Ngày 01/11/2022, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp Đại sứ quán Australia tại Việt Nam tổ chức Hội thảo quốc tế "Thúc đẩy hợp tác viện, trường và doanh nghiệp trong thương mại hóa kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ - Kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị cho Việt Nam". TS. Hoàng Xuân Hiệp, Hiệu trưởng trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội được mời tham gia thảo luận bàn tròn với vai trò đại diện Hiệp hội Dệt May Việt Nam.
Toàn cảnh Hội thảo
Tại hội thảo, dưới góc độ của Hiệp hội Dệt May Việt Nam, TS. Hoàng Xuân Hiệp cho biết dù ngành dệt may Việt Nam có kim ngạch xuất khẩu đứng thứ 2 trong cả nước và đứng thứ 3 trên toàn thế giới, song công nghệ ứng dụng cho ngành còn hạn chế bởi những vướng mắc trong cơ chế, tài chính hoặc chưa tìm được bên cung phù hợp. Còn dưới góc độ cơ sở đào tạo, với vai trò là Hiệu trưởng trường đại học, TS. Hiệp nhận thấy quá trình thương mại hóa kết quả nghiên cứu gặp không ít khó khăn.
TS. Hoàng Xuân Hiệp trao đổi tại Hội thảo
Để giải quyết những vấn đề trên TS. Hiệp đề nghị xem xét điều chỉnh các quy định của pháp luật về quản lý tài sản công để có mức hỗ trợ hợp lý cho các đơn vị, cá nhân sử dụng tài sản trí tuệ công; hình thành các tổ chức trung gian về KH&CN để tăng cường kết nối bên cung KH&CN là các viện, trường với bên cầu KH&CN là các doanh nghiệp; xem xét điều kiện để tác giả các nghiên cứu tại các trường đại học, viện nghiên cứu có thể tham gia quản lý, điều hành các doanh nghiệp KH&CN…
Toàn cảnh Hội thảo bàn tròn
Các ý kiến và đề xuất của Hiệu trưởng trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội được các Ban tổ chức và các vị đại biểu đánh giá cao. Hy vọng sau Hội thảo, sẽ có nhiều biện pháp hiệu quả được đưa ra để thúc đẩy hợp tác giữa viện, trường và doanh nghiệp trong thương mại hóa kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ nói chung và ngành dệt may nói riêng.
Nguyễn Thị Thu Hằng_Phòng Đào tạo