(Theo https://giaoducthoidai.vn)
GD&TĐ - Để đáp ứng được yêu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực dệt may - da giầy, các trường đại học đã không ngừng đổi mới.
Để đáp ứng được yêu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực dệt may - da giầy, các trường đại học đã không ngừng đổi mới chương trình đào tạo, tăng cường thời lượng học thực hành, thực tập tại doanh nghiệp cho sinh viên. Qua đó, sinh viên không chỉ nắm vững lý thuyết mà còn tích luỹ thêm kinh nghiệm thực tế đáp ứng đòi hỏi của nhà tuyển dụng.
Nhiều sản phẩm xuất ngoại
Việt Nam hiện là nước sản xuất dệt may - da giầy đứng thứ 3 thế giới. Hiện nay, ngành này có khoảng 8.000 doanh nghiệp với trên 4 triệu lao động. Sản phẩm dệt may - da giầy của Việt Nam đã có mặt trên 80 nước ở khắp các châu lục. Thị trường xuất khẩu chủ yếu là các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU), Mỹ, Nhật Bản...
Theo PGS.TS Phan Thanh Thảo - Trưởng khoa Dệt May - Da giầy và Thời trang, Trường Vật liệu, ĐH Bách khoa Hà Nội: “Chính vì xu thế phát triển của ngành lớn như vậy, cơ hội việc làm dành cho sinh viên theo học ngành dệt may, da giầy, thời trang rất rộng mở. Hiện nay, các doanh nghiệp có nhiều chính sách, chế độ ưu đãi sinh viên sau khi tốt nghiệp và đặc biệt trong quá trình học tập của các em như cấp học bổng thực tập, trong thời gian thực tập có hỗ trợ chi phí đi lại, ăn, ở. Kết thúc kỳ thực tập, sinh viên nào đáp ứng được yêu cầu, họ mời trở lại làm việc chính thức sau khi tốt nghiệp”.
Theo tìm hiểu của Báo GD&TĐ, để đào tạo sát với nhu cầu thực tế, ĐH Bách khoa Hà Nội và Khoa Dệt May - Da giầy và Thời trang đã thường xuyên đổi mới chương trình đào tạo. Hàng năm, khoa tổ chức rà soát, điều chỉnh, cải tiến chương trình đào tạo cho phù hợp với sự phát triển của ngành ở thế giới cũng như trong nước nhằm đáp ứng được tốc độ phát triển của khoa học công nghệ.
Trong quá trình đào tạo, Khoa Dệt May - Da giầy và Thời trang đã tổ chức cho sinh viên tham quan doanh nghiệp ngay từ năm thứ nhất để hiểu hơn về ngành học của mình. Trong các kỳ thực tập kỹ thuật và thực tập tốt nghiệp, khoa cũng chủ động liên hệ, kết nối với các doanh nghiệp có quy mô sản xuất hiện đại để sinh viên được xâm nhập thực tiễn, có cái nhìn tổng quan về sự phát triển của ngành cũng như thực tế sản xuất. Từ đó, các em xác định được mục tiêu, thái độ học tập đúng đắn để sau khi ra trường có đầy đủ kiến thức lý thuyết, thực tế và hội nhập quốc tế.
“Không những thế, chúng tôi thường xuyên tổ chức giới thiệu ngành nghề, tọa đàm, giao lưu giữa sinh viên với các doanh nghiệp, tạo cơ hội cho các em được tiếp cận sớm với nhà tuyển dụng, nắm bắt được những đòi hỏi, yêu cầu về nguồn nhân lực, vị trí việc làm mà nhà tuyển dụng đang cần. 100% sinh viên ra trường có ngay việc làm, mức lương khởi điểm có thể đạt từ 10 - 12 triệu đồng”, PGS.TS Phan Thanh Thảo cho biết thêm.
