Hợp tác với Công đoàn Dệt May Việt Nam - Chiến lược đến 2030

Ngày đăng: 08:06 - 08/03/2023 Lượt xem: 557
Sáng ngày 07/03/2023, trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội và Công đoàn Dệt May Việt Nam đã trao đổi về chiến lược hợp tác đào tạo, bồi dưỡng cho người lao động ngành dệt may trong giai đoạn 2023-2030, đặc biệt là kế hoạch năm 2023.

Tiếp tục thực hiện Thỏa thuận hợp tác đã ký kết năm 2020, sáng ngày 07/03/2023, các lãnh đạo trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội (Trường) và Công đoàn Dệt May Việt Nam đã cùng nhau thảo luận về chiến lược hợp tác đào tạo, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp cho đoàn viên và người lao động ngành dệt may trong giai đoạn 2023-2030 cũng như các kế hoạch cụ thể cho năm 2023.

Tham dự buổi làm việc, về phía Công đoàn Dệt May Việt Nam có bà Phạm Thị Thanh Tâm – Chủ tịch Công đoàn cùng các lãnh đạo và cán bộ của Công đoàn. Đại diện nhà trường có TS. Hoàng Xuân Hiệp – Hiệu trưởng cùng các đ/c phó hiệu trưởng, đại diện phòng Đào tạo và Kế hoạch – Tài chính.

Toàn cảnh buổi làm việc

Tại buổi làm việc, hai bên đã cùng nhau đánh giá những hiệu quả tích cực từ chương trình hợp tác cũng như chia sẻ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai hoạt động đào tạo cho người lao động ngành dệt may giai đoạn 2020-2022. Trên cơ sở đó, hai bên cũng thảo luận những giải pháp để giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong giai đoạn 2020-2022 và định hướng hợp tác lâu dài trong giai đoạn 2023-2030.

Bà Phạm Thị Thanh Tâm – Chủ tịch Công đoàn Dệt May Việt Nam phát biểu

Sau buổi làm việc, hai bên đã thống nhất các nhiệm vụ và giải pháp chính cho giai đoạn hợp tác tiếp theo. Một là, mở rộng đối tượng thụ hưởng chương trình trên cơ sở đáp ứng nhu cầu của người lao động ngành dệt may bằng việc đa dạng hóa các chương trình đào tạo cả ngắn hạn và dài hạn, đặc biệt ưu tiên cho những người công nhân có thành tích xuất sắc đang làm việc tại các doanh nghiệp dệt may. Hai là, hai bên phối hợp tổ chức khảo sát nhu cầu của người lao động tại các doanh nghiệp dệt may để tổ chức đào tạo sát với nhu cầu. Ba là, tăng cường sự phối hợp giữa Trường và Công đoàn Dệt May Việt Nam cùng các doanh nghiệp dệt may có người lao động tham gia khóa đào tạo để tổ chức, quản lý các khóa đào tạo đảm bảo đúng đối tượng, nghiêm túc nhằm nâng cao hiệu quả và ý nghĩa tốt đẹp của chương trình. Bốn là, hai bên thống nhất phương án đào tạo và làm các công tác chuẩn bị để tổ chức các khóa đào tạo năm 2023 bắt đầu từ tháng 3/2023.

Ông Hoàng Xuân Hiệp (ngồi giữa) – Hiệu trưởng nhà trường phát biểu
 
Chương trình của Công đoàn Dệt May Việt Nam hỗ trợ các doanh nghiệp đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghề nghiệp của đoàn viên, người lao động ngành dệt may là một chương trình có ý nghĩa hết sức nhân văn. Chương trình này sẽ giúp các doanh nghiệp dệt may nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, góp phần nâng cao năng suất lao động, tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh, tăng thu nhập cho người lao động. Việc Công đoàn Dệt May Việt Nam lựa chọn trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội là đối tác thực hiện chương trình là minh chứng về uy tín và thương hiệu của nhà trường trong công tác đào tạo nhân lực phục vụ cho ngành dệt may. Tham gia chương trình này cũng là cách nhà trường tiếp cận sát hơn với nhu cầu của thị trường lao động, từ đó có những cải tiến hoạt động đào tạo nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu xã hội.
 
Phùng Thị Hạnh – Phòng Đào tạo
 

Các bài viết khác

Thông báo tuyển sinh bổ sung năm 2024
18/08/2024
3.578 lượt xem
Kế toán tiền lương
25/07/2024
136 lượt xem
Tuyển sinh Đại học, Cao đẳng
09/07/2024
2.110 lượt xem

Liên kết website