Nếu ở bậc phổ thông, học lực và hạnh kiểm là 2 yếu tố luôn song hành cùng nhau, quyết định kết quả học tập cuối cùng thì trên giảng đường đại học, bên cạnh điểm số tích lũy, điểm rèn luyện chính là tấm gương phản chiếu sự năng động, tích cực của sinh viên với các hoạt động xã hội, trường, lớp trong quá trình học tập tại trường. Quan trọng hơn, đểm rèn luyện là một trong những điều kiện quyết định đến vấn đề duy trì học bổng của sinh viên. Vậy làm sao để tích lũy điểm rèn luyện và tích lũy điểm rèn luyện có khó hay dễ? Các sinh viên của ngôi nhà chung HTU cùng khám phá ngay nhé!
Điểm rèn luyện (ĐRL) là gì? ĐRL sử dụng để làm gì?
Hiện nay, khái niệm điểm rèn luyện không được định nghĩa ở bất kỳ một văn bản quy phạm pháp luật nào. Điểm đánh giá rèn luyện năm học (gọi tắt là điểm rèn luyện) là một trong những yếu tố đánh giá không thể thiếu ở bất kỳ trường đại học nào nhằm thúc đẩy tính tích cực của sinh viên trong các hoạt động. Mặc dù, mỗi trường sẽ có những khung điểm khác nhau. Tuy nhiên, sinh viên có thể hiểu một cách đơn giản: điểm rèn luyện là điểm số dùng để đánh giá phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống cũng như mức độ tích cực của sinh viên trong việc tham gia các hoạt động, phong trào.
Tại trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội ĐRL được sử dụng như sau:
- Đối với hệ đại học: Căn cứ theo quyết định số 1592/QĐ-ĐHCNDMHN ngày 19/12/2018, ĐRL được sử dụng như sau:
+ Kết quả đánh giá rèn luyện từng học kỳ, năm học của người học được lưu trong hồ sơ quản lý người học của trường và được sử dụng trong việc xét duyệt học bổng, xét khen thưởng - kỷ luật, xét thôi học, ngừng học, xét lưu trú ký túc xá, xét giải quyết việc làm thêm và xét các ưu tiên khác theo quy định của Trường.
+ Kết quả đánh giá rèn luyện toàn khóa học của người học được lưu trong hồ sơ quản lý người học của cơ sở giáo dục đại học, làm căn cứ để xét thi tốt nghiệp, làm luận văn hoặc khóa luận tốt nghiệp.
+ Kết quả đánh giá rèn luyện toàn khóa học được ghi chung vào bảng điểm kết quả học tập và lưu trong hồ sơ sinh viên Trường.
+ Sinh viên có kết quả rèn luyện xuất sắc được cơ sở giáo dục đại học xem xét biểu dương, khen thưởng.
+ Sinh viên bị xếp loại rèn luyện yếu, kém trong hai kỳ học liên tiếp phải tạm ngừng học ít nhất một kỳ ở kỳ học tiếp theo và nếu bị xếp loại rèn luyện yếu kém hai kỳ học liên tiếp lần thứ hai thì sẽ bị buộc thôi học.
- Đối với hệ cao đẳng: Căn cứ theo quyết định số 1633/QĐ-ĐHCNDMHN ngày 30/11/2017, ĐRL được sử dụng như sau:
+ Kết quả rèn luyện toàn khóa của HSSV được lưu trong hồ sơ quản lý tại Trường và ghi vào bảng điểm kết quả học tập và rèn luyện khi kết thúc khóa học.
+ Kết quả rèn luyện được sử dụng để xét, cấp học bổng khuyến khích học tập và các chế độ khác liên quan đến quyền lợi của HSSV
+ HSSV có kết quả học tập, rèn luyện xuất sắc được nhà trường xem xét biểu dương, khen thưởng
- Thang ĐRL, kết quả ĐRL và mẫu phiếu đánh giá kết quả rèn luyện được nêu cụ thể trong hai quy định trên, sinh viên có thể chủ động tìm hiểu trong Sổ tay sinh viên hoặc qua kênh CVHT.
Làm thế nào để tích lũy điểm rèn luyện?
Nhà trường và các khoa luôn tạo điều kiện cho sinh viên tích lũy bằng nhiều hoạt động thú vị, bổ ích như các buổi talkshow, workshop hay các chương trình vì cộng đồng, sân chơi, cuộc thi học thuật, văn hóa, thể thao,…
Dựa vào các yếu tố trong thang đánh giá rèn luyện và phiếu đáng giá rèn luyện sinh viên sẽ biết được rằng mình cần phải làm gì để có điểm rèn luyện cao. Thông thường, khi không vi phạm nội quy nhà trường và chấp hành nghiêm túc các quy định của pháp luật thì sinh viên sẽ có săn 50 điểm rồi. Còn nếu muốn tăng điểm rèn luyện, muốn có điểm rèn luyện cao hơn thì cần phải cố gắng hơn, sinh viên có thể tham khảo một số cách sau:
+ Bước vào năm học mới, sinh viên sẽ được tham gia tuần sinh hoạt đầu khóa, việc làm bài thu hoạch đầy đủ sau khi kết thúc sinh hoạt là các bạn đã có điểm ngay từ những tuần đầu tiên.
+ Có mục tiêu, đồng cơ học tập khoa học, rõ ràng để nâng cao điểm số
+ Tích cực tham gia hoạt động CLB/Đội/Nhóm và Đoàn/Hội các cấp, nếu tham gia vào ban cán sự lớp, ban chấp hành hội, ban chấp hành đoàn, ban điều hành CLB luôn thì càng tốt. Mà “đặc sản” ở HTU chính là sự đa dạng của các câu lạc bộ - đội, nhóm. Sinh viên chỉ cần casting và trở thành thành viên, tích cực đóng góp cho sự phát triển của câu lạc bộ để nâng cao năng lực và cũng là một “mẹo” để có điểm rèn luyện.
+ Đăng ký và tham gia các CLB học thuật, vừa được thực hành, nâng cao kiến thức lại còn được cộng điểm rèn luyện
+ Tích cực tham gia các buổi hội thảo, khoa học, các khóa học kỹ năng mềm do Khoa/Trung tâm/Trường tổ chức, các cuộc thi, phong trào sinh viên, hoạt động tình nguyện, hoạt động ngoại khoá trong trường hoặc địa phương tổ chức. Đây là giải pháp tăng điểm rèn luyện được nhiều sinh viên lựa chọn nhất.
+ Đạt thành tích đặc biệt, được nhận giấy khen (hoạt động đoàn hội, kết quả học tập tốt,…)
+ Tham gia các hoạt động tình nguyện như mùa hè xanh, Tiếp sức mùa thi, các công tác xã hội và các hoạt động tình nguyện ngắn ngày (có xác nhận của đơn vị tổ chức) cũng giúp sinh viên có thêm ĐRL. Nếu sức khỏe cho phép thì nên tham gia hiến máu tình nguyện, hoạt động này học kỳ nào cũng được tổ chức tại trường.
Hy vọng rằng bài viết này đã giúp các em, đặc biệt là các bạn tân sinh viên, hiểu rõ hơn về điểm rèn luyện. Cùng chuẩn bị "hành trang tân sinh viên" và sẵn sàng hòa mình vào vô số hoạt động đặc sắc tại ngôi nhà HTU nhé các em!
Một số câu lạc bộ đội nhóm tại HTU
Trần Quyết Thắng – Phòng CTSV&TTG