(HNNN) - Đã gần 1 tháng kể từ khi các trường đại học trên địa bàn thành phố Hà Nội quyết định cho sinh viên quay trở lại trường học. Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, một tháng qua, các trường đại học đã phải liên tục thay đổi kế hoạch học tập từ hình thức học online sang offline rồi lại online. Thêm vào đó, thời điểm sinh viên quay trở lại trường học đúng vào lúc số ca nhiễm Covid-19 tăng cao khiến rất nhiều sinh viên, nhất là các sinh viên ngoại tỉnh lâm vào hoàn cảnh lao đao.
Niềm vui xen lẫn nỗi lo
Sau thời gian dài học online, việc đến trường học trực tiếp khiến nhiều sinh viên rất hào hứng, đặc biệt là sinh viên năm thứ nhất. Tuy nhiên, việc chỉ trong một thời gian ngắn các trường đại học đồng loạt quyết định cho sinh viên quay trở lại trường học trực tiếp đã gây nên một “cơn sốt” nhà trọ. Nguyễn Thu Quỳnh quê ở Hà Nam, sinh viên năm thứ nhất Đại học Kinh tế quốc dân, cho biết: “Em rất vui vì sau bao tháng ngày chờ đợi cuối cùng đã có cơ hội được bước chân đến ngôi trường mà mình đã nỗ lực rất nhiều để thi vào. Tuy nhiên, trở ngại đầu tiên chính là phải gấp gáp đi tìm nhà trọ. Đó là việc khó khăn, đặc biệt là với một người chưa thông thạo đường phố Hà Nội như em”.
Tuy nhiên, khi việc tìm phòng trọ vừa ổn định, do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, số ca mắc Covid-19 ngày một tăng cao khiến các trường đại học đành phải thay đổi kế hoạch học tập từ hình thức trực tiếp sang trực tuyến và bởi vậy, những sinh viên ngoại tỉnh lâm vào hoàn cảnh “tiến thoái lưỡng nan”.
Tại hội thảo “Trở lại trường học sau đại dịch - biến thách thức thành cơ hội” do Trung tâm Hỗ trợ giảng dạy, Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) vừa tổ chức, Tiến sĩ Nghiêm Xuân Huy - Viện trưởng Viện Đảm bảo chất lượng giáo dục, ĐHQGHN, đã dẫn ra những con số đáng suy nghĩ về sự khó khăn, thách thức cũng như mong muốn của người học. Khảo sát hơn 1.500 sinh viên đến từ 13 đơn vị khác nhau trong ĐHQGHN, kết quả cho thấy mức độ sẵn sàng quay trở lại học trực tiếp chỉ đạt điểm 5,26/10. Trong đó, số lượng sinh viên chọn thang điểm 1 - 3 thể hiện sự hoàn toàn không sẵn sàng chiếm khoảng 35%, tuy nhiên, mức điểm từ 6 - 10 cũng chiếm hơn một nửa.
Đặng Trần Chiến - sinh viên năm thứ 4 Đại học Kinh tế quốc dân nói rằng mình không ngại việc đến trường học trực tiếp, song em cũng chia sẻ rằng việc học online tiện lợi hơn đối với các sinh viên ngoại tỉnh. Theo Chiến, chi phí sinh hoạt tại Hà Nội tương đối đắt đỏ. Ngoài ra, lý do lớn nhất khiến sinh viên ngại quay trở lại trường không phải vì dịch bệnh mà là vấn đề kiến thức và thi cử. Nhiều bạn e sợ khi tới trường sẽ phải thi trực tiếp, khó hơn và kiến thức nặng hơn, trong khi việc học tập và giảng dạy trực tuyến không đảm bảo chất lượng như khi học trực tiếp.
Bên cạnh mối lo về tài chính, nơi trọ, còn một mối lo khác là ứng phó với dịch bệnh khi số ca mắc Covid-19 liên tục tăng cao tại Hà Nội. Triệu Đức Giang, Ủy viên Ban Thường vụ Đoàn Thanh niên Trường Đại học Văn hóa Hà Nội cho biết: “Sinh viên nhiều trường đại học bắt đầu quay trở lại trường học trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nên nhiều bạn khá lo lắng. Đi học luôn trong trạng thái cảnh giác cao do lo ngại về khả năng lây nhiễm Covid-19 rồi các vấn đề về “hậu Covid” khiến nhiều người không thoải mái”.
