Trang chủ
TRƯỜNG ĐẠI HỌC CÔNG NGHIỆP DỆT MAY HÀ NỘI
PHÒNG CTHSSV - THANH TRA GIÁO DỤC

Đa cấp 'giăng bẫy' sinh viên: Cơ quan chức năng buông lỏng?

Ngày đăng: 08:50 - 12/05/2023 Lượt xem: 155

Nhiều năm qua, người dân ngụ hẻm 320 Trường Chinh (P.13, Q.Tân Bình, TP.HCM) bức xúc tình trạng nhiều sinh viên đến chi nhánh Công ty CP tập đoàn liên kết VN (Vinalink Group) xin việc nhưng bị dẫn dắt đầu tư đa cấp rồi "tiền mất tật mang".

 

Treo băng rôn cảnh báo sinh viên

Trong nhiều ngày có mặt tại hẻm 320 Trường Chinh, PV Thanh Niên ghi nhận mỗi ngày, rất đông sinh viên được đón, dẫn vào chi nhánh Vinalink Group (số 320/12 Trường Chinh, P.13, Q.Tân Bình) để phỏng vấn xin việc.

Trong vai sinh viên đi xin việc làm, vừa đến đầu hẻm 320 Trường Chinh, PV chưa kịp nói gì thì chủ quán nước gần đó gọi lại nhắc nhở: "Con đi xin việc tại tòa nhà Vinalink Group đúng không? Ở đó hoạt động bán hàng đa cấp. Con về ngay đi con". Lúc này, một người đàn ông (khoảng 50 tuổi, chạy xe ôm ở đầu hẻm) cũng cảnh báo PV không nên xin việc và đầu tư đa cấp tại Vinalink Group.

"Người ở tòa nhà Vinalink Group có dấu hiệu bất thường, cung cấp địa chỉ không đúng của tòa nhà này nên sinh viên đến hỏi tôi hoài. Con đừng vô đó sẽ mất tiền cha mẹ, có mấy đứa nói dối cha mẹ xin tiền nộp học phí, nhưng lấy tiền đầu tư đa cấp. Có trường hợp đầu tư mấy trăm triệu đồng, rồi kéo đến đây đòi tiền gây mất an ninh trật tự", người đàn ông chạy xe ôm khuyên nhủ.

Đa cấp ''giăng bẫy'' sinh viên: Cơ quan chức năng  buông lỏng? - Ảnh 1.

Rất đông sinh viên ra vào cổng chi nhánh Vinalink Group

 

Bà T. (nhân viên quán cà phê gần Vinalink Group) cho hay thường xuyên chứng kiến cảnh người nhà nạn nhân tìm đến công ty đa cấp này đòi lại tiền nhưng bất thành. Theo bà, có trường hợp gia đình kéo đến rất đông, phản ứng dữ dội nhưng không ăn thua; còn có trường hợp cha mẹ già đến khóc lóc, van xin trả tiền lại nhưng cũng về tay không.

Đáng chú ý, PV còn ghi nhận nhiều nhà dân trong hẻm dán tờ giấy in dòng chữ: "Cấm lấy địa chỉ nhà để tuyển dụng việc làm". Nhiều địa điểm bán nước giải khát, bãi giữ xe cũng treo biển màu đỏ có nội dung cảnh báo với cỡ chữ in hoa, rất to: "Góc cảnh giác! Người xin việc cảnh giác tránh bị lừa đảo" hay "Thông báo, bãi không nhận giữ xe cho người đi phỏng vấn xin việc tại công ty đa cấp"… Lý giải về hiện tượng này, một người dân ở đây cho rằng, thỉnh thoảng có sinh viên đến nhà dân ở đây ứng tuyển bán hàng gây phiền hà nên đành phải treo biển cảnh báo.

Khi tiếp xúc với PV Thanh Niên, một người đàn ông làm bảo vệ bãi xe gần tòa nhà Vinalink Group cho biết ông làm bảo vệ ở khu vực này nhiều năm qua. Mỗi ngày, ông chứng kiến nhiều sinh viên vào đây xin việc và bị dẫn dắt đầu tư đa cấp. "Chúng tôi chứng kiến nhiều gia đình sinh viên đến đòi tiền nhưng bất thành. Chúng tôi đã in băng rôn màu đỏ cảnh báo đa cấp lừa tiền mà nhiều sinh viên vẫn không chịu đọc, không tin chúng tôi; để rồi mất tiền của gia đình, bỏ học…", người bảo vệ nói.

Đa cấp ''giăng bẫy'' sinh viên: Cơ quan chức năng  buông lỏng? - Ảnh 2.

Băng rôn cảnh báo của người dân tại hẻm 320 Trường Chinh (P.13, Q.Tân Bình)

 

Nhiều người dân sinh sống ở hẻm 320 Trường Chinh đều không đồng tình về cách thức hoạt động bán hàng đa cấp của chi nhánh Vinalink Group vì có quá nhiều sinh viên đầu tư vào đây mất tiền. Điều khó hiểu là tại sao công ty này hoạt động trong thời gian dài mà không bị cơ quan chức năng xử lý (!?).

Nhiều lần kiểm tra nhưng không phát hiện vi phạm !

Liên quan vụ việc này, trao đổi với PV Thanh Niên, ông Trần Quang Tùng, Phó chủ tịch UBND P.13, Q.Tân Bình, cho biết chi nhánh Vinalink Group có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, hoạt động từ năm 2019. Ngay từ khi chi nhánh này đi vào hoạt động, UBND P.13 đã nhận rất nhiều phản ánh từ người dân về các dấu hiệu bất thường như: nhiều người trẻ ra vào liên tục, mua bán hàng hóa, tập trung đông người… UBND P.13 đã phối hợp công an phường, Phòng Kinh tế Q.Tân Bình, Đội Cảnh sát PCCC (Công an Q.Tân Bình) nhiều lần kiểm tra chi nhánh Vinalink Group.