Cơ hội việc làm luôn rộng mở
Để tăng cơ hội việc làm, tạo sự hứng thú cho sinh viên đang theo học ngành dệt may, thời trang, da giầy, các trường đại học đã đẩy mạnh hoạt động tham quan, tìm hiểu các doanh nghiệp. Theo đó, nhiều sinh viên đã tận dụng quãng thời gian này xây dựng mối quan hệ, tích luỹ kinh nghiệm cho bản thân.
Em Nguyễn Thu Huyền, sinh viên năm cuối ngành Công nghệ Dệt May, Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội chia sẻ: “Ngành học này ngoài đòi hỏi tư duy sáng tạo, sự cẩn thận, tỉ mỉ. Em đã dành thời gian đi thực tế, thực tập tại các nhà máy để biết được quy trình sản xuất, những công đoạn nào dễ xảy ra lỗi, sai sót. Do đó, cách mà em tích luỹ kỹ năng cho mình trước khi ra trường trong những năm học là sẵn sàng học mọi công đoạn, thậm chí học làm những việc một công nhân may đang làm”.
Cách đây 10 năm, chị Trần Thùy Trang, đang làm tại Công ty TNHH Decathlon Việt Nam lựa chọn ngành Công nghệ May bởi gần nhà có nhiều nhà máy may. Sau khi tốt nghiệp và có 5 năm làm việc trong ngành, từ những trải nghiệm thực tế chị nhận thấy ngành dệt may - da giầy, thời trang đa dạng vị trí và cơ hội làm việc cao.
Từ những gì đã trải nghiệm, chị Thuỳ Trang chia sẻ: “Hiện nay, sinh viên đang có rất nhiều lợi thế như cơ hội được tiếp cận kiến thức qua rất nhiều phương tiện khác nhau trong thời đại của số hóa và trí tuệ nhân tạo. Vì vậy, các em trong quá trình đi thực tập rất tự tin, chủ động tiếp cận công việc thực tế để học hỏi kinh nghiệm nhằm trau dồi thêm kiến thức và kỹ năng mới phù hợp với xu hướng hiện tại. Có được cả kiến thức lẫn kỹ năng làm việc thì cơ hội việc làm rất nhiều”.
Hiện nay, để cơ hội việc làm rộng mở, sinh viên trong lĩnh vực này nên tìm hiểu các cơ hội và định hướng việc làm cho bản thân cũng như đồng thời tìm hiểu về nhu cầu thị trường hiện tại. Các bạn có thể tham khảo vị trí làm việc tại các công ty dệt may, các nhà máy sản xuất nguyên phụ liệu ngành may hay các nhà máy gia công Việt Nam và nước ngoài. Bạn cũng có thể tìm kiếm công việc tại các tập đoàn, các hãng thời trang, các hãng bán lẻ Việt Nam và nước ngoài, làm việc tại các văn phòng đại diện...
“Ngoài ra trong quá trình tìm việc, các bạn có thể liên hệ với thầy, cô giáo, hoặc các cựu sinh viên nhờ giới thiệu để tham khảo thêm về cơ hội cũng như nhu cầu thị trường hiện nay”, chị Thuỳ Trang gợi ý.
Để hoàn thiện bản thân, trong quá trình học ở trường, sinh viên cũng nên tham gia các hoạt động ngoại khóa, các câu lạc bộ… thông qua đó các bạn sẽ trau dồi kỹ năng mềm, kỹ năng giao tiếp, tư duy phản biện, hoạt động đội nhóm, kỹ năng tổ chức và xử lý vấn đề… Ngoài kiến thức chuyên môn, kiến thức về tin học văn phòng, ngoại ngữ rất quan trọng, tất cả là điều kiện tốt giúp bạn nâng cao hiệu suất công việc, tự tin làm việc trong và ngoài nước.
Theo Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) và Hiệp hội Da giầy - Túi xách Việt Nam (Lefaso), dự kiến xuất khẩu dệt may, da giày nước ta cán mốc 108 tỷ USD vào năm 2030. Hiện nay, tỷ lệ nội địa hóa của sản phẩm dệt may, da giầy Việt Nam đã đạt hơn 40 - 45% từ năm 2019, đạt 57% năm 2022 đạt gần mục tiêu 60% của năm 2025.