10 sự kiện nổi bật của HTU năm 2020

Ngày đăng: 04:20 - 31/12/2020 Lượt xem: 1.361
Năm 2020 với nhiều biến động đang dần khép lại, không dừng bước trước những khó khăn toàn cầu vì đại dịch Covid 19, Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội (HTU) từng bước gặt hái những thành công đáng tự hào trong nhiều lĩnh vực. Sau đây là 10 sự kiện nổi bật của HTU năm 2020.

1. NHIỀU HOẠT ĐỘNG CỦA HTU LINH HOẠT TRONG ĐẠI DỊCH COVID19 

 
 
Trong bối cảnh dịch COVID-19 kéo dài, nhằm đảm bảo chương trình, kế hoạch đào tạo với phương châm “tạm dừng đến trường nhưng không dừng việc học”, ngay từ tháng 3, trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội đã triển khai phương pháp làm việc online cho toàn bộ cán bộ, giảng viên, nhân viên. Song song với làm việc trực tuyến, Trường đã chuyển dạy học trực tiếp trên giảng đường sang giảng dạy trực tuyến qua hệ thống phần mềm CLS.VN, phần mềm Zoom, … và các phần mềm học tập trực tuyến khác. 

 

 

Trước những diễn biến phức tạp của Covid-19, mặt hàng khẩu trang trở nên khan hiếm, trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội đã sản xuất và phát miễn phí khẩu trang vải kháng khuẩn cho toàn bộ cán bộ, giảng viên, nhân viên, sinh viên. Bên cạnh đó, nhà trường còn dành tặng khẩu trang miễn phí cho một số trường THPT và người dân trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, Hà Nội, Hưng Yên, Thái Bình, Hải Dương với số lượng trên 50.000 chiếc. Món quà tuy không lớn về giá trị nhưng vô cùng ý nghĩa trong đại dịch. 

 
2. 
SINH VIÊN ĐẠI HỌC KHÓA I TỐT NGHIỆP

Năm 2020, năm đánh dấu mốc quan trọng của trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội trong đào tạo trình độ Đại học khi 408 sinh viên đầu tiên ngành Công nghệ may, Quản lý Công nghiệp và Công nghệ Sợi Dệt ra trường, chính thức gia nhập đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật trình độ cao của ngành dệt may Việt Nam. Trong buổi Lễ  tốt nghiệp của sinh viên đại học khóa 1, nhà trường vinh được dự đón đ/c Phùng Quốc Hiển, Uỷ viên BCH TW Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội nước CHXHCNVN. Trong buổi trao bằng, đại diện các doanh nghiệp Dệt May đánh giá cao chất lượng đào tạo của Trường khi các em sinh viên đã đáp ứng tốt yêu cầu công việc. Sau 2 tháng tốt nghiệp 85,4% sinh viên đại học khóa 1 có việc làm, 3% làm việc tại các vị trí quản lý; 77,3% làm việc tại các vị trí cán bộ kỹ thuật; mức thu nhập cao nhất là 35 triệu đồng/ 1 tháng.  

3. ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ TRƯỜNG ĐẠI HỌC CÔNG NGHIỆP DỆT MAY HÀ NỘI LẦN THỨ XV NHIỆM KỲ 2020-2025

 

Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội đã tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ lần thứ XV nhiệm kỳ 2020-2025. Đây là kỳ đại hội có tính chất quan trọng đối với trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội, trên cơ cở đánh giá rút kinh nghiệm việc lãnh đạo hoạt động nhiệm kỳ đầu tiên của trường đại học để bầu Ban Chấp hành Đảng bộ khóa XV nhiệm kỳ 2020-2025 gồm 15 đồng chí có đủ năng lực, trình độ chuyên môn, phẩm chất chính trị và thảo luận, xây dựng Nghị quyết của nhiệm kỳ. Đại hội đại biểu Đảng bộ trường là Đại hội thí điểm bầu trực tiếp Bí thư. 
 