Qua kiểm tra, chi nhánh này có giấy phép kinh doanh, giấy phép hoạt động đa cấp theo quy định. Bên cạnh đó, chi nhánh này trong quá trình hoạt động có những dấu hiệu vi phạm như: tổ chức tập trung đông người đào tạo, giấy tờ liên quan đến sản phẩm… Vì vậy, UBND P.13 đã báo cáo vụ việc cho phòng chuyên môn của UBND Q.Tân Bình để phối hợp kiểm tra xử lý.

Đa cấp ''giăng bẫy'' sinh viên: Cơ quan chức năng  buông lỏng? - Ảnh 3.

Nữ sinh viên được nhà phân phối đón, dẫn vào chi nhánh Vinalink Group

TRẦN DUY KHÁNH

Theo ông Tùng, ngày 14.4, được tin báo về hoạt động có dấu hiệu vi phạm tại chi nhánh này, UBND P.13 tiếp tục phối hợp Công an P.13 kiểm tra. Tại đây, Công an P.13 phát hiện 28 người (hầu hết tuổi đời còn rất trẻ) không mang theo CCCD. Công an P.13 đã ra quyết định xử phạt hành chính 28 người này với số tiền hơn 11 triệu đồng. Bên cạnh đó, Đội Cảnh sát PCCC (Công an Q.Tân Bình) đã kiểm tra và phát hiện vi phạm ở tòa nhà (chi nhánh Vinalink Group) và đã ra quyết định xử phạt, yêu cầu khắc phục. Ông Tùng cho rằng tại chi nhánh Vinalink Group, UBND P.13 nhận thấy là phức tạp và có nhiều dấu hiệu vi phạm, nhưng qua nhiều lần kiểm tra chưa phát hiện vi phạm liên quan đến hoạt động bán hàng đa cấp. Từ trước đến nay, UBND P.13 chưa nhận được bất cứ phản ánh, tố cáo nào của sinh viên, gia đình sinh viên liên quan đến hoạt động đa cấp tại đây.

PV đặt câu hỏi: Theo người dân ngụ hẻm 320 Trường Chinh, có nhiều sinh viên, gia đình đến chi nhánh Vinalink Group lớn tiếng đòi lại tiền đã đầu tư nhưng không được, UBND P.13 có nhận được báo cáo về các trường hợp này không ? Ông Tùng cho biết riêng lĩnh vực về an ninh trật tự thì do công an phường phụ trách và UBND chưa nhận được báo cáo từ công an về vấn đề này.

 
 
Current Time0:01
/
Duration5:23
 
 
 
 
HD
Auto
 

Giải cứu nạn nhân khỏi ‘bẫy’ đa cấp

Liên quan việc thanh kiểm tra tại chi nhánh Vinalink Group, ông Võ Đan Mạch, Chánh văn phòng Hiệp hội Bán hàng đa cấp Việt Nam, cho biết năm 2020 có tiếp nhận phản ánh của người dân về chi nhánh Vinalink Group, nhưng qua kiểm tra không phát hiện vi phạm. Đại diện Sở Công thương TP.HCM cũng cho rằng đơn vị vẫn phối hợp Bộ Công thương thanh kiểm tra chi nhánh Vinalink Group. Lần gần nhất là năm 2020, nhưng đoàn kiểm tra liên ngành cũng chưa phát hiện vi phạm tại đây. Theo đó, hai cơ quan nói trên cũng không nhận thông tin phản ánh, tố cáo của sinh viên, gia đình sinh viên liên quan đến hoạt động bán hàng đa cấp tại chi nhánh Vinalink Group. Thời gian gần đây, cuối tháng 4.2023, Sở Công thương có tiếp nhận 2 đơn tố cáo của sinh viên về chi nhánh Vinalink Group và đang xác minh, kiểm tra xử lý vụ việc.

(còn tiếp)

Bộ Công thương yêu cầu xác minh làm rõ

Sau khi Báo Thanh Niên phản ánh loạt bài Đa cấp "giăng bẫy" sinh viên, Ủy ban Cạnh tranh quốc gia, Bộ Công thương có công văn yêu cầu Hiệp hội Bán hàng đa cấp Việt Nam xác minh, báo cáo về cho cơ quan này.

Ngày 9.5, Hiệp hội Bán hàng đa cấp Việt Nam có buổi làm việc với 3 sinh viên tố cáo người tại chi nhánh Vinalink Group dẫn dắt họ đầu tư đa cấp cùng với sự tham gia đại diện Sở Công thương TP.HCM và Vinalink Group. Tại buổi làm việc, lãnh đạo Vinalink Group thừa nhận do thiếu giám sát để nhà phân phối tại chi nhánh Vinalink Group ở Q.Tân Bình thực hiện không đúng theo Nghị định 40/2018/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp. Theo đó, Hiệp hội Bán hàng đa cấp Việt Nam đề nghị Vinalink Group chấm dứt, chấn chỉnh hoạt động bán hàng đa cấp lộn xộn xảy ra tại đây. Đại diện Sở Công thương TP.HCM cũng đề nghị Vinalink Group ngưng ngay tình trạng như Báo Thanh Niên phản ánh và xử lý các nhân viên liên quan, đồng thời báo cáo cho Sở Công thương.


© Bản quyền 2017 thuộc về Trường Đại học công nghiệp dệt may Hà Nội.
Online: 65 Tổng truy cập: 18.641.876