Trang chủ
TRƯỜNG ĐẠI HỌC CÔNG NGHIỆP DỆT MAY HÀ NỘI
PHÒNG CTHSSV - THANH TRA GIÁO DỤC

Tôi gặp rắc rối vì những Gen Z dễ tổn thương, hay đòi hỏi (Theo https://vnexpress.net)

Ngày đăng: 02:30 - 31/10/2023 Lượt xem: 230

Quy định 'ai đi học muộn sau khi điểm danh sẽ coi như nghỉ học', tôi bị các sinh viên Gen Z tố với trường rằng giảng viên hà khắc.

Gen Z là thế hệ của toàn cầu hóa với sự phát triển không ngừng của xã hội, đòi hỏi các em phải trau dồi từng ngày để không bị bỏ lại ở phía sau. Thế nhưng tỷ lệ Gen Z mắc những bệnh như stress, trầm cảm, căng thẳng... đang ngày càng gia tăng mạnh mẽ. Trong quá trình đi dạy thỉnh giảng ở một số trường đại học, được tiếp xúc với nhiều thế hệ sinh viên sinh từ năm 2000 đến 2005, tôi nhận ra rằng "sức đề kháng" của các em kém hơn so với thế hệ sinh viên trước đây và rất dễ dàng buông xuôi trước khó khăn.

Tôi thường điểm danh đúng đầu giờ học với mục đích tạo thói quen cho các em phải đi học đúng giờ. Tôi quy định ngay từ đầu rằng học sinh đến muộn sau khi điểm danh sẽ bị coi như nghỉ học, nghỉ quá số tiết quy định sẽ không được thi. Thế nhưng điều đơn giản này cũng khiến một số em cảm thấy khó chịu, bị áp lực vì không được ngủ dậy muộn như đối với các môn học khác.

Giảng viên yêu cầu đi học đúng giờ, học bài cũ, chuẩn bị bài mới là những thứ tối thiểu mà ai đi học cũng phải thực hiện. Nhưng đối với một bộ phận sinh viên thời nay, điều đó lại là hà khắc, gây áp lực và lập tức có ý kiến phản hồi với nhà trường, đấu tranh để giảng viên phải thả lỏng quy định.

Thực tế bao nhiêu năm đi dạy, tôi chưa bao giờ có ý gây khó khăn, hay không tạo điều kiện cho bất kỳ sinh viên nào. Tôi hiểu rằng các em chỉ hơn tuổi con gái lớn của tôi chút ít, đa phần xuất thân ở quê lên Hà Nội học, bố mẹ phải vất vả kiếm tiền nuôi con ăn học ở thành phố. Thế nên, tôi chỉ muốn rèn các em có thái độ học tập tốt, thái độ sống tích cực để chăm chỉ hơn, nghiêm túc hơn, học tốt hơn, không phải học lại, không phải mất thêm tiền học phí, tốt nghiệp đúng hạn, ra trường xin được một công việc tốt, có thu nhập để tự lo cho cuộc sống của các em.

Tôi không muốn bỏ mặc các em thích đi học hay không thì đi, thích học hay không thì tùy. Thực tế, tôi có thể cho các em đi muộn, toàn điểm giỏi nhưng tôi nghĩ rằng nếu mình làm như thế là vô trách nhiệm với sinh viên, với gia đình các em và với xã hội. Các em không chịu đi học đúng giờ mà vẫn được thi, vẫn được điểm cao, tốt nghiệp với bằng khá, giỏi, để rồi khi thi tuyển vào các công ty lại không thể đáp ứng yêu cầu tuyển dụng, không làm được việc, lại phải làm việc trái ngành, bán hàng online, lái xe công nghệ, làm công nhân, thậm chí thất nghiệp, thì khi đó chính các em mới là người khổ nhất, gia đình các em sẽ phải chịu gánh nặng, xã hội cũng lãng phí nhân lực vì đào tạo ra những cử nhân không làm được việc.

Điều đáng buồn là suy nghĩ, lo lắng của tôi cho tương lai của các em lại chưa nhận được nhiều sự thấu hiểu. Nhiều em vẫn nghĩ rằng cô giáo gây khó khăn cho mình mà không nghĩ được sâu rộng hơn rằng chính vì yêu thương học trò nên tôi mới rèn các em như vậy. Để dạy các em đúng giờ, tôi cũng luôn phải dậy rất sớm, đi từ nhà đến trường mất hàng tiếng đồng hồ, rồi lên lớp ngồi chờ sẵn 30 phút mới đến giờ dạy. Tôi cũng không chỉ có mỗi việc đi dạy mà còn phải làm nhiều công việc khác, phải lo ăn uống, chở hai con gái đi học rồi mới có thể lên giảng đường. Tôi làm được vậy mà chẳng lẽ yêu cầu sinh viên đi học đúng giờ cũng là quá đáng?
>> Tôi không bắt nhân viên Gen Z răm rắp nghe theo mình