4. SINH VIÊN HTU ĐẠT HUY CHƯƠNG VÀNG TẠI KỲ THI KỸ NĂNG NGHỀ QUỐC GIA LẦN THỨ XI

 
 
 

Kỳ thi kỹ năng nghề quốc gia diễn ra 2 năm/lần, nhằm tôn vinh lực lượng lao động trẻ có kỹ năng nghề; tạo phong trào thi đua học tập, rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp. Kỳ thi kỹ năng nghề quốc gia lần thứ XI là năm đầu tiên tổ chức thi Kỹ năng nghề quốc gia với thời gian thi nhiều nhất từ trước đến nay, nhằm tiệm cận gần hơn với Kỳ thi Kỹ năng nghề ASEAN và thế giới, các thí sinh hoàn thành bài thi của mình trong thời gian từ 13,5 - 15 giờ. Đến với kỳ thi kỹ năng nghề quốc gia lần thứ XI, trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội cử 4 sinh viên dự thi 2 nghề: Công nghệ Thời trang và nghề Thiết kế thời trang kỹ thuật số. Với kỹ năng chuyên môn tốt, các thao tác được thực hiện nhuần nhuyễn, sinh viên Trường đã gây được ấn tượng tốt đẹp cho Ban giám khảo.  Kết quả cả 4 sinh viên của Trường đều đạt giải với 02 huy chương vàng, 01 huy chương bạc và 01 huy chương đồng. 01 Sinh viên tiếp tục được chọn vào đội tuyển thi tay nghề ASEAN nghề Công nghệ thời trang.

5. CHUYỂN GIAO THÀNH CÔNG MÔ HÌNH SẢN XUẤT TINH GỌN LEAN ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ SỐ CHO DOANH NGHIỆP MAY 
 

Mô hình sản xuất tin gọn Lean ứng dụng công nghệ số được trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội phát triển trên nền tảng mô hình sản xuất tinh gọn Lean truyền thống đã được chuyển giao thành công tại 3 doanh nghiệp may có quy mô lớn gồm: Công ty Cổ phần - Tổng Công ty may Bắc Giang LGG, Tổng Công ty Cổ phần Phong Phú, Công ty Cổ phần Quốc tế Phong Phú,.... 
Mô hình Lean trong bối cảnh chuyển đổi số gồm 12 công cụ thuộc 3 trụ cột. Các công nghệ số điển hình đã được nhóm nghiên cứu tích hợp với các  công cụ của Lean bao gồm: Internet vạn vật IOT, công nghệ nhận dạng bằng tần số vô tuyến RFID, Công nghệ cảm biến...Kết quả triển khai đã cho thấy hiệu quả vượt trội so với việc ứng dụng thuần túy Lean truyền thống: Năng suất lao động tăng từ 5-10% tùy từng mã hàng, số sản phẩm lỗi giảm 1-2%, doanh thu của mỗi dây chuyền tăng 8-10%, thu nhập của người lao động tăng 5-6%.

6. TRAO ĐỔI GIẢNG VIÊN THỤY SĨ 
 

 Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội được biết đến là nơi đào tạo theo định hướng ứng dụng, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành dệt may Việt Nam. Trường có Trung tâm sản xuất dịch vụ với hai chức năng là sản xuất hàng xuất khẩu và tạo môi trường học tập theo tiêu chuẩn quốc tế để sinh viên thực hành, thực tập. Đây cũng là địa chỉ mà nhiều trường, doanh nghiệp quốc tế lựa chọn để đến thăm quan, trao đổi giảng viên và sinh viên. Năm 2020, trong bối cảnh đại dịch Covid – 19 diễn biến phức tạp nhưng Trường đã đón 3 đợt giảng viên Thụy sỹ đến thực tế an toàn, hiệu quả, để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp với đối tác. Trong thời gian thực tế, ngoài việc được học hỏi những kỹ năng, kiến thức và kinh nghiệm trong triển khai và sản xuất may công nghiệp đoàn giảng viên Thụy Sỹ đã tham gia  giảng dạy 3 chuyên đề về Thiết kế thời trang, giới thiệu một số kỹ thuật và phương pháp trang trí trên bề mặt vải, thay đổi bề mặt vải bằng các đường khâu tay, rút sợi, đan sợi,…. cho giảng viên và sinh viên.
 
