GD&TĐ - Dạy học trực tuyến là cứu cánh của giáo dục trong thời kỳ giãn cách do dịch bệnh. Đây không phải giải pháp tình thế mà là phương thức dạy học cho một xã hội hiện đại.
Giảng viên Trường ĐH Mở Hà Nội dạy học trực tuyến.
Không còn là giải pháp tình thế
Nói về vai trò của dạy học trực tuyến, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, ông Trương Tiến Tùng - Hiệu trưởng Trường ĐH Mở Hà Nội cho rằng: Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã thay đổi căn bản thế giới. Không gian lưu trữ được giải quyết bằng công nghệ điện toán đám mây. Với không gian như vậy, con người có thể lưu trữ được nhiều loại thông tin, như: ăn bản, hình ảnh, âm thanh... và dữ liệu lớn được hình thành. Hạ tầng công nghệ phát triển như vũ bão giúp con người có thể kết nối thiết bị công nghệ với nhau một cách dễ dàng. Những thay đổi đó đã tạo môi trường công nghệ và tác động mạnh mẽ đến đời sống của con người: Giao tiếp không tiếp xúc hình thành và đặc biệt là tương tác có hình ảnh, có thể trao đổi theo nhóm. Và, đào tạo trực tuyến cũng được hình thành.
Khi bệnh dịch xuất hiện, dạy học trực tuyến từ vai trò hỗ trợ được chuyển sang vị trí chủ đạo với những đặc điểm nổi trội không thua kém đào tạo mặt giáp mặt: Không tiếp xúc trực tiếp, nhưng vẫn có thể tương tác toàn diện (thầy - trò; trò - trò; thầy - phụ huynh – trò); tài liệu học tập đa dạng, phong phú; có thể ghi nhận, quản trị toàn bộ quá trình dạy và học. “Rõ ràng, chúng ta thấy dạy học trực tuyến là cứu cánh của giáo dục và nhiều ngành kinh tế trong thời kỳ giãn cách do dịch bệnh. Nhưng tốt hay không lại phụ thuộc cách tổ chức và con người thực hiện” – ông Trương Tiến Tùng cho hay.
Ông Tôn Quang Cường - Chủ nhiệm Khoa Công nghệ Giáo dục, Trường ĐH Giáo dục (ĐHQG Hà Nội) nhấn mạnh: Cần thống nhất quan điểm dạy học trực tuyến không phải là sự bù đắp, thiếu hụt nào đó, hay là một giải pháp tình thế trong bối cảnh dạy học hiện nay. Đây là phương thức dạy học trong xã hội hiện đại, khi cơ hội tiếp cận với các thiết chế giáo dục ngày càng mở, công bằng cho tất cả; hướng tới xã hội học tập và học tập suốt đời không ngừng nghỉ, dựa trên những nền tảng công nghệ mới ngày càng phát triển.
TS Đỗ Văn Hùng - Trưởng khoa Thông tin - Thư viện, Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Ứng dụng CNTT (Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG Hà Nội) thì nhận định: Không chỉ trong bối cảnh dịch bệnh mà ở điều kiện bình thường, dạy học trực tuyến đang là xu thế của giáo dục hiện nay. Yếu tố dịch bệnh chỉ là một tác nhân để thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số trong giáo dục nhanh hơn, đặc biệt với quốc gia đang phát triển như Việt Nam. Xu thế này còn bị tác động trực tiếp bởi sự thay đổi của nhu cầu và thói quen của người học.
Nhu cầu cá thể hóa trong việc học, học theo năng lực và sở thích của mỗi cá nhân, có thể học bất kỳ lúc nào, bất kỳ nơi đâu và với một chi phí phù hợp với điều kiện của cá nhân. Đào tạo trực tuyến đang mở ra cơ hội cho người học với thời gian linh hoạt, chi phí thấp. Với các sở giáo dục là động lực thúc đẩy đổi mới phương pháp giảng dạy, nội dung và phương thức cung cấp dịch vụ giáo dục. Đặc biệt là ứng dụng công nghệ trong triển khai phương thức giảng dạy hỗn hợp (blended learning).
Điều kiện cần và đủ
Chia sẻ về tác động của dạy học trực tuyến, ông Trương Tiến Tùng nhấn mạnh: Trước tiên là chuyển từ thuyết giảng chiếm vị trí chủ đạo sang tự học là chủ yếu. Theo đó, người học phải chủ động tìm hiểu vấn đề theo hướng dẫn của người dạy mới đạt hiệu quả tốt (môi trường điện toán đám mây và công cụ tìm kiếm sẽ hỗ trợ). Bên cạnh đó, khi tương tác, thầy cô sẽ không thuyết trình mà người học báo cáo những thông tin gì họ tìm được và họ hiểu thế nào về chủ đề đã được nêu qua đọc, xem, nghe tài liệu học tập (thảo luận nội chủ đề được giảng viên nêu trước).
Những thay đổi trên buộc người học phải chủ động và có trách nhiệm với chính mình khi được giao nhiệm vụ (đẩy mạnh tự học với môi trường thông tin đầy đủ: Đọc - nghe - nhìn). Qua đó, hoạt động dạy và học chuyển từ thụ động sang chủ động, thông qua hệ thống quản trị (LMS), người dạy có thể phân tích năng lực người học để tăng cường hỗ trợ.
“Nếu sử dụng một hệ thống quản lý quá trình dạy và học tốt, hay nói cách khác tất cả đều công khai, minh bạch (vì được ghi nhận và lưu trữ lại), tôi cho rằng hoàn toàn có thể công nhận kết quả được, vì có thể thanh kiểm tra bất cứ lúc nào. Nếu chúng ta áp dụng được công nghệ Blockchain (không thay đổi được nội dung) thì càng minh bạch. Hơn nữa, khác với đào tạo mặt giáp mặt, trực tuyến đã chuyển quá trình đánh giá từ nặng về thi cử sang đánh giá quá trình học và được thực hiện cho từng chủ đề (bài học) của khoảng thời gian cụ thể (buổi, ngày, tuần...)” - ông Tùng nêu quan điểm.
Để triển khai dạy học trực tuyến hiệu quả, chất lượng, ông Trương Tiến Tùng cho rằng: Nhà trường phải có hệ thống để lưu trữ, phân phối và quản trị hoạt động dạy học trực tuyến (LMS); hệ thống quản lý nội dung tài liệu dạy học (LCMS); hệ thống quản lý người học (hồ sơ, kết quả học tập) được tin học hóa tốt để có thể kết nối với các hệ thống trên nhằm tạo thành một hệ thống quản lý tốt.
Giáo viên nên thay đổi phương pháp dạy học sang chủ động, hướng dẫn người học tìm kiếm thông tin phục vụ cho việc học, giám sát người học trong quá trình học bằng phương pháp công nghệ. Đặc biệt, nên phân loại người học để chia thành nhóm nhỏ, có những người học khá hơn làm trưởng nhóm (trợ giảng) giúp giáo viên quản lý lớp học trong và ngoài giờ học tốt hơn.
Dạy học trực tuyến đòi hỏi giáo viên đầu tư công sức nhiều hơn, vất vả hơn, tốn nhiều thời gian hơn nên cần có thù lao tốt hơn. Tại Trường ĐH Mở Hà Nội, thù lao cho dạy học trực tuyến cao hơn lên lớp truyền thống. - Ông Trương Tiến Tùng
(Theo https://giaoducthoidai.vn/)