Trang chủ
TRƯỜNG ĐẠI HỌC CÔNG NGHIỆP DỆT MAY HÀ NỘI
PHÒNG CTHSSV - THANH TRA GIÁO DỤC

Khơi dậy khát vọng khởi nghiệp của học sinh, sinh viên

Ngày đăng: 09:52 - 24/12/2020 Lượt xem: 629

Trong hai ngày 21, 22/12, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đã tổ chức Ngày hội khởi nghiệp Quốc gia của học sinh, sinh viên năm 2020. Tới dự lễ khai mạc có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, lãnh đạo nhiều Bộ, ban, ngành, cơ quan trung ương và hàng ngàn học sinh sinh viên.

 

Các đại biểu thực hiện nghi thức khởi động Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên năm 2020

Tạo nền tảng tư duy, phương pháp để hỗ trợ HSSV khởi nghiệp sáng tạo

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ GDĐT Ngô Thị Minh cho biết, năm 2017, Thủ thướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1665/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025”. Bộ GDĐT là đơn vị chịu trách nhiệm triển khai đề án quan trọng này.

Nghị quyết Trung ương số 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo cũng xác định mục tiêu là chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học. Việc học của học sinh sinh viên theo đó sẽ “đi đôi với hành”, gắn chặt chẽ lý luận với thực tiễn...

Hỗ trợ học sinh sinh viên khởi nghiệp sáng tạo, là một trong những giải pháp quan trọng, thiết thực để triển khai hiệu quả quan điểm chỉ đạo của Trung ương. Thực hiện các nhiệm vụ mà Đảng, Chính phủ đã giao, thời gian qua, Bộ GDĐT phối hợp với các Bộ ngành trung ương và địa phương đã tích cực triển khai nhiều hoạt động, giải pháp để hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp.

“Bộ GDĐT đã, đang và sẽ tiếp tục tạo nền tảng căn bản cho các em về tư duy, phương pháp một cách toàn diện. Đây là một yếu tố mang tính căn bản, bởi muốn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thì đầu tiên tư duy, phương pháp của các em phải đổi mới. Ngành Giáo dục xác định đây là trách nhiệm, là sứ mệnh của Ngành và của các cán bộ, giáo viên”, Thứ trưởng Ngô Thị Minh nói.

Theo Thứ trưởng, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là kết quả của một tiến trình đổi mới giáo dục đào tạo từ phổ thông đến cao đẳng đại học, chứ không chỉ đơn thuần là tên gọi của một đề án hay một phong trào. Có thể như thế hoạt động này mới giữ được nguyên vẹn ý nghĩa.

Thứ trưởng Ngô Thị Minh phát biểu khai mạc Ngày hội khởi nghiệp Quốc gia của học sinh, sinh viên năm 2020

Từ năm 2018, Bộ GDĐT tổ chức Ngày hội khởi nghiệp Quốc gia của học sinh, sinh viên với trọng tâm là cuộc thi Học sinh sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp (SV- STARTUP) nhằm thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp cho người học; giúp các em thay đổi tư duy, nhận thức, dám nghĩ, dám làm và có khát vọng lớn để biến ước mơ, ý tưởng thành hiện thực. Tham dự cuộc thi, các học sinh được thể hiện ý tưởng, tìm kiếm cơ hội để biến ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo của mình thành hiện thực. Đây đồng thời là môi trường quan trọng để kết nối “3 nhà”: nhà nước - nhà trường - nhà doanh nghiệp. Với nhà nước, sản phẩm của giáo dục và đào tạo chính là nguồn nhân lực chất lượng cao; Với doanh nghiệp, đây là một sân chơi bổ ích để tìm kiếm ý tưởng/dự án mới để có thể đầu tư và mang lại lợi nhuận cho mình cũng như lợi ích cho cộng động, xã hội.

