Trang chủ
TRƯỜNG ĐẠI HỌC CÔNG NGHIỆP DỆT MAY HÀ NỘI
PHÒNG ĐÀO TẠO

TS. Hoàng Xuân Hiệp tham gia thảo luận bàn tròn về thúc đẩy hợp tác viện, trường và doanh nghiệp trong thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học

Ngày đăng: 04:43 - 03/11/2022 Lượt xem: 369
Ngày 1/11, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp Đại sứ quán Australia tại Việt Nam tổ chức Hội thảo quốc tế "Thúc đẩy hợp tác viện, trường và doanh nghiệp trong thương mại hóa kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ - Kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị cho Việt Nam".

Toàn cảnh Hội thảo
Trong những năm gần đây, thị trường KH&CN Việt Nam đã có bước phát triển và đạt được một số kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, so với nhu cầu thực tế, thị trường KH&CN khá hạn chế, vận hành còn nhiều rào cản, vướng mắc. Hầu hết các viện, trường gặp rất nhiều khó khăn trong việc quản lý và khai thác kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ của đơn vị. Doanh thu mang lại được từ hoạt động khai thác tài sản trí tuệ còn thấp. Về hợp tác viện, trường và doanh nghiệp chủ yếu được thực hiện trong lĩnh vực đào tạo, cung cấp nhân lực và tư vấn chuyển giao công nghệ. Thành lập doanh nghiệp khởi nguồn (spin–off) tại các trường đại học, viện nghiên cứu chưa có quy định hướng dẫn cụ thể. Việc chưa có hướng dẫn chi tiết, hợp lý sử dụng quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp là điểm nghẽn lớn trong việc khuyến khích doanh nghiệp tham gia thị trường KH&CN nói chung và hoạt động thương mại hoá công nghệ, nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ mới, tiên tiến. Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận các giải pháp và nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới để thúc đẩy phát triển thị trường khoa học và công nghệ đồng bộ, hiệu quả, hiện đại và hội nhập; giải pháp để các viện, trường và doanh nghiệp hợp tác mạnh mẽ cùng nhau trong thương mại hóa kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ.

TS. Hoàng Xuân Hiệp, Hiệu trưởng Nhà trường được mời tham gia thảo luận bàn tròn tại Hội thảo với vai trò đại diện Hiệp Hội Dệt May Việt Nam. Từ góc độ doanh nghiệp, TS. Hoàng Xuân Hiệp chia sẻ: ngành dệt may Việt Nam có kim ngạch xuất khẩu đứng thứ 2 trong cả nước và đứng thứ 3 trên toàn thế giới. Mặc dù vậy, công nghệ ứng dụng cho ngành chưa được đẩy mạnh, một phần vì các doanh nghiệp gặp khó trong cơ chế, tài chính đầu tư cho công nghệ kỹ thuật, một mặt do doanh nghiệp chưa tìm được bên cung phù hợp. Còn với vai trò là Hiệu trưởng trường đại học, TS. Hoàng Xuân Hiệp nhận thấy, việc Nhà trường hợp tác với doanh nghiệp trong nghiên cứu, thương mại hóa kết quả nghiên cứu còn gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, TS. Hoàng Xuân Hiệp đề nghị xem xét điều chỉnh các quy định của pháp luật về quản lý tài sản công để có mức hỗ trợ hợp lý cho các đơn vị, cá nhân sử dụng tài sản trí tuệ công hình thành trong quá trình nghiên cứu nhằm khuyến khích đưa nhanh kết quả nghiên cứu vào nền kinh tế; thúc đẩy mạnh việc hình  thành các tổ chức trung gian về KH&CN để tăng cường kết nối bên cung KH&CN là các viện, trường với bên cầu KH&CN là các doanh nghiệp; đồng thời xem xét điều kiện để tác giả các nghiên cứu tại các trường đại học, viện nghiên cứu có thể tham gia quản lý, điều hành các doanh nghiệp KH&CN…
TS. Hoàng Xuân Hiệp trao đổi tại Hội thảo

Toàn cảnh Hội thảo bàn tròn

Đại biểu Hội thảo chụp ảnh lưu niệm

© Bản quyền 2017 thuộc về Trường Đại học công nghiệp dệt may Hà Nội.
Online: 133 Tổng truy cập: 33.339.444