKHCN ngày 19/12/2023 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ và Thông báo số 4416/TB-TDC ngày 29/12/2023 của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng.

Đề tài được thực hiện trong 24 tháng; kết quả của đề tài sẽ cung cấp thông tin có giá trị khoa học cao để các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp sử dụng trong việc thiết kế chính sách, đề xuất giải pháp nâng cao năng suất cho doanh nghiệp dệt may Việt Nam bằng cách ứng dụng KHCN và ĐMST trong giai đoạn tới, góp phần tích cực triển khai thực hiện Chiến lược phát triển ngành dệt may và da giày Việt Nam đến 2030, tầm nhìn 2035 của Thủ tướng Chính phủ. Đề tài sau khi hoàn thành sẽ được triển khai thí điểm tại 10 doanh nghiệp Sợi, Dệt, Nhuộm, Kinh doanh, giúp các doanh nghiệp nâng cao năng suất, nâng cao giá trị gia tăng, nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua việc ứng dụng KHCN và ĐMST.

Thu Hằng_Phòng Đào tạo


© Bản quyền 2017 thuộc về Trường Đại học công nghiệp dệt may Hà Nội.
Online: 299 Tổng truy cập: 31.739.949