Trang chủ
TRƯỜNG ĐẠI HỌC CÔNG NGHIỆP DỆT MAY HÀ NỘI
PHÒNG CTHSSV - THANH TRA GIÁO DỤC

Không kiểm định chất lượng giáo dục: Mất nhiều hơn được

Ngày đăng: 11:05 - 17/08/2021 Lượt xem: 520
 
Trường ĐH Văn Lang nhận giấy chứng nhận đạt chuẩn KĐCLGD 3 CTĐT (tháng 11/2020).Trường ĐH Văn Lang nhận giấy chứng nhận đạt chuẩn KĐCLGD 3 CTĐT (tháng 11/2020).

Báo Giáo dục & Thời đại có cuộc phỏng vấn Tiến sĩ - luật sư  Nguyễn Thị Kim Phụng, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD&ĐT) về những ảnh hưởng của trường chưa kiểm định CLGD khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GD đại học có hiệu lực.

Giới hạn quyền tự chủ

- Thưa bà, những cơ giáo dục ĐH, CĐ chưa được công nhận đạt tiêu chuẩn CLGD có bị ảnh hưởng hay giới hạn gì trong tổ chức hoạt động?

- Theo Luật GD đại học (ban hành năm 2012, được sửa đổi, bổ sung năm 2018), kết quả kiểm định chất lượng (KĐCL) GDĐH được sử dụng làm căn cứ để xác định chất lượng GDĐH, vị thế và uy tín của cơ sở GDĐH; thực hiện quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình; hỗ trợ đầu tư, giao nhiệm vụ và là căn cứ để Nhà nước và xã hội giám sát hoạt động của cơ sở GDĐH.

Đối với KĐCL cơ sở GDĐH, Luật GDĐH và các văn bản hướng dẫn có quy định giới hạn quyền tự chủ của những cơ sở GDĐH chưa được công nhận đạt chuẩn chất lượng. Đó là: Chưa được quyền tự chủ mở ngành, chưa được tự chủ liên kết đào tạo với nước ngoài, chưa được tự chủ xác định mức học phí, không được tăng chỉ tiêu tuyển sinh hơn so với năm trước…

- Theo bà, vì sao còn nhiều cơ sở GDĐH, CĐ chưa được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục trong nước?

- Trong phạm vi quan sát của tôi, có các nguyên nhân khách quan và chủ quan như sau:

Năng lực hệ thống các trung tâm kiểm định CLGD (KĐCLGD) chưa đủ để đáp ứng tốt nhu cầu kiểm định. Cả hệ thống có 5 trung tâm KĐCLGD đang hoạt động (2 Đại học Quốc gia, Đại học Đà Nẵng, ĐH Vinh và của Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam) và 2 trung tâm kiểm định CLGD tư thục mới được thành lập và đang xin phép hoạt động. Số lượng kiểm định viên có giới hạn trong khi nhu cầu của các cơ sở GDĐH cần kiểm định chất lượng khá lớn.

Ngoài ra, trong nửa đầu của chu kỳ kiểm định đầu tiên, có tình trạng các trường chưa quen với yêu cầu phải kiểm định, chưa nhận thức được sự cần thiết phải kiểm định hoặc chưa chuẩn bị kịp nên nhiều trường chưa có kế hoạch triển khai.

Đến năm 2018 - 2019, khi Luật GDĐH được ban hành và có hiệu lực, đưa kiểm định thành điều kiện của nhiều quyền tự chủ, nhiều trường đẩy mạnh kế hoạch, đăng ký kiểm định để được thực hiện các quyền tự chủ mở ngành, liên kết đào tạo với nước ngoài, tự quyết định học phí, nâng cao chỉ tiêu tuyển sinh… dẫn đến hệ thống kiểm định bị quá tải.

Bên cạnh đó, phần lớn các trung tâm KĐCLGD trực thuộc các cơ sở GDĐH đang phải thực hiện chuyển đổi Mô hình độc lập về tổ chức với cơ sở GDĐH để đáp ứng quy định của Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật GDĐH. Điều đó cũng ảnh hưởng đến tiến độ và nguồn lực thực tập trung cho kiểm định.

Cuối cùng phải kể đến một số cơ sở GDĐH vẫn chưa chuẩn bị đủ điều kiện để được kiểm định chất lượng, chưa kiện toàn hệ thống kiểm định chất lượng bên trong, hình thành văn hóa chất lượng, chưa hoàn thành báo cáo tự đánh giá theo quy định của pháp luật hiện hành.