Sau 3 năm triển khai, cuộc thi đã thu hút ngày càng đông học sinh, sinh viên tham gia với các dự án chất lượng ở đa dạng lĩnh vực, ngành nghề. Năm 2018, có hơn 200  ý tưởng/dự án tham dự; năm 2019 con số này tăng lên gần 400 nhưng đến năm 2020, sau gần 5 tháng phát động, cuộc thi đã nhận được hơn 600 ý tưởng/dự án của các bạn trẻ tham dự.

Khi xây dựng ý tưởng khởi nghiệp, kinh doanh, các học sinh, sinh viên thường quan tâm đến nguồn lực tài chính, nguồn vốn ban đầu để triển khai. Vấn đề này đã và đang được được Bộ GDĐT, phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ ngành liên quan xây dựng các chính sách và hướng dẫn hỗ trợ người học. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Ngô Thị Minh, điều các bạn trẻ cần quan tâm nhất là chăm chút cho nguồn lực lớn nhất của mình - các ý tưởng sáng tạo.

“Nguồn lực lớn nhất của các bạn khi tham gia khởi nghiệp đổi mới sáng tạo chính là ý tưởng mới, là chất xám, là cái riêng có, cái độc quyền, là lợi thế to lớn nhất của các bạn. Cái các bạn cần chính là “cơ hội” để biến ước mơ thành hiện thực. Vì vậy, việc tích cực, chủ động tìm hiểu thông tin, nhất là tham gia cuộc thi Học sinh sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp sẽ mang lại nhiều cơ hội để các bạn cọ sát với những người cùng đam mê, với các doanh nghiệp và trường đại học, viện nghiên cứu. Một khi ý tưởng của các bạn lọt vào tầm ngắm của các nhà đầu tư, khi đó cơ hội thành công của các bạn lớn hơn rất nhiều so với việc chỉ tập trung vào tìm nguồn vốn. Hãy chăm chút cho ý tưởng/dự án/ sản phẩm của mình và tích cực tìm hiểu, tham gia cuộc thi”, Thứ trưởng Ngô Thị Minh nhắn nhủ.

Lãnh đạo Bộ GDĐT trong các hội thảo diễn ra sau đó đã cho biết tới đây Bộ sẽ ban hành thông tư về khởi nghiệp trong cơ sở giáo dục đào tạo, để tạo hành lang pháp lý giúp hoạt động này của học sinh sinh viên được đẩy mạnh, phát triển và đạt nhiều hiệu quả thiết thực.

Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước từ hoạt động khởi nghiệp

Phát biểu tại lễ khai mạc, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhắc lại câu chuyện đất nước những năm đầu thực hiện đổi mới (năm 1986), Hà Nội có toà nhà lớn được chọn làm Đại sứ quán Mỹ, nay đã trở nên vô cùng nhỏ bé giữa lớp lớp cao ốc mới. Với những thay đổi dễ nhận thấy đó, lãnh Chính phủ khẳng định, Việt Nam đã có bước tiến rất dài, phát triển, lớn mạnh. Việt Nam luôn duy trì tốc độ tăng trưởng trung bình liên tục cao thứ 2 thế giới. Tuy nhiên, trình độ phát triển kinh tế vẫn thua kém nhiều quốc gia do GDP bình quân trên đầu người trong nhiều năm vẫn ở mức trung bình là 130 thế giới, riêng năm nay với cách tính khác thì ở khoảng 100.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu tại lễ khai mạc

“Thế giới ngày nay giống như cuộc chạy đua việt dã, lơi lỏng một chút, bước sai một chút, có thể bị tụt lại, thậm chí là loại khỏi cuộc chơi, đặc biệt trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư”, Phó Thủ tướng nói, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc không ngừng phải đổi mới, sáng tạo, phát triển đất nước.