Các bạn trẻ ngày nay dường như chỉ biết đòi hỏi mà quên mất rằng để mình được đi học như thế, chính bố mẹ các em cũng đã phải vất vả như thế nào? Để truyền đạt kiến thức tốt nhất cho các em, các thầy cô giáo đã phải mất nhiều thời gian soạn giáo án, khắc phục mọi khó khăn trong gia đình để lên lớp sớm chờ các em, không chỉ dạy văn hóa mà còn rèn kỹ năng sống cho các em ra sao? Các em đã bao giờ biết trân trọng những người đã làm bao việc tốt vì mình chưa? Hay các em chỉ biết trách móc, đòi hỏi mọi người phải thỏa mãn nhu cầu được sung sướng, nhàn hạ, không cần học tập vất vả vẫn được điểm cao, tốt nghiệp loại khá, giỏi?

Tôi nghĩ rằng, có rất nhiều nguyên nhân khiến cho thế hệ trẻ dễ bị trầm cảm, căng thẳng. Thứ nhất, các em được nuông chiều, dư dả vật chất, ít lao động, vì vậy các em thiếu đi sự rèn luyện khổ cực. Bởi thế nên nhiều em không có tính bền bỉ, chịu thương chịu khó. Từ những điều kiện sống quá tốt khiến không ít bạn trẻ phải học tập, làm việc nghiêm túc là căng thẳng, áp lực, gặp khó khăn một chút là đổ lỗi cho người khác, làm gì cũng dễ chán, dễ nản. Trong khi, muốn thành công, không ai là không phải trải qua khổ luyện.

Thứ hai, việc cha mẹ quá bao bọc con. Bởi tâm lý muốn con hạnh phúc, muốn những thứ tốt đẹp nhất cho con, nên nhiều cha mẹ yêu thương con sai cách. Có những bậc phụ huynh lo cho con đầy đủ vật chất mà không biết rằng trẻ quá sung sướng về vật chất, thì khả năng tự lập sẽ kém hơn. Điều này dẫn đến việc ngày nay giới trẻ, dù được trang bị đầy đủ về kiến thức, vật chất, nhưng lại thiếu đi năng lực tự chủ, tự quyết, cũng như khả năng tư duy độc lập để có thể tồn tại và phát triển trong xã hội đầy biến động. Dần dần, khi lớn lên, nếu gặp khó khăn, thử thách, nếu môi trường làm việc nhiều áp lực, các em sẽ lập tức đổ lỗi cho sếp, cho đồng nghiệp, cho hoàn cảnh. Và một người đổ lỗi quá nhiều sẽ không bao giờ có thể thành công được.

Thứ ba, mạng xã hội cũng góp phần vào việc làm cho các em có xu hướng lệ thuộc và sống trong thế giới ảo. Các em dành quá nhiều thời gian lướt Facebook, Zalo, TikTok, YouTube, Instagram... mà xao lãng việc học tập. Trong giờ học, có những em vẫn mải xem điện thoại hơn là nghe giảng. Trong khi đó, các thông tin trên mạng xã hội hiện nay rất khó kiểm soát. Các em dễ bị nhiễm nhiều thói hư tật xấu từ những thứ được chia sẻ trên mạng.

Để giúp Gen Z thoát khỏi sự yếu đuối, nhạy cảm, dễ vỡ, chịu đựng áp lực kém như hiện nay, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường trong việc giáo dục, định hướng cho các em. Gia đình, nhà trường và xã hội cần cho các em được tôi luyện và trải nghiệm nhiều hơn, để các em va vấp, trải nghiệm và học nhiều kỹ năng từ cuộc sống. Khi các em bớt được bao bọc, phải va chạm và trải nghiệm nhiều, phải đối mặt với rủi ro và sự nguy hiểm nhiều hơn, thì chắc chắn các em sẽ mạnh mẽ hơn để vươn tới thành công.

Điều này cũng giống như cách mà đại bàng dạy con tập bay: đại bàng bố mẹ đẩy con rơi xuống vực. 80% số đại bàng con sẽ bị rơi tự do, xác bị đập vào vách núi. Và số ít đại bàng con còn lại, phải nỗ lực hết sức, đập cánh để không phải chịu kết cục bi thảm. Cuối cùng, phần thưởng của chúng là trở thành chúa tể trời xanh. Cuộc sống này luôn có rất nhiều thứ khiến chúng ta áp lực, quan trọng là chúng ta phải tạo cho mình sức đề kháng thật tốt và biết cách đối mặt, vượt qua mọi khó khăn.

Vũ Thị Minh Huyền

(Tiến sĩ Vũ Thị Minh Huyền đang làm việc tại Học viện Y dược cổ truyền Việt Nam. Tác giả chia sẻ nhiều ý kiến về các khía cạnh trong xã hội)
 


© Bản quyền 2017 thuộc về Trường Đại học công nghiệp dệt may Hà Nội.
Online: 255 Tổng truy cập: 32.512.326