Sáng ngày 28/4/2021, tại trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Hiệp hội các trường Đại học Cao đẳng Việt Nam đã tổ chức Lễ ra mắt Câu lạc bộ khối trường đại học đã tự chủ và tọa đàm về các vấn đề cần tháo gỡ của 23 trường đại học được Chính phủ cho phép tiến hành tự chủ.
Tham dự có PGS, TS Trần Xuân Nhĩ – Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội, TS Lê Viết Khuyến – Phó Chủ tịch Hiệp hội, cùng đại biểu đại diện cho 23 trường đã tự chủ.
Về phía trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội tham dự có TS. Hoàng Xuân Hiệp – Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng và TS. Nguyễn Văn Đức – Trưởng phòng TCHC, Thư ký Hội đồng trường.
Các đại biểu chụp ảnh cùng BCN Câu lạc bộ khối trường Đại học đã tự chủ
Phát biểu khai mạc và định hướng hoạt động cho CLB, Phó Chủ tịch Hiệp hội Trần Xuân Nhĩ cho biết: “Câu lạc bộ Khối trường đại học đã tự chủ là câu lạc bộ rất quan trọng, có nhiệm vụ tháo gỡ những vướng mắc về cơ chế chính sách cho chủ trương tự chủ đại học triển khai thành công trên thực tế. Các thành viên đều là những trường đại học đã có thực tiễn và kinh nghiệm về tự chủ.
Lễ ra mắt Câu lạc bộ Khối trường đại học đã tự chủ đánh dấu một bước tiến mới, đóng góp hữu ích vào sự phát triển và gia tăng tự chủ cho các trường đại học Việt Nam.
Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ khối trường Đại học đã tự chủ
Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Văn Cường – Đại biểu quốc hội, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc dân được bầu làm Chủ nhiệm câu lạc bộ. Phó Chủ nhiệm là Giáo sư, Tiến sĩ Sử Đình Thành – Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh.
Ủy viên ban chủ nhiệm là lãnh đạo các trường: trường Đại học Bách khoa Hà Nội, trường Đại học Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp, trường Đại học Kinh tế – Đại học Đà Nẵng, trường Đại học Mở thành phố Hồ Chí Minh, trường Đại học Y dược Cần Thơ.
Ngay sau Lễ ra mắt, Ban chủ nhiệm CLB đã đã tổ chức Chương trình tọa đàm bàn về các vấn đề vướng mắc trong quá trình tự chủ đại học vừa qua và những việc cần làm trong bối cảnh hiện nay.
Giáo sư Hoàng Văn Cường – Chủ nhiệm câu lạc bộ đặt vấn đề: “Thực hiện tự chủ đã giúp các trường tháo gỡ được nhiều khó khăn và tiến tới phát triển chất lượng giáo dục đại học. Tuy nhiên, hành lang pháp lý hiện nay vẫn còn tồn tại những vướng mắc nhất định. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng chỉ rõ: Cần có cơ chế bảo vệ người dám nghĩ, dám làm…. Từ Nghị quyết đến lúc có cơ chế bảo vệ những người dám nghĩ dám làm trong tự chủ đại học thì cần có thời gian, vậy chúng ta phải làm gì để tự bảo vệ mình? Đó là lý do các trường cần trao đổi, chia sẻ, để phát huy cao nhất quyền tự chủ, quyền tự do sáng tạo, tự do đổi mới, để cùng tạo nên những giá trị thực sự. Việc tháo gỡ những rào cản, vương mắc về tự chủ đại học cũng là nhiệm vụ đặt ra cho Câu lạc bộ của chúng ta”.
Tiến sĩ Hoàng Xuân Hiệp – Hiệu trưởng trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội tham luận về những vướng mắc liên quan đến việc không có cơ quan chủ quản của trường đại học, khi đó do không là đơn vị dự toán cấp 1 nên không được tham gia. Ngoài ra, TS Hoàng Xuân Hiệp có đề xuất Hiệp hội nên có các nhóm chuyên trách hoặc nhóm zalo để hỗ trợ các trường đã tự chủ về vấn đề pháp chế hoặc những vướng mắc mới phát sinh cần tranh thủ ý kiến, trao đổi giữa các trường.
TS. Hoàng Xuân Hiệp trao đổi tại phiên tọa đàm
Trao đổi tại buổi tọa đàm, nhiều đại biểu cho rằng, bên cạnh những vướng mắc tồn tại thì hành lang pháp lý (như Luật giáo dục đại học sửa đổi số 34, Nghị định hướng dẫn thi hành một số điều của Luật giáo dục đại học sửa đổi số 99) cũng đã tạo cho các trường hướng đi tự chủ rất tốt, từ liên kết, hợp tác, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ. Tuy nhiên, các luật và các văn bản ban hành còn chậm nên khi triển khai còn nhiều vướng mắc. Các trường hội viên CLB cùng nhau nghiên cứu các văn bản pháp luật để giải quyết bài toán tự chủ. Giáo sư Sử Đình Thành cũng nhấn mạnh về vấn đề thống nhất giữa hội đồng trường và Ban giám hiệu Nhà trường khi thực hiện tự chủ.
Nguyễn Văn Đức-Phòng TCHC