Trong 2 ngày 14,15/6/2022, Công đoàn Dệt may Việt Nam tổ chức Ngày hội Lao động sáng tạo ngành Dệt may Việt Nam lần thứ III, trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội (HTU) được chọn là nơi diễn ra sự kiện này.
Tôn vinh sự sáng tạo
Ngày hội Lao động sáng tạo lần thứ III diễn ra với các nội dung: Thi bảo vệ đề tài, giải pháp; triển lãm các gian hàng sáng tạo; giới thiệu sản phẩm, giới thiệu việc làm; trình diễn ca nhạc, thời trang; tôn vinh các tập thể, cá nhân Lao động sáng tạo tiêu biểu; Khen thưởng giai đoạn 1 Chương trình 1 triệu sáng kiến của Tổng Liên đoàn.
Để chuẩn bị cho Ngày hội, các đơn vị đã tổ chức nhiều vòng xét duyệt tại cơ sở và chọn ra 76 đề tài, giải pháp tiêu biểu và đăng ký 33 gian hàng. Trong đó, 18 đề tài giải pháp thuộc lĩnh vực sợi - dệt - nhuộm, 58 đề tài giải pháp thuộc lĩnh vực may. Các đề tài giải pháp tham gia cấp Ngành phải qua hai vòng sơ khảo và chung khảo.
Ở vòng chung khảo các tác giả phải trực tiếp thuyết trình, bảo vệ trước hội đồng để làm rõ các tiêu chí của đề tài, gồm tính mới, tính sáng tạo; có khả năng áp dụng rộng rãi; có hiệu quả kinh tế - xã hội cụ thể. Công đoàn Dệt May Việt Nam đã mời Hội đồng giám khảo gồm các nhà khoa học, các nhà quản lý đầu ngành để giúp Ban tổ chức xem xét, đánh giá, thẩm định các đề tài, giải pháp dự thi.
Sách, giáo trình do HTU biên soạn được trưng bày tại gian hàng
Đối với các gian hàng tham gia trưng bày tại Ngày hội, tiêu chí đánh giá gồm: Trang trí, trưng bày khoa học, đẹp mắt; có chủ đề cho gian hàng; các sản phẩm trưng bày phong phú; có mẫu vật, phim, ảnh về phong trào Lao động sáng tạo của đơn vị; thuyết trình hay, giới thiệu rõ ràng, đầy đủ. Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội đạt giải Nhì về gian hàng sáng tạo.
Đ/c Nguyễn Thu Phượng, Phó hiệu trưởng, Chủ tịch công đoàn trường nhận giải Nhì gian hàng sáng tạo
Xây dựng phong trào công nhân sáng tạo
Ông Trần Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát biểu tại ngày hội
Đánh giá về tổ chức phong trào thi đua lao động sáng tạo của Công đoàn Dệt may Việt Nam, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Trần Thanh Hải khẳng định trong những năm qua, đặc biệt là hưởng ứng Chương trình 1 triệu sáng kiến của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Công đoàn Dệt may Việt Nam đã có những nỗ lực và đạt được kết quả quan trọng, trong đó khẳng định vị thế đóng góp của người lao động Công đoàn Dệt may Việt Nam. Điều quan trọng là Công đoàn Dệt may Việt Nam đã kế thừa xuất sắc những kinh nghiệm trong đội ngũ người lao động Dệt may trước đây khi đã sản sinh những kiện tướng của ngành để phát huy sáng kiến, sáng tạo trong lao động sản xuất hiện nay. Riêng với hoạt động Ngày hội Lao động sáng tạo, Công đoàn Dệt may Việt Nam đã tạo điều kiện cho người trực tiếp có sáng kiến có cơ hội gặp nhau để họ cùng suy nghĩ, trao đổi về những ý tưởng mới, đồng thời có niềm tự hào hơn về những gì mình đã cống hiến.
Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội và sự thành công của Ngày hội
TS. Hoàng Xuân Hiệp, Hiệu trưởng HTU (áo kẻ) và Th.s Dương Thị Hoàn, phó trưởng khoa Công nghệ May (áo đen) là giám khảo lĩnh vực May
Sự thành công của Ngày hội Lao động Sáng tạo ngành Dệt may Việt Nam lần thứ III – năm 2022 có sự đóng góp không nhỏ trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội. Với cương vị là đơn vị được chọn là địa điểm tổ chức sự kiện, HTU đã phối hợp chặt chẽ với Ban tổ chức và tạo điều kiện thuận lợi trong việc chuẩn bị khuôn viên, cơ sở vật chất, cử cán bộ giỏi làm thành viên của Ban giám khảo chấm lĩnh vực May. Cũng trong buổi bế mạc, các tiết mục biểu diễn văn nghệ và màn trình diễn thời trang do sinh viên HTU thực hiện đã mang lại không khí sôi động cho Ngày hội, sự hào hứng cho khán giả.
Tiết mục biểu diễn thời trang do sinh viên HTU thể hiện
Ngày hội khép lại trong niềm vui hân hoan của các tập thể, cá nhân doanh nghiệp dành được phần thưởng cao quý sau những nỗ lực không ngừng nghỉ và trường đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội vui mừng khi được góp sức mình vào thành công của ngày hội.
Phòng Tuyển sinh và Truyền thông