Trang chủ
TRƯỜNG ĐẠI HỌC CÔNG NGHIỆP DỆT MAY HÀ NỘI
PHÒNG CTHSSV - THANH TRA GIÁO DỤC

Tân sinh viên hối hả tìm nhà trọ

Ngày đăng: 10:27 - 16/08/2023 Lượt xem: 282
(Theo https://vnexpress.net/)
Nửa tháng rảo khắp hội nhóm cho thuê nhà trọ trên mạng với 5 lần chốt hụt, Phương Thảo quyết định về thẳng Hà Nội để tìm và chốt cọc.

Cuối tháng 7, Phương Thảo, 18 tuổi, quê Thái Bình, và ba bạn cùng lớp bắt đầu tìm nhà trọ ở Hà Nội. Cả bốn đều trúng tuyển sớm vào Đại học Ngoại thương và đều đặt nguyện vọng này. Mong muốn của nhóm là phòng rộng trên 20 m2, đủ đồ, nhà vệ sinh khép kín, có thể đi bộ tới trường, giá khoảng 2 triệu đồng mỗi người một tháng.

Thảo tham gia các hội nhóm trên mạng, mỗi ngày dành cả tiếng đọc các bài rao. Ưng ý phòng nào, em gửi ảnh và thông tin cho cả nhóm. Nếu thấy được, Thảo sẽ liên lạc với người cho thuê để xem phòng. Tuy nhiên, sau năm lần chốt hụt, Thảo nhận ra cách này không hiệu quả.
"Mỗi khi bọn em nhắn tin, hẹn lịch xem phòng thì vài tiếng sau đã được thông báo đã có người khác đặt tiền rồi", Thảo nói.

Ở TP HCM, Thu Hiền, quê Đồng Tháp, cả tuần nay vẫn chưa tìm được phòng trọ quanh khu vực Bình Thạnh, Thủ Đức để nhập học cơ sở II, Đại học Ngoại thương. Hiền ưng vài phòng ở gần trường nhưng giá cao. Chẳng hạn, phòng rộng 15 m2 kèm gác lửng được rao 3,5-5 triệu đồng một tháng, chưa kể điện nước, wifi, phí gửi xe.

"Nếu vài tháng đầu mà em chưa tìm được bạn ghép thì chi phí đội lên rất nhiều", Hiền nói.

Dù còn gần hai tuần nữa, các trường mới công bố danh sách trúng tuyển chính thức, nhiều thí sinh đã chắc chân vào đại học như Thảo, Hiền hối hả tìm nhà trọ, với mong muốn sớm tìm được phòng đẹp, giá phải chăng.

Thông tin về cho thuê phòng trọ, chung cư mini dán chật kín bảng tin rao vặt tại ngõ Trần Quốc Vượng, quận Cầu Giấy, Hà Nội, sáng 8/8. Đây là khu có nhiều trường đại học, học viện như Sư phạm Hà Nội, Báo chí và Tuyên truyền, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Ảnh: Thanh Hằng

Thanh Ngân, quản lý ở một công ty kết nối chủ trọ và người thuê tại TP HCM, cho biết giai đoạn tháng 7-9 là thời điểm thị trường phòng trọ, căn hộ cho thuê nhộn nhịp nhất do nhu cầu tìm chỗ ở của tân sinh viên.

Trong tháng 7, chỉ riêng khu vực quận 9 cũ mà Ngân quản lý, có khoảng 400-500 phòng trọ được cho thuê, tăng 50% so với tháng trước. Cô dự đoán con số sẽ tăng gấp đôi trong tháng này, bởi mới một tuần đầu tháng, nhóm của Ngân đã kết nối cho thuê được hơn 200 phòng.
Tương tự ở Hà Nội, anh Hà Trọng Hiếu, Giám đốc hệ thống nhà cho thuê với gần 300 phòng, cho biết hiện mỗi ngày có khoảng 20 tân sinh viên liên hệ. Lượt tương tác trên các kênh mạng xã hội mà hệ thống này quản lý cũng tăng gấp 2-3 lần giai đoạn trước, hầu hết là thí sinh sắp về Hà Nội nhập học.

Hệ thống của anh Hiếu hiện cung cấp ba loại phòng ở: homestay (phòng nhiều giường tầng) với mức giá dao động 1,2-1,8 triệu đồng một tháng, nhà trọ truyền thống (phòng trọ trong các hộ gia đình) vói giá 1,5-3,5 triệu và căn hộ chung cư mini loại nhỏ 4-6 triệu đồng. Theo anh Hiếu, nhà trọ truyền thống là loại phòng được các sinh viên sắp vào năm nhất quan tâm nhiều nhất.

