Sáng 20/10/2022, tại trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội (HTU) đã diễn ra Hội nghị khoa học toàn quốc về Dệt, May, Da – Giầy lần thứ 3.
Toàn cảnh Hội nghị tại phiên khai mạc
Tham dự Hội nghị, có ông Cao Hữu Hiếu, tổng Giám đốc, Tập đoàn Dệt may Việt Nam; ông Lưu Tiến Chung phó chủ tịch Hiệp hội dệt may Việt Nam; bà Nguyễn Thị Bích Hòa đại diện tổ chức GIZ; và gần 100 đại biểu đến từ các trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp, đơn vị nghiên cứu trong lĩnh vực dệt, may, da-giầy.
TS. Hoàng Xuân Hiệp, Bí thư, Hiệu trưởng HTU, trưởng ban tổ chức Hội nghị khoa học toàn quốc về dệt, may, da-giầy Việt Nam lần thứ 3
Trong phiên khai mạc, TS. Hoàng Xuân Hiệp, Bí thư, Hiệu trưởng trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội, trưởng ban tổ chức Hội nghị khoa học toàn quốc về dệt, may, da-giầy lần thứ 3, đơn vị đăng cai tổ chức cho biết: “Với 55 xây dựng và phát triển trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội tập trung cho công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao theo chuỗi cung ứng hoàn chỉnh cho ngành dệt may với các khóa đào tạo chính quy ở trình độ đại học và cao đẳng, các khóa đặt hàng theo nhu cầu của doanh nghiệp". TS Hiệp tin tưởng những tri thức mới do các nhà nghiên cứu khoa học mang lại tại hội thảo sẽ giúp ngành dệt, may, da-giầy phát triển bền vững.
PGS.TS Phan Thanh Thảo, Trưởng ban điều hành VIATAL, Chủ tịch thường trực Hội nghị khoa học toàn quốc về Dệt, May, Da - Giầy lần thứ 3
Thay mặt Ban tổ chức PGS.TS Phan Thanh Thảo, Trưởng ban điều hành VIATAL, Chủ tịch thường trực Hội nghị khoa học toàn quốc về Dệt, May, Da - Giầy lần thứ 3 gửi lời cảm ơn tớicác nhà khoa học, chuyên gia, nhà quản lý và doanh nghiệp đã tham gia tích cực, có nhiều đóng góp cho sự phát triển của ngành dệt may, da-giầy. Ban tổ chức sẽ lựa chọn các bài xuất sắc nhất trong 54 bài được đăng trên kỷ yếu Hội nghị NSCTEX2022 để đăng tải trên Journal of Science and Technology: Engineering and Technology for Sustainable Development.
Ông Cao Hữu Hiếu, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam
Trong bài phát biểu của mình ông Cao Hữu Hiếu, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam, đánh giá cao kết quả nghiên cứu của 54 báo cáo khoa học sẽ được trình bày trong các phiên của Hội nghị. Các công tình nghiên cứu trên có thể được triển khai vào thực tế và mang lại giá trị gia tăng cho doanh nghiệp.
TS. Hoàng Xuân Hiệp, Hiệu trưởng trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội với bài trình bày "Chính sách thúc đẩy Nhà Khoa học, nhà sáng chế, doanh nghiệp nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực dệt may"
Tại phiên chung, Hội nghị đã nghe 6 bài trình bày đến từ trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội; Đại học Bách khoa Hà Nội ; Viện nghiên cứu Dệt May; Viện Nghiên cứu Da - Giầy; Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh. Nội dung các bài trình bày tập chung vào chủ đề Ứng dụng khoa học công nghệ trong lĩnh vực dệt may, da – giầy.
Các nhà khoa học trình bày tại phiên chuyên đề
Trong 03 phiên chuyên đề, các đại biểu được nghe các chuyên đề về Vật liệu và Công nghệ Sợi, Dệt, Nhuộm, Da Giầy; Công nghệ và thiết bị May, Thời trang; Kinh doanh và phát triển bền vững dệt may, da giầy. Các bài trình bày được đánh giá cao về nội dung và kết quả ứng dụng khi được triển khai trong thực tế.
PGS. TS. Vũ Thị Hồng Khanh, Nguyên Viện trưởng Viện Dệt may – Da giầy & Thời trang, Tổng thư ký VIATAL, Phó trưởng ban tổ chức Hội nghị khoa học toàn quốc về Dệt, May, Da -Giầy lần thứ 3 phát biểu tại phiên bế mạc
Trong phiên Bế mạc, PGS. TS. Vũ Thị Hồng Khanh, Nguyên Viện trưởng Viện Dệt may – Da giầy & Thời trang, Tổng thư ký VIATAL, Phó trưởng ban tổ chức Hội nghị khoa học toàn quốc về Dệt, May, Da - Giầy lần thứ 3 cho biết, sau thời gian làm việc nghiêm túc, trách nhiệm Ban tổ chức đã chọn 8/54 bài đăng trên tạp chí JST. Với công tác chuẩn bị chu đáo, trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội tiếp tục được lựa chọn là nơi tổ chức Hội nghị khoa học toàn quốc về Dệt, May, Da - Giầy lần thứ 4.
Một số hình ảnh khác
Phòng Tuyển sinh và Truyền thông