Trang chủ
TRƯỜNG ĐẠI HỌC CÔNG NGHIỆP DỆT MAY HÀ NỘI
PHÒNG CTHSSV - THANH TRA GIÁO DỤC

Đa cấp 'giăng bẫy' sinh viên: Giải cứu nạn nhân bị sập bẫy

Ngày đăng: 08:48 - 12/05/2023 Lượt xem: 177

Từ trường hợp của sinh viên tên N.P.Th đã bỏ 15 triệu đồng đầu tư một gói sản phẩm để trở thành nhà đầu tư bạc, PV Thanh Niên trong vai người thân của Th. đến chi nhánh Công ty CP tập đoàn liên kết VN (Vinalink Group) để tìm hiểu vụ việc và ngăn chặn việc cô sinh viên này bị một số người ở đây hối thúc đóng thêm 100 triệu đồng để trở thành nhà đầu tư vàng.

 

Lòng vòng, không rõ ràng

 
 
Current Time0:03
/
Duration5:23
 
 
 
 
HD
Auto
 

Giải cứu nạn nhân khỏi ‘bẫy’ đa cấp

Ngày 25.4, N.P.Th phải trả lời cho các tuyến trên về phương án xoay 100 triệu đồng để trở thành nhà đầu tư vàng. Đúng 9 giờ sáng, N.P.Th đến công ty thì Sang (tuyến trên của Th.) đưa Th. qua gặp Lê Thị Thúy Liễu (tuyến trên của Sang), trao đổi về việc đóng 100 triệu đồng. Th. trình bày đã xin được tiền nhưng người thân trực tiếp đến làm việc và đóng tiền. Được sự đồng ý của Liễu, Th. đã gọi điện thoại cho người thân (tức PV Thanh Niên) đến công ty gặp quản lý tìm hiểu gói sản phẩm do Th. sắp tới đầu tư.

Đa cấp ''giăng bẫy'' sinh viên: Giải cứu nạn nhân bị sập bẫy - Ảnh 1.

Sinh viên Th. lấy hàng từ Vinalink Group sau khi kết thúc buổi làm việc

CÔNG NGUYÊN

Theo ghi nhận của PV, tại chi nhánh Công ty CP tập đoàn liên kết VN (Vinalink Group) ở số 320/12 Trường Chinh, P.13, Q.Tân Bình, TP.HCM, có rất đông nhân viên trong trang phục áo vest, quần kaki và giày đen đang tất bật nghe điện thoại và dẫn những người đến xin việc (hầu hết là sinh viên) vào tư vấn. Ngay sau đó, Sang xuất hiện mời PV vào tầng trệt của công ty ngồi làm việc. Sau khi nghe PV nói đến tìm hiểu công việc đầu tư của N.P.Th tại công ty trước khi đóng 100 triệu đồng cho em để trở thành nhà đầu tư vàng, Sang cho biết đầu tư tại công ty là mua các gói sản phẩm thực phẩm chức năng (công ty có trên 20 sản phẩm), sẽ được đưa vào các nhánh để hưởng nhiều quyền lợi ưu đãi, cũng như hoa hồng. Hiện N.P.Th đã đóng 15 triệu đồng (đầu tư 1 gói sản phẩm), đây là điều kiện để trở thành nhà phân phối tại công ty. Với mức đóng này, N.P.Th chỉ mới nhà đầu tư bạc. Để trở thành cấp quản lý (tuyến trên), N.P.Th phải học và chọn các gói đầu tư cao hơn. Qua thời gian làm việc tại đây, N.P.Th đã chọn mức đầu tư 100 triệu đồng để trở thành nhà đầu tư (hay còn gọi là nhà phân phối) vàng.

Đa cấp ''giăng bẫy'' sinh viên: Giải cứu nạn nhân bị sập bẫy - Ảnh 2.