Cần có sự hỗ trợ kịp thời
Cũng tại hội thảo “Trở lại trường học sau đại dịch - biến thách thức thành cơ hội”, nhiều sinh viên bày tỏ mong muốn nhận được sự hỗ trợ từ phía nhà trường như: Được tạo điều kiện và hỗ trợ trong học tập (26,3%); có quy định và chính sách cụ thể với các sinh viên mắc hoặc có nguy cơ mắc Covid-19 trong quá trình học tập (24,1%); kiểm soát dịch bệnh để giảm thiểu nguy cơ mắc Covid-19 (13,1%); có hoạt động để sinh viên làm quen lại/ hòa nhập với môi trường học tập và sinh hoạt (6,1%)… Đây có lẽ cũng là mong muốn chung của nhiều sinh viên trước những biến động khó lường của dịch bệnh.
Nắm bắt được tâm lý đó, hàng loạt trường đại học đã có hình thức hỗ trợ kịp thời để giúp đỡ sinh viên, đặc biệt là các sinh viên ngoại tỉnh vượt qua khó khăn nhằm ổn định cuộc sống, yên tâm học tập. Mới đây, Đoàn trường Đại học Kinh tế quốc dân đã phát thông báo đến các đoàn viên, sinh viên, theo đó những người không may bị nhiễm Covid-19 sẽ được nhà trường hỗ trợ một phần quà trị giá 1 triệu đồng. Cùng với đó, Đại học Kinh tế quốc dân cũng lưu ý đoàn viên, sinh viên khai báo tạm trú để được hỗ trợ tại nơi ở và liên hệ với bác sĩ nếu có những dấu hiệu bất thường về sức khỏe. Đồng thời, nhà trường cũng lập nhóm trên mạng xã hội cho các sinh viên, giảng viên bị nhiễm Covid-19 để họ kịp thời hỗ trợ, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm phòng dịch, giải đáp thắc mắc cho sinh viên 24/24 giờ. Tương tự, trước tình hình số lượng sinh viên mắc Covid-19 tăng nhanh, Đại học Mở Hà Nội đã tiếp tục hỗ trợ hàng trăm phần quà cho sinh viên mắc Covid-19 có hoàn cảnh khó khăn, đang ở trọ trên địa bàn thành phố Hà Nội. Gói an sinh cho sinh viên bao gồm các nhu yếu phẩm như trứng, rau củ, sữa tươi, khẩu trang y tế và một số dược phẩm giúp tăng sức đề kháng với hy vọng các bạn sinh viên sẽ có thêm những bữa ăn “có chất” để “chiến đấu” với vi rút. Đó là điều đáng quý, đặc biệt là trong bối cảnh nhiều sinh viên là F0 đang ở trọ một mình, không thể ra ngoài mua thực phẩm và không có người hỗ trợ hằng ngày.
La Dương Liễu, Bí thư Liên Chi đoàn khoa Đông phương học, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐHQGHN) chia sẻ: “Tại Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, các bạn sinh viên bị mắc Covid-19 sẽ được nhà trường hỗ trợ một phần quà bao gồm thực phẩm, hoa quả, rau xanh, khẩu trang, dung dịch sát khuẩn... Là người từ tỉnh khác đến Hà Nội học nên em rất cảm động trước sự quan tâm chu đáo của nhà trường”. Còn Triệu Đức Giang, Ủy viên Ban Thường vụ Đoàn Thanh niên Trường Đại học Văn hóa Hà Nội chia sẻ: “Mỗi sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, có sổ hộ nghèo hoặc cận nghèo đang phải tự cách ly điều trị hoặc đã được điều trị khỏi Covid-19 sẽ được nhà trường hỗ trợ 1 triệu đồng. Số tiền tuy không lớn nhưng thể hiện sự quan tâm của nhà trường, là niềm động viên an ủi lớn lao đối với các bạn sinh viên nghèo, xa nhà lại không may mắc bệnh”.
Có thể thấy, trong hoàn cảnh khó khăn, dịch bệnh kéo theo sự thay đổi về kế hoạch cũng như môi trường học tập, chính sự quan tâm kịp thời và đúng lúc của các trường đại học trên địa bàn Hà Nội đã trở thành nguồn động viên quý giá giúp sinh viên vượt qua khó khăn, yên tâm học tập.