Trang chủ
TRƯỜNG ĐẠI HỌC CÔNG NGHIỆP DỆT MAY HÀ NỘI
PHÒNG CTHSSV - THANH TRA GIÁO DỤC

Xây dựng phương án thực tập cho sinh viên trong tình hình dịch bệnh Covid-19

Ngày đăng: 05:16 - 31/08/2021 Lượt xem: 714
 
Sinh viên Trường ĐH Công nghiệp Dệt may Hà Nội thực tập tại Trung tâm sản xuất dịch vụ của trường. Ảnh chụp tại thời điểm chưa có dịch Covid-19. NVCC.Sinh viên Trường ĐH Công nghiệp Dệt may Hà Nội thực tập tại Trung tâm sản xuất dịch vụ của trường. Ảnh chụp tại thời điểm chưa có dịch Covid-19. NVCC.

Chủ động phương án dạy học trực tuyến

Cô Hường cho hay, dự kiến đến ngày 6/9/2021, nhà trường bắt đầu lịch học tập của năm học mới. Để chuẩn bị cho năm học mới trong bối cảnh dịch COVID - 19 vẫn đang diễn biến khó lường, nhà trường đã xây dựng 2 phương án dạy và học cho năm học mới.

Thứ nhất, nếu được trở về trạng thái bình thường mới, phương án học trực tiếp được triển khai trên cơ sở đảm bảo 5K.

Thứ hai, nếu dịch chưa được kiểm soát, các học phần lý thuyết và thực hành tư duy sẽ học trực tuyến, các học phần thực hành trên sản phẩm sẽ học trực tiếp khi ổn định tình hình. 

Trước đó, nhà trường đã nâng cấp đường truyền mạng để phục vụ cho việc giảng dạy và học tập. Trường cũng đã đầu tư Studio để giảng viên chuẩn bị bài giảng cho các giờ học trực tuyến.

Đồng thời, tập huấn cho giảng viên sử dụng một số phần mềm, công cụ để giảng dạy trực tuyến như: Google Classroom, Microsoft Teams, zoom. Ngoài ra, các giảng viên chủ động nghiên cứu và sử dụng một số phần mềm khác phù hợp với đặc điểm của học phần giảng dạy và điều kiện thực tiễn của sinh viên. 

Theo cô Hường, nếu dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, tiến độ đào tạo có thể bị ảnh hưởng nhưng chương trình đào tạo vẫn đảm bảo theo chuẩn xây dựng. Ngay từ năm học 2020 - 2021, nhà trường đã 3 lần điều chỉnh kế hoạch học tập cho phù hợp với điều kiện thực tiễn.

Một số giải pháp đã được áp dụng như: linh hoạt thời gian nghỉ hè vào thời gian nghỉ đợt dịch cao điểm; học lý thuyết trực tuyến và những lúc dịch được kiểm soát tăng thời lượng học thực hành; điều chỉnh nội dung, hình thức kiểm tra, đánh giá cho phù hợp; điều chỉnh phương án thực tập nghề nghiệp…

Cô Nguyễn Thị Thu Hường. Ảnh: NVCC

Năm học 2021 - 2022, nhà trường đã xây dựng các kịch bản để ứng phó theo điều kiện dịch bệnh với phương châm không để ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo và cố gắng để ít bị ảnh hưởng nhất tới sinh viên.

Ngoài ra, để tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên khi học trực tuyến, các giảng viên đã hướng dẫn, tập huấn cho sinh viên sử dụng phần mềm học tập và kiểm tra đánh giá; những sinh viên ở trong khu ký túc xá nếu không có máy tính hoặc các phần mềm học tập được hỗ trợ lên thư viện của Trường để học miễn phí, đảm bảo không sinh viên nào vì thiếu các điều kiện mà không học trực tuyến được. Học kỳ 1 năm học 2021 - 2022, Nhà trường giảm 5% học phí cho sinh viên toàn trường. 

Xây dựng học liệu

Cũng theo cô Hường, đặc điểm của trường kỹ thuật theo định hướng ứng dụng là số giờ thực hành tương đối nhiều. Trong đó, chia làm 2 loại thực hành: thực hành tư duy và thực hành thao tác kỹ thuật.

“Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, các phương án tổ chức học tập được Nhà trường cân nhắc trên nguyên tắc đảm bảo chất lượng đào tạo. Vì thế, chỉ những học phần lý thuyết và thực hành tư duy thì mới tổ chức đào tạo trực tuyến; các học phần thực hành thao tác kỹ thuật phải học trực tiếp” – cô Hường trao đổi, đồng thời nhấn mạnh:

Để đảm bảo chất lượng đào tạo trực tuyến, nhiều giải pháp được Trường triển khai đồng bộ như: tập huấn cho giảng viên về sử dụng phần mềm giảng dạy trực tuyến; dự giờ, thanh tra khâu chuẩn bị bài giảng và giờ giảng để rút kinh nghiệm; tập huấn cho sinh viên sử dụng phần mềm học tập; song song với giảng dạy trực tuyến, phương pháp và công cụ kiểm tra đánh giá được đổi mới cho phù hợp với mục tiêu đánh giá công bằng, khách quan, chính xác kết quả học tập.

Giờ thực hành tin học chuyên ngành may bằng hình thức trực tuyến của Trường ĐH Công nghiệp Dệt may Hà Nội. Ảnh: NVCC

Đối với các học phần thực hành kỹ thuật, trong giai đoạn dịch bệnh kiểm soát được, nhà trường tăng cường các nguồn lực như chuẩn bị cơ sở vật chất, sản phẩm học tập và các điều kiện phục vụ để sinh viên luyện tập.

Trường đã đầu tư 1 phòng Studio để quay video các bài giảng và trực tiếp giảng dạy trực tuyến. Các tiết giảng trực tuyến thông thường, giảng viên giảng dạy trực tiếp trên các phần mềm giảng dạy trực tuyến kèm sử dụng học liệu cho dạy và học. Các tiết giảng trực tuyến có yêu cầu riêng sẽ được thực hiện tại Studio.

Để chuẩn bị cho giảng dạy và học tập, đội ngũ giảng viên phải chuẩn bị chu đáo các điều kiện, đặc biệt là học liệu. Trường có quy định về việc xây dựng học liệu, ngân hàng câu hỏi và đề thi, trong đó bộ môn giữ vai trò chủ đạo về chất lượng học thuật của học liệu. Học liệu được duyệt sẽ lưu “kho” để làm tài liệu cho dạy và học.

“Kho” này sẽ được rà soát và cập nhật thường xuyên để đảm bảo  các yêu cầu và sự thay đổi của thực tiễn sản xuất kinh doanh. Nhà trường đã số hóa toàn bộ học liệu và lưu tại thư viện để thuận tiện cho sinh viên, giảng viên sử dụng.

Một tiết học trực tuyến của sinh viên Trường ĐH Công nghiệp Dệt may Hà Nội. Ảnh: NVCC

 

Trao đổi về phương án tổ chức cho sinh viên thực tập trong tình hình dịch Covid-19, cô Hường chia sẻ: Nhà trường có Trung tâm sản xuất dịch vụ chuyên sản xuất các sản phẩm xuất khẩu, có đầy đủ trang thiết bị, công nghệ hiện đại để sinh viên thực tập.

Trong bối cảnh dịch bệnh, đây là nơi thực tập chính của sinh viên, các em được bố trí ở tại ký túc xá của Trường để thuận tiện trong quản lý và đảm bảo các điều kiện sinh hoạt.

Mặt khác, Trường bố trí sinh viên đi thực tập vào những doanh nghiệp thuộc “vùng xanh”, số lượng sinh viên thực tập trong 1 doanh nghiệp cũng được chia nhỏ để đảm bảo giãn cách.

Nhà trường phối hợp với doanh nghiệp để các em được thực tập và ăn, ở tại doanh nghiệp, vừa đảm bảo sản xuất kinh doanh, vừa đảm bảo các điều kiện phòng chống dịch bệnh theo quy định.

Các em yên tâm, khi tổ chức bất cứ hoạt động nào, phương châm là đảm bảo an toàn được Trường đặt lên hàng đầu.

"Đặc điểm của các giờ học thí nghiệm, thực hành là sinh viên phải làm việc trực tiếp trên các trang thiết bị chuyên dùng để làm sáng tỏ nội dung lý thuyết đã nghiên cứu hoặc rèn luyện kỹ năng kỹ thuật. Vì vậy, khó có thể thay thế được qua học trực tuyến. Tuy nhiên, Nhà trường đã điều chỉnh lịch trình giảng dạy cho phù hợp với bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, trong giai đoạn này, tăng cường các học phần lý thuyết và thực hành tư duy, đến khi dịch bệnh được kiểm soát, sinh viên sẽ tập trung học thí nghiệm, thực hành thao tác kỹ thuật" cô Nguyễn Thị Thu Hường.

© Bản quyền 2017 thuộc về Trường Đại học công nghiệp dệt may Hà Nội.
Online: 220 Tổng truy cập: 32.512.448