7. HTU ĐÀO TẠO THEO ĐƠN ĐẶT HÀNG NHÀ NƯỚC VÀ CÔNG ĐOÀN DỆT MAY VIỆT NAM 
 
 

Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội là đơn vị duy nhất được Hiệp hội Dệt May Việt Nam lựa chọn tham gia đào tạo nguồn nhân lực cho doanh nghiệp nhỏ và vừa ngành dệt may theo đặt hàng của nhà nước. Các khóa đào tạo gồm: Đào tạo quản trị kinh doanh chuyên sâu,  đào tạo khởi sự, đào tạo quản trị kinh doanh. Với uy tín trong đào tạo theo nhu cầu doanh nghiệp, nhà trường cũng được Công đoàn Dệt May Việt Nam tin tưởng đặt hàng đào tạo nâng cao nghiệp vụ cho đoàn viên, người lao động với trên 1.000 người. Các khóa đào tạo do trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội tổ chức được các doanh nghiệp đánh giá cao bởi hiệu quả mà nó mang lại.

8. ĐẠT GIẢI C HỘI THI NGƯỜI HUẤN LUYỆN AN TOÀN, VỆ SINH LAO ĐỘNG GIỎI TOÀN QUỐC NĂM 2020

 
 

Hội thi "Người huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động giỏi toàn quốc năm 2020" được tổ chức tại Thanh Hoá trong hai ngày 27-28/11/2020 với 120 thí sinh tham gia. Cuộc thi tạo cơ hội để các doanh nghiệp, cơ sở giao lưu học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm, ứng dụng CN 4.0, kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ huấn luyện về ATLĐ có hiệu quả, thiết thực hơn trong các doanh nghiệp, cơ sở. Giảng viên Bùi Thị Thu - Khoa Cơ Điện đại diện Công đoàn ngành Dệt May tham dự nội dung thi An toàn lao động ngành may. Tiết giảng đạt giải C. Đây là thành tích đáng ghi nhận trong cuộc thi với sự tham gia của các Tập đoàn, đơn vị lớn có rất nhiều kinh nghiệm trong ATLĐ.

9. BÙNG NỔ CÁC HOẠT ĐỘNG CỦA CÂU LẠC BỘ ĐỘI NHÓM THANH NIÊN HTU

 

 
 
Nhằm đáp ứng nhu cầu hoạt động chuyên môn và sở thích của các bạn sinh viên nhiều câu lạc bộ đội nhóm thanh niên đã được thành lập. Tính đến nay trường ĐHCNDMHN đã có 15 câu lạc bộ được chia làm 4 mảng: tình nguyện, học thuật, thông tin truyền thông, văn hóa văn nghệ - thể dục thể thao. Năm 2020 các câu lạc bộ trên đã để lại nhiều dấu ấn khi thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, hiến máu nhân đạo, ngày chủ nhật xanh, ủng hộ đồng bào miền trung lũ lụt, thu hút được đông đảo các bạn sinh viên tham gia. Với nhiều cách thức hoạt động hiệu quả, các câu lạc bộ đội nhóm đang trở thành cánh tay nối dài của Đoàn Thanh niên - Hội sinh viên nhà trường, là nơi ươm mầm tài năng và rèn luyện, nâng cao các kỹ năng cho sinh viên.

10. TRUNG TÂM SẢN XUẤT DỊCH VỤ GIỮ ỔN ĐỊNH TRONG ĐẠI DỊCH COVID 19

 

Ngành Dệt May là ngành chịu tác động sớm nhất và kéo dài nhất của  đại dịch Covid 19. Nhiều doanh nghiệp Dệt May lâm vào tình cảnh khó khăn do đơn hàng sụt giảm, người lao động nghỉ luân phiên và sản xuất "cầm chừng". Trong bối cảnh đó, Trung tâm sản xuất dịch vụ trường Đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội được coi là “điểm sáng” khi vẫn duy trì được sản xuất liên tục, đảm bảo đời sống cho cán bộ, công nhân và tiếp tục phát triển thêm nhiều khách hàng mới. 
 
                                                                             Phòng Tuyển sinh & Truyền thông

Các bài viết khác

Thông báo tuyển sinh bổ sung năm 2024
18/08/2024
3.707 lượt xem
Kế toán tiền lương
25/07/2024
189 lượt xem
Tuyển sinh Đại học, Cao đẳng
09/07/2024
2.164 lượt xem

Liên kết website