Trang chủ
TRƯỜNG ĐẠI HỌC CÔNG NGHIỆP DỆT MAY HÀ NỘI
PHÒNG CTHSSV - THANH TRA GIÁO DỤC

Tiêu chí “Sinh viên 5 tốt”: Tiệm cận đổi mới giáo dục

Ngày đăng: 10:37 - 28/01/2021 Lượt xem: 949
Tiêu chí “Sinh viên 5 tốt”: Tiệm cận đổi mới giáo dục
GD&TĐ - Phong trào rèn luyện để trở thành “Sinh viên 5 tốt” đã lan tỏa, trở thành mục tiêu phấn đấu của đông đảo sinh viên trong cả nước.
Anh Bùi Quang Huy (bên phải) trao danh hiệu “Sinh viên 5 tốt” cấp Trung ương năm 2020 cho các bạn sinh viên.
Anh Bùi Quang Huy - Bí thư thường trực Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam cho biết: Phong trào “Sinh viên 5 tốt” ngày càng phát triển, lan tỏa bởi các tiêu chí đã tiệm cận với đổi mới GD, tương thích với yêu cầu nhà tuyển dụng. 
Tài sản quý
- Xin anh cho biết những nét chính của phong trào “Sinh viên 5 tốt” trong thời gian vừa qua?
- Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Sinh viên Việt Nam lần IX, nhiệm kỳ 2013 - 2018 đã thống nhất triển khai phong trào “Sinh viên 5 tốt” nhằm tạo môi trường để sinh viên rèn luyện trên các mặt: Đạo đức, học tập, thể lực, tình nguyện, hội nhập.
“Sinh viên 5 tốt” là một tài sản quý trưởng thành từ môi trường, phong trào Hội Sinh viên. Những tiêu chí của “Sinh viên 5 tốt” cấp Trung ương rất thiết thực với mục tiêu, quá trình đào tạo ở Việt Nam, đồng thời giúp ích cho mỗi sinh viên trong hành trình tích lũy tri thức, để mỗi bạn có thêm điều kiện hoàn thiện bản thân.
Xã hội hiện nay rất quan tâm đến giáo dục, đặc biệt là giáo dục đại học là nơi cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước. Nhiều bạn trẻ đặt nhiều ước mơ, khát vọng không chỉ tham gia vào thị trường lao động trong nước, mà còn sẵn sàng đối diện, chinh phục và cạnh tranh với các nguồn lao động ở nhiều tập đoàn lớn quốc tế để có cơ hội tốt cho sự phát triển của bản thân.
Trong chặng đường phát triển của mỗi cá nhân, “Sinh viên 5 tốt” sẽ trở thành một trong những cơ hội đồng hành tốt để người trẻ đạt được ước mơ, khát vọng đã được xác lập trong hành trình học tập cũng như cơ hội nghề nghiệp trong tương lai.
- Danh hiệu “Sinh viên 5 tốt” cấp Trung ương đòi hỏi các bạn sinh viên phải nỗ lực rất lớn bởi tiêu chí đạt được toàn diện và ở mức độ đánh giá rất cao. Liệu có quá khó để đạt danh hiệu này?
- Đạt sinh viên 5 tốt, điểm học tập phải đạt được trên 8,5/10, kết quả rèn luyện phải đạt loại xuất sắc, phải tham gia tích cực các hoạt động tình nguyện, có thể lực khỏe, có các kiến thức và kĩ năng về hội nhập... Mặc dù tiêu chuẩn cao như vậy nhưng năm nay vẫn có 198 bạn sinh viên đạt danh hiệu cao quý này.
Trong số “Sinh viên 5 tốt” cấp Trung ương năm nay, có thể kể đến một số gương mặt tiêu biểu như em Ngô Tiến Lý Đức (Trường ĐH Mở TP Hồ Chí Minh, điểm học tập 4/4, giải Ba nghiên cứu khoa học cấp Bộ, 2 giải Nhất nghiên cứu khoa học cấp trường năm 2020); em Nguyễn Thị Thu Hằng (Học viện Tài chính, điểm học tập 3.57/4, tác giả 3 bài báo nghiên cứu khoa học).
Có nhiều sinh viên vừa đạt danh hiệu “Sinh viên 5 tốt”, vừa giành giải thưởng “Sao Tháng Giêng” như: Trần Thị Anh Thư (Trường ĐH Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương), Lê Thị Mỹ Linh (Trường ĐH Sư phạm - ĐH Đà Nẵng), Đào Thị Thanh Trà (Trường ĐH Ngoại ngữ - ĐH Đà Nẵng), Đào Thị Việt Trinh (Trường ĐH Kiến trúc Đà Nẵng).
Mỗi sinh viên, tập thể sinh viên Sao Tháng Giêng là một câu chuyện đẹp, đại diện tiêu biểu cho một năm phấn đấu, rèn luyện toàn diện trên các mặt đạo đức, học tập, thể lực, tình nguyện và hội nhập của sinh viên Việt Nam.
 
  
Anh Bùi Quang Huy - Bí thư thường trực Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam.
 
Hoàn thiện bộ tiêu chí
- Trước yêu cầu đổi mới GD, chuyển đổi số, phong trào “Sinh viên 5 tốt” cần thay đổi gì giúp SV nhanh chóng bắt nhịp?
- Cần tăng cường tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của phong trào vào giá trị của danh hiệu “Sinh viên 5 tốt”; nâng cao chất lượng, đổi mới hình thức tổ chức các hoạt động nhằm tạo môi trường để sinh viên rèn luyện, phấn đấu. Đồng thời, triển khai hiệu quả hoạt động kết nối, phát huy các gương “Sinh viên 5 tốt” sau tuyên dương.
Bên cạnh đó, tuyên truyền lồng ghép phong trào thông qua các hoạt động, chương trình, sự kiện của Hội; cho sinh viên đăng ký phấn đấu đạt danh hiệu; thành lập CLB “Sinh viên 5 tốt” các cấp, tổ chức hoạt động như “Hành trình Sinh viên 5 tốt”, diễn đàn “Sinh viên 5 tốt”; triển khai hiệu quả mô hình một sinh viên 5 tốt hỗ trợ từ 1 - 2 sinh viên.
Trải qua nhiều năm triển khai thực hiện, nhiều sinh viên bước ra từ phong trào đã khẳng định được bản thân trước nhiều doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước bằng kiến thức, kỹ năng vững vàng. Đặc biệt, Giấy chứng nhận “Sinh viên 5 tốt” các cấp dần trở thành tấm vé thông hành “lợi hại” để bổ sung, hoàn thiện vào bộ hồ sơ xin việc, tạo lợi thế cạnh tranh cho các bạn sau khi ra trường.
- Có việc làm, làm đúng năng lực, sở trường là mong muốn của SV, làm thế nào để “Sinh viên 5 tốt” và các doanh nghiệp, cũng như xã hội có thể “gặp được nhau”?
- Trước hết, cần làm tốt công tác truyền thông giới thiệu, tuyên truyền phong trào, giá trị danh hiệu và các tấm gương “Sinh viên 5 tốt”, cựu sinh viên đạt danh hiệu “Sinh viên 5 tốt” thành đạt tới sinh viên, cấp ủy, chính quyền địa phương, nhà trường, các ngành có liên quan và doanh nghiệp, đơn vị tuyển dụng lao động thông qua nhiều hình thức tuyên truyền, đặc biệt là mạng xã hội.
Tiêu chí để xét “Sinh viên 5 tốt” phải tiệm cận, tương thích và thích ứng với yêu cầu của nhà tuyển dụng, thị trường lao động. Vì vậy, phải xây dựng, hoàn thiện bộ tiêu chí cho phù hợp theo hướng này. Công tác xét chọn phải thật sự khách quan, công tâm, chặt chẽ, đảm bảo các tiêu chí đề ra để lựa chọn được những sinh viên 5 tốt thật sự tiêu biểu trong sinh viên.
Việc thực hiện các hoạt động kết nối “Sinh viên 5 tốt” với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp rất quan trọng. Kết nối để các bạn sinh viên 5 tốt được kiến tập, thực tập, hỗ trợ học bổng, tiến tới tạo đầu ra chất lượng cho các sinh viên đạt danh hiệu “Sinh viên 5 tốt”. Hội Sinh viên các cấp, nhất là ở trường phải có kế hoạch cụ thể,  tìm được địa chỉ và chủ động liên hệ, kết nối với doanh nghiệp, trước hết là doanh nghiệp trẻ, mới khởi nghiệp để cung cấp thông tin, tìm kiếm cơ hội việc làm cho sinh viên.
- Xin cảm ơn anh!
(Theo https://giaoducthoidai.vn)

© Bản quyền 2017 thuộc về Trường Đại học công nghiệp dệt may Hà Nội.
Online: 187 Tổng truy cập: 30.322.258