Báo cáo Việt Nam 2035 (công bố đầu năm 2016) nhận định, để thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, liên tục trong 20 năm tiếp theo thu nhập GDP của Việt Nam phải tăng khoảng 7,5%/năm. Đảng, Chính phủ đặt ra yêu cầu phát triển đất nước nhanh hơn, nhưng phải bền vững theo Chương trình nghị sự về phát triển bền vững 2030 của Liên Hợp Quốc mà Việt Nam đã cam kết tham gia. “Việt Nam không chấp nhận nghèo mãi nhưng cũng không mong về một xã hội có thu nhập rất cao mà không yên bình, không có tình yêu thương, không an toàn. Chúng ta phải phát triển nhanh hơn nhưng bền vững. Việt Nam hoàn toàn có thể làm được điều này vì tiềm lực đất nước còn rất lớn”, Phó Thủ tướng nói.

Để thực hiện được mục tiêu phát triển nhanh, bền vững, theo lãnh đạo Chính phủ, cần có sự tham gia, góp sức mạnh mẽ của mọi tầng lớp nhân dân, cộng đồng đất nước. Đối với quốc gia đang phát triển như Việt Nam thì ưu tiên hơn là tập trung nguồn lực, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi để các doanh nghiệp phát triển; đặc cần tìm ra, khơi dậy, tạo điều kiện để những cộng đồng doanh nghiệp start-up lớn mạnh thật nhanh, có sức bật lớn.

“Điều thứ 2 chúng ta phải chú trọng thực hiện là đổi mới giáo dục đào tạo. Tất cả các quốc gia đầu tư vào Việt Nam, tôn trọng Việt Nam đều vì tôn trọng nguồn nhân lực của đất nước ta”, Phó Thủ tướng nói và dẫn chứng về các chỉ số của giáo dục tiểu học, THCS Việt Nam đều ở mức tiệm cận các nước OECD; giáo dục đại học năm qua cũng đạt nhiều thành tựu như 4 trường lọt top 1.000 cơ sở tốt nhất thế giới...

“Phải tiếp tục đổi mới giáo dục đào tạo, đưa sáng tạo và tinh thần khởi nghiệp vào giáo dục phổ thông và trực tiếp nhất là giáo dục đại học… Chúng ta không kỳ vọng sẽ có nhiều doanh nghiệp start-up thành công trong trường phổ thông, trường đại học, nhưng qua đó chúng ta có thể khơi dậy khát vọng xây dựng và phát triển đất nước của người trẻ; giúp các em có thêm nhiều kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm hữu ích cho việc học, việc làm về sau”, Phó Thủ tướng nói.

Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Hữu Độ trao giải Nhất cho các dự án đạt giải Nhất của khối học sinh

Từ 600 dự án ở nhiều lĩnh vực gửi tới tham dự cuộc thi Học sinh sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp 2020, BTC đã chọn ra 15 dự án xuất sắc nhất toàn quốc của khối sinh viên và 10 dự án khối học sinh vào vòng tranh tài chung kết. Tại đây, các đội thi phải thuyết trình, bảo vệ trực tiếp các ý tưởng dự án của mình trước hội đồng Giám khảo là các chuyên gia kinh tế, các doanh nhân uy tín.

Chung cuộc, các học sinh đến từ Sở GDĐT tỉnh Đăk Lăk đã giành giải Nhất với dự án “Sản xuất và kinh doanh ống hút từ hạt bơ”. Giải thưởng này ở khối sinh viên được trao cho dự án “Phế phẩm nông nghiệp-tài nguyên cho giấy bao bì” của Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP HCM.

Các sinh viên đạt giải Nhất được nhận bằng khen của Bộ trưởng Bộ GDĐT; 60 triệu đồng tiền mặt; gói hỗ trợ đào tạo, hỗ trợ triển khai dự án với trị giá 115 triệu đồng và cơ hội tham gia đàm phán để nhận đầu tư số tiền 40.000 USD.

Dự án đạt giải Nhất của khối học sinh sẽ nhận được Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GDĐT và 30 triệu đồng tiền thưởng.

Trung tâm Truyền thông Giáo dục

© Bản quyền 2017 thuộc về Trường Đại học công nghiệp dệt may Hà Nội.
Online: 178 Tổng truy cập: 32.512.544