PV Thanh Niên yêu cầu Liễu (tuyến trên của Th.) cung cấp tất cả giấy tờ liên quan đến hàng hóa, mua bán

 

Lúc này, người phụ nữ tên Lan bước đến tự xưng là tuyến trên của Sang, xin phép trao đổi với PV. Lan cho hay khi đầu tư vào các gói sản phẩm công ty thì sẽ hưởng các chính sách mua hàng của công ty, được công ty đào tạo hình thức bán hàng. Riêng tỷ lệ sinh lời thì tùy thuộc vào khả năng của từng nhà đầu tư. Còn hình thức phân phối sản phẩm có nhiều cách như bán trên trang thương mại điện tử, tự tìm kiếm khách hàng, tiếp thị tại bệnh viện, nhà thuốc... Lan mời PV uống bịch nước có in dòng chữ Quantum và giới thiệu đây là sản phẩm của công ty đang phân phối. PV nói nghe công ty giới thiệu với Th. đây là loại nước dành cho các đại biểu Quốc hội uống trong các buổi họp thì Lan gật đầu. Lan cũng cam kết tất cả sản phẩm của công ty đều đảm bảo giấy tờ theo đúng quy định của pháp luật. PV yêu cầu cho xem sản phẩm và các giấy tờ liên quan thì Lan dùng điện thoại nhắn tin.

Ít phút sau, quản lý Lê Thị Thúy Liễu (tuyến trên của Lan) xuất hiện tiếp tục làm việc với PV. Liễu yêu cầu Sang, Lan vào bên trong lấy một số sản phẩm để giới thiệu và thuyết phục PV. Liễu cho rằng khi đóng 100 triệu đồng để trở thành nhà đầu tư vàng thì được hưởng chính sách mua hàng giá tốt và được tham gia hệ thống của công ty.

Đến gần 12 giờ trưa, PV yêu cầu Liễu chuẩn bị các giấy tờ liên quan đến các sản phẩm, hóa đơn chứng từ của gói sản phẩm do em N.P.Th đã bỏ vào 15 triệu đồng đầu tư và hẹn đầu giờ chiều sẽ quay trở lại tiếp tục làm việc...

Đa cấp ''giăng bẫy'' sinh viên: Giải cứu nạn nhân bị sập bẫy - Ảnh 3.

PV Thanh Niên đến trụ sở Vinalink Group tìm hiểu vụ việcảnh:

TRẦN DUY KHÁNH

Đóng tiền mua hàng nhưng không chịu ghi biên nhận

Khoảng 13 giờ 45 cùng ngày, PV đi cùng với em N.P.Th quay trở lại chi nhánh Vinalink Group để làm việc, nhận lại gói sản phẩm của em Th. đã đầu tư và gửi tại đây. Lúc này, Sang đang tất bật mang 10 thùng nước uống giàu Hydrogen Quantum (loại nước được Sang, Lan xác nhận là đại biểu Quốc hội uống khi họp) với giá 5,9 triệu đồng; 6 hộp Bách Xuân, giá 4,44 triệu đồng; 13 chai V-Naturecare dung dịch vệ sinh phụ nữ, giá 2,47 triệu đồng; 5 hộp Vhealth (vị socola), 2,19 triệu đồng. Tổng hóa đơn là 15 triệu đồng. Đây là tất cả sản phẩm mà em N.P.Th được tư vấn để đầu tư vào Vinalink Group, đi theo con đường đa cấp. Trên bàn làm việc, Liễu đã chuẩn bị các giấy tờ liên quan đến nguồn gốc, bảo đảm an toàn thực phẩm, giấy kiểm nghiệm liên quan đến bộ sản phẩm, hóa đơn giá trị gia tăng do Vinalink Group xuất bán cho N.P.Th. PV hỏi N.P.Th đây có phải là sản phẩm mà em đã đầu tư, Th. trả lời "em được tư vấn đầu tư chứ không biết sản phẩm gì. Lúc đó, đầu óc em bị thao túng nên em chỉ chuyển tiền và làm theo hướng dẫn của tuyến trên. Sau khi chuyển tiền, em được hướng dẫn làm đơn gửi hàng". Trước sự việc này, Liễu nhanh chóng giải thích "em nó tự nguyện, không ai ép em nó cả". Trong các giấy tờ Liễu cung cấp còn thiếu biên nhận 15 triệu đồng (số tiền mà N.P.Th đóng để trở thành nhà đầu tư tại công ty) thì Liễu lúng túng, giải thích vòng vo rồi dùng điện thoại nhắn tin xin ý kiến.