Những người này cho hay tân sinh viên thường tìm phòng qua các hội nhóm mạng xã hội. Do chưa quen đường sá và để yên tâm hơn, các em thường nhờ người quen đến xem trực tiếp cùng rồi mới đặt cọc, đóng tiền. Tiêu chí chung là chỗ ở gần trường hoặc gần điểm xe bus, gần chợ và có sẵn đồ đạc cơ bản.

Một phòng trọ ở quận Bình Thạnh, TP HCM. Ảnh: Kim Loan
Do nhu cầu thuê tăng nhanh trong thời gian ngắn, nên việc chưa thuê được phòng như Thảo và Hiền khá phổ biến.
Đình Tùng, ở Hải Phòng, tân sinh viên trường Đại học Kinh tế quốc dân, may mắn hơn. Em đã chốt được phòng trọ rộng 35 m2, cách trường 2,5 km từ khi biết điểm chuẩn xét tuyển sớm vào đầu tháng 7.
Tùng tìm phòng qua nhóm Facebook được các anh chị cựu sinh viên Kinh tế quốc dân kết nối. Hôm 9/7, kết hợp lên Hà Nội tham dự ngày hội tư vấn tuyển sinh, Tùng xem phòng trực tiếp và đặt cọc luôn. Em sẽ ở ghép với hai người, đều là sinh viên Bách khoa và Kinh tế quốc dân, mỗi người khoảng 1,5 triệu đồng một tháng, đã gồm điện nước và phụ phí.

"Phòng ở trong ngõ bé nhưng không sâu, bác chủ nhà là công an nên em rất yên tâm. Thuê xong phòng nhẹ cả người", Tùng nói. Nam sinh cho hay chốt phòng sớm và chấp nhận mất gần hai tháng tiền thuê mà không ở, bởi nhận định tìm được phòng ưng ý, giá tốt vào tháng 9, khi sinh viên ồ ạt đổ về Hà Nội, sẽ khó khăn hơn.

Sinh viên tại túc xá Đại học Quốc gia TP HCM, tháng 3/2020. Ảnh: Quỳnh Trần
Cả nước có khoảng hai triệu sinh viên, tập trung chủ yếu ở Hà Nội và TP HCM. Số tân sinh viên đại học hàng năm khoảng 500.000. Tuy nhiên, phần lớn ký túc xá ở hai thành phố lớn đều không đáp ứng được chỗ ở.

Ông Lê Xuân Thành, Trưởng phòng Công tác chính trị - Sinh viên, trường Đại học Mỏ - Địa chất, nhận định hầu hết tân sinh viên phải tìm phòng trọ khi vào đại học. Các em thường ở ghép 2-4 người, tìm phòng gần trường, có thể nấu ăn để tiết kiệm chi phí.

Để tránh bị lừa, ông Thành khuyên các em tận dụng mối quan hệ, cố gắng thuê phòng của người quen, thông tin minh bạch, chi tiết. Khi xem phòng và ký hợp đồng, nên nhờ người lớn hoặc anh, chị đã có kinh nghiệm sống, làm việc ở thành phố đi cùng, đảm bảo giao dịch chính chủ.

"Ngoài ra, hiện các trường đều có hoạt động, hội nhóm để hỗ trợ sinh viên. Các em nên liên hệ với bộ phận tuyển sinh, công tác sinh viên của trường để được tư vấn", ông Thành nói.

Sau nhiều ngày tìm phòng mà chưa được, Thu Hiền tính chuyển hướng tìm chỗ ở ghép với những chị đã học năm thứ hai, ba. Việc này giúp em an tâm về chỗ ở hơn, không mất thời gian xem, nguy cơ bị lừa cũng giảm.

Phương Thảo định cuối tuần này cùng người thân tới Hà Nội để xem phòng trực tiếp, ưng ý sẽ xuống tiền luôn.

"Em quá mệt mỏi vì xem phòng online. Thuê được sớm sẽ yên tâm hơn để em tập trung làm việc khác", Thảo nói.
© Bản quyền 2017 thuộc về Trường Đại học công nghiệp dệt may Hà Nội.
Online: 160 Tổng truy cập: 32.512.231