Tiến sĩ - luật sư Nguyễn Thị Kim Phụng.

Hoàn thiện pháp luật về kiểm định

- Một số cơ sở GDĐH không tham gia KĐCLGD trong nước mà tham gia vào tổ chức KĐCLGD nước ngoài. Điều này có bảo đảm chất lượng?

- Luật GDĐH quy định quyền của các cơ sở GDĐH được lựa chọn tổ chức KĐCLGD trong số các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận để kiểm định chất lượng cơ sở GDĐH và chương trình đào tạo.

Để được hoạt động KĐCLGD tại Việt Nam, tổ chức kiểm định phải chứng minh tư cách pháp lý, năng lực và kinh nghiệm hoạt động… mới được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ra quyết định công nhận. Nếu vi pham sẽ bị thu hồi quyết định công nhận hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục ở Việt Nam, nên hoạt động và kết quả kiểm định của các tổ chức này đảm bảo tin cậy.

Trong bối cảnh năng lực của các tổ chức kiểm định tại Việt Nam còn chưa đủ để đáp ứng nhu cầu kiểm định của các cơ sở GDĐH, việc sử dụng các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nước ngoài, với sự quản lý và cấp phép như trên là phù hợp.

Hơn nữa, khi cơ sở GDĐH và chương trình đào tạo được kiểm định bởi các tổ chức kiểm định uy tín của nước ngoài sẽ giúp cho hoạt động hợp tác quốc tế, quốc tế hóa GDĐH, trao đổi học thuật quốc tế… diễn ra thuận lợi hơn; văn bằng của sinh viên tốt nghiệp tại Việt Nam được thừa nhận rộng hơn tại nước ngoài.

- Để tăng cường hoạt động kiểm định chất lượng GDĐH, theo bà cần yếu tố gì?

- Trước hết, cần sớm sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các chính sách, văn bản dưới luật về kiểm định chất lượng cơ sở GDĐH và chương trình đào tạo phù hợp với những quy định mới của Luật GDĐH và đồng bộ với các văn bản mới được ban hành (Quy chế đào tạo các trình độ của GDĐH, chuẩn chương trình đào tạo…), tạo cơ sở vững chắc để phát triển hệ thống kiểm định chất lượng GDĐH ở Việt Nam.

Tích cực thực hiện mục tiêu về KĐCL GDĐH theo Quyết định số 69/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; trong đó, đặc biệt là xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo đảm và kiểm định chất lượng GDĐH để có cơ sở quản lý chất lượng hệ thống và xây dựng chính sách về kiểm định; minh bạch thông tin để xã hội và người học giám sát, tạo sự cạnh tranh nâng cao chất lượng trong toàn hệ thống GDĐH.

Sớm xây dựng được khung bảo đảm chất lượng GDĐH (Quality Assurance Frameworks). Khung này sẽ đồng bộ với Khung trình độ quốc gia Việt Nam và các quy định, quy chế về mở ngành, chuẩn chương trình các trình độ GDĐH, chuẩn cơ sở GDĐH; về liên kết đào tạo với nước ngoài, đào tạo các trình độ của GDĐH ...

Phát triển văn hóa chất lượng, đặc biệt là quy định trách nhiệm thực hiện bảo đảm chất lượng đến từng cán bộ, giảng viên… nâng cao ý thức thực hiện bảo đảm chất lượng bên trong (IQA) của các cơ sở GDĐH, bao phủ cả ba hoạt động cơ bản là đào tạo, nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng.

Đẩy mạnh việc nâng cao năng lực, đào tạo bồi dưỡng cán bộ làm công tác bảo đảm chất lượng tại các cơ sở GDĐH; nâng cao chất lượng, mở rộng quy mô tổ chức thi sát hạch cấp thẻ kiểm định viên để tăng số lượng người đạt tiêu chuẩn, giúp bảo đảm cân đối cung và cầu trong hoạt động KĐCLGD cơ sở và chương trình đào tạo.

- Xin trân trọng cám ơn bà!


© Bản quyền 2017 thuộc về Trường Đại học công nghiệp dệt may Hà Nội.
Online: 164 Tổng truy cập: 32.512.392