Trang chủ
TRƯỜNG ĐẠI HỌC CÔNG NGHIỆP DỆT MAY HÀ NỘI
PHÒNG CTHSSV - THANH TRA GIÁO DỤC

Tuyển sinh 2021: Chuyên gia "bật mí" chọn ngành trong phút chót

Ngày đăng: 03:12 - 14/05/2021 Lượt xem: 556

  
Một trong những tiêu chí quan trọng để chọn ngành học là dựa vào tính cách, sở trường của cá nhân. Ảnh minh hoạ: Sỹ Điền

Tính cách tương ứng với ngành nghề

Theo ThS Nguyễn Thị Thu Hường – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp Dệt may Hà Nội, việc đăng ký lựa chọn ngành học, trường học, trước hết thí sinh nên dựa vào tính cách, sở thích của cá nhân và xu thế của thị trường lao động. Bởi khi được làm công việc yêu thích, phù hợp với tính cách, các em sẽ có đam mê, chịu khó tìm hiểu, học hỏi, sáng tạo… sẽ dễ thành công và hạnh phúc trong công việc.

Vì thế, trước khi đăng ký nguyện vọng xét tuyển, thí sinh nên khám phá bản thân để nắm rõ năng lực, sở thích của mình, đồng thời tìm hiểu xu thế của thị trường lao động. Ngành nghề thay đổi khi xã hội thay đổi, mà bối cảnh xã hội hiện nay thay đổi rất nhanh do sự phát triển của khoa học công nghệ.

PGS.TS Phạm Mạnh Hà - Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho rằng, tiêu chí quan trọng để chọn ngành học là dựa vào tính cách cá nhân. Thí sinh có thể nhận biết: mình thuộc nhóm tính cách nào, thông qua những gì người lớn thường phàn nàn về mình.

Ví dụ: Những bạn hay bị mẹ mắng "việc nhà thì nhác việc chú bác thì siêng" thường có tính cách xã hội, thích giao tiếp và giúp đỡ mọi người. Những bạn này có thể phù hợp với ngành nghề thương mại, kinh doanh buôn bán, báo chí hoặc marketing…

Một số bạn hay ''lý sự'' với người lớn, hoặc hay ''đầu têu'' những trò nghịch ngợm ở lớp, bị thầy cô phê bình nhưng lại được bạn bè yêu mến. Những bạn thường có tố chất lãnh đạo và tư duy phản biện, nên có thể tìm hiểu ngành nghề quản trị nhân sự, quản trị kinh doanh...

Với những bạn hay bị mắng vì tội "lọ mọ", có khi tháo bung hết đồ điện trong nhà để nghiên cứu, thường có tư duy kỹ thuật, phù hợp những ngành nghề cơ khí, kỹ sư công nghệ... Bạn nào ngoan ngoãn ít nói, ngại thay đổi, hay được cầm quỹ lớp... thường thuộc nhóm tính cách ''công chức'', phù hợp với nghề kế toán, kiểm toán, nhân viên quản trị văn phòng...

Còn những bạn học rất giỏi, “mọt sách”, lúc nào cũng thấy ngồi ôm sách vở, ít đi chơi thuộc, thường nhóm tố chất nghiên cứu, phù hợp để trở thành nhà nghiên cứu khoa học, giảng viên đại học... Một số người có đầu óc sáng tạo, hay bi mắng "suốt ngày mơ mộng", yêu thơ ca, ghét công việc cứng nhắc... hay có tính cách nghệ sĩ, có thể học kiến trúc sư, quan hệ công chúng, hoặc là nhà văn...

Thí sinh tham dự Kỳ thi THPT quốc gia 2019. Ảnh: Sỹ Điền.


Để không đỗ đại học oan

Đồng quan điểm, TS Lê Xuân Thành – Trưởng Phòng Công tác chính trị - Sinh viên, Trường ĐH Mỏ - Địa chất (Hà Nội) – cho hay, một trong những tiêu chí quan trọng, làm cơ sở để thí sinh đăng ký xét tuyển hoặc điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển đại học là dựa vào sở trường, năng lực và tính cách.

Ngoài ra, có 4 yếu tố chính ảnh hưởng đến việc đăng ký, điều chỉnh và sắp xếp nguyện vọng của thí sinh là: Truyền thống gia đình; Sở trường, tính cách; Xu thế của bạn bè và xu thế của thị trường lao động. Tuỳ theo theo bối cảnh, thí sinh có thể sắp xếp các nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên dựa trên 4 yếu tố này.

“Chẳng hạn, có những em có cá tính mạnh sẽ đặt sở trường, sở thích của bản thân lên hàng đầu để lựa chọn nghề nghiệp, nơi học tập. Do đó, thí sinh cần phân định rõ ràng nguyện vọng mà mình mong muốn học tập. Tuy nhiên, nếu yếu tố truyền thống gia đình và sở trường, tính cách của bản thân được dung hoà hợp lý, sẽ giúp bạn có sự lựa chọn đúng đắn khi điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển đại học” – TS Lê Xuân Thành chia sẻ.

Click vào ảnh để xem nội dung.


Theo PGS.TS Phạm Mạnh Hà, thực tế có nhiều thí sinh trượt oan hoặc đỗ đại học một cách “oan ức” vì thay đổi nguyện vọng không đúng. Một trong những nguyên nhân dẫn đến thực trạng này là: sau khi biết điểm, thí sinh thường có tâm lý vội thay đổi nguyện vọng dựa trên mức điểm chuẩn của các năm trước, do đó gây ra những thay đổi lớn trong việc xét tuyển. Các em lo lắng NV1 không đỗ, nên thay đổi nguyện vọng đăng ký trường khác có mức điểm thấp hơn, nhưng đến khi biết điểm, thì các em lại đủ điểm vào trường mà mình đã thay đổi vì lo trượt.

PGS.TS Phạm Mạnh Hà khuyến cáo, các em chỉ thay đổi nguyện vọng khi đã có sự nghiên cứu, tìm hiểu thật kỹ. Nếu thấy tình thế không khả thi thì mới thay đổi nguyện vọng xét tuyển. Các em nên sắp xếp nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên như sau: NV1 dành cho những trường có mức điểm cao hơn, NV2 cho trường ngang với mức điểm của bản thân và NV3 cho các trường thấp hơn mức điểm của mình. Xếp theo thứ tự này sẽ giúp các em có cơ hội trúng tuyển cao hơn, thậm chí là chắc chắn đỗ.

Bên cạnh đó, thí sinh không nên xét tuyển cùng lúc nhiều nhóm ngành khác nhau từ kinh tế, kỹ thuật đến khoa học xã hội và nhân văn, mà nên xác định chính xác năng lực, sở thích của bản thân để lựa chọn ngành nghề phù hợp nhất. Nếu các em chọn ngành dàn trải, sẽ rất khó để có việc làm sau khi ra trường. Thí sinh chỉ nên chọn từ 1-2 ngành mà mình thực sự yêu thích và lựa chọn các trường có mức điểm phù hợp.

"Lựa chọn ngành nghề mới chỉ là khởi điểm, các em cần trang bị và rèn luyện cho mình kỹ năng thích ứng và tự học. Có như vậy mới có thể bền vững trong nghề nghiệp" - ThS Nguyễn Thị Thu Hường.

                                                                                                                                      Nguồn:  https://giaoducthoidai.vn/
© Bản quyền 2017 thuộc về Trường Đại học công nghiệp dệt may Hà Nội.
Online: 199 Tổng truy cập: 32.512.019