Sáng 9.5, Hiệp hội bán hàng đa cấp VN đã có buổi làm việc với 3 sinh viên liên quan đến đơn tố cáo họ bị dẫn dắt đầu tư đa cấp vào Vinalink Group; tham gia buổi làm việc có đại diện Sở Công thương TP.HCM và ông Nguyễn Đức Anh (Tổng giám đốc Vinalink Group). Ông Đức Anh cho rằng qua phản ánh của Báo Thanh Niên, phía công ty thừa nhận thiếu giám sát để nhà phân phối tại chi nhánh của Vinalink Group ở Q.Tân Bình làm không đúng theo Nghị định 40/2018/NĐ-CP. Các bạn sinh viên được nhà phân phối cung cấp thông tin không đầy đủ, đóng tiền mua sản phẩm của công ty để tham gia hoạt động đa cấp. Những trường hợp này Vinalink Group sẽ tiếp nhận thông tin (địa chỉ: 320/12 Trường Chinh, P.13, Q.Tân Bình, TP.HCM), xác minh và giải quyết theo nguyện vọng của sinh viên.

Chiều cùng ngày, em N.P.Th, N.L.G.Q (sinh viên năm nhất) đã được Vinalink Group tiếp nhận thông tin, hỗ trợ để hai em thanh lý hợp đồng, trả lại hàng và nhận lại số tiền đã đầu tư vào công ty.

Lúc này, Nguyễn Thị Thanh Thủy (tuyến trên của Liễu) tiếp tục vào bàn làm việc với PV. Thủy cho biết tất cả giấy tờ liên quan đến gói sản phẩm của em N.P.Th đầu tư vào công ty đã cung cấp theo yêu cầu. Riêng biên nhận tiền 15 triệu đồng thì phía công ty không thể cung cấp, vì phía công ty đã xuất hóa đơn giá trị gia tăng cho N.P.Th (chứng tỏ N.P.Th có mua hàng của công ty). Lúc này, PV chứng minh 15 triệu đồng do em N.P.Th chuyển cho Lê Thị Thúy Liễu để đầu tư vào công ty và yêu cầu cung cấp biên nhận. Liễu thừa nhận sau khi nhận tiền của em N.P.Th thì chuyển về công ty để mua hàng giúp em Th., chính vì vậy không thể có biên nhận (!?). "Tại sao mua sản phẩm đầu tư đa cấp vào Vinalink Group mà hướng dẫn sinh viên chuyển vào tài khoản cá nhân?", PV hỏi thì cả Liễu và Thủy đều lúng túng, không giải thích được mà liên tục cầm điện thoại nhắn tin.

Sau gần 2 giờ làm việc, Thủy nhỏ nhẹ hỏi: "Gia đình ngoài mục đích đến lấy hàng thì có muốn yêu cầu gì không, phía công ty sẽ đáp ứng. Công ty sẵn sàng mua lại hàng của N.P.Th và xin trả lại tiền cho gia đình". PV đề nghị phía công ty làm đúng cam kết hợp đồng và cung cấp biên nhận và giấy tờ, hóa đơn liên quan đến việc đóng tiền, mua bán sản phẩm là thực phẩm chức năng đối với gói sản phẩm em N.P.Th đã đầu tư. Cuối giờ chiều cùng ngày, PV yêu cầu phía Công ty Vinalink lập biên bản buổi làm việc và lấy hàng về. (còn tiếp) 


© Bản quyền 2017 thuộc về Trường Đại học công nghiệp dệt may Hà Nội.
Online: 199 Tổng truy cập: 18.418.308