Trang chủ
TRƯỜNG ĐẠI HỌC CÔNG NGHIỆP DỆT MAY HÀ NỘI
PHÒNG CTHSSV - THANH TRA GIÁO DỤC

Những sinh viên ngậm ngùi vì làm thêm

Ngày đăng: 03:03 - 25/03/2024 Lượt xem: 181

(Theo https://vnexpress.net)

Trước khi nghỉ việc phục vụ ở quán cà phê với thù lao 14.000 đồng một giờ, Linh ngậm ngùi mất tháng lương cuối vì không có hợp đồng.

Khánh Linh khi đó là sinh viên năm thứ hai một trường đại học ở khu vực Cầu Giấy, Hà Nội. Công việc mà Linh được giao là gọi đồ, bưng bê và dọn bàn ghế từ 17h đến 22h30 hàng ngày. "Về đến nhà khoảng gần 12h đêm, em thay đồ, tắm rửa và ngủ một mạch để sáng dậy sớm đi học", Linh kể. Tháng đầu tiên Linh nhận được gần 1 triệu đồng, tháng thứ hai 1,2 triệu đồng.


Còn Hà, sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền được nhận mức thù lao khá hơn, 16.000 đồng một giờ tại một cửa hàng quần áo. Đi làm để trang trải tiền nhà và sinh hoạt, nữ sinh vui vì được hứa hẹn làm theo ca, linh hoạt giờ giấc và thưởng thêm 500.000 đồng nếu vượt chỉ tiêu bán hàng của tháng. Người quản lý nói thu nhập Hà nhận được khoảng 2,5-3 triệu đồng một tháng.

 

Nhân viên làm việc ở một quán cà phê tại Hà Nội, tháng 10/2022. Ảnh: Duy Phương

Ở Việt Nam, hiện chưa có số liệu về tỷ lệ sinh viên làm thêm trên quy mô cả nước. Tuy nhiên, một số đề tài nghiên cứu khảo sát vấn đề này ở quy mô nhỏ cho thấy 70-80% sinh viên đang hoặc từng đi làm thêm. Theo một nghiên cứu năm 2020 với sinh viên trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, 689 trong 732 sinh viên được khảo sát đã và đang đi làm thêm; tỷ lệ này ở một nghiên cứu tương tự của sinh viên trường Đại học Thủ Dầu Một, Bình Dương, năm 2015 là 166/200.

Việc làm thêm chủ yếu được sinh viên tìm kiếm qua bạn bè hay trên các hội nhóm việc làm. Sinh viên đi làm có nhiều lý do khác nhau, như áp lực kiếm tiền để trang trải ăn học, học hỏi kinh nghiệm, phát triển quan hệ, tránh lãng phí thời gian.

Dù vậy, trong thực tế, sinh viên đi làm thêm gặp nhiều tình huống không như mong đợi, chủ yếu do thiếu thông tin và cả tin vào những lời hứa của người thuê. Tại các quận nội thành Hà Nội, nhiều sinh viên không biết thù lao mình nhận được hiện đang thấp hơn mức tối thiểu theo Nghị định của Chính phủ.

VnExpress khảo sát lương nhân viên phục vụ thuộc 20 đơn vị thực phẩm và đồ uống có mạng lưới cửa hàng rộng khắp TP HCM và Hà Nội, đa phần lương bán thời gian dao động 18.000 - 25.000 đồng một giờ. Nhiều sinh viên làm việc trong các cửa hàng tương tự cho biết thù lao của mình còn thấp hơn, phổ biến là 14.000 - 18.000 đồng một giờ. Trong khi đó, theo Nghị định 38/2022 có hiệu lực từ 1/7 năm nay, mức tối thiểu là 22.500 đồng một giờ với lao động làm việc có hợp đồng lao động ở vùng I (hầu hết các quận, huyện ở Hà Nội).

Diệu Ly, sinh viên từng làm thêm ở một tiệm quần áo với thù lao 14.000 - 16.000 đồng một giờ, nói "nghĩ đó là mức lương chung của sinh viên nên ký hợp đồng lao động 6 tháng và đóng 500 nghìn tiền cam kết làm việc lâu dài".

Quy định mức lương tối thiểu tháng và mức lương tối thiểu giờ đối với người lao động làm việc cho người sử dụng lao động theo vùng, có hiệu lực từ ngày 1/7/2022. Ảnh: Theo Nghị định 38/2022

Thù lao thấp nhưng sinh viên đôi khi còn không nhận được các quyền lợi như thỏa thuận.

Được hứa hẹn làm theo ca nhưng khi vào làm việc, Hà dần dần phải chấp nhận làm đủ chín buổi một tuần, mỗi ca 4-6 tiếng. Cuối tháng, trước khi trả thù lao, quản lý trừ của Hà nhiều loại phí như dây thẻ, đồng phục, chi phí vệ sinh. Vì thế, Hà thực nhận khoảng 2 triệu đồng, thay vì 2,5 - 3 triệu đồng như quảng cáo. Nữ sinh cũng không được nhận thưởng 500.000 đồng bán hàng vượt doanh số với lý do là nhân viên mới.

"Mọi giới thiệu về chế độ làm việc, mức thưởng của quản lý đều vô nghĩa, dù uất ức nhưng chẳng làm được gì", Hà nói.

Diệu Ly thì phải chịu thêm khoản tiền phạt 50.000 đồng một lỗi nếu để quần áo nhăn, treo bảng giảm giá muộn. Nữ sinh nói tiền công một ca làm việc trong 4,5 giờ là 63.000 - 72.000 đồng. Vì thế "chẳng may mắc một, hai lỗi thì coi như ca đó làm không công", theo Ly. Còn Linh mất trắng một tháng lương dù đã báo trước khi xin nghỉ việc một tháng. Quản lý nói Linh nghỉ việc giữa chừng, không báo trước nên sẽ không có lương.

Cả ba cho hay cảm thấy ấm ức nhưng vì tất cả đều chỉ là "thỏa thuận miệng" nên đành chấp nhận.

Ngoài ra, các sinh viên còn gặp nhiều vấn đề khác. Linh thường uể oải, kém tập trung khi lên lớp vì về khuya, ăn uống thất thường. Mục tiêu tăng kỹ năng giao tiếp khi đi làm thêm cũng không thực hiện được do chủ yếu làm việc chân tay. Hà dù tranh thủ học online ở cửa hàng nhưng kết quả thi chỉ ở mức trung bình khá.

Ông Trần Phúc Hòa, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ sinh viên, Đại học Công nghiệp Hà Nội, nhận định sinh viên làm thêm có thể mang lại thu nhập, học hỏi và phát triển các kỹ năng mềm, có thêm nhiều trải nghiệm. Tuy nhiên, hiện nay nhiều sinh viên không cân bằng được thời gian học hoặc bị bóc lột sức lao động, sức khỏe suy giảm, tâm lý luôn căng thẳng mệt mỏi, dẫn đến kết quả học tập sa sút, phải thi lại hoặc nợ nhiều môn.

Ông Hòa lưu ý sinh viên phải nhớ "học tập là ưu tiên số một", cần có kế hoạch chi tiết thời gian học, làm, ăn, nghỉ mỗi ngày.

Để tránh gặp rủi ro như bị nợ lương, không trả lương, công việc khác với thông tin tuyển dụng, TS Lê Xuân Thành, Trưởng phòng Công tác chính trị sinh viên, Đại học Mỏ - Địa chất, cho rằng sinh viên cần tìm hiểu thật kỹ về nơi làm việc, tham khảo thông tin và ý kiến của người có kinh nghiệm như gia đình, anh chị, thầy cô.

Linh và Hà dù nghỉ việc nhưng nói không tiếc nuối về khoảng thời gian làm thêm vất vả. Hai nữ sinh cho rằng nhờ đó đã rút kinh nghiệm được nhiều thứ, như việc đàm phán, hay rèn luyện tính nhẫn nại. Cả hai dự định sẽ tìm kiếm việc làm thêm mới, nhưng lần này sẽ chú ý hơn để có thể vừa học vừa làm hiệu quả.

Ông Hòa, ông Thành cho hay một số trường đại học đã có kênh giới thiệu việc làm cho sinh viên. Các doanh nghiệp được đăng thông tin tuyển dụng đều khá đảm bảo nên sinh viên có thể tham khảo.

Với sinh viên các năm đầu, có thể lựa chọn công việc yêu thích để trải nghiệm hoặc kiếm thêm thu nhập, đến những năm cuối, nên tập trung vào công việc có liên quan tới ngành học và công việc dự định tương lai.

"Đây là thời gian rất quan trọng để các em ghi điểm trong mắt các nhà tuyển dụng và tích lũy kinh nghiệm cho công việc theo thế mạnh", ông Hòa nói.
*Tên các sinh viên đã được thay đổi

Duy Phương

 


© Bản quyền 2017 thuộc về Trường Đại học công nghiệp dệt may Hà Nội.
Online: 167 Tổng truy cập: 32.512.238