Trang chủ
TRƯỜNG ĐẠI HỌC CÔNG NGHIỆP DỆT MAY HÀ NỘI
PHÒNG CTHSSV - THANH TRA GIÁO DỤC

Chung sức hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp

Ngày đăng: 04:32 - 04/04/2022 Lượt xem: 368

(HNM) - Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên lần thứ IV vừa khép lại, song mở ra những tín hiệu mới sau 4 năm triển khai Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” do Thủ tướng Chính phủ ban hành kèm theo Quyết định số 1665/QĐ-TTg ngày 30-10-2017. Để tiếp tục triển khai Đề án hiệu quả, bên cạnh vai trò của ngành Giáo dục, cần sự chung sức, cộng đồng trách nhiệm của các cấp, ngành, doanh nghiệp hỗ trợ học sinh, sinh viên hiện thực hóa ý tưởng khởi nghiệp.

Đối thoại chính sách thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên tại Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên lần thứ IV, tháng 3-2022.

Ngày càng khởi sắc

Sau 4 năm thực hiện Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025”, hoạt động khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục phổ thông và đại học trên cả nước ngày càng có nhiều khởi sắc, góp phần hiện thực hóa nhiều ý tưởng khởi nghiệp, tạo việc làm cho học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp.

Vụ trưởng Vụ Giáo dục chính trị và Công tác học sinh, sinh viên (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Phạm Hùng Anh cho biết, tính đến cuối năm 2021, số lượng các cơ sở giáo dục đại học đưa nội dung khởi nghiệp thành môn học bắt buộc hoặc tự chọn đạt 33%, tăng 3% so với năm 2020; 75% số cơ sở đã tổ chức được các lớp đào tạo ngắn hạn về kỹ năng khởi nghiệp cho sinh viên... Ngành Giáo dục cũng đã hình thành mạng lưới 200 cán bộ tư vấn, hỗ trợ khởi nghiệp trong các cơ sở đào tạo trên cả nước; tổ chức thí điểm xây dựng các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp trong trường phổ thông tại một số tỉnh, thành phố như: Hà Nội, Thừa Thiên Huế, Quảng Ninh, Hưng Yên, Hòa Bình...

Thành quả nổi bật trong hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp là sự tham gia tích cực của học sinh, sinh viên cả nước trong cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” lần thứ IV phát động từ tháng 7-2021 đã nhận được 400 dự án tham dự. Ngày 27-3-2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã trao giải cho 20 dự án, trong đó có 2 dự án của học sinh phổ thông thuộc thành phố Hà Nội giành giải Nhì.

Em Nguyễn Tài Minh, học sinh Trường Trung học phổ thông chuyên Hà Nội - Amsterdam (quận Cầu Giấy) chia sẻ: "Dự án "Signtegrate - Giải pháp hỗ trợ giao tiếp dành cho người khiếm thính tại Việt Nam bằng ứng dụng dịch thuật ngôn ngữ ký hiệu sử dụng trí tuệ nhân tạo” của nhóm chúng em rất vinh dự được nhận giải Nhì. Để có kết quả này, chúng em luôn có sự đồng hành, khích lệ, tạo điều kiện về mọi mặt của nhà trường. Em mong có thêm nhiều ý tưởng khởi nghiệp của học sinh trở thành hiện thực".

Tạo môi trường hiện thực hóa ý tưởng

Việc tạo môi trường hỗ trợ khởi nghiệp được các cơ sở giáo dục đại học và phổ thông đặc biệt quan tâm, nhằm giúp học sinh, sinh viên nuôi dưỡng, hiện thực hóa ý tưởng. Năm 2017, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức thí điểm xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp tại 3 cơ sở giáo dục đại học. Đến nay đã có 50% số cơ sở đào tạo thành lập được câu lạc bộ khởi nghiệp; 25% số cơ sở đào tạo có trung tâm hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp...

Để phát huy thành quả của đơn vị vừa có dự án giành giải Nhì tại cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” năm 2021, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Thanh Xuân (quận Thanh Xuân) Ngô Thị Diệp Lan cho hay, nhà trường luôn khích lệ học sinh gắn học tập kiến thức với ứng dụng, thực hành, nhất là đẩy mạnh các hoạt động giáo dục STEM (chương trình giảng dạy trang bị cho người học những kiến thức, kỹ năng về khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học theo cách tiếp cận liên môn). Hỗ trợ kinh phí thúc đẩy học sinh nghiên cứu khoa học; nuôi dưỡng, hiện thực hóa ý tưởng khởi nghiệp.

Còn theo Tiến sĩ Đinh Quang Toàn, Phó Giám đốc Trung tâm Khởi nghiệp và Quan hệ doanh nghiệp (Trường Đại học Công nghệ giao thông vận tải), nhà trường đặc biệt quan tâm đến việc kết nối giữa sinh viên với các doanh nghiệp; xây dựng môi trường hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp thông qua việc hình thành mạng lưới đổi mới sáng tạo Thủ đô; tổ chức các buổi tọa đàm, giao lưu về khởi nghiệp; xây dựng vườn ươm khởi nghiệp…

Trong khi đó, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ thành phố Hà Nội Nguyễn Vân khẳng định, Hiệp hội tiếp tục đồng hành với ngành Giáo dục hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp; tạo cầu nối giữa doanh nghiệp và nhà trường; kêu gọi doanh nghiệp tăng cường hỗ trợ, đầu tư cho các dự án khởi nghiệp…

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, các dự án đoạt giải cao của cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” lần thứ IV đã được một số doanh nghiệp tài trợ. “Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ chỉ đạo các nhà trường nghiên cứu xây dựng môn học đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp để đưa vào chương trình đào tạo; tăng cường phối hợp giữa nhà trường với doanh nghiệp... Đồng thời phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tháo gỡ khó khăn cho việc triển khai các quỹ hỗ trợ khởi nghiệp trong các cơ sở đào tạo; nghiên cứu thí điểm về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp tham gia đầu tư, góp vốn vào các dự án khởi nghiệp của học sinh, sinh viên”, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn cho biết.

© Bản quyền 2017 thuộc về Trường Đại học công nghiệp dệt may Hà Nội.
Online: 55 Tổng truy cập: 